Việt Nam – Calitoday News – Cận tết nguyên đán 2018, khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tiếp tục tắc nghẽn và bản thân sân bay này chưa nhận được thêm một mét vuông “bồi thường” nào từ sân golf Tân Sơn Nhất chiếm dụng đến 157 ha.
Thế còn 14 dự án “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất hiện ra sao?
Chỉ có ba cầu vượt đã cơ bản hoàn thành, trong lúc còn bốn dự án dang dở và bảy công trình chưa xác định thời điểm khởi công. Mọi chuyện đều chậm chạp như rùa bò.
Tình trạng trên xảy ra rất “đúng quy trình”, bất chấp hai kỳ họp tháng 5 – 6 năm 2017 và tháng 10 – 11 của Quốc hội Việt Nam mà trong đó nhiều đại biểu phải “la làng”, yêu cầu phải cải thiện ngay lập tức nạn ùn ứ cả dưới đất lẫn trên trời. Cũng bất chấp công luận và dư luận phẫn nộ phản ứng đối với nhóm lợi ích sân golf Tân Sơn Nhất được xem là “thuộc quân đội” hoặc ‘thân quân đội” đã cố tình chây ì không chịu giao trả đất cho sân bay dân dụng.
Trong thực tế, sân bay dân dụng Tân Sơn Nhất đã bị nhóm lợi ích bắt làm “con tin”.
Lý do là… 3 ngàn tỷ đồng.
3 ngàn tỷ đồng là con số mà giới chủ đầu tư sân golf Tân Sơn Nhất đã công bố và “ra giá” theo cách “muốn lấy lại 157 ha đất sân golf Tân Sơn Nhất thì phải bồi thường 3 ngàn tỷ đồng”. Sau đó, cả giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng từ Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đến Thứ trưởng Trần Đơn, cùng những nhân vật bị cho là “có cổ phần” trong sân golf Tân Sơn Nhất, trong các chuyến thị sát sân bay Tân Sơn Nhất và trong các cuộc làm việc với chính phủ và chính quyền TP.HCM, đã gián tiếp xác nhận và ủng hộ ý tưởng “bồi thường” vô lối đó.
Rất rõ, sân golf Tân Sơn Nhất đã trở thành “kẻ tống tiền”, còn ngân sách quốc gia và tiền thuế của dân tạo ra ngân sách lại bị biến thành một thứ “con tin”.
Tình thế cấp bách đang đặt ra hai khả năng: ngân sách quốc gia có phải bồi thường hay là không.
Về mặt pháp luật, cần nhắc lại một kết luận của Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật quốc hội Nguyễn Đức Kiên: hợp đồng xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất là vô hiệu. Theo đó, có thể cho rằng phát ngôn của Thứ trưởng Đơn đã vô trách nhiệm và sai luật. Hợp đồng đã vô hiệu thì chỉ có giải tỏa trắng chứ không bồi thường gì cả.
Nhưng nếu chính phủ vẫn “quyết liệt” trích ngân sách ra để bồi thường cho nhóm lợi ích sân golf mà không thèm hỏi ý kiến dân, quan chức nào sẽ phải chịu trách nhiệm về 3.000 tỷ đồng bồi thường trái pháp luật ấy?
Có lẽ bởi lý do quá nguy hiểm trên, cho tới giờ vẫn không một nhân vật nào của chính phủ và bộ ngành dám đứng ra “nhận trách nhiệm” để quyết định có bồi thường hay không.
Vào những ngày đầu năm 2018, Văn phòng Chính phủ lại có thêm một động tác “câu giờ” khi “thông báo kết luận” của một quan chức cấp chính phủ về vụ sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu “rà soát quy hoạch, xây dựng phương án mở rộng xây dựng phương án mở rộng và lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Cảng hàng không, các Quy hoạch liên quan tại khu vực Cảng hàng không – Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất”. Cũng theo đó, “Bộ Giao thông vận tải rà soát lại các Quy hoạch, đánh giá hiện trạng sử dụng đất cho quốc phòng như sân Golf, các đơn vị quân sự hiện hữu và đất cho ngành hàng không lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Cảng hàng không. Đồng thời, đề xuất phương án sử dụng đất ở cả phía Bắc và phía Nam để phục vụ cho phát triển Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…”.
Văn bản thông báo trên có thể được xem là nằm trong một chuỗi văn bản của Chính phủ đôn đốc “cả hệ thống chính trị vào cuộc” để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất kể từ giữa năm 2017 đến nay, nhưng điều quái lạ là hiệu lực điều hành của “chính phủ kiến tạo” đã hiệu quả đến mức không có bất kỳ một động tác nào được triển khai, còn nhóm lợi ích mà trong đó chắc hẳn không thể thiếu thành phần then chốt là Bộ Giao thông vận tải, cho dù bộ này vừa có bộ trưởng mới thay cho nhân vật “không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc” (tức về phía sân golf) – cựu bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, nay là bí thư thành ủy Đà Nẵng – đã chẳng có bất kỳ nhúc nhích nào.
Người dân hoàn toàn có thể đặt một dấu hỏi lớn: vì sao “chính phủ kiến tạo” của Thủ tướng Phúc lại không thể “quyết liệt” giải tỏa sân golf Tân Sơn Nhất với hành vi chiếm dụng đất nhiều năm đã quá rõ ràng, mà lại để sân bay Tân Sơn Nhất bị biến thành một thứ “kiến tạo con tin”, trong lúc mới đây Nguyễn Xuân Phúc, trong một công điện đầy “sắc máu”, vừa chỉ đạo Bộ Công an phải thật nhanh chóng xử lý “các đối tượng gây rối”, theo cách muốn gán ghép cả những lái xe phải đối nạn lạm dụng thu phí vô tội vạ ở các trạng BOT thành “thế lực phản động”, và tóm lại ông Phúc đã như thể quay ngoắt sang việc bảo vệ cho nhóm lợi ích BOT chứ không phải “trở về với nhân dân”?