An Tôn – VOA
03/12/2024
Quốc kỳ hai nước Việt Nam và Mỹ tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, 17/11/2006.
Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đề cử những nhân vật “diều hâu” đối với Trung Quốc nắm các vị trí trong nội các, như vậy, đối đầu Mỹ – Trung sẽ gia tăng và tạo thêm các rủi ro, khó khăn cho Việt Nam, 4 nhà nghiên cứu đánh giá với VOA.
Ba nhà nghiên cứu trong số họ nhận định Hà Nội sẽ có thể chèo lái được để không phải chọn bên. Ngược lại, một người cho rằng đất nước cộng sản ở Đông Nam Á sẽ buộc phải chọn bên.
Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đang quyết liệt có thể còn trầm trọng thêm trong thời gian tới, đặt Việt Nam và các nước Đông Nam Á “vào thế vô cùng khó khăn”, Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên thuộc Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, nhận định.
Dẫn ra tin tức nói hồi tháng 9 rằng Mỹ thúc ép Việt Nam “tránh xa” các hãng lắp đặt cáp internet dưới biển của Trung Quốc, ông Việt xem đó như là một chỉ dấu về việc hai cường quốc cạnh tranh làm cho các nước nhỏ phải chọn bên. “Đó là thách thức địa chính trị lớn nhất đối với Việt Nam”, ông nói.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn cố gắng thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump, ông Việt nói và chỉ ra các thuận lợi cho Việt Nam gồm kinh nghiệm của đất nước về làm việc với ông Trump trong nhiệm kỳ 1, việc Trump Organization chốt đầu tư 1,5 tỷ đô la vào Hưng Yên – quê nhà của nhà lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm – trùng với thời gian khi ông Lâm thăm Mỹ vào tháng 9, và ông Lâm là người thực tế, quyết đoán.
Về quan hệ với Trung Quốc, ông Việt đưa ra quan sát rằng ứng xử của Việt Nam với cường quốc láng giềng “đã được các quốc gia khen ngợi”.
“Trong thời gian tới, tôi nghĩ Việt Nam vẫn sẽ cố gắng cân bằng quan hệ với cả hai bên Mỹ và Trung Quốc. Ví dụ như nhường bước này cho Mỹ thì cũng nhường bước khác cho Trung Quốc để khiến cho hai bên cùng cân bằng lợi ích”, ông Việt dự báo.
“Sự kình địch gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc mang lại cả rủi ro lẫn lợi ích cho Việt Nam”, Tiến sĩ Alexander Vuving, giáo sư tại Trường Nghiên cứu An ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Daniel K. Inouye châu Á-Thái Bình Dương, ở Hawaii, Mỹ, chia sẻ suy nghĩ với VOA qua email.
Tình trạng cạnh tranh, đối đầu tăng lên đó làm cho Việt Nam trở nên quan trọng hơn về mặt chiến lược đối với cả Mỹ và Trung Quốc, mang lại cho Việt Nam nhiều trọng lượng hơn trong quan hệ với hai cường quốc này, nhưng tầm quan trọng lớn hơn đó cũng đem đến nguy cơ bị chèn ép giữa hai người khổng lồ, vẫn lời Tiến sĩ Vuving.
Về kinh tế, theo hai ông Vuving và Hoàng Việt, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc – với việc ông Trump đe dọa đánh thuế 60% chỉ riêng đối với hàng Trung Quốc – sẽ có lợi cho Việt Nam, vì luồng luân chuyển thương mại và đầu tư sẽ đi tới Việt Nam, là cú hích lớn giúp đất nước này cất cánh, nhưng nó cũng tạo ra thách thức cho Việt Nam.
Lý do là một phần lượng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ sẽ chuyển sang Việt Nam, bao gồm việc các doanh nghiệp Trung Quốc lập cơ sở ở Việt Nam và đội lốt để xuất đi Mỹ, làm cho Việt Nam có nguy cơ cao trở thành một mục tiêu, thậm chí bị trừng phạt trong cuộc chiến thuế quan của chính quyền ông Trump.
“Xét về rủi ro chiến tranh thương mại kiểu này, tôi không nghĩ rằng Việt Nam còn có không gian để mà khắc phục. Thay vào đó, các công cụ của Việt Nam sẽ chủ yếu là về chính trị và ngoại giao, có tác dụng thể hiện thiện chí và nỗ lực của Việt Nam hợp tác với Mỹ. Có lẽ một trong những công cụ đó là mua một số hàng hóa nổi bật, bao gồm vũ khí”, ông Vuving tiên liệu.
