Xăng dầu ‘móc túi’ người dân hơn 3.300 tỷ

 

Hà Duy 

doanh nghiệp nhập khẩu dầu diesel, dầu madut,… có thể hướng mức thuế nhập khẩu 0-5% nhưng người tiêu dùng vẫn phải chịu giá đã đánh thuế 10% để mua các mặt hàng này. Mức chênh lệch này có thế mang lại nguồn lợi hàng tỷ đồng cho các DN xăng dầu.

Theo tính toán, nhờ chênh lệch này, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán đã hưởng lợi khoảng hơn 3.300 tỷ đồng.

 Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng từ việc cơ quan nhà nước không kịp thời lấp lỗ hổng chênh lệch thuế xăng dầu nhập khẩu. Sau khi vấn đề được phát hiện, Bộ Tài chính đã có động thái thay đổi cách tính thuế với xăng dầu nhập khẩu nhưng chưa giải quyết được tận gốc vấn đề.

Lỗ hổng thuế, nghìn tỷ chảy vào túi doanh nghiệp

Đầu năm 2016, VietNamNet đã phát hiện và đăng tải loạt bài về việc “Lỗ hổng thuế, doanh nghiệp xăng dầu đút túi ngàn tỷ”.

Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu dầu diesel, dầu madut,… có thể hướng mức thuế nhập khẩu 0-5% nhưng người tiêu dùng vẫn phải chịu giá đã đánh thuế 10% để mua các mặt hàng này. Mức chênh lệch này có thế mang lại nguồn lợi hàng tỷ đồng cho các DN xăng dầu.

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố báo cáo kiểm toán chuyên đề về xăng dầu, trong đó có nhắc đến khoản lợi mà các DN xăng dầu hưởng được từ mức chênh lệch này.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2015 và 5 kỳ điều hành đầu tiên năm 2016, liên bộ Công Thương – Tài chính áp dụng thuế MFN trong điều hành là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn tới giá cơ sở tăng lên, tạo nên một khoản thặng dư lớn cho các đơn vị đầu mối.

Theo tính toán, nhờ chênh lệch này, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán đã hưởng lợi khoảng hơn 3.300 tỷ đồng.

Vì thế, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã phải thay đổi cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu. Cụ thể, từ kỳ điều hành 21/3/2016, giá cơ sở được áp dụng thuế bình quân gia quyền, tuy có hợp lý hơn, nhưng Kiểm toán Nhà nước cho rằng giải pháp này chỉ mang tính tình thế, không giải quyết được tận gốc vấn đề vì vẫn phát sinh chênh lệch thuế nhập khẩu giữa xây dựng và thực tế. Tại 10 thương nhân đầu mối, trong năm 2016 vẫn chênh lệch hơn 1.400 tỷ đồng.

Qua kiểm toán sổ sách thực tế cho thấy, doanh nghiệp (DN) đầu mối được hưởng thuế ATIGA sẽ được lợi từ 5-25% đối với dầu DO năm 2015; 0,6-10% đối với dầu DO năm 2016, cao hơn 5,74-10% đối với xăng.

Đây là nhân tố tác động chính làm giá cơ sở thực tế tại đơn vị thấp hơn so với giá cơ sở do liên bộ điều hành, khiến DN tăng thêm lợi nhuận khoảng 4.800 tỷ đồng, trong đó, thặng dư cao nhất tại Petrolimex với khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

Việc áp dụng thuế bình quân gia quyền cũng được Kiểm toán Nhà nước cho là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc, cũng như tính minh bạch, rõ ràng trong quy định. Để việc xây dựng giá cơ sở được bình đẳng, hợp lý thì việc quy định tỷ lệ thuế nhập khẩu về một mức phù hợp là rất cần thiết, để khắc phục tồn tại trong xác định giá cơ sở và góp phần vào việc chống trốn lậu thuế.

Kiểm toán Nhà nước cũng kết luận, liên bộ xác định chưa chính xác về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, khiến chênh lệch thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT tại 4 kỳ điều hành (tháng 7, 8/2016) là hơn 216 tỷ đồng. Cơ quan điều hành cũng xác định chưa hợp lý về tỷ giá tính thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, dẫn đến tính thiếu 214 tỷ đồng qua 17 kỳ điều hành tại 10 DN đầu mối.

Nộp thiếu thuế bảo vệ môi trường

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện số thuế bảo vệ môi trường các đơn vị phải nộp tăng thêm là hơn 170 tỷ đồng.

Lý do là kê khai thuế bảo vệ môi trường chưa phù hợp về thời điểm tính thuế và mức thuế áp dụng trong giai đoạn nhà nước điều chỉnh tăng mức thuế.

Giai đoạn 1/1/2015 đến 30/4/2016, các đơn vị đầu mối nộp thuế bảo vệ môi trường với mức 1.000 đồng/lít xăng khoáng; 500 đồng/lít dầu diezel; 300 đồng/lít dầu mazut,… Nhưng thực tế là từ 1/5/2015, mức thuế bảo vệ môi trường đã tăng lên thành 3.000 đồng/lít với xăng; 1.500 đồng/lít với dầu diezel; 900 đồng với dầu mazut.

Song, các đơn vị đầu mối được kiểm toán lại còn tình trạng thực hiện kê khai thuế bảo vệ môi trường theo thời điểm phát hành hóa đơn và áp dụng mức thuế cũ (trước 1/5/2015) nhưng hàng lại được giao, chuyển quyền sở hữu, rủi ro sau khi mức thuế mới có hiệu lực thi hành (1/5/2015).

Điều này là chưa đảm bảo phù hợp về thời điểm tính thuế và mức thuế áp dụng. Qua kiểm toán xác định lại thời điểm tính thuế đối với những lô hàng này là từ ngày 1/5/2015 và mức thuế áp dụng được thực hiện theo Nghị quyết 888a/UBTVQH13, dẫn đến điều chỉnh tăng số thuế bảo vệ môi trường phải nộp qua kiểm toán là hơn 142 tỷ đồng.

Do đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị các đơn vị tổ chức kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến sai sót, tồn tại trong việc kê khai thuế bảo vệ môi trường chưa phù hợp về thời điểm tính thuế và mức thuế áp dụng trong giai đoạn nhà nước điều chỉnh tăng mức thuế, phải nộp bổ sung qua kiểm toán là hơn 142 tỷ đồng.

H.D.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/nguoi-do-xang-dau-bi-moc-tui-hon-3-300-ty-426171.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.