ĐSCT – Dự án Nhiều bất cập và những lạc quan tếu

Mùa hè năm nay oi bức khác thường, phần thì do thời tiết khắc nghiệt ít mưa, phần thì do điện lực hay cúp điện. Ngoài ra, dự án Đường sắt cao tốc (ĐSCT) cũng đang góp phần hâm nóng dư luận trong nước. Khiến cho cái nóng bức mùa hè càng thêm ngột ngạt. Đại dự án ĐSCT – một giấc mơ Việt Nam – có thể làm thay đổi bộ mặt lạc hậu chậm tiến của đất nước.

Đến nay, vẫn còn quá sớm để biết Quốc hội có “đồng thuận bấm nút” hay không. Và cũng còn quá sớm để thấy được sự thành công tốt đẹp của siêu dự án này. Bởi vì, phải chờ đến 25-30 năm sau, khi những người đề xuất siêu dự án này không còn trên dương thế mới biết được kết quả của nó.

Tuy nhiên, không quá khó khăn để nhận ra, để báo trước là đại dự án này sẽ khó thành công. Và cũng không cần phải là “chuyên gia, viện sĩ” ..hay những gì cao siêu mới thấy được điều này. Bởi vì, đại dự án này có quá nhiều “bất cập” cùng những sự “lạc quan tếu” của những người “thích đùa”!

Những bất cập…..

Thứ nhất. Xem thường Quốc hội. Hiến Pháp ghi rõ “Quốc hội là Cơ quan quyền lực cao nhất”. Trong chuyến thăm Nhật vào tháng Tư vừa qua, ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã nói với các quan chức Nhật Bản rằng “Việt Nam sẽ thông qua chủ trương xây dựng hệ thống Shinkansen 1.500 km nối Thủ đô với thành phố lớn nhất nước – TP HC.” (1).

Vậy thì, ông Phúc là người quyết định chứ đâu phải là QH!

Thứ hai. Không có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ càng khi lập báo cáo. Theo lời ông TGĐ Tổng Công ty ĐSVN Nguyễn Hữu Bằng “Báo cáo tiền khả thi là vô cùng quan trọng để làm cơ sở xin ý kiến về chủ trương nhưng đây là lần đầu chúng tôi trình một dự án ra Quốc hội nên chưa có kinh nghiệm”(2).

Vậy thì, những con số 56 tỉ USD, hoàn thành sau 25 năm, có lợi, có lãi… đáng tin được mấy phần? Cũng theo lời ông Bằng “Còn nếu để chở hàng thì đã có đường biển. Với bờ biển chạy dọc theo chiều dài đất nước, việc vận chuyển hàng hóa phải thuộc về đường biển chứ không phải là đường sắt”.

Đường biển chỉ thuận lợi khi nhiều hàng nặng và không đặt nặng vấn đề thời gian. Hơn nữa, vận tải đường biển cần cảng sâu để lên xuống hàng. Việt Nam tuy có bờ biển dài nhưng không có nhiều cảng để lên xuống hàng hóa. Do vậy, vận tải đường sắt vẫn là phương tiện hữu ích. Ngoài ra, không ai muốn đi Sài Gòn – Hà Nội mà phải gởi 200kg hành lý bằng đường biển.

Thứ ba. Lợi ích kinh tế. Theo lời ông Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng thì “Trong báo cáo trình Quốc hội, chúng tôi đã phân tích hiệu quả kinh tế xã hội và kinh tế tài chính. Có thể nói rằng, hiệu quả kinh tế đơn thuần thì không cao song dự án có thế lấy thu bù chi, hoàn trả được vốn. Ngoài ra, hiệu quả ở đây cần xét trên yếu tố cộng đồng”! (3).

Một dự án 56 tỉ đô la mà hiệu quả kinh tế không cao thì tại sao phải làm? Bởi vì, người nghèo không có điều kiện đi ĐSCT. Vậy thì, ĐSCT làm ra chỉ phục vụ người có tiền, người giàu. Mà dự án lại không đem lại hiệu quả kinh tế, thì Chính phủ lấy tiền đâu để nâng cao đời sống của người nghèo? Giàu nghèo đều đóng thuế, đều là công dân của xã hội. Đầu tư cả hàng mấy chục tỉ đô la để phục vụ người giàu thì có công bằng hay không? Trong khi đó, nợ quốc gia thì chia đều. Điều này có quá bất công hay không? Yếu tố “cộng đồng” ở đây là yếu tố gì và cho “cộng đồng” nào?

Thứ tư. Một dự án mập mờ. Chính phủ chỉ muốn Quốc hội “thông qua” dù báo cáo không rõ ràng, đầy đủ để các đại biểu có thể thấy được những lợi, hại, khó khăn của dự án. Vậy thì, Quốc hội dựa vào cái gì, điểm nào để đánh giá dự án này là nên làm hay cần làm? Như vậy, có phải Chính phủ đang muốn “giấu” Quốc hội, giấu các vị đại biểu đáng kính đại diện cho Nhân Dân hay không?

Với những “luận điệu” “Cha mẹ chưa cho phép cưới thì chưa bàn chuyện gì xa hơn” thì rõ ràng cái siêu dự án ĐSCT khó mà thành công! Việt Nam là một quốc gia. Dự án ĐSCT là một siêu dự án – một Giấc Mơ Việt Nam – một quyết định có thể đưa Việt Nam vươn ra thế giới mà cũng có thể nhấn chìm Việt Nam trong nợ nần, phá sản. Còn QH là một Cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia. Chứ không đơn thuần là một mái ấm gia đình của ai đó.Tuy nhiên, tôi là một người dễ tính. Vậy xin được hỏi vị dân chi phụ mẫu kia rằng.

– Sau khi ông bà Thứ trưởng cho phép con trai (hay con gái) của ông lập gia đình, thằng con trai của ông bảo rằng “Con cưới cave”. Còn con gái thì bảo “Con cưới anh bán thuốc lắc”!

Ông bà Thứ trưởng có “đồng thuận” cho con ông lập gia đình hay không?

Thứ năm. Địa hình dân cư. Dân cư Việt Nam trải dài theo cả nước. Nếu Sài Gòn cách Hà Nội vài trăm cây số thì ĐSCT có cơ hội thành công cao. Bởi vì, người ở Sài Gòn đi về, làm việc trong ngày ở Hà Nội và ngược lại. Còn thực tế thì sao? Hiện nay, người dân ở những tỉnh thành đổ về Hà Nội hoặc là Sài Gòn để kiếm việc làm. Do vậy, ĐSCT phải rài khắp miền đất nước. Giá vé từ đó sẽ cao, phải cao. Và cũng không ai có thể ở tỉnh mà đi làm việc ở Thủ đô hàng ngày vì không có tiền mua vé – trừ những người “lương” ít mà “lậu” nhiều mới kham nổi.

Thứ sáu. Ý kiến người dâđ Đại biểu Quốc hội thì “ĐSCT là giấc mơ của người dân”. Thử hỏi, đến hôm nay đã có cơ quan nào của Chính phủ thử làm một “trưng cầu dân ý” hay chưa? Đã có vị đại biểu QH nào tổ chức gặp cử tri của mình để hỏi ý kiến, nguyện vọng của họ hay chưa? Một siêu dự án chiếm đến hơn một nửa GDP của đất nước mà người dân không được tham gia ý kiến thì quả là bất cập.

Và những lạc quan tếu…

“Dự án đón đầu… đến đó thu nhập đầu người 3.000USD/năm”! Xin thưa là không cần đứng chờ 25-30 năm để đón đầu làm gì. Hãy nói ngay bây giờ. Cứ cho là ngay bây giờ chúng ta có phép “nhiệm màu” nào đó. Chỉ cần “nhắm mắt” rồi mở mắt thì chúng ta đã có ĐSCT và thu nhập 3.000USD/Năm! 3.000USD chia cho 12 tháng thì một tháng nhận được 250USD. Chưa trừ thuế đóng cho Nhà nước hay thuế đóng cho vợ, hay cho mèo, đào, ghẹ, hay cave… và vũng chưa tính tiền ăn trưa… Dưới đây là bảng giá vé của hãng Hàng Không Việt Nam. Từ Nha Trang đi Sài Gòn là 650.000 đồng (36USD)  – giá một chiều và là giá rẻ nhất. Nếu giá vé ĐSCT bằng 75% của giá vé máy bay thì giá vé ĐSCT từ Nha Trang đi Sài Gòn là 487.500 đồng (27USD). Đi về vị chi là 54USD. Một tháng làm 250USD mà tiền vé ĐSCT một ngày tốn hết 54USD (1.080USD/tháng) thì có mà đi khai phá sản!

