Thảo Vy – Đức Việt
Để trả lời câu hỏi này, trước tiên phải trả lời câu hỏi “Công đoàn Việt Nam vì Đảng, hay vì người lao động?
Về lý thuyết, tổ chức công đoàn cơ sở sẽ có trách nhiệm giúp người lao động “về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động” (Điều 10, Luật Công đoàn).
Công nhân mỏ Việt Nam.
Thế nhưng trên thực tế thì công đoàn ở Việt Nam là cánh tay nối dài của Đảng và Nhà nước trong việc “vơ vét” thêm các nguồn tiền của chủ doanh nghiệp lẫn người lao động.
Công đoàn ở Việt Nam là một tổ chức chính trị thuộc Đảng
Trực tiếp quản lý tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (tham khảo văn bản tại http://bit.ly/2HwGaLv)
“Công đoàn là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Ngay Điều 1 của Luật Công đoàn đã viết rõ như vậy. Theo đó, tổ chức công đoàn tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật về kinh tế – xã hội, lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và chính sách, pháp luật khác liên quan đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động. (Điều 11, Luật Công đoàn).
Các nội dung của Luật Công đoàn 2012 như nói ở trên, dường như tiếp tục lầm tưởng rằng công đoàn chỉ xuất hiện khi người công nhân cần đấu tranh chính trị với giới chủ. Khái niệm công đoàn tiếp tục được hiểu và gắn với các cuộc biểu tình, bãi công, lãn công, những vụ đập phá máy móc… Sau khi Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ, công đoàn còn được nhiều người xem như một tổ chức chính trị, một chính đảng tranh giành quyền lực – xuất phát từ sự thành công trong phong trào dân sự của Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarność) của Ba Lan.
Chính cách hiểu của “công đoàn thời chiến”, của ý thức hệ giai cấp nên Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục cố gắng “đồng bộ hóa” tổ chức công đoàn của người công nhân, đặt dưới sự lãnh đạo của một tổ chức trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một tổ chức đặt dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Chưa ai thực sự đánh giá một cách khách quan và toàn diện về hiệu quả hoạt động của hệ thống công đoàn đó, nhưng trong thực tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mang dáng dấp của một cơ quan nhà nước nhiều hơn là hình ảnh một tổ chức đại diện cho người lao động.
Công đoàn Việt Nam vì Đảng, chứ không vì người lao động?
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn khẳng định rằng đây là tổ chức có tính độc lập.
“Tính độc lập về mặt tổ chức của Công đoàn có nghĩa là: Công đoàn xây dựng tổ chức và hoạt động phù hợp với điều lệ của tổ chức Công đoàn Việt Nam trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp. Cần tránh nhận thức sai lầm về sự lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn là sự can thiệp trực tiếp của Đảng vào công việc của Công đoàn. Đảng không gán ghép cán bộ của Đảng làm công tác Công đoàn, mà Đảng chỉ giới thiệu những Đảng viên tốt để Đại hội Công đoàn lựa chọn và bầu vào các cương vị lănh đạo Công đoàn. Đồng thời không được đồng nhất tính độc lập về mặt tổ chức của Công đoàn với sự “biệt lập”, “trung lập”, “đối lập”, “tách biệt” của Công đoàn với Đảng dẫn đến xa rời sự lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn; Nếu nhằm lẫn sẽ dẫn đến sự lệch lạc mục tiêu hoạt động và không còn đúng bản chất của Công đoàn cách mạng.
Đảng kiểm tra Công đoàn thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng”. (Trích chức năng, nhiệm vụ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,http://bit.ly/2JzsCLO)
Lập luận dông dài được trích dẫn nói trên chỉ nhằm đến mỗi một ý: Nhân sự của tổ chức công đoàn do Đảng cấp trên đề cử để các đảng viên cấp dưới – ở đây là tổ chức công đoàn, được tự do bầu chọn miễn sao là theo đúng như ý của Đảng đặt ra.
Thời sự hiện nay đối với người lao động là chuyện Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội tiếp tục đưa ra đề xuất tăng tuổi hưu. Trên diễn đàn Quốc hội và trên trang web của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đều không thấy tiếng nói phản biện của tổ chức này, mà chỉ có tiếng nói đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó trên báo chí và nhiều diễn đàn dân sự, gần như ý kiến được ghi nhận từ người lao động lẫn các chuyên gia quản trị hành chính công, đều phản đối đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu mà liên tiếp hai đời bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra.
Công đoàn như một nhu cầu tự thân
Nhìn lại lịch sử, tổ chức công đoàn không nhất thiết xuất phát từ một nhu cầu chính trị của công nhân, mà nó xuất phát từ nhu cầu dân sự, quyền được liên kết với nhau vì mục đích chung. Mục đích đó có thể đơn giản mang tính phòng vệ, như việc bảo vệ người công nhân khỏi bị giới chủ sa thải, hay kỷ luật lao động một cách vô cớ.
Công đoàn cũng có thể xuất phát từ nhu cầu mang tính chủ động, như việc thương lượng thỏa ước lao động tập thể với giới chủ, hay mang tính tấn công, như bãi công, biểu tình đòi quyền lợi. Phải nhìn nhận nhu cầu công đoàn là một nhu cầu dân sự, xuất phát từ những đòi hỏi rất gần gũi với đời sống công nhân, chứ không phải để phục vụ cho một mục đích chính trị nào.
Nếu hiểu như vậy thì quyền công đoàn sẽ không còn là một chủ đề nhạy cảm ở những quốc gia như Việt Nam nữa. Và khi ấy thì vấn đề mới nảy sinh, là rốt cuộc thì người công nhân liệu có thể đổi quyền – một khái niệm có vẻ trừu tượng – để đổi lấy những thứ cụ thể như miếng cơm, manh áo, vé về quê trong dịp Tết… Như vậy, phải chăng công đoàn độc lập cũng là một thứ xa xỉ, “xa rời quần chúng” đối với người công nhân?
T.V.- Đ.V.
VNTB gửi BVN