“Họa phúc hữu môi phi nhất nhật”

(Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 29)

Tương Lai

Để rồi “anh hùng di hận kỷ thiên niên” nối tiếp câu thơ trên! Đây là lời Nguyễn Trãi. Phải chăng đây cũng là sự đúc kết về tính bi hùng của lịch sự từ sự trải nghiệm của chính sự nghiệp lẫy lừng và cuộc đời bi hận của người anh hùng. Quy luật nghiệt ngã này rồi sẽ vận vào cái kết cục bi thảm cuộc đời của người đứng vào hàng số một trong những danh nhân Việt Nam từ cổ chí kim

Hãy đặt sự đúc kết này vào trong toàn cảnh của bài “Quan hải” (Đóng cửa biển)* mới thấy hết được tư tưởng và những dự phóng từ một tầm vóc thiên tài gửi vào những tứ thơ bất hủ:

Thuyền có bị lật mới biết rằng dân chẳng khác gì nước

Cậy vào địa thế hiểm trở cũng khó bằng mệnh trời

Họa phúc đều có duyên do, đâu phải chỉ một ngày

Anh hùng để lại mối hận nghìn năm

Xưa nay ý trời đất thì vô cùng tận

(Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ, 

Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên. 

Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật, 

Anh hùng di hận kỉ thiên niên. 

Kiền khôn kim cổ vô cùng ý)

Tầm vóc thiên tài của Nguyễn Trãi khiến cho ông có đôi mắt vượt lên phía trước khi ông được giao viết chiếu chỉ của Lê Thái Tổ “Cấm các đại thần tổng quản cùng các quan ở Viện, Sảnh, Cục tham lam lười biếng” và “Phàm người có chức vụ coi quân trị dân đều phải dụng phép công bằng, làm việc cần mẫn, thờ vua hết trung, đối dân hết hòa, bỏ thói tham ô. Trừ tệ lười biếng; bè đảng riêng tây phải bỏ, thái độ cố phạm phải chừa; coi công việc của quốc gia làm công việc của mình, lấy điều lo của sinh dân làm điều lo của chính mình…”.

Chỉ có điều, thiên tài, thật sự là thiên tài, vĩ nhân đích thực là vĩ nhân thường đơn độc. Nguyễn Trãi vượt hẳn lên người đương thời, và vì vậy ông là đối tượng của sự ghen ghét, thù hận và tìm cách hãm hại. Kết thúc chiến tranh, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi được phong đến tước hầu, hàm thượng thư, tham dự việc cơ mật, rồi cũng chính bậc thang danh vọng ấy đã ẩn chứa trong lòng nó hiểm họa không sao tránh khỏi. Có lẽ ông đã dự cảm được điều đó:

Cửa nhà càng rộng, thế càng phiền

(Gương báu răn mình, bài số 16)

Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc

Cho hay đường lợi cực quanh co

(Tỏ chí mình, bài số 19)

Không phải ai khác mà Lê Thái Tổ vì nghe lời xiểm nịnh đã bắt giam người công thần số một từng nằm gai nếm mật với mình là Nguyễn Trãi. Cho dù là khai quốc công thần, nhưng với phẩm tính trung thực và dứt khoát không khoan nhượng vói những kẻ chỉ ưa xiểm nịnh thì Nguyễn Trãi làm sao tránh khỏi sự căm tức của lũ quyền thần chuyên nghề nịnh hót. Chẳng những thế khó mà được triều đình trọng dụng. Trong một thư gửi cho bạn Nguyễn Trãi đã nói về cái nết “ngông” ấy trong tính cách của ông thời trẻ. Lúc về già, sống giữa triều đình lúc nhúc lũ nịnh thần, ông vẫn giữ lấy cái bản ngã đáng trọng ấy và cũng do đó ông càng lắm kẻ thù!