Việt Nam sẽ cảm thấy sức ép phải chọn bên khi mối kình địch Mỹ – Trung trở nên khốc liệt hơn, “nhưng Việt Nam sẽ cứng cỏi cưỡng lại sức ép này, xét đến kinh nghiệm lịch sử và sự quyết tâm của đất nước về tự chủ chiến lược. Vì vậy, tôi nghĩ Việt Nam sẽ cố thử nhiều cách khác nhau để tránh phải chọn bên”, nhà nghiên cứu ở Hawaii nhìn nhận.
Từ Australia, ông Carl Thayer, giáo sư đã nghỉ hưu của Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, nói với VOA rằng điều ông lo lắng là tổng thống sắp nhậm chức của Mỹ – Donald Trump – chỉ xem những cường quốc như Trung Quốc hay Nga mới là những nước quan trọng để Mỹ làm việc cùng và họ sẽ tìm cách “chia phần” thế giới.
“Điều đó sẽ buộc Việt Nam phải chọn bên”, ông nói. Nhưng theo vị giáo sư người Úc gốc Mỹ, Việt Nam có một số yếu tố để tránh bị Mỹ gây sức ép quá nhiều.
Đó là SpaceX của tỷ phú Elon Musk, người được xem là có công lớn nhất giúp ông Trump đắc cử, dự tính đầu tư 1,5 tỷ đô la vào Việt Nam; Trump Organization sẽ đầu tư vào Hưng Yên; và Việt Nam là một trong 4 nước châu Á cung cấp nhiều hàng bán dẫn nhất cho Mỹ.
Năm 2023, Việt Nam chỉ đứng sau Malaysia và Đài Loan về kim ngạch xuất khẩu hàng bán dẫn sang Mỹ, đạt 562 triệu đô la.
“Mỹ không thể đi quá xa. Liệu họ lấy đâu ra hàng bán dẫn nếu họ cắt đứt Việt Nam?”, Giáo sư Thayer nói.
Trên bình diện rộng hơn về thương mại, Việt Nam nhiều năm nay đều hưởng thặng dư trong xuất nhập khẩu với Mỹ, đạt từ khoảng 70 tỷ đô la đến hơn 110 tỷ đô la mỗi năm chỉ riêng trong 3 năm từ 2019-2022.
Theo ông Thayer, có nguy cơ là Mỹ dưới thời chính quyền Trump 2.0 sẽ áp thuế quan có chọn lọc đối với Việt Nam và một số nhà kinh tế dự báo điều đó có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 0,5 điểm phần trăm, tuy nhiên, Việt Nam có thể đa dạng hóa các thị trường, bao gồm cả Trung Đông.
Vị giáo sư ở Úc nhận định: “Chúng ta thấy Ngân hàng Thế giới nói rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7%, gần 7%, và nhiều khả năng vẫn giữ tốc độ đó. Điều mà tôi muốn nói là cho dù có sức ép gì, Việt Nam hiện ở vào một vị trí tương đối tốt để mà chống chọi lại và không chọn bên”.
Đưa ra góc nhìn từ Pháp, nhà nghiên cứu và bình luận Trương Nhân Tuấn lưu ý đến những thay đổi về chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhì của ông Trump.
Đó là các hồ sơ lớn liên quan đến địa cầu như khủng hoảng khí hậu có thể sẽ không còn là trọng tâm, nếu không nói sẽ bị gạt bỏ; và các nguồn viện trợ nhân đạo từ Mỹ có thể sẽ giảm đi.
Nhưng đặc biệt đáng chú ý là “nước Mỹ thời ông Trump sẽ không còn đóng vai trò ‘ngọn hải đăng dân chủ’ làm gương cho thế giới. Khuynh hướng đề cao ‘lãnh đạo mạnh mẽ’ kiểu Putin, Tập Cận Bình, Kim Jong-un… của ông Trump có thể khiến thế giới dân chủ tự do chao đảo trong một thời gian”, ông Tuấn nêu ý kiến với VOA qua email.
Theo ông, giá trị của các luật lệ và các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc có thể bị hạ thấp, hệ quả là một nước Việt Nam mà chỉ dựa vào “luật quốc tế” để tự vệ sẽ “yếu và đơn độc” khi ở bên cạnh một đại cường “bành trướng và dân tộc chủ nghĩa” là Trung Quốc. “Nguy cơ của Việt Nam phải nói là rất lớn”, vẫn lời ông Tuấn.
