Bài 1. KIM JONG UN ĐÀM PHÁN VỚI MỸ CHO CÁI GÌ?
Bùi Quang Vơm
Trong bữa tiệc chiêu đãi đoàn Nam Hàn, Kim Jong Un đã chuyển cho đại diện Nam Hàn thư đề nghị đàm phán với Mỹ về giải trừ hạt nhân tại Bắc Triều Tiên.
Việc đề xuất sáng kiến này khởi đầu bằng sáng kiến tham dự Olympic mùa đông và những cuộc gặp gỡ cao cấp, tiến tới cuộc gặp thương đỉnh giữa hai miền tại Bàn Môn Điếm.
Tuy nhiên, những việc này tự thân nó chỉ là những hoạt động có tính chất nghi lễ xúc tác, có mục đích dọn đường cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Bắc Triều.
Vậy mục đích của cuộc gặp gỡ với Mỹ theo ý đồ của Kim là gì? Xung đột của cuộc gặp này nằm ở đâu?
Có thể thấy điều kiện cho việc giải trừ hạt nhân tại Bắc Triều Tiên không phải chỉ là cam kết của Mỹ về an ninh cho chế độ Bắc Triều, như những phân tích của các chuyên gia quốc tế gần đây: Triều Tiên sẵn sàng tiêu huỷ chương trình hạt nhân nếu đạt được một đảm bảo của Mỹ về sự tồn tại an toàn của chế độ.
Muốn hiểu được điều gì đang xảy ra, cần hiểu trước hết lịch sử hình thành triết lý của triều đại Kim.
Ngay sau khi thành lập nước Cộng hoà nhân dân Triều Tiên năm 1955, Kim Nhật Thành đã bắt đầu một triết lý: «Vũ khí quyết định độc lập». Chính sách «Quân sự trước hết» vì thế là chính sách «bất khả thay đổi» liên tục suốt ba thế hệ từ Kim Nhật Thành đến nay. Độc lập ở đây không chỉ có nghĩa độc lập với Mỹ mà độc lập với cả Trung Quốc. Suốt 70 năm từ ngày lập nước, chưa một ngày Triều Tiên thực sự có cảm xúc của một nền độc lập. Triều Tiên luôn bị đe doạ tái diễn chiến tranh với Mỹ bởi một Hiệp định chỉ mới là Tạm đình chiến, trong khi luôn có một chính sách thù địch từ phía Mỹ. Nhưng cùng một lúc, thậm chí rất khó chịu hơn là áp lực điều khiển chính trị thâm độc từ phía Bắc Kinh, không cho sống, song không được chết. Triều Tiên là một miếng sandwich kẹp giữa Mỹ và Trung Quốc.
Kim Nhật Thành và các thế hệ tiếp theo, đương nhiên, không có tư tưởng chia cắt Triều Tiên, vì vậy, triết lý «Vũ khí quyết định độc lập» bao gồm trong đó chiến lược thống nhất hai miền.
Nhưng cũng giống như mọi quốc gia từng chịu áp lực của Trung Quốc, thiên hướng của Triều Tiên là tìm đến phía Mỹ, chỉ đơn giản là không ai tìm độc lập bên cạnh Trung Quốc.
Tuy vậy, bên cạnh Mỹ, người Triều Tiên đã có một nửa là Nam Hàn. Không thể có hai Triều Tiên cùng là đồng minh, hoặc ít nhất cùng thân thiện với Mỹ và bình đẳng trước Mỹ mà không thống nhất. Nhưng thống nhất thế nào? Thống nhất theo kiểu trưng cầu dân ý thì sẽ có một hiện tượng tương tự Đông và Tây Đức.
Đây chính là bài toán được giải đáp bằng sức mạnh hạt nhân. Lô-gíc của nó là: Mỹ cần có quốc gia hạt nhân là đồng minh của Mỹ bên cạnh Trung Quốc.
Như vậy, Triều Tiên sẽ phải thống nhất nhưng quyền quyết định chính trị thuộc về thế lực sở hữu sức mạnh hạt nhân, tức là thống nhất dưới sự kiểm soát của Bắc Triều Tiên.
