Thiền Lâm
Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội phản ánh quá nhiều chuyện đáng chú ý (mà phần lớn là đáng buồn cho thế sự Việt Nam). Người ta đang tập trung bàn về vụ “thu phí-thu giá” BOT và vụ truy tố Bác sỹ Hoàng Công Lương ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Vì vậy, có người bỗng thấy hồ nghi và lo ngại, cho rằng: hay là “hệ thống” của nhà cầm quyền cố tình gây ra những việc trái tai gai mắt ấy để đánh lạc hướng dư luận, để xao nhãng các vụ việc trọng tâm hơn như vụ Thủ Thiêm và vụ bán đất bán nước qua chiêu “đặc khu kinh tế – hành chính”? Hồ nghi đó chẳng biết đúng sai thế nào. Chuyện đặc khu kinh tế thì nguy cơ là rõ ràng nhưng còn là chyện ở thì tương lai, thôi thì tạm thời hãy nấn ná được. Cho nên, với trách nhiệm công dân, hẳn trong tâm lý mọi người đều dồn vào một quyết tâm: không thể để “vụ Thủ Thiêm” rơi vào quên lãng, mặc cho ông Trọng vừa mấy hôm trước rêu rao “lò rực cháy” thì báo chí trong vòng ít ngày, sau một cơn lên đồng hưng phấn, gần đây lại có dấu hiệu… “lửa tàn”.
Bauxite Việt Nam
Cứ nhìn qua nội dung báo cáo của chính quyền TP HCM cho Chính phủ về vụ Thủ Thiêm thì không khó để hình dung ra vụ việc chấn động xã hội này đang tiến đến tương lai ‘đầu voi đuôi chuột’ và ‘đánh chuột sợ vỡ bình’.
Vào đầu kỳ họp Quốc hội đang diễn ra trong tháng Năm năm 2018, bản báo cáo trên, được thông tin bởi báo Người Lao động, đã hoàn toàn không giải thích thỏa đáng về những dấu hỏi rất lớn mà dư luận xã hội và báo chí công phẫn nêu ra trong tuẩn đầu tháng Năm. Bản báo cáo này cũng không thừa nhận bất kỳ cái sai nào thuộc về trách nhiệm của đảng bộ và chính quyền TP HCM, mà chỉ thòng một câu “UBND TP đang xem xét, trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Như vậy, toàn bộ vụ Thủ Thiêm đang phụ thuộc vào kết quả của Thanh tra chính phủ. Kết quả này có thể được công bố vào tháng Sáu tới, nhưng xem ra không mấy hy vọng sẽ làm rõ vô số khuất tất trong vụ này.
Vào trung tuần tháng Năm năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc họp Chính phủ và cũng đã giao trách nhiệm thanh tra cho Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên trong kết luận chỉ đạo của mình, Thủ tướng Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch khu độ thị mới Thủ Thiêm vào năm 1996 và một quyết định bị xem là ký vượt quyền của Phó chủ tịch chính quyền TP HCM Nguyễn Văn Đua vào năm 2005 khi ‘thay thế’ Quyết định 367 trên. Ông Phúc cũng tỏ thái độ rất lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền TP HCM, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 ha đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ.
Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc lại chỉ dùng từ ‘sai sót’ đối với trách nhiệm của giới quan chức TP HCM, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng…
Như vậy, có thể nhận ra đã có một sự đồng pha như thể cố ý giữa kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Phúc và báo cáo giải trình của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh về vụ Thủ Thiêm.
Sau vô số tiếng khóc xé ruột của người dân Thủ Thiêm, dư luận đang rất nghi ngờ về việc liệu đã có một ý đồ toa rập giữa chính quyền TP HCM, mà cụ thể là của nhóm lợi ích ‘ăn đất’ Thủ Thiêm và những quan chức lãnh đạo đương nhiệm của thành phố này, với các cơ quan Chính phủ và với đích thân Thủ tướng Phúc, để dẫn đến những kết luận của ông Phúc như muốn cho vụ việc này chìm xuồng?
