Quốc hội hãy biểu quyết luật an ninh mạng bằng “tư duy 4.0”

Huy Đức

Tuy ảnh hưởng của Dự luật An Ninh Mạng lên sự phát triển của đất nước có thể còn sâu sắc hơn Dự luật Đặc khu, khả năng rất cao là nó vẫn được đưa ra bỏ phiếu trong ngày 12-6-2018. Nhưng, có lẽ vì nó quá chuyên ngành và mối đe doạ không dễ tạo ra “nhận thức chung” như đất đai, lãnh thổ. Nên, Dự luật này đã không sớm nhận được sự phản ứng đông đảo và không được các tổ chức có ảnh hưởng chính trị lớn như Hội Cựu Chiến binh lên tiếng.

 

Đặc biệt, nhiều nỗ lực góp ý cho Dự luật một cách xây dựng trên báo chí chính thống đều gần như bị dập tắt. Một số chuyên gia, nhà báo phải chịu đựng rất nhiều áp lực, kể cả người viết bài này.

Một số nhà lãnh đạo QH gần đây mới tiếp cận được các ý kiến tâm huyết, hiểu những thiếu sót của Dự luật, nhưng quy trình trì hoãn nó cần một tiếng nói từ Chính phủ, trong khi Bộ TT & TT thì đang “bối rối”, Thủ tướng thì đang ở Canada. Trách nhiệm lịch sử đang nằm trong tay các đại biểu. Mong các vị hiểu, không chỉ thông qua một luật tốt mà bác một dự luật có vấn đề cũng được cử tri coi là “thành tích lập pháp”.

Tôi hiểu tâm lý của nhiều đại biểu, đặc biệt, những đại biểu đồng thời đang là thành viên chính phủ hay lãnh đạo địa phương. Quý vị cũng không dễ chịu gì khi chỉ vì lỡ lời đã bị mạng xã hội (MXH) nặng nề chỉ trích. Nhưng, nếu lắng nghe và dần dần điều chỉnh, quý vị sẽ nhận thấy, chính MXH đã cung cấp cho quý vị một môi trường đủ khắc nghiệt để quý vị trở thành những chính trị gia.

Một chính sách không thể nào đi vào cuộc sống nếu nó không thuyết phục được dân chúng. Làm chính sách mà đe doạ các nỗ lực phản biệt của xã hội thì chính sách đó nếu không đưa đất nước quay về thời kỳ nghèo nàn lạc hậu cũng sẽ bị lịch sử đào thải.

Tôi rất ít khi trích dẫn tiền nhân nhưng tôi nghĩ những tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất có ý nghĩa với quý vị; ông từng nói, “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Nếu QH làm luật mà trên tinh thần ấy, chắc chắn sẽ không có những điều luật trong BLHS với cái gọi là “tuyên truyền chống nhà nước”.

Nhưng, người dân tuy đang phải chấp nhận những chế tài đó thì với luật pháp hiện hành, một người chỉ có thể coi là “tuyên truyền chống nhà nước” khi có một bản án có hiệu lực của toà. Dự thảo Luật này trao nhiều quyền cho các cán bộ công an. Một số vị trong QH có thể sử dụng quyền này để gây sức ép gỡ bỏ những bài viết chỉ trích mình nhưng điều đó chỉ làm cho quý vị thêm lộng quyền, dấn sâu, lâu dần thành “củi”. Về lâu dài, nó còn tác động lên người thân và chính bản thân quý vị [tin tôi đi, rồi có lúc quý vị muốn lên tiếng và chợt nhận ra “quyền được mở miệng” đã bị chính mình bịt lại].

Nếu Dự luật được thông qua, thì ngay trong lĩnh vực “tư tưởng văn hoá” sẽ phải đối diện với nguy cơ “công an trị” thay vì tuyên giáo. Chính Hồ Chí Minh – người khai sinh Chế độ – đã nói rằng, “Nước có độc lập mà dân không có tự do thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa”. Công cuộc Đổi Mới bắt đầu từ 1986 về bản chất là từng bước trao quyền tự do cho dân. Thoạt tiên là quyền tự kiếm lấy cơm ăn, quyền đi lại… và giờ đây là quyền được nói trên không gian mạng.