Có thể dự đoán trước nội dung các cuộc thương lượng Bắc-Nam Triều Tiên sẽ là thuyết phục Nam Hàn chấp nhận giải pháp Triều Tiên thống nhất là Quốc gia Hạt nhân, cả hai cùng quyết tâm đòi được công nhận là Quốc gia Hạt nhân. Sức thuyết phục sẽ là một Triều Tiên độc lập với Trung Quốc.
Như vậy, có thể thấy ngay rằng, nếu Trump không hiểu được chiến lược này của Bắc Triều Tiên, thì cuộc đàm phán sẽ lại bế tắc.
Vấn đề là, Mỹ có thể chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân hay không, bằng cách gì đảm bảo Triều Tiên vĩnh viễn là đồng minh với Mỹ hay với thế giới tiến bộ?
Với một ông Tổng thống Mỹ như Donald Trump thì việc nghi ngờ một chiều sâu chiến lược đủ để giải đáp những bài toán trên là hoàn toàn hiểu được. Nếu cuộc gặp thượng đỉnh xảy ra mà thất bại thì cũng không quá ngạc nhiên.
16/03/2018
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN
***************
Bài 2. LY KỲ: TẠI SAO LÃNH TỤ BẮC HÀN MUỐN GẶP TỔNG THỐNG TRUMP?
Trần Nguyên/Người Xứ Bưởi
I/ Sự kiện xảy ra không ai đoán trước nổi
Thực vậy cả năm qua từ khi Tổng thống Trump cầm quyền, cả hai bên Mỹ và Bắc Hàn có rất nhiều hành động và lời nói khiêu khích đối chọi thiếu điều muốn tấn công bằng võ khí nguyên tử giết nhau. Phía Bắc Hàn liên tiếp thử hàng loạt bom nguyên tử & khinh khí, và bắn hỏa tiễn có tầm xa đạt tới lãnh thổ Mỹ. Ngược lại, Mỹ đã phản ứng điều động các hàng không mẫu hạm và các phi cơ bay vào sát hải phận & không phận Bắc Hàn. Cả thế giới “nín thở” trước một cuộc chiến nguyên tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mỹ đã thành công vận động được Liên Hiệp Quốc – với sự chấp thuận của Trung Cộng và Nga – ra quyết định phong tỏa Bắc Hàn trên nhiều bình diện. Quan trọng nhứt là hạn chế được số lượng nhập cảng xăng dầu đối với Bắc Hàn.
Nhà độc tài Kim Chánh Ân (Kim Jong Un) và TT Trump chửi rủa nhau một cách thậm tệ và “trẻ con” chưa từng xảy ra trên chính trường quốc tế. Một bên “chọc quê” lãnh tụ Bắc Hàn trẻ măng là “little rocket man” (“gã hỏa tiễn nhỏ bé”) và bên kia trả đũa lại “mỉa mai” TT Mỹ già nua là “mentally deranged” (“lẩm cẩm”).
Thế mà vừa qua, Chủ tịch Kim Chánh Ân đột nhiên nhờ Bắc Hàn chuyển đến tay TT Trump bức thư ngỏ ý muốn gặp gỡ để đàm phán giải quyết vấn đề đang tranh chấp.
Tin tức đầu tiên này được TT Trump tung ra qua Twitter đã khiến cả thế giới đón nhận trong sự ngạc nhiên vô cùng (tựa như bom nguyên tử nổ!) vì không ai có thể tưởng tượng nổi nhà độc tài Kim Chánh Ân phải “muối mặt” viết thư nhờ cả Nam Hàn chuyển đến “kẻ tử thù” Trump (https://www.voatiengviet.com/a/kim-jong-un-viet-thu-cho-trump-/4286745.html).