Vậy thì, tạm cho giá vé ĐSCT từ Phan Thiết đi Sài Gòn tốn chừng 5USD/ngày – giá khứ hồi. Một người ở Phan Thiết đi làm ở Sài Gòn tốn 25USD cho một tuần làm việc – tính theo lịch làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu. Một năm đi làm 46 tuần sau khi trừ 6 tuần nghỉ lễ. 46 tuần x 25USD = 1150 USD tiền vé cho ĐSCT. Có ai dám bỏ ra hơn 1/3 tiền lương của mình để đi lại hàng ngày hay không? Và liệu giá vé 5USD thì ĐSCT có đủ trả tiền bảo quản, lương bổng cho nhân viên hay không? Những câu hỏi mà không cần trả lời vì nó quá rõ ràng.

“Đi ngay vào hiện đại…” Nói vậy thì một người giàu có trả hai chục triệu đô la để được Nga đưa vào vũ trụ thì ông ta trở thành Phi hành gia? Một đất nước hiện đại được đánh giá qua giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng đô thị, bộ máy chính quyền, phúc lợi xã hội của người dân, thượng tôn pháp luật v.v. Giáo dục thì phải tốt. Đào tạo được người tài. Y tế thì phải cao. Nghiên cứu thuốc để trị được những bệnh hiểm nghèo. Mỗi bệnh nhân nằm một giường. Cơ sở hạ tầng đô thị không úng nước, không bụi bặm, không bị dây điện chằng chịt. Bộ máy chính quyền thì ít tham nhũng. Trọng dụng người có thực tài. Hạn chế quan liêu hành chính để chống lãng phí. Phúc lợi xã hội thì cao. Người nghèo được học miễn phí. Thượng tôn Pháp luật thì từ các quan chức Chính phủ đến người dân thường phải hành xử theo Luật pháp. Người làm quan chức không nên dựa thế ỷ quyền để làm gương cho người dân. Biết tự trọng và liêm sĩ để tránh những việc xấu xa như “hoa hồng PCI”, “hoa hồng tiền polymer”, hay sang tận Venezuela để vận động chính phủ nước này in tiền polymer để được hoa hồng.

Con số 56 tỉ USD. Theo ông TGĐ Bằng thì “chưa có kinh nghiệm làm báo cáo tiền khả thi…”! Vậy thì, con số 56 chỉ là con số ảo. Khi làm xong, dự án ĐSCT sẽ cả trăm tỉ USD hoặc hơn. Bởi lẽ, bên Nhật (hay Tàu) chưa chắc hay dại gì nói con số thật. Để các “chú” bắt tay vào làm đã chứ. Lúc đó lưỡi câu đã móc. Muốn nhả cũng không được. Hơn nữa, còn lạm phát, thất thoát tiêu cực v.v. Chỉ tính 10% hoa hồng là người dân Việt Nam đã mất hơn 5 tỉ USD rồi. Bài học nhãn tiền. Vụ bauxite Tây Nguyên. Một dự án mà theo lời các vị dân chi phụ mẫu là “được bàn thảo kỹ lưỡng…”! Nhưng đến nay thì một trong hai nhà máy vẫn chưa xây dựng vì còn đang “thương thảo, đàm phán”! Mà giá thành của hai nhà máy này đâu phải dễ chịu. Từ dưới 400 triệu USD và chưa được vài năm, dự án bauxite phi mã một cú trên 30% để lên đến 500 triệu USD. Vậy thì, 20-30 năm là một thời gian quá dài để mơ mộng giữ được con số 56 tỉ USD để có được một ĐSCT “hiện đại”!

NT

(1)                      http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Quoc-te/2010/05/3BA1C5F8/

(2)                      http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/06/3BA1CA80/

(3)                      http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/05/3BA1C123/

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in giao thông. Bookmark the permalink.