Có internet, chế độ bị chỉ trích rất nặng nề, nhưng như quý vị thấy đấy, Chính quyền chỉ ngày càng mạnh lên chứ không yếu đi. Vì, quan chức lạm quyền là bị dân kêu, tham nhũng có thể bị dân tố cáo. Tôi biết, nhiều người trong quý vị cũng có vấn đề nhưng tôi tin, đa số cũng mong những kẻ quá xấu xa bị vạch mặt chỉ tên (trên báo hay trên MXH).

Không chỉ trong lĩnh vực “tư tưởng văn hoá”, dự luật này trao quyền can thiệp của Công an gần như trong mọi hoạt động trên không gian mạng. Nếu nó được thông qua, theo các chuyên gia, còn “gây khó khăn cho cả việc phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử, công nghiệp nội dung số, làm mất cơ hội phát triển kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam”.

Để ngăn chặn các nguy cơ trên mạng không thể nào chỉ sử dụng bộ máy công an và không thể chỉ là những nỗ lực của từng quốc gia đơn lẻ. Và, anh không thể lựa chọn phương thức tự vệ hữu hiệu nhất – hợp tác quốc tế – một khi anh hạn chế người dân của anh tiếp cận với các giá trị phổ quát mà VN cam kết.

Dự luật này là sáng kiến của Bộ Công an từ thời đại tướng Trần Đại Quang. Tôi, với tư cách là cử tri tại đơn vị ông ứng cử, rất muốn thấy ông nghĩ đến các di sản chính trị của mình. Công đức không chỉ đặt ở các đình chùa mà chủ yếu phải đặt ở trong dân.

Nhiều nhà ngoại giao phương Tây có ấn tượng tốt khi gặp thượng tướng Tô Lâm. Họ tìm thấy ở ông tư chất của một chính khách hơn là một sỹ quan công an thuần tuý. Tuy khá “shock” sau vụ TXT nhưng đó vẫn là điều mà họ có thể giải thích. Nhiều người rất ngạc nhiên khi BCA tiếp tục thiết kế Dự luật như vậy. Trong con mắt của nhiều nhà ngoại giao châu Âu đang vận động cho việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do VN-EU, thì Dự luật này là bước lùi rất lớn về cải cách. Và nó có thể gây hiệu ứng tiêu cực không kém gì vụ TXT cho quan hệ ngoại giao với châu Âu.

An ninh mạng là một vấn đề cần thiết, nhưng giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là con người, công nghệ và hợp tác quốc tế. Nguy cơ tin giả xuất hiện trên MXH là có thật nhưng Chế độ đang có trong tay hơn một nghìn tờ báo. Tôi chia sẻ những lo ngại của quý vị về “tuyên truyền chống nhà nước” xuất hiện trên MXH. Nhưng BLHS đang có quá nhiều tội danh ngăn chặn các hành vi thậm chí mới chỉ ở mức thực thi quyền được nói.

Chủ quyền là sức mạnh của mọi quốc gia. Tuy nhiên chủ quyền của một quốc gia trong không gian mạng không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ. Kéo không gian mạng vào bên trong đường biên giới quốc gia là thất bại. Chủ quyền quốc gia trong thời đại ngày nay cũng không chỉ được xác lập bằng các cột bê tông mà còn là những giá trị mà người VN đóng góp. “Cách mạng 4.0” mà quý vị vẫn thường nói chỉ có thể thực hiện trên nền tảng tự do. Kinh tế số, cách mạng 4.0 không bao giờ có thể manh nha khi bóng dáng “còng số 8” cứ thấp thoáng trong máy tính.

Những người thực sự hiểu biết về an ninh mạng, kinh tế số trong Chính phủ, trong UBTV QH nên dành thời gian để cân nhắc thêm. QH vẫn còn những ngày trống do Luật Đặc khu đã hoãn. Nếu Dự luật An Ninh Mạng vẫn phải đưa ra biểu quyết, xin quý vị hãy bấm nút bằng “tư duy 4.0”. Tương lai con cháu đang ở trong tay quý vị. Đừng để các tuyên bố về tự do chỉ dừng lại trong những ngôn từ sáo rỗng.

H.Đ.

Nguồn: FB Truong Huy San

This entry was posted in an ninh mạng, Pháp Luật, quốc hội. Bookmark the permalink.