II/ Những dấu hiệu cho thấy Bắc Hàn “chuyển hướng”
Nhưng nếu tinh ý thì đã nhận thấy những tín hiệu lộ ra sự chuyển hướng chính sách ngoại giao của Bắc Hàn trước đó. Thay vì hăm doạ một cách “lố bịch“, Bắc Hàn đã chọn chính sách ngoại giao tạo “thiện cảm” bằng cách xin tham dự Thế vận hội Mùa Đông 2018 ngay tại Pyeongchang (Nam Hàn) vào tháng 2 vừa qua. Bà Kim Yo-jong – em gái của lãnh tụ Bắc Hàn – được cử theo cầm đầu phái đoàn. Điều này cho thấy tầm quan trọng của chuyến đi thể thao có ẩn chứa dụng ý chính trị này, bởi vì bà Kim Yo-jong là nhân vật thân tín nhứt của lãnh tụ Bắc Hàn, nhân vật nằm trong Bộ Chính trị và nắm quyền lực số 2. Quả nhiên sau đó, Bắc Hàn đã mời Nam Hàn cử phái đoàn đến thủ đô Bình Nhưỡng để nói chuyện và thỏa thuận có hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh tụ 2 bên vào tháng 4 sắp tới. Nhưng thực sự đối với Bắc Hàn, “hòa” với Nam Hàn chỉ là “diện” phụ thôi, vì “điểm” chính mới là muốn “lân la” với Mỹ. Hay nói đúng hơn là muốn hòa dịu với TT Trump.
III/ Tại sao Kim Chánh Ân phải chịu “hạ mình” như vậy?
Dư luận báo chí bàn tán xôn xao nhiều phía, nhưng trong thâm tâm mọi người đều phải công nhận TT Trump đã làm thành công hơn 3 TT tiền nhiệm trong 24 năm qua. Đó là khuất phục được dòng họ Kim phải thực sự sợ sức mạnh của Mỹ dám làm những chuyện Bắc Hàn không ngờ được. Điển hình Nam Hàn qua đại dịên Chung Eui Yong (Trưởng Văn phòng An ninh Quốc gia Nam Hàn) đã không tiếc lời ca ngợi khen chính sách “gây sức ép tối đa” của TT Trump để mới có sự thành công mau chóng bất ngờ này.
Nhìn lại thì TT Trump thực hiện chính sách “gây sức ép tối đa” trên nhiều bình diện:
a) Về kinh tế: Mỹ thuyết phục được Trung Cộng, Nga và Liên Hiệp Quốc phong tỏa Bắc Hàn. Then chốt nhứt là giới hạn nhập cảng xăng dầu chỉ đủ sống “lây lất“. Mới đầu Trung Cộng và Bắc Hàn định dùng phương thức “ma giáo” như thời xưa để đối phó. Nhưng Mỹ, Nhựt và Nam Hàn dùng vệ tinh kiểm soát rất chặt chẽ để ngăn chận và TT Trump nhiều lần gián tiếp cảnh cáo Trung Cộng chớ vi phạm. Lần này Trung Cộng biết gặp tay “sừng sỏ chơi liều” nên không dám “thử sức” Mỹ.
b) Về quân sự: Mỹ lần đầu tiên đã điều động nhiều hàng không mẫu hạm cùng một lúc đến gần vùng biển Bắc Hàn. Với sức mạnh quân sự này, Mỹ có thể tấn công hủy diệt Bắc Hàn trong thời gian ngắn.
c) Về ngoại giao: Mỹ đã thành công cô lập được Bắc Hàn với thế giới bên ngoài. Ngay Trung Cộng và Nga cũng phải chiều ý TT Trump vì quyền lợi quốc gia lớn hơn nên tại Liên Hiệp Quốc đã ký tên kết án và chấp thuận quyết định trừng phạt Bắc Hàn.
d) Về tâm lý: TT Trump trong lúc tranh cử cho rằng nước Mỹ cần phải được khó lường hơn trong chính sách đối ngoại để đối thủ phải sợ và kính trọng mình. TT Trump đã đẩy lý thuyết này đến cực điểm để đối phó Bắc Hàn. Ông đã đe dọa Bình Nhưỡng với “lửa và cơn thịnh nộ” và với sự hủy diệt hạt nhân. Ông đã tự hào vì có nút bom nguyên tử lớn hơn nhà độc tài Bắc Hàn, mà ông nhạo báng là “Rocket Man Kim“. Vì vậy, Tòa Bạch Ốc lại tung tin ra một lần nữa rằng TT Trump đã không hài lòng với lựa chọn kế hoạch của các chuyên gia của mình và đã yêu cầu quân đội để thiết kế kịch bản tấn công.