Ngay trước đó, có đồn đoán cho biết có dấu hiệu chính quyền TP HCM xin trung ương ‘xử lý nội bộ’. Cùng lúc, có tin Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng đã chỉ đạo báo chí ngừng đăng bài về vụ này.
Trong thực tế, vào tuần đầu tiên của tháng Năm năm 2018 đã xảy ra hiện tượng các tờ báo nhà nước được bật đèn xanh và do đó được ‘mở miệng’ gần như không hạn chế và một vài facebooker ẩn danh liên tiếp tung bài ‘đánh’ phe nhóm Lê Thanh Hải.
Đã có những tờ báo chỉ mặt điểm tên các quan chức đứng đầu bảng về liên đới trách nhiệm phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm trong quá khứ: Nguyễn Văn Đua – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM, Lê Thanh Hải – Chủ tịch TP HCM và sau đó là Bí thư Thành ủy TP HCM.
Nguyễn Văn Đua bị ‘tố’ là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của Thủ tướng chính phủ.
Vụ giải tỏa Thủ Thiêm diễn ra trong suốt chiều dài thời gian mà Lê Thanh Hải đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch TP HCM (2001-2006) và 2 nhiệm kỳ liên tiếp giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM (2006-2015).
Lê Thanh Hải lại là quan chức bị dân oan Thủ Thiêm tố cáo ghê gớm nhất về ‘cướp đất vàng’ ở Thủ Thiêm. Vào thời đó, người được xem là ‘đệ tử ruột’ của ông Hải là Tất Thành Cang là Bí thư quận 2 đã có nhiều biểu hiện tiếp tay rất đắc lực cho các nhóm lợi ích để cưỡng chế đẩy đuổi dân nghèo Thủ Thiêm ra khỏi mảnh đất duy nhất của họ.
Thủ Thiêm là một khu vực được giới bất động sản Sài Gòn xem là cực kỳ đắc địa, là khu ‘đất vàng’ chỉ cách khu trung tâm quận Nhất có ba trăm thước bề rộng mặt sông Sài Gòn. Vào thời điểm công bố đền bù lần đầu tiên cho dân, giá đền bù chỉ từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một thước vuông đất, trong khi giá thị trường khi đó đã lên đến vài ba chục triệu đồng một thước vuông. Còn hiện thời, giá thị trường năm 2018 đã vọt đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi thước vuông đất ở Thủ Thiêm. Với mức giá đó và ứng với khoảng 140 ha đất giải tỏa lố – mà hoàn toàn có thể xem là ‘giải tỏa ăn cướp’, các doanh nghiệp đầu tư vào khu đô thị Thủ Thiêm và giới quan chức ăn theo có thể thu lời ngay cho riêng tiền chênh lệch đất ít nhất 140 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 6 tỷ USD!
Nhưng sang tuần tiếp theo của tháng Năm đã xảy ra một hiện tượng kỳ lạ: cũng báo chí nhà nước và cũng những tờ báo vừa lên tiếng mạnh mẽ nhất về vụ Thủ Thiêm, đã im bặt như thể bị ai đó khóa miệng.
Một lần nữa kể từ sau vụ Formosa, ‘nền báo chí cách mạng’ cùng hơn 800 tờ báo như thể bị một cái bạt tai ‘rọ mõm’.
Phải chăng sau một thời gian làm đình đám và muốn ‘đốt lò’ vụ Thủ Thiêm, Nguyễn Phú Trọng lại phát hiện ra vụ này liên đới quá nhiều quan chức, không chỉ quan chức đã về hưu mà cả những quan chức đương nhiệm và còn là quan chức cao cấp, nên ông Trọng đã phải vội vã cho Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo báo chí ‘câm miệng’, còn ‘lò’ tạm ngừng hoạt động và đang tính toán lại làm sao để ‘đập chuột nhưng không vỡ bình’?
T.L.
VNTB gửi BVN