Từ nỗi buồn im lặng đến nhận thức và phản kháng

Tâm Don (VNTB)

Cách đây khoảng 10 năm, nhiều tài xế và người dân đã nhận thức được rằng, BOT giao thông về bản chất là cướp đoạt trắng trợn tiền của người dân, thế nhưng họ đã không phản kháng dù chỉ là hình thức rất ôn hòa, họ không lên tiếng dù chỉ nhẹ nhàng. Nhưng, giờ đây, mọi chuyện đã khác xưa.

Nỗi buồn im lặng

Vào năm 2004, báo Tuổi Trẻ đã có bài viết về việc dự án BOT cầu Cỏ May ở Bà Rịa-Vũng Tàu thu phí quá cao. Đồng hành cùng Tuổi Trẻ, nhiều nhà báo có lương tri không phải là phóng viên cơ hữu của báo Tuổi Trẻ đã gửi cho Tuổi Trẻ nhiều bài viết có nội dung đại ý rằng, việc trạm BOT này thu phí quá cao là bất hợp lý vì rằng người đi trước đã phải trả tiền cho người đi sau, nhà đầu tư tay không thu lợi nhuận, hình thức thu phí quá lạc hậu và lộn xộn, dự án không bán vé tháng là sự ma lanh và xảo quyệt… Nhà báo lên tiếng, nhưng người lái xe im lặng. Thật buồn.

Dự án BOT cầu Cỏ May do Công ty Hải Châu thực hiện, với việc xây mới hai cầu Cỏ May, thực hiện làm mới 01 đường một chiều dài 1,8 km, nâng cấp tuyến đường có sẵn dài 1,8 km. Thời gian xây dựng bắt đầu từ cuối năm 1997, và đến giữa năm 1999 thì đi vào thu phí với sự vận hành rất lộn xộn (ca bin bán vé độc lập với ca bin soát vé, vì vậy tài xế phải dừng xe hai lần). Theo báo cáo của Cty Hải Châu, tổng đầu tư cho dự án này là 113 tỉ đồng, nhưng một người có trách nhiệm ở Cty này vào thời điểm đó cho biết, tổng mức đầu tư chỉ vào khoảng 60 tỉ đồng.

clip_image002

Theo hợp đồng BOT, dự án BOT cầu Cỏ May sẽ kết thúc thu phí vào năm 2007 nhưng các bộ Giao thông Vận tải, Tài chính đã đồng ý kéo dài thời hạn thu phí của dự án đến năm 2011 với lí do: nhà đầu tư đã đầu tư 113 tỉ đồng chứ không phải 75 tỉ đồng như dự án được phê duyệt, vì vậy kéo dài thời gian thu phí là để bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư. Không có giới chức nào, không có người dân nào lên tiếng phản biện và phản đối. Dự án này cũng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn năm, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong chín năm tiếp theo.

Ăn cùng ăn tận là thuộc tính của BOT giao thông. Vào tháng 6-2011 là thời điểm dự án BOT cầu Cỏ May hết hạn thu phí, nhưng nhà đầu tư lại có động thái tham lam cùng cực: họ gửi đơn lên các bộ ngành liên quan đề nghị cho thu thêm 02 tháng vì dự án này giữa chừng đã không thu phí đối với xe máy. Và, yêu cầu của chủ đầu tư đã được mấy bộ ngành nhanh chóng đồng ý, theo đó dự án BOT cầu Cỏ May sẽ được thu thêm 02 tháng, và chính thức chấm dứt vào ngày 02-8-2011.

Theo thông tin chính thức từ ngành thuế, dự án BOT cầu Cỏ May đã hoàn vốn đầu tư vào năm 2005, và đạt lợi nhuận 250 tỉ đồng. Còn theo nhận định của nhiều người thạo tin và vấn đề, lợi nhuận thực của nhà đầu tư dự án ít nhất là gấp 4 lần so với công bố của ngành thuế.

BOT cầu Cỏ May là BOT đầu tiên trên cả nước chấm dứt việc thu phí. Ông chủ thực sự của dự án siêu lợi nhuận này, sau khi chấm dứt dự án, đã đầu tư vào một sân golf ở miền Trung quê ông.

Nhận thức và phản kháng

Từ BOT cầu Cỏ May đến BOT Cai Lậy là cả một hành trình dài dằng dặc cả về độ tham lam của nhóm lợi ích (nhóm đi sau tham lam hơn nhóm đi trước, tàn độc hơn nhóm đi trước), về sự phản biện và phản kháng của người thụ hưởng sản phẩm BOT (người đi trước im lặng và nhẫn nhịn chịu đựng, người đi sau lên tiếng và phản kháng), về nhận thức bất công và cướp đoạt…

Từ BOT cầu Cỏ May đến BOT Cai Lậy là một thiên truyền hình chứa đựng nhiều cung bậc lí trí và cảm xúc. Thuở ban đầu, người dân đóng phí đã nhẫn nhục như những con cừu bị bầy sói đói mồi tấn công. Người dân thà mất tiền chứ không chịu lên tiếng và phản kháng. Thái độ hờ hững đến vô tâm của người đóng phí đã mang đến những nguồn lợi khổng lồ cho nhà đầu tư và nhóm lợi ích, và đáng buồn hơn là tạo tiền lệ xấu để các nhóm lợi ích dựng xây nên những BOT phi lí mang tính cướp đoạt trắng trợn. Nhưng cuối cùng, người thụ hưởng và người không thụ hưởng sản phẩm BOT đã nhận thức được sự thật cay đắng, và họ đã lên tiếng theo rất nhiều hình thức, đã phản kháng theo những phương cách ôn hòa nhất nhưng cũng rất thông minh và sang tạo để xóa bỏ áp bức và bất công chính.

BOT Cai Lậy, và BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ là điển hình của thói tham lam vô độ bất chấp luật pháp và đạo đức của các quan chức mà đại diện chính thức là các nhóm lợi ích. Vì các lợi ích cực kỳ to lớn mà họ đã – đang và sẽ nhận được, các quan chức sẵn sàng bỏ qua các yếu tố luật pháp và đạo đức nhằm mang đến cho các nhóm lợi ích những dự án mang lại những nguồn tài chính béo bở và siêu lợi nhuận.

Người dân Việt Nam đã bị cướp bóc và trấn lột từ lâu, và mức độ cướp bóc và trấn lột càng ngày càng mạnh mẽ. Chỉ khi người dân ý thức được rằng, quyền lợi và tiền bạc của họ bị cướp đoạt và trấn lột, họ sẽ phản kháng. Và thực tiễn cho thấy, khi đã vượt qua được sự sợ hãi, mức độ phản kháng của người dân sẽ càng ngày càng mạnh mẽ, và diễn ra ở bất cứ nơi nào, trong điều kiện nào.

Nếu chính quyền quyết tâm bảo vệ nhóm lợi ích mà quên đi quyền lợi chính đáng của người dân, e rằng sự phản kháng chính đáng sẽ kéo dài gây nên những trì trệ kinh tế và xã hội.

Nếu chính thể cứ mãi coi thường quyền lợi của người dân, nếu quan chức vẫn cứ tiếp tục vơ vét thông qua nhóm lợi ích, ngọn lửa phản kháng của người dân có thể bùng lên dữ dội, và cuốn sạch đi tất cả rác rưởi, bọt bèo.

T.D.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.