Sau đó, cố vấn an ninh H. R. McMaster ủng hộ kế hoạch đối phó với vụ thử tên lửa của Bắc Hàn bằng một cuộc tấn công hạn chế, được gọi là kịch bản Nose Bloody. Ngay cả chuyên gia châu Á Victor Cha, bị sa thải ngay trước khi được đề cử nhậm chức Đại sứ Mỹ ở Nam Hàn vì lên tiếng không đồng ý với kế hoạch quân sự này.
Bắc Hàn đã có những nỗ lực đáng kể trong năm qua để tìm hiểu suy nghĩ của TT Trump. Cuối cùng, họ dường như đi đến kết luận rằng họ không muốn mạo hiểm, bởi vì TT Trump thực sự có thể dùng đến quân sự. Vì vậy, “sự điên rồ” của TT Trump đã thành công.
IV/ Nếu nói chuyện, TT Trump và CT Kim Chánh Ân sẽ gặp nhau ở đâu?
Phía TT Trump đã chấp thuận gặp gỡ đàm phán trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5 tới. Tới thời điểm đó hy vọng sẽ không có gì rắc rối xảy ra vì hai bên đã rõ sự ích lợi của cuộc gặp gỡ này. Nhưng có câu hỏi đặt ra là họp ở địa điểm nào. Phía Thụy Sĩ và Thụy Điển đã mau lẹ lên tiếng sẵn sàng đứng ra tổ chức cuộc hội nghị thượng đỉnh này. Thụy Sĩ lấy lý do là CT Kim Chánh Ân từng du học tại đó thời còn nhỏ nên từng coi nước này như một quê hương thứ 2. Còn Thụy Điển thì hãnh diện là đại diện ngoại giao cho Mỹ ở Bắc Hàn và từng giúp đỡ tù nhân Mỹ Otto Warmbier được Bắc Hàn phóng thích vào tháng 6 năm 2017. Tuy nhiên hầu như chắc chắn CT Kim Chánh Ân không dám rời khỏi Bắc Hàn vì sợ bị đảo chánh. Điều này rõ rệt thấy trong 6 năm lên cầm quyền, ông này không xuất ngoại. Thậm chí cũng không dám qua Trung Cộng như ông nội Kim Nhựt Thành và thân phụ Kim Chánh Nhựt đã thường làm.
Như vậy chỉ còn giải pháp duy nhứt là họp tại vĩ tuyến 38 nơi phân chia Nam & Bắc Hàn trong toà nhà Hoà Bình tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.
V/ Kết luận
Trong thời kỳ Phục Hưng có tư tưởng gia Niccolò Machiavelli (1469 – 1527) trong tác phẩm Quân Vương (Il Principe) đã đưa ra nhiều phương thức đối phó cho người cầm quyền [1, 2]. Chẳng hạn:
“Quân Vương vừa là chồn cáo, vừa là sư tử“.
“Con người muốn xứng đáng là một con người phải tiến thẳng vững vàng tới mục đích. Mục đích sẽ chứng minh tính chất đúng đắn của biện pháp“.
Hoặc đối phó bằng biện pháp: “Tốt hơn hết là phải làm cho người sợ hơn là được người thương“. Trong trường hợp của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, câu châm ngôn này đã được áp dụng thành công. Rõ ràng, các đe dọa của TT Trump qua lối đánh “vô chiêu thắng hữu chiêu” không thể đoán ra nổi của ông này để tấn công quân sự đã dẫn đến CT Kim Chánh Ân là sẵn sàng nay đến đàm phán giảm chương trình vũ khí hạt nhân để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên [3].