Bình sinh vu khoát chân ngô bệnh

Vô thuất năng y lão cánh gia

(Bình sinh vu khoát thật là bệnh của ta

Không thuật gì chữa được, mà già lại thêm nặng)

(Bài “Ngẫu thành” làm vào thời bị thất sủng)

Cái quy luật tàn nhẫn “Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao hết, cung tốt vất bỏ; nước địch phá xong mưu thần bị giết” (Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn; địch quốc phá, mưu thần vong) đâu chỉ xuất hiện bên Tàu từ thời Xuân Thu với Văn Chủng và thời Tây Hán với Hàn Tín! Hầu như các triều đại phong kiến Việt Nam cũng không thiếu những thảm trạng “điểu tận cung tàn”, chim hết thì xếp cung nỏ vào kho. Những công thần chính trực không mấy khi đi trọn đường đời, mà thường nửa đường đứt gánh. Càng trung chính thì càng dễ đứt gãy, càng phải gánh chịu nhiều lời thị phi từ những kẻ mà lòng dạ “khó hiểu như vực sâu”, miệng lưỡi “sắc nhọn hơn chông mác” như Nguyễn Trãi đã từng chiêm nghiệm. Oái oăm thay, sống dai dẳng nhất lại là bọn nịnh thần khéo luồn cúi để được sủng ái, giỏi kéo bè kết cánh để hãm hại người ngay.

Việc Lê Sát, một khai quốc công thần cùng với Nguyễn Trãi và nhiều người khác sát cánh cùng Lê Lợi từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cho đến khi toàn thắng được phong Huyện thượng hầu, công hàng thứ nhất, đến triều Lê Thái Tông được phong làm tể tướng, lại là người ưa nịnh, hống hách và tham quyền, đã tìm cách diệt Nguyễn Trãi cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng đến lượt Lê Sát lại bị Lê Thái Tông giết cũng lại là chuyện không lạ. Những người đứng ra can ngăn cũng bị trị tội. Sử còn chép họ “cùng bị truy đoạt tấm biển “công thần” được ban cho từ thời Lê Thái Tổ”.

Vậy là, vào thế kỷ XV dẫu là thiên tài Nguyễn Trãi cũng không thể nào vượt qua được cái nan đề của lịch sử vừa nhắc ở trên. Nguyễn Trãi chưa thể nào biết được vào thế kỷ của mình, xã hội Châu Âu trung cổ đang trăn trở chuyển mình. Đó là thời đoạn lịch sử của trào lưu phục hưng văn hóa với những Bocasse, Petrarque, trước đó là tên tuổi của Dante “người khổng lồ” của nước Ý với Thần khúc (Divina Commedia) được xem là “Kinh thánh của thời trung cổ” và sau đó là Thomas More người Anh, với tác phẩm Utopia, được xem là “nhà cách tân tư tưởng vĩ đại”. Nguyễn Trãi của chúng ta chưa hề biết đến họ, nhưng sử học thì nhận biết ở ông “có sự tập hợp của nhiều tính cách nhân vật lớn như thế” (Văn Tạo). Phải chăng vì vậy Nguyễn Trãi được phong tặng là danh nhân văn hóa thế giới năm 1980.

Bi kịch thảm khốc mà nhà văn hóa lớn của Việt Nam phải gánh chịu chình là vì thời đại của Nguyễn Trãi hàm chứa trong nó những nghịch lý: Một là thời thế đã thay đổi, cần phải đổi mới, nhưng đề xướng đổi mới lại là xu hướng Trung Quốc hóa, phản dân tộc (đại diện là các nho thần Lê, Phạm). Hai là cái truyền thống thì bảo thủ (mất tính năng động buổi đầu nhà Trần) tuy rằng nhờ biết nhân danh dân tộc đã nêu lên được một nguyên lý tiến bộ: “Nam, Bắc khác nhau không cần bắt chước nhau”. Ba là xã hội văn hóa khủng hoảng mà không có đường lối tháo gỡ. Hồ Quý Ly tuy đã kiên quyết chống giặc Minh xâm lược, bước đầu gợi ra quan điểm giải Hán hóa về văn hóa và giáo dục song điệu kèn lại ngập ngừng với những giải pháp nửa vời.