Về kinh tế, nhà nghiên cứu ở Pháp có cùng quan điểm với hai ông Vuving và Hoàng Việt là Việt Nam có lợi nhiều khi Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh gay gắt, theo đó, các doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam vì nơi này được coi là quốc gia bạn bè, thân thiện và thuận tiện, gần kề về mặt địa lý, hay còn gọi là “friendshoring” và “nearshoring”.
Mặc dù vậy, khác với hai nhà nghiên cứu ở Hawaii và thành phố Hồ Chí Minh, ông Tuấn dẫn ra việc Tổng thống đắc cử Trump mới đây đe dọa áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, nếu hai quốc gia này không ngăn chặn làn sóng di dân và dược chất fentanyl đưa lậu vào Mỹ, để cảnh báo rằng nếu cạnh tranh Mỹ – Trung trở nên quyết liệt hơn, ông Trump “có thể sử dụng thuế quan để ép Việt Nam theo Mỹ để chống lại Trung Quốc”.
“Lúc đó bắt buộc Việt Nam phải ‘chọn bên’. Điều quan trọng là Việt Nam phải chọn đúng ‘bên thắng cuộc’ để theo. Chọn sai, Việt Nam có thể bị tàn phá mà không được đền bồi”, ông Tuấn khái quát ra một con đường khó khăn.
VOA liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu quan điểm của họ về vấn đề này nhưng chưa nhận được hồi đáp.
A.T.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
*
Đọc thêm:
Trump 2.0 và Chiến Tranh Mậu Dịch: Việt Nam né được phát súng đầu tiên
Đoàn H. Quốc
03.12.2024
(VNTB) – Lãnh đạo Việt Nam né được phát súng đầu tiên nhờ quen thói đút lót kiểu “tiền đi trước là tiền khôn”.
Trung Quốc, Mexico và Việt Nam hiện dẫn đầu thâm thủng mậu dịch với Hoa Kỳ với con số ấn tượng của mỗi nước vào năm 2023 là $279, $152, và $105 tỷ USD.
Mexico và Việt Nam là hai nước hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nhờ làm trạm trung chuyển cho Trung Quốc đầu tư sản xuất hay dán nhãn rồi xuất cảng sang Hoa Kỳ để tránh thuế Trump 1.0.
Vậy mà Việt Nam tránh né được phát súng đầu tiên của Trump sau ngày đắc cử, trong khi Trump đe dọa tăng thuế 25% đối với Mexico & Canada và 10% với Trung Quốc. Trước đó chỉ một tháng (tức là vào tháng 10 trước bầu cử Mỹ 11/2024), Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký thỏa thuận cho tập đoàn Trump Organization đầu tư 1,5 tỷ USD vào khách sạn và sân golf ở tỉnh nhà Hưng Yên. Biết đâu nhờ đó mà Việt Nam thoát nạn lần này!
Điểm đáng lưu ý là Trump dọa tăng thuế nhập cảng để cảnh cáo Mexico & Canada không ngăn chặn làn sóng di dân bất hợp pháp còn Trung Quốc thả lỏng buôn lậu thuốc phiện fentanyl vào Mỹ. Trump dùng hàng rào thuế quan lần này nhằm vào các mục tiêu chính trị nội bộ thay vì mậu dịch toàn cầu. Lại biết đâu nhờ đó mà Việt Nam thoát nạn lần này vì không can thiệp vào nội tình chính trị của Mỹ.
Ngay sau lời tuyên bố của Trump thì Ottawa đã vội vã bắn tiếng Canada là “bạn tốt hơn Mexico” (better than Mexico). Canada không phải là trạm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc và đã đánh thuế 100% lên xe hơi điện từ Hoa Lục, tức là phù hợp với chính sách mậu dịch của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Tổng Thống Mexico trả đũa rằng Canada nhập cảng xe hơi điện từ Trung Quốc nhảy vọt lên đến 1,6 tỷ USD vào năm 2023 tức là cao hơn rất nhiều so với Mexico [1].
Trường hợp tương tự đã từng xảy ra ở Đông Nam Á khi Mã Lai bắn tiếng nếu có chiến tranh thương mại thì Việt Nam phải bị đánh thuế cao vì rành rành là trạm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc, trong khi hàng Mã Lai là do đầu tư nội địa hay của các công ty Mỹ lẫn Tàu nên cần giảm thuế ít hơn [2]. Việc các nước đâm chọt lẫn nhau để tránh hàng rào thuế quan của Trump 2.0 sẽ xảy ra.
Lãnh đạo Việt Nam rất khôn ngoan nhờ quen thói đút lót nên “tiền đi trước là tiền khôn”. Năm 2019 Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ hứa hẹn mua máy bay Boeing, khí đốt và đậu nành để giảm thâm thủng Việt-Mỹ, nhưng hứa nhiều mà mua ít vì sau đó là dịch Covid và Trump thất cử năm 2020. Việt Nam bị Trump nhận xét là “gian lận còn hơn Tàu” [3] rồi liệt vào hàng các nước thao túng ngoại tệ vào năm 2020, nhưng đến năm 2021 Biden rút lại kết luận này. Biết đâu Trump 2.0 sẽ khơi lại các chuyện cũ nói trên.
Thời Biden, hãng Vinfast đã hứa hẹn đầu tư sản xuất xe hơi điện ở North Carolina để phù hợp với chính sách tạo công ăn việc làm của Mỹ, nhưng rồi cù cưa kéo dài cho đến ít nhất năm 2028 hay ngay cả hủy bỏ dự án này nếu Trump không còn chú trọng vào công nghệ xanh. Nhưng Việt Nam và Vinfast có thể sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan do đảng Cộng Hòa đang cần tạo công ăn việc làm ở North Carolina chuẩn bị cho tranh cử Quốc hội (2026) và Tổng thống (2028). North Carolina là một trong số các tiểu bang dao động (swing state) nhưng từng bỏ phiếu cho Trump vào những năm 2016, 2020 và 2024.
Người ta có thể trông đợi lãnh đạo Việt Nam lại sang Mỹ ký kết mua máy bay 737/787 Boeing hay F-16 Lockheed, khí đốt, than đá, đậu nành, nhà máy điện nguyên tử. Nhưng Việt Nam thận trọng hơn vì Trump 2.0 kéo dài 4 năm tới đây nên không dám hứa lèo lần thứ hai. Cán cân thâm thủng mậu dịch Việt-Mỹ nay nhảy vọt lên hàng thứ 3 và Việt Nam nổi tiếng dán nhãn cho hàng Trung Quốc nên không khỏi bị Quốc hội, Bộ Giao thương và Bộ Tài chính rọi đèn xem xét tăng thuế hay bị liệt vào hàng thao túng ngoại tệ.
Trong quyển sách “The Art of the Deal” của Trump có kể lại câu chuyện Trump biết một nhân viên quản lý chung cư (apartment manager) ăn cắp tiền của mình nhưng không đuổi việc vì tay này có bản lãnh thu tiền hàng tháng đúng hạn từ giới giang hồ thuê mướn phòng mà không bị trễ nải. Cho nên Trump có thể nhân nhượng cho dù Việt Nam “gian lận còn hơn Tàu” nhưng lại có chỗ dùng!
Lãnh đạo Việt Nam rất khôn khéo đu dây giữa Âu-Mỹ lẫn Nga-Tàu. Biết đâu uy tín Việt Nam sẽ nổi lên như cồn nếu Việt Nam được chọn làm địa điểm hòa đàm quốc tế về chiến tranh Ukraine. Hòa đàm Paris ký (rồi bị vi phạm) để Mỹ rút lui khỏi Việt Nam, nay hòa đàm Hà Nội ký (rồi lại bị vi phạm) nhưng để Trump rút khỏi Ukraine sẽ là một trường hợp lịch sử tái diễn một cách trớ trêu, lần thứ nhất là một bi kịch và lần thứ nhì là một thảm kịch.
Chỉ không biết là ông Trump có tin dị đoan hay không: năm 2019 ông Trump cắt ngắn hội đàm với Kim Jong Un ở Hà Nội nên không biết ông còn muốn trở lại Hà Nội cho hòa đàm Ukraine không. Các ông bà mua bán đất đai đều tin phong thủy, riêng tỷ phú địa ốc Trump có tin hay không?
Loạt bài tới đây về “Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung trong thời đại Trump 2.0” sẽ không liên tục mà chia ra rải rác trong thời gian sắp tới với hy vọng đúc kết cho cả người viết lẫn người đọc các diễn biến nóng hổi của một đề tài thời sự rất quan trọng này.
Tham khảo:
[1] Trump’s tariff threat pits Canada against Mexico. New York Times 11/26/2024
[2] World fears a wider trade war. Malaysia sees an opportunity. New York Times 11/15/2024
[3] Trump says Vietnam worse than China on trade. Business Standard 06/26/2019
VNTB gửi BVN