Mạc Văn Trang
Hình như có Hội nghị Văn chương gì đó bàn về “đầu tư”… nên một bạn trẻ hỏi: Theo bác thì để có những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc, nhà nước nên đầu tư như thế nào?
Tôi là dân ngoại đạo nhưng thấy câu hỏi lý thú, nên cũng nêu một vài suy nghĩ cho vui.
1. Nguyễn Du, có ai “đầu tư” gì đâu mà tạo ra tuyệt tác Truyện Kiều?
2. Trước Cách mạng tháng 8, thời kỳ 1930 – 1945, nhà nước có “đầu tư” cho hội nhà văn, hội nhạc sĩ gì đâu, thế mà có Tự lực Văn đoàn phát triển nền văn chương Việt Nam hiện đại bằng chữ quốc ngữ. Nhiều nhà văn nổi tiếng xuất hiện như: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ, Xuân Diệu… Rồi nhiều nhà văn, nhà thơ phát triển “tự phát” mà nổi tiếng như: Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan … Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử … Nhà phê bình văn học phải kể đến Hoài Thanh; dịch giả nổi tiếng phải kể đến Nguyễn Văn Vĩnh… Họ đã tạo ra những tác phẩm để đời.
Về nhạc thì hình thành nên cả một “dòng nhạc Tiền chiến” (trước 1945) với hàng loạt nhạc sĩ “tự phát” như: Đặng Thế Phong, Văn Cao, Phạm Duy, Nguyễn Văn Tuyên, Lê Thương, Dương Thiệu Tước, Lưu Hữu Phước, Hoàng Quý, Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn, Cung Tiến…
Về hội hoạ có bước chuyển từ nền mỹ thuật dân gian sang nền mỹ thuật hiện đại mang tính bác học, hàn lâm trong đó có hội họa được ghi dấu ấn đậm nét, với thế hệ các họa sĩ tài năng như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Lưu Văn Sìn, Trần Văn Cẩn, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Lê Văn Đệ…
Vân vân…
Như vậy nhà nước chỉ “đầu tư” cho đào tạo cơ bản, còn phát triển là do tài năng và lòng say mê của mỗi cá nhân “tự phát” sáng tạo ra những giá trị cho mình. Nhưng cá nhân phát triển tài năng độc đáo được là nhờ NHÀ NƯỚC TẠO CHO CƠ HỘI TỰ DO SÁNG TẠO. Nhà nước chỉ cần tạo ra môi trường Tự – do – Sáng – tạo là các cá nhân ganh đua nhau “sáng tạo chết thôi”, từ đó sẽ xuất hiện những tài năng, những tác phẩm xuất sắc …
3. Khi chưa được “đầu tư” thì nhiều tuyệt phẩm ra đời, khi được “đầu tư” thì “tịt” là sao?
Hồi 1945 – 1946 Nguyễn Đình Thi bột phát ra hai nhạc phẩm tuyệt vời: “Diệt phát xít” và “Người Hà Nội”. Sau này càng được “đầu tư” chức to… thì “tịt” là sao?
Văn Cao thời đầu cách mạng có bài “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”, “Bài ca chiến sĩ hải quân” (1945), Trường ca sông Lô (1947), Tiến về Hà Nội (1949)… đều mang tính “tự phát”. Thậm chí như bài “Tiến về Hà Nội” còn bị phê bình kiểm điểm vì “lạc quan tếu”, “không quán triệt chủ trương thời kỳ cầm cự”… Sau 1954 về Hà Nội, được “đầu tư” bài bản thì cứ “tịt” mãi!
Thế hệ Văn Cao nhiều người như vậy lắm.
Trần Đăng Khoa tự phát thành “Thần đồng thơ” từ lúc 7-12 tuổi. Sau đó được quan tâm “đầu tư” túi bụi thì hình như cứ “tịt” dần là sao?
Phạm Tiến Duật có lần nói: Thời chiến tranh đói, rét, cái chết rình rập mà Thơ cứ tuôn trào; nay ngồi phòng máy lạnh nhâm nhi cà phê mà “rặn” mãi không ra thơ! Thế là sao?
4. Vậy thì nhà nước “đầu tư” cái gì? Xin nêu vài suy nghĩ sơ khai:
– Phải tạo ra môi trường Tự-do-sáng-tạo cho mọi người dân ganh đua nhau sáng tạo;
– Có những Hội đồng chuyên ngành gồm mấy chuyên gia có Tâm có Tài đánh giá các tác phẩm có giá trị để tuyên dương; Nhà nước có thể mua với giá cao để bảo tồn những tác phẩm giá trị đó;
– Nhà nước hỗ trợ xuất bản những tác phẩm quý hiếm nhưng cộng đồng xã hội chưa quan tâm (Văn nghệ dân tộc ít người, cái mới lạ chưa được đa số chấp nhận, cái chuyên sâu, cái bác học…);
– Nhà nước đầu tư vào việc khuyến khích, phổ cập cho người Dân đọc sách, nghe nhạc, bình thơ… Nói chung là nâng cao trình độ văn hóa thưởng thức Văn – Nghệ của xã hội;
– Để tự do lập Hội. Các Hội tùy theo những xu hướng, phong trào khác nhau mà tập hợp với nhau thành nhiều Hội mới gắn kết, tác dụng, phát triển. Ai không thích Hội thì tự do sáng tạo. (Hội mà như “mặt trận” hiện nay thì chả tác dụng gì về phát triển chuyên môn)!
– Tự do xuất bản, phát hành. Cái nào phạm Luật thì xử theo Luật, công khai minh bạch;
– Đầu tư vào đào tạo đội ngũ giảng dạy, truyền bá văn học – nghệ thuật có trình độ cao.
– Nhà nước hỗ trợ nhất thời cho từng dự án/ hoạt động của các Hội chuyên ngành thấy ích lợi…
– …?
Vài thiển nghĩ như vậy, xin góp thêm cho vui.
28/11/2024
Tác giả gửi BVN