Vậy là, đúng như nhận định của học giả đáng kính Trần Quốc Vượng “Nguyễn Trãi tắm mình trong một bầu không khí văn hóa, ở đó đang diễn tiến cuộc đấu tranh gay gắt giữa “Truyền thống” và “Đổi mới”, cuộc đấu tranh gay gắt giữa xu hướng Trung Quốc hóa và xu hướng giải Trung Quốc hóa trong nội bộ các thế lực cầm quyền và giới trí thức, văn hóa Đại Việt”. (Văn hóa Việt Nam. Tìm tòi và suy ngẫm. NXB Văn học, 2003, tr.728)

Với sứ mệnh phát huy truyền thống dân tộc và thân dân thời Lý-Trần, trong Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi đã dõng dạc và đanh thép chỉ rõ: “Đại Việt ta thuở trước, Vốn xưng văn hiến đã lâu, Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác”. Như vậy là đã xác định được sự “dị thù” giữa nước ta với nước láng giềng phương Bắc cả về cương vực, cả về văn hóa. Tuy nhiên xét trên tổng thể về triều đại, nhất là từ thời Lê Thánh Tông (1460-1497) chính trị thì củng cố chế độ trung ương tập quyền theo hướng chuyên chế, tư tưởng thì theo hướng độc tôn nho giáo, bài xích Phật, Đạo và tín ngưỡng dân gian. Vì thế, ngày càng rơi vào quỹ đạo của văn hóa phong kiến Trung Quốc cho dù Nguyễn Trãi từng cố tạo dựng một bước đột phá. Đương nhiên, sức sống của dân tộc tạo nên môt lực nội sinh đã cưỡng lại quyết liệt. Vả chăng, cái thực tế ngoại diên bao giờ cũng vượt lên trên cái duy ý chí của tầng lớp thống trị. (Xem thêm Trần Quốc Vượng, sách đã dẫn).

Chính vì vậy, vượt hẳn lên những người đương thời, Nguyễn Trãi có những cống hiến lớn cho đất nước khó có danh nhân nào trong lịch sử nước ta có thể so sánh được. Riêng một điều này đã cho thấy sự độc đáo của ông: Nguyễn Trãi là nhân vật lịch sử duy nhất đã tự tay mình viết ra những tư tưởng chính trị, quân sự và đạo lý sống của chính mình. Đáng tiếc là sau thảm án của người anh hung, nhiều tác phẩm của ông đã bị bọn quyền thần thắng thế trong triều thiêu hủy.

Sự đúc kết về bi kịch “họa phúc hữu môi phi nhất nhật, anh hùng di hận kỷ thiên niên” của ông với ý nghĩa khái quát sâu sắc có giá trị như một quy luật lịch sử. Mà thật ra, đâu phải đợi đến thảm án Lệ Chi viên thời Lê Thái Tông, ngay thời Lê Thái Tổ, vị đệ nhất công thần Nguyễn Trãi đã thất sủng và đã có lần bị vua hạ lệnh bắt giam, đến khị được tha thì cũng không được trao những trọng trách để thực thi tài kinh bang tế thế. Ông viết điều ấy trong bài “Ngẫu thành”: “Hỷ đắc thân nhân quan hưu lãnh” (Mừng được thân nhàn mà chức quan lại rỗi)!

Chỉ kẻ nịnh bợ và có tài kéo bè, kết cánh như Lê Sát mới được nắm trọn quyền bính. Chính Lê Sát đã có lần đàn hặc, khiển trách Nguyễn Trãi, người mà ông ta biết rằng tài năng và đức độ vượt hẳn mình và những người đang nắm giữ những trọng trách trong triều. Lê Sát là “khắc tinh” của Nguyễn Trãi như nhận định của một nhà sử học! Nhận định ấy ngẫu nhiên lại rọi thêm chút ánh sáng để hiểu về diện mạo của những kẻ hoạt đầu, trí trá nham hiểm, lá mặt lá trái trong mưu toan leo lên cao hơn nữa trên bậc thang danh vọng bằng nhiểu thủ đoạn hạ gục đối thủ có bản lĩnh và quyền uy hơn mình! Quả thật lịch sử là một nhân tố mà thiếu nó thì khó soi tỏ cái đang diễn ra, bởi lẽ “một nền văn minh bao giờ cũng là một quá khứ, một quá khứ sống động nào đó. Do đó, lịch sử một nền văn minh là sự tìm tòi trong những tọa độ cũ, những tọa độ mà ngày nay vẫn còn giá trị (Fernand Braudel, Tìm hiểu các nền văn minh). Chính từ những sự kiện đang xảy ra mà tìm về “những tọa độ” có tác dụng gợi lên một cái nhìn tham chiếu đặng hiểu sâu cái đương đại.

Bằng tầm nhìn của một vĩ nhân, Nguyễn Trãi từ lâu đã hiểu được nghịch lý ấy: Mấy bài thơ mở đầu cho Ức Trai thi tập đã cho thấy điều đó. Xin dẫn ra đây mấy câu:

Binh thư thân thích bán ly tinh

Vạn tử tàn khu ngẫu nhất sinh

Vãng sự không thành Hòe quốc mộng…

(Ký cữu Dịch trai Trần công)

(Sau cuộc binh hỏa, thân thích đã rơi rụng một nửa

Trải muôn chết thân tàn ngẫu nhiên còn sống

Việc cũ xưa đã thành giấc mộng Hòe quốc…)

Vậy là đúc kết quy luật của lịch sử ở tầm vóc của một vĩ nhân khác xa việc mượn lịch sử một cách lố bịch của kẻ xu thời muốn ăn theo cái xu thế ngỡ là đang thượng phong để kiếm chác chút đỉnh khi vốn liếng chính trị chẳng còn gì qua bao toan tính bẩn thỉu để rồi “bừng con mắt dậy thấy mình tay không”! Của đáng tội, lịch sử không thiếu gì những kiểu người như vậy. Thì chẳng phải Nguyễn Trãi đã mắng thẳng vào mặt lũ giảo hoạt, quay quắt bon chen, nịnh bợ để cốt leo lên cao đó thôi: “Sở dĩ có tai nạn ấy chính là tự lũ các ông. Các ông chỉ là loại người thích sưu cao thuế nặng để vơ vét của dân cho nhiều”. Theo cách nói hôm nay là “ăn của dân không chừa một thứ gì”! Nguyễn Trãi dám mắng bọn quyền thần sâu mọt vì ông đã thật sự nêu gương sáng trong suốt thời kỳ “nằm gai nếm mật” với Lê Lợi, rồi vào buổi “đảng ngụy ngầm gian, theo hùa [với giặc Minh] mà bán nước” cho đến khi bị thất sủng “triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải”, cho dù “Bữa ăn dù có dưa muối, Áo mặc nài chi gấm là” (Nói chí mình, bài số 3) vẫn ung dung tự tại “Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh, Áo bồ quen cật vận xênh xang” (Tức sự, bài số 4) . Nguyễn Trãi chỉ có một điều canh cánh trong lòng không bao giờ nguôi:

Suốt đời ôm mãi lòng lo trước

Chăn lạnh choàng vai thức suốt đêm

Bình sinh độc bão tiêu ưu niệm

Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên

(Hải khẩu dạ bạc hữu cảm, bài số 9)

Đối với triều đình nhà Lê lúc bấy giờ, sau “bốn biển đã yên lặng”, Nguyễn Trãi nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá! Nguồn gốc sâu xa của thảm án vô cùng đau thương của Nguyễn Trãi bị tru di ba họ là ở đó” (Phạm Văn Đồng). Duyên do của họa phúc đâu chỉ phải một ngày mà nếu bằng vào sự nghiệp và vận mệnh của Nguyễn Trãi thì quả là vì ông “nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá”. Đúng như thế, nhưng cũng cần nói rõ thêm là trong lịch sử, những người phải gánh chịu nỗi oan khiên như Nguyễn Trãi không chỉ có một, Nguyễn Trãi là bi kịch thảm khốc nhất, được nói đến nhiều nhất vì ông vượt hẳn lên trên những người khác về đức độ và tài năng của một anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới. Nhiều oan khiên trong suốt tiến trình lịch sử là do cái nan đề của lịch sử nhân loại vẫn tồn tại từ buổi Nguyễn Trãi tham chính và dai dẳng cho đến tận hôm nay chứ không chỉ trước 1945!

Một khi quyền lực được tập trung vào độc quyền cá nhân nhà vua (thiên tử) thì cái ông “con trời” ấy tùy theo lợi ích của chính nó, có khi do tính cách cá nhân, trình độ hiểu biết, dục vọng riêng tư mà định đoạt mọi vấn đề của đất nước. Cùng với cái đó, sự chuyển giao quyền lực giữa các chủ thể quyền lực theo cơ chế nối truyền hoặc gia đình, dòng tộc còn nhân dân, lũ “dân đen con đỏ” gọi là “bách tính” là viên đá lát đường cho các cá nhân đại diện cho gia đình, dòng tộc trong cuộc tranh bá đồ vương để leo lên ngai vàng, cái ghế quyền lực cao nhất. Chính cái nan đề đó khiến cho tất thảy mọi triều đại đầy rẫy những “tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây” không sao kể xiết. Có chăng chỉ ít hay nhiều tùy thuộc một phần vào thời thịnh trị so với thời suy vong, với minh quân hay với hôn quân trị vì mà thôi.

Đúng là, sự vĩ đại thuộc về Nguyễn Trãi, còn những hạn chế thuộc về điều kiện lịch sử như Võ Nguyên Giáp đã khẳng định nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Gợi lại hình ảnh của Nguyễn Trãi với câu đúc kết ở tầm triết lý mang tính quy luật cốt để có cái nhìn tham chiếu như vừa nói với những gì đang diễn ra trong thời đại đau thương của dân tộc trong buổi nhá nhem, tranh tối tranh sáng đầy nhiễu nhương với câu khái quát của Nguyễn Phú Trọng: “Nhìn tổng quát đất nước có bao giờ được thế này không?” và lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã kịp thời phản bác lại thật tường minh: “Nhìn tổng quát đất nước có bao giờ bi đát thế này không?”.

Bi đát thể hiện tập trung nhất ở chế độ toàn trị phản dân chủ ngày càng bộc lộ rõ cái nan đề của lịch sử đã phân tích ở trên lại đang được phơi bày lộ liễu. Câu chuyện “tiếm quyền” cứ ngỡ chỉ là sản phẩm của chế độ thần quyền thời phong kiến với các “con trời” muốn cho ai sống thì được sống, ai chết thì phải chết thì nay đang hiện diện một cách trắng trợn trong xã hội ta hiện nay. Hai từ “nhân dân” đầy rẫy trên mặt báo, và là điệp khúc mỹ miều được nói đến từ cửa miệng các quan chức từ chóp bu cho xuống đến nơi “thôn cùng xóm vắng”. Thế nhưng trên thực tế thì nhân dân hoàn toàn đứng ngoài mọi quyết định của bộ máy quyền lực do Đảng hoàn toàn áp đặt. Việc “trưng cầu dân ý” được ghi vào Hiến pháp 1946 bị cố tình lờ đi suốt 70 năm qua.

Câu mở đầu cho Khế ước xã hội của J.J. Rousseau ra đời năm 1762, đánh dấu một cột mốc lớn trong tư duy của con người tự nhận thức về quyền làm người của mình:Con người sinh ra đã là tự do, vậy mà ở khắp mọi nơi, con người lại đang bị cùm kẹp vẫn đang là một giục giã cho tất thảy những người đang bị cùm kẹp hiện nay. Thành tựu của văn minh loài người với sự ra đời nhà nước pháp quyền với Montesquieu và nguyên lý “Nhà nước của dân, do dân, và vì dân” của Abraham Lincoln đã bị đánh tráo. Đúng hơn là bóp méo và xuyên tạc khi thêm cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” vào để dễ lừa mị.

Cùng với việc đặt cương lĩnh của Đảng lên trên hiến pháp, gần đây với các “Quy định 105” và “Quy định 102” dấn thêm một bước trắng trợn hơn việc chà đạp lên những thành tựu của văn minh vừa nói. Trên thực tế thì điều đó vẫn đã diễn ra trong nhiều thập niên, nhưng với việc nói toẹt tra là cấm không được có ý nghĩ và nói đến “tam quyền phân lập, xã hội dân sự” cho thấy triều đại Nguyễn Phú Trọng với sự dẫn dắt và áp lực nặng nề, tức thời của tư tưởng và đường lối Tập Cận Bình: độc trị hành pháp, “đảng chỉ huy súng” ở Trung Quốc đã vượt xa những tiền nhiệm như Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Văn Linh.

Sự đàn áp khốc liệt những người yêu nước chống Trung Quốc xâm lược, đòi dân chủ dân sinh diễn ra dồn dập song song với cuộc thanh trừng nội bộ mỗi lúc một tàn bạo và hối hả hơn. Xin dẫn ra đây một nhận định vừa tìm thấy trên mạng:

Vietnam – Cali Today News – Tổng bí thư Trọng đã như thể “lột xác” kể từ tháng Mười Một năm 2017, đặc biệt sau cuộc gặp với Tập Cận Bình của Trung Quốc vào ngày 12/11/2017. Gần một tháng sau cuộc gặp vừa lộ diện vừa cực kỳ bí mật đó, cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng đã bị còng tay. Và đúng hai tháng sau cuộc gặp đó, Đinh La Thăng đã phải đối diện với một mức án nặng chưa từng có đối với một quan chức cấp cao. Chỉ mới vào ngày thứ tư của phiên tòa xử “Thăng – Thanh”, Viện Kiểm sát tối cao đã xuất hiệ n với đề nghị mức án 14 – 15 năm đối với cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng và chung thân đối với Trịnh Xuân Thanh. Với sự xuất hiện khá sớm như thế, có khả năng phiên tòa trên – dự định kéo dài khoảng 2 tuần – sẽ được rút ngắn hơn.

Chính vì thế Theo quan điểm của tôi, Việt Nam không phải là một quốc gia pháp quyền”, nữ luật sư Petra Schlagenhauf đã khẳng định. Cho nên, một phiên tòa công bằng ư? Theo quan điểm của vị nữ luật sư ở Berlin, CHLB Đức, điều này sẽ không thể có. Suốt hai tháng ở Hà Nội, thân chủ của bà không hề được tiếp cận với sự trợ giúp pháp lý, nhóm biện hộ Việt Nam của người này có quá ít thời gian để nghiên cứu bản cáo trạng. Bà là người bị từ chối cho nhập cảnh trước khi bắt đầu phiên xử. Rồi chuyên gia am hiểu sâu sắc Việt Nam, giáo sư Carl Thayer cũng đưa ra một kết luận tương tự: “Ở Việt Nam không có những cuộc điều tra độc lập”. Theo nghĩa này, mọi cáo buộc đều mang tính chính trị. Nhưng vụ tố tụng này có nghĩa như thế nào? Đằng sau đó phải chăng là cuộc chiến quyền lực giữa các phe phái trong Đảng Cộng sản? Một bức tranh rõ nét khó được đưa ra trong những tình trạng không minh bạch đến vậy.

Trong bài này chưa tiện phân tích sâu về sự kiện Đinh La Thăng, nhưng lập luận sau đây của một người tự giới thiệu “chỉ là gã dân đen, bằng những quan sát của riêng mình, tôi thấy những điều sau đây” không phải là không gợi lên những suy ngẫm:

Tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2, của Petro Việt Nam (PVN) vào tháng 5 năm 2011. Thăng là người quyết liệt, ngay lập tức, không úp úp mở mở theo kiểu “tàu lạ” “tàu quen”, cho họp báo, chỉ rõ tọa độ, tố cáo thẳng mặt Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, tại thềm lục địa Việt Nam, bùng lên ngọn lửa chống Tàu trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Vụ này, Tàu đau lắm. Đó là tội thứ nhất của Thăng với bọn Tàu.

Thăng là người đầu tiên dám đập bàn mắng chửi tổng thầu Trung Quốc, bố láo, láu cá láu tôm, tại công trường Cát Linh – Hà Đông. Thêm tội thứ hai của Thăng với Tàu.

Thăng là người cách chức hàng loạt những cán bộ cao cấp ngành Đường sắt Việt Nam thân Tàu, tay sai của Tàu, mua đầu máy, toa xe, phụ tùng đểu, toàn đồ phế thải của Tàu với giá cắt cổ, nhưng không dùng được – Tàu hậm hực lắm . Đó là tội thứ ba của Thăng.

Thăng là người công khai ủng hộ Bob Kerry làm chủ tịch quỹ tín thác Đại học Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh. Bọn Tàu cho đó là ý đồ thoát Trung. Tàu điên lên. Tàu càng điên tiết khi không còn người Việt nào căm thù Đế quốc Mỹ, mà lại chỉ căm thù Tàu. Đó là tội thứ tư của Thăng.

Petro Vietnam (PVN) đang ở tuyến trước trên Biển Đông, đối đầu, trực diện với Trung Quốc, bị lôi ra cắt tiết vào lúc này. Ai hưởng lợi nếu không nói là Tàu. Từ nay về sau, PVN còn dám to miệng tố cáo nữa không? Có dám đối đầu không? Có dám xông lên tuyến trước không? PVN suy sụp là loại được một hiểm họa. Trung Quốc giờ đây một mình một chợ trên Biển Đông, hưởng lợi to trong vụ án này.

Nếu một mai lỡ Thăng vào Bộ Tứ, thì hiểm họa thoát Trung là hiển nhiên. Bọn Tàu nham hiểm, thủ đoạn, nên đã phải tính trước, không để Thăng yên. Giết Thăng! Tàu thêm vây cánh. Mỹ và phương Tây mất đi một người bạn quan trọng tại Việt Nam.

Chỉ cần một “tội”, bọn Tàu đã không tha. Đằng này Thăng mắc tới bốn tội với Tàu….

Làm quan có ông nào là không tham ô chấm mút. Tham ô như Thăng thì bao nhiêu người không tham ô trong giới quyền chức Việt Nam. Làm việc và lãnh đạo sao không mắc sai lầm. Sai lầm như Thăng thì nhiều người còn sai lầm nghiêm trọng hơn. Sao không mang ra cắt tiết, xẻ thịt.

Tôi không tin Đảng giành lại được chiến trường quần chúng sau đại án Đinh La Thăng. Trái lại, Đảng còn mất thêm, gây thù chuốc oán, suy sụp lòng tin, mất đoàn kết nội bộ. Đảng càng suy yếu, Tàu càng hưởng lợi. Chỉ có Đất Nước Việt Nam là nạn nhân.

Sẽ quá dài và không cần thiết nếu cứ đi mãi vào cái mê hồn trận của những phiên tòa với những bản án bỏ túi theo một quyết định đã có từ trước của người đang thâu tóm mọi quyền lực vào một tay mình. Chưa bao giờ mà sự dằn vặt của nhà văn Nguyễn Khải từng được dẫn ra trong bài viết về sự ngột ngạt của môi trường xã hội của tôi cách đây nhiều năm lại giằng xé trái tim tôi như những ngày vừa qua:Một môi trường xã hội ngột ngạt vì cái bóng quyền lực phủ lên tất cả, quyết định tất cả, thì số phận những cá nhân sẽ ra sao”? (Nguyễn Khải, Đi tìm cái tôi đã mất).

Trong những ngày này quyền lực không còn là “cái bóng” nữa mà đã hiển hiện lên bằng nhà tù và những phiên tòa nhân danh luật pháp xã hội chủ nghĩa. Mà vì vậy, sự đúc kết mang tầm triết lý của Nguyễn Trãi hơn 600 trước đây “họa phúc hữu môi phi nhất nhật” cũng đang là hiện thực bằng xương bằng thịt của những bản án phi luân kết tội rất nặng những người phụ nữ Việt Nam yêu nước, kiên cường trong khát vọng tự do cho bản thân mình, cho con mình như Mẹ Nấm, Trần Thị Nga và bao nhiêu người khác nữa đang bị hành hạ trong nhà tù chế độ xã hội chủ nghĩa này.

Cũng nên nói thêm rằng, chính vào lúc đúc kết về quy luật tàn nhẫn của cuộc sống, Nguyễn Trãi vẫn đủ bản lĩnh và tinh thần lạc quan để ước ao làm sao xóa đi những thảm trạng giày vò cuộc sống của con người, muốn đem nồi nước hoa lan gội cho khắp cả thế gian sạch sẽ:

Nguyện bả lan thang phân tứ hải

Tùng kim tảo quyết cựu ố dân

(Đoan ngọ nhật)

Bởi vậy ông răn dạy con cháu phải sống có đạo lý:

Khó khăn phải đạo cháo càng ngon

(Bảo kính cảnh giới, bài số 22)

Liệu Nguyễn Trãi có rơi vào ảo tưởng? Thì chẳng phải Albert Einstein từng cảnh báo “Quyền lực thường muốn thu nạp những người vô đạo đức” nên cũng chính Einstein đòi hỏi: Hãy có can đảm để đại diện một cách nghiêm túc những niềm tin đạo đức trong một xã hội đầy rẫy những kẻ vô liêm sỉ”.

Dù sao thì cũng cần nói rằng, làm sao sống mà không có đủ dũng khí để giữ vững một niềm tin về công lý và chính nghĩa trong cái xã hội đang bì thao túng bởi những kẻ vô liêm sỉ!

Ngày 13.1.2018

T. L.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Tản Mạn, Xã Hội. Bookmark the permalink.