Quốc hội hãy làm sao để dân tin

Tô Văn Trường

Quốc hội ở nước ta theo kiểu “Đảng cử dân bầu” nên chất lượng đầu vào còn nhiều hạn chế cũng là điều dễ hiểu. Thực tế trong đời sống chính trị của công chức, do quen nói một chiều, nghe và làm theo một chiều nên “không quen” hỏi! Người có câu hỏi hay, sâu sắc được lòng dân và ngay cả người trả lời hay trên diễn đàn Quốc hội xưa nay vẫn là của hiếm.

Ở các nước, người lãnh đạo phải tranh cử nên người ta phải động não đưa ra chương trình hành động, chính sách để lấy lòng dân có nghĩa là chính sách có trước con người.

Thực ra, về nguyên tắc, Quốc hội chất vấn Chính phủ mới thật đúng, còn việc chất vấn các bộ trưởng chỉ nên đối với những vấn đề tư cách cá nhân. Tuy nhiên, cần thống nhất rằng, việc chất vấn không né tránh bất cứ vấn đề gì thuộc trách nhiệm của Chính phủ, nhất là các vấn đề nhân dân đang quan tâm.

Cử tri mong các vị đại biểu Quốc hội không ham hỏi nhiều mà truy vấn đến tận cùng một vài vấn đề. Ví dụ nếu truy vấn đến cùng vụ án khởi tố Đồng Tâm thì tự nhiên hàng loạt vấn đề khác liên quan sẽ bung ra như (quyền sở hữu ruộng đất, đất quốc phòng, tham nhũng, hình sự, quan hệ dân- chính quyền) vv…

Xin lưu ý, cách hỏi và trả lời lâu nay trên diễn đàn Quốc hội thường dẫn đến dung túng cho người ta đối phó bằng cách câu giờ hay ngụy biện cho qua chuyện. Bởi thế trong dân có nhận xét Quốc hội mình hỏi thế nào cũng được, và trả lời thế nào cũng xong. Người điều khiển phiên chất vấn nhất là dưới thời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thường “đá lộn sân”, làm công việc không thuộc trách nhiệm của mình là “diễn đạt hộ” người chất vấn và “giải trình thay” người bị chất vấn. Nên có cách để các đại biểu Quốc hội đánh giá về việc hỏi và trả lời câu hỏi (ví dụ có nút bấm bên cạnh), để giảm bớt những câu hỏi và trả lời kém chất lượng không đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri.

Người hỏi phải nắm chắc vấn đề, có bản lĩnh và khi cần phải tranh luận lại để khẳng định tiếng nói của mình là đại diện cho cử tri, không sợ bị “chụp mũ”!. Thực tế thời nay, trên diễn đàn Quốc hội vẫn còn dân chủ và tiến bộ hơn nhiều so với trước.

clip_image002

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đang chất vấn trên diễn đàn Quốc hội (Ảnh trên mạng).

Minh chứng, theo tôi tìm hiểu được biết ở Quốc hội khóa XI, dưới thời Chủ tịch Nguyễn Văn An, đại biểu Quốc hội, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã chất vấn Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh về việc công ty Phương Nam thuộc Bộ Công an có hành vi khai không đúng chủng loại hàng để trốn thuế.

Hôm đó, Gs Thuyết chất vấn đến lần thứ 2 thì Bộ trưởng thừa nhận là có những cái sai và sẽ xử lý. Khi ra giải lao, anh em báo chí xúm lại hỏi Gs Thuyết: “Sao anh không truy vấn tiếp?”. Giáo sư trả lời: “Cũng giống như đi chấm luận án tiến sĩ, hỏi đủ để chấm điểm thì thôi chứ.”

Báo Lao động (PV Đỗ Lê Tảo) hôm sau giật tít: “Là nhà giáo, tôi chỉ hỏi đủ để chấm điểm.” Nghe nói Tổng bí thư Nông Đức Mạnh phật ý về chuyện có người dám chấm điểm Bộ trưởng, nói thế nào đó với Chủ tịch Nguyễn Văn An nên ngay cuối phiên chất vấn, lúc còn đang truyền hình trực tiếp, Chủ tịch chất vấn lại giáo sư Thuyết: “Chất vấn là để xây dựng, để thúc đẩy công việc. Tại sao đại biểu Nguyễn Minh Thuyết lại nói là để chấm điểm Bộ trưởng?”

GS Nguyễn Minh Thuyết giơ biển, đứng lên trả lời: “Thưa Chủ tich, nội dung chất vấn của tôi ở Hội trường, tất cả các đại biểu đã biết. Khi tôi ra giải lao, anh chị em phóng viên có hỏi vì sao không truy vấn tiếp thì tôi có trả lời như báo Lao động ghi. Theo tôi hiểu, mục đích của chất vấn là để xây dựng, để thúc đẩy công việc. Nhưng chất vấn là một hình thức giám sát, cũng là để qua đó nhân dân chấm điểm Bộ trưởng của mình.”

Thấm thoát mới có hơn 10 năm mà những từ kiêng kị như “chấm điểm” bây giờ đã trở thành cửa miệng rồi. Thế mới biết sinh hoạt của Quốc hội ở nước ta cũng đã có những bước tiến triển, nên một số phát biểu của đại biểu Quốc hội khóa 14 được cử tri ghi nhận có nhiều ấn tượng như Dương Trung Quốc, Trương Trọng Nghĩa, Lưu Bình Nhưỡng vv…

Quốc hội kỳ họp thứ 4 khóa 14 này, tập trung phiên chất vấn vào 5 nhóm vấn đề, chúng tôi quan tâm nhất đến các câu hỏi sau đây:

1. Chất vấn Bộ trưởