Thảo Vy (VNTB)
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi gồm 9 chương, 125 điều, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Trong đó, luật này có quy định rất rõ nếu người sử dụng lao động trốn đóng BHXH sẽ bị phạt nặng, thậm chí có thể bị đi tù. Tuy nhiên trách nhiệm đóng, và quyền được thụ hưởng lại không hề sòng phẳng.
Ăn được bát cháo, chạy ba quãng đồng
Tập đoàn Pou Chen đang có 1.448 lao động nước ngoài (LĐNNN), trong đó riêng Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam tại TP.HCM sử dụng 792 người. Về việc đóng BHXH cho LĐNNN, bà Đặng Hồng Liên (Phòng Hành chính nhân sự, Công ty Pouyuen Việt Nam) nhận xét, rào cản lớn nhất là bất đồng ngôn ngữ.
Người lao động hay doanh nghiệp muốn tìm hiểu cũng không có tài liệu để xem, và khi trao đổi về quá trình đóng – hưởng, hay khi đi khám bệnh, cơ quan chức năng không có nhân viên phiên dịch. “LĐNNN đang nộp hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… mà giấy phép lao động hoặc hợp đồng lao động hết hạn, phải về nước thì giải quyết thế nào, có chuyển khoản ra nước ngoài hay không trong trường hợp không thể ủy quyền? Rồi hồ sơ tuất, thân nhân ở nước ngoài không thể đến Việt Nam khai báo và nhận lãnh trợ cấp, vậy ký đóng dấu tờ khai như thế nào? Hoặc nếu LĐNNN bị tai nạn lao động chết, thuộc trường hợp nhận trợ cấp hàng tháng, thì giải quyết ra sao”, bà Liên chia sẻ hàng loạt trăn trở.
Cùng mối băn khoăn, bà Võ Thị Hồng Ngân (Phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Nissey Việt Nam) cho biết LĐNNN làm việc tại Nissey chủ yếu thuộc đối tượng di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp (di chuyển từ công ty trực tiếp đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam – PV), không có hợp đồng lao động. Họ chỉ làm ở Việt Nam khoảng 2 năm rồi trở về nước. Vậy khi đóng BHXH ở Việt Nam thì họ sẽ hưởng các chế độ thế nào?
Bà Ngân chia sẻ thêm, BHXH ở Việt Nam có chế độ thai sản cho nam giới, vậy nếu vợ LĐNNN ở nước ngoài sinh con, thì họ lãnh chế độ thế nào? Trường hợp con ốm, LĐNNN được nghỉ ra sao? Theo bà Ngân, hồ sơ giấy tờ đề nghị hưởng phải dịch thuật rất đắt đỏ. Có khi tiền dịch thuật còn đắt hơn cả tiền chế độ hưởng, và doanh nghiệp cùng LĐNNN dễ rơi vào cảnh “ăn được bát cháo, chạy ba quãng đồng”!
Về bảo hiểm y tế, bà Ngân cho hay, thời gian qua, công ty mua bảo hiểm y tế cho LĐNNN nhưng gần như không ai sử dụng. Mỗi lần LĐNNN đi khám chữa bệnh, do đa số nhân viên y tế ở các cơ sở y tế không sử dụng tiếng Nhật được, doanh nghiệp phải cử phiên dịch đi theo, rất phức tạp.
Theo bà Ngân, nếu bắt buộc phải đăng ký khám chữa bệnh ở bệnh viện cấp quận, huyện thì có cảm giác chúng ta đang… tận thu của người lao động, vì thực tế họ không đến bệnh viện cấp tỉnh, huyện khám bệnh. Về bảo hiểm thất nghiệp, bà Ngân đánh giá: “Họ được cử đến Việt Nam, hết hạn thì rút về nước, họ có thất nghiệp đâu mà hưởng!”. Chính sách hưu trí, theo bà Ngân, cũng không cần thiết với LĐNNN, vì họ hiếm khi ở Việt Nam đến suốt đời.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng bất bình
Ghi nhận tại Hội nghị “Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố” về vấn đề BHXH, tổ chức vào cuối tuần vừa qua, cho thấy hầu hết thắc mắc của doanh nghiệp đều được phía BHXH TP.HCM trả lời là chờ “chính sách cập nhật”, “đã kiến nghị sửa đổi”.
Theo doanh nghiệp ngành nghề dệt may, thì danh mục ngành nghề độc hại mà cơ quan bảo hiểm đưa ra là quá lạc hậu. Một số chức danh ngành nghề nặng nhọc, độc hại được doanh nghiệp áp dụng từ lâu cho người lao động, nhưng lại không có trong danh mục nặng nhọc, độc hại của ngành dệt may theo quy định. Ví dụ, vận hành lò hơi hay vận hành hệ thống xử lý nước thải thì trong ngành hóa chất hay sản xuất giấy mới có quy định, còn ngành dệt may lại không có để xét các chế độ cho người lao động.
“Trước đây, người ta gọi đơn giản là nuôi heo, nuôi gà, được tính là sản xuất nông nghiệp. Càng về sau, các vấn đề môi trường càng quan trọng, đặc biệt là công đoạn xử lý phân heo rất độc hại với công nhân. Chúng tôi đã kiến nghị nhưng vẫn chưa được trả lời thỏa đáng, công nhân bức xúc rất nhiều”. Đại diện doanh nghiệp ngành chăn nuôi, nói.
“Do tính chất công việc nên công nhân vệ sinh thường đi làm khuya, khó kiếm người làm chứng. Gặp nạn xong thì họ lo đi cấp cứu chứ không thể ở lại chờ lập biên bản. Chưa kể, khi công nhân tự té, công an phường gần nhất cũng chỉ có thể xác nhận họ sinh sống ở địa phương và có đi trên tuyến đường đó thôi. Công an không chứng kiến tai nạn nên cũng chẳng dám xác nhận. Vậy là bó tay trong yêu cầu về bảo hiểm tai nạn lao động”. Đại diện công ty dịch vụ công ích, cho biết.
Ngoài ra một vấn đề đã được lên tiếng cảnh báo từ trước đó rất nhiều lần, xong vẫn tiếp tục là sự bất công: từ 1-1-2018, lao động nam có đủ 35 năm, nữ 30 năm mới được hưởng lương hưu tối đa (75%), thay vì 30 năm và 25 năm như hiện nay, gây thiệt thòi cho người lao động.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 56 và Khoản 2, Điều 74 của Luật BHXH năm 2014, thì từ năm 2018, số năm đóng BHXH để đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu 75% của lao động nam là 31 năm đối với người nghỉ hưu trong năm 2018; 32 năm đối với người nghỉ hưu trong năm 2019; 33 năm đối với người nghỉ hưu trong năm 2020; 34 năm đối với người nghỉ hưu trong năm 2021; 35 năm đối với người nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi.
Riêng đối với lao động nữ, từ năm 2018 trở đi, thời gian đóng BHXH để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 30 năm, tạo sự chênh lệch lớn giữa mức lương hưu của lao động nữ có cùng thời gian đóng BHXH (có dưới 30 năm đóng BHXH) nghỉ hưu trước và sau thời điểm ngày 1-1-2018.
Bảo hiểm xã hội: chỉ biết tận thu
Để nữ công nhân mang thai ở các doanh nghiệp nợ BHXH nhưng chủ bỏ trốn được hưởng chế độ thai sản, một số tổ chức công đoàn đã chủ động trích kinh phí công đoàn để đóng các khoản BHXH cho những công nhân này. Tuy nhiên, phía BHXH TP.HCM lại bắt buộc các tổ chức công đoàn này phải đóng cả tiền lãi chậm nộp.
Ông Nguyễn Văn Khải – Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM, phản ứng rằng việc để doanh nghiệp nợ BHXH không phải là lỗi của tổ chức công đoàn, hơn nữa công đoàn chủ động trích nộp kinh phí công đoàn để đóng BHXH cho lao động nữ mang thai là việc làm nhân văn, nhưng lại yêu cầu đóng cả tiền lãi là điều bất hợp lý.
Ghi nhận từ báo cáo nhanh của Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết Công ty TNHH BumJin Vina (lô B28/I-B29/I, đường 2B, khu công nghiệpVĩnh Lộc, 100% vốn Hàn Quốc) có giám đốc là ông Park Kyeho. Công ty có 358 lao động. Ngày 10-2-2018, giám đốc vắng mặt dài ngày tại Công ty, để lại khoản nợ BHXH của 358 lao động từ tháng 7-2017 đến nay với tổng số tiền 2,9 tỉ đồng. Trong 358 lao động của Công ty có 14 trường hợp nữ lao động đang mang thai đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, và 11 trường hợp nữ công nhân đã sinh con nhưng chưa được hưởng chế độ thai sản.
Chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân bộ phận kiểm hàng, làm việc tại Công ty BumJin Vina từ ngày 1-7-2013, chị đang mang thai ở tuần thứ 29, chị dự sinh vào tháng 5-2018. Tuy nhiên, vì Công ty nợ BHXH, giám đốc lại “biến mất” nên chị rất lo lắng. Nếu không được tiếp tục tham gia BHXH thì ngày chị sinh con, chị sẽ không được hưởng chế độ thai sản. Trong khi đó, do đang mang thai nên chị đi xin việc làm mới cũng gặp nhiều khó khăn.
Phía tổ chức công đoàn đã trích từ nguồn kinh phí công đoàn của đơn vị đóng phần BHXH của các trường hợp lao động nữ đang mang thai và đã sinh con như nói trên, để chị em được hưởng chế độ thai sản. Thế nhưng phía BHXH TP.HCM vẫn buộc công đoàn phải đóng cả lãi suất là bất hợp lý. Bởi vì việc để doanh nghiệp nợ, khắc phục nợ BHXH không phải là lỗi của tổ chức công đoàn.
Xem ra để đạt được các thỏa thuận về quan hệ lao động như yêu cầu đặt ra trong những hiệp định thương mại quốc tế, không chỉ là đòi hỏi của tổ chức công đoàn độc lập, mà còn cần có cả việc chấm dứt những độc quyền trong BHXH đang được bảo hộ bởi Luật BHXH 2014.
T.V.
VNTB gửi BVN.