Ngoài ra nghiên cứu về mưu kế của cố TT Reagan đã thi hành thắng được TBT Liên Xô Gorbachev [4] thì đã được cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy tiên đoán và nhận định như sau:
“Dân Nga có truyền thống chơi cờ vua (chess) nên có thói quen suy nghĩ đa nghi nhiều, còn dân Mỹ thích chơi bài phé (poker) nên thường phải “tháu cáy” với cây bài xấu nhưng vẫn có thể “tố” cho địch thủ bỏ chạy. Theo Giáo sư Huy thì Tổng thống Hoa Kỳ Reagan đã “tố” dùng kế hoạch SDI “tháu cáy” để “hù” Tổng Bí thư Liên Xô Gorbachev đa nghi bắt phải cải tổ nền tảng để có đủ thực lực đương đầu lại. Quả nhiên ông Gorbachev xúc tiến cải tổ, trước hết về kinh tế (perestroika), sau đó về chính trị (glasnost). Nhưng chính vì cải tổ chính trị khiến làn sóng đòi hỏi tự do dân chủ dâng cao kiểm soát không nổi và vuột ra khỏi tầm tay. Bức tường Bá Linh sụp đỗ, Đông Âu thoát khỏi sự chi phối của Mạc Tư Khoa và Liên Xô tan rã vào ngày 21.12.1991 là hậu quả tất nhiên đó”.
TT Trump luôn luôn hãnh diện là truyền nhân của cố TT Reagan, nên đã áp dụng hầu như toàn bộ chánh sách của ông này và nhờ đó đã gặt hái nhiều thành công ngay năm đầu. Đáng kể nhứt là phục hồi & gia tăng kinh tế, giảm mạnh mẽ nạn thất nghiệp, kỷ lục chỉ số chứng khoán, giải trừ hiểm hoạ quân đội Nhà nước Hồi Giáo IS…
Biết đâu TT Trump cũng theo cách “tháu cáy” của cố TT Reagan để giải quyết hiểm hoạ Bắc Hàn mà từ mấy chục năm qua chưa có vị TT Mỹ nào làm được.
Chờ xem lịch sử sẽ cho thấy sự thực trong thời gian tới.
11 Tháng 3, 2018
T.N./N.X.B.
Chú thích:
1. Tác phẩm Quân Vương (Il Principe)
https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%C3%A2n_V%C6%B0%C6%A1ng_(s%C3%A1ch)
2. Nhà tư tưởng về nghệ thuật lãnh đạo Niccolò Machiavelli
https://vi.wikipedia.org/wiki/Niccol%C3%B2_Machiavelli
3. TT Trump qua lối đánh “vô chiêu thắng hữu chiêu”
4. TT Reagan đã dùng kế hoạch SDI để “hù” TBT Gorbachev
https://vietbao.com/a273940/bi-an-lich-su-tai-sao-buc-tuong-berlin-bat-ngo-sup-do-
****
Bài 3. BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO BẮC HÀN “BẤT NGỜ” THĂM THỤY ĐIỂN
- 16 tháng 3 2018
Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn bất ngờ có mặt tại Thụy Điển, trước cuộc gặp dự kiến giữa Donald Trump và Kim Jong-un.
Chuyến thăm này củng cố suy đoán đây có thể là một phần trong công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ.
Bình Nhưỡng cho biết chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn Ri Yong-ho là vì “quan hệ song phương và các vấn đề cùng quan tâm”.
Thụy Điển có một lịch sử lâu dài trong vai trò hòa giải giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Ông Trump tuần trước đã chấp nhận lời mời đàm phán với ông Kim, đây là một tuyên bố gây sốc từ hai nhà lãnh đạo từng lời qua tiếng lại, đe dọa và sỉ nhục nhau một thời gian dài.
Không có một lời chính thức nào từ Bắc Hàn kể từ khi phái đoàn cấp cao Hàn Quốc chuyển thư tay của ông Kim Jong-un đến ông Trump tại Washington.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven nói với truyền thông nước này rằng “nếu các diễn viên chính muốn Thụy Điển đóng một vai thì chúng tôi sẵn sàng”.
Mỹ nói có biết về cuộc họp ở Stockholm, nhưng không biết liệu nó có liên quan gì đến bất kỳ cuộc đàm phán Hoa Kỳ-Bắc Hàn nào hay không.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Heather Nauert, nói với các phóng viên ở Washington rằng Hoa Kỳ chưa nghe trực tiếp từ Bình Nhưỡng về hội nghị thượng đỉnh dự kiến này.
Đàm phán để chuẩn bị cho đàm phán?
Kế hoạch đàm phán giữa ông Trump và ông Kim khiến thế giới sửng sốt.
Nhưng hiện chưa có lịch trình cũng như địa điểm cụ thể cho hội nghị thượng đỉnh được mong đợi này.
Trong thư mời được quan chức Hàn Quốc trao tay cho ông Trump, ông Kim cam kết ‘phi hạt nhân hóa’.
Việc mở cửa ngoại giao ngoài dự kiến diễn ra sau một năm ‘khẩu chiến quyết’ liệt giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn khiến thế giới từng lo ngại nó có thể dẫn đến những cuộc xung đột quân sự.
Do Mỹ không có cơ quan ngoại giao tại Bắc Hàn, Thụy Điển từng đóng vai trò đại diện ngoại giao của Mỹ tại nhà nước độc tài này.
Thụy Điển, nước không phải là thành viên của NATO, đã giúp trả tự do cho các công dân Mỹ do Bắc Hàn giam giữ, gần đây nhất là trường hợp sinh viên Mỹ Otto Warmbier.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world-43426104
****
Bài 4. HÀ NỘI LÀ ĐỊA ĐIỂM LÝ TƯỞNG CHO CUỘC GẶP TRUMP-KIM?
16/03/2018
Cuộc tìm kiếm địa điểm tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim đã bắt đầu trên truyền thông và Hà Nội là một cái tên được nhắc tới. Theo một số chuyên gia, Hà Nội sẽ là địa điểm ‘lý tưởng’ cho cuộc gặp này.
Mặc dù cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vẫn chưa xác định được ngày giờ và địa điểm, nhưng cuộc tìm kiếm một địa điểm cho cuộc gặp mặt đã bắt đầu.
Theo hãng tin Reuters, thủ đô Việt Nam nằm trong số ít những thành phố ở châu Á, cùng với Bắc Kinh và Singapore, được coi là địa điểm có tiềm năng cho cuộc gặp mặt lịch sử này.
Hà Nội là lựa chọn lý tưởng cho Mỹ và Triều Tiên xem xét các bước tiếp theo trong việc đưa cuộc gặp thượng đỉnh thành một bước tiến quan trọng.
Chính phủ Mỹ hôm 8/3 công bố quyết định của Tổng thống Trump chấp nhận lời mời của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp gỡ để đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này. Nhưng cho đến lúc này phía Triều Tiên chưa đưa ra khẳng định nào về cuộc gặp thượng đỉnh này. Truyền thông quốc tế còn điểm qua một số địa điểm khả dĩ khác như làng Bàn Môn Điếm ở khu vực phi quân sự giữa hai miền bán đảo Triều Tiên, và đảo Jeju của Hàn Quốc, nhưng theo một số chuyên gia, Hà Nội sẽ là nơi ‘lý tưởng’ cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Trump và Kim.
Các nhà lãnh đạo Hà Nội cũng chưa lên tiếng về ý muốn tổ chức cuộc gặp Trump-Kim dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5.
Nhưng Giáo sư Vũ Minh Khương của khoa chính sách công Đại học Quốc gia Singapore nhận định trong một bài viết trên East Asia Forum ra hôm 12/3 rằng Hà Nội “là nơi lý tưởng cho cuộc gặp thượng đỉnh” giữa Tổng thống Mỹ và lãnh tụ Triều Tiên.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS ở Singapore cũng đồng ý với nhận định đó và nói ông sẽ “không ngạc nhiên nếu Hà Nội được chọn”.
Giải thích về việc tại sao “Hà Nội được đưa ra là một lựa chọn” nhà nghiên cứu của ISEAS nói với VOA-Việt ngữ rằng các “nhà quan sát có thể có nguồn tin rằng Hà Nội đang can dự với các bên liên quan để chuẩn bị việc này hay thảo luận vấn đề này chẳng hạn”.
“Trong quá khứ đã có lần Hà Nội đã từng là địa điểm để tiến hành tiếp xúc giữa Bắc Triều Tiên với các đối tác khác,” theo TS Lê Hồng Hiệp. “Tôi nghe nói Bắc Triều Tiên đã từng tiếp xúc với Nhật Bản về vấn đề công dân Nhật Bản bị Bắc Triều Tiên bắt cóc ở Hà Nội. Do lịch sử của Hà Nội trước đây là vai trò làm trung gian giữa Bắc Triều Tiên với các đối tác bên ngoài nên người ta có thể dựa vào đó để suy đoán. Lần này cũng có thể Hà Nội đóng một vai trò nào đấy nếu như thực sự Bắc Triều Tiên muốn đối thoại với Hoa Kỳ”.
Ngoài ra còn có những lý do khác khiến Hà Nội có thể là “nơi lý tưởng” để cuộc gặp thượng đỉnh này thành công.
GS Vũ Minh Khương cho rằng Hà Nội tỏ rõ sự nghiêm túc về việc muốn cải thiện mối quan hệ Triều Tiên-Mỹ, và nêu trường hợp của Việt Nam, từ một cựu thù giờ đã bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ để trở thành một nước bạn.
Đồng ý kiến trên, TS Hiệp nói: “Hà Nội có quan hệ hữu nghị với Bắc Triều Tiên và có quan hệ ngày càng tốt với Washington. Hà Nội có thể tạo được sự tin cậy của cả 2 phía”.
Tuy nhiên nhà nghiên cứu của ISEAS cho rằng còn có những băn khoăn về vấn đề an ninh cho lãnh tụ Triều Tiên vì “Kim Jong Un chưa bao giờ ra nước ngoài” kể từ khi lên nắm toàn quyền ở một nước theo chủ nghĩa Cộng sản đang chịu nhiều trừng phạt từ Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ về chương trình hạt nhân và các cuộc thử nghiệm vũ khí đạn đạo của mình trong những năm gần đây. Nhưng TS Hiệp cho rằng Hà Nội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn như gần đây nhất là APEC thì có khả năng đảm bảo được an ninh cho cuộc gặp Trump-Kim.
Một yếu tố quan trọng khác để Hà Nội trở thành một lựa chọn tốt mà GS Khương và TS Hiệp đều đồng quan điểm là Việt Nam là một “ví dụ điển hình” cho Triều Tiên noi theo trong việc “áp dụng các chiến lược để bình thường hóa quan hệ với Mỹ.”
Theo Tiến sĩ Hiệp, Bắc Triều Tiên và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về mặt lịch sử, đều là quốc gia nạn nhân của thời kỳ chiến tranh lạnh, cũng bị chia cắt, cũng có lịch sử đối đầu với Hoa Kỳ nhưng Việt Nam và Triều Tiên đã chọn những hướng tiếp cận khác nhau.
“Trong cách tiếp cận của Bắc Triều Tiên, họ thiên về sức mạnh cứng tức là dùng sức mạnh quân sự để đảm bảo an ninh cho chế độ. Trong khi đó cách tiếp cận của Việt Nam thì dựa vào cách tiếp cận mềm tức là dùng cải cách kinh tế, mở cửa để nâng cao sức mạnh kinh tế và bảo vệ an ninh cho chế độ.”
Một bài viết đăng trên tờ Tona Ilbo của Hàn Quốc cho biết một quan chức cấp cao của nước này đã gợi ý rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nên “suy nghĩ về mô hình Việt Nam” – thành công kinh tế và trong cả việc bình thường hóa mối quan hệ với Mỹ.
Hai mươi năm sau chiến tranh kết thúc, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ vào năm 1995. Trước đó vào năm 1986, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, đưa nền kinh tế theo hướng thị trường trong khi vẫn duy trì chế độ Cộng sản.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/ha-noi-la-dia-diem-ly-tuong-cho-cuoc-gap-trump-kim/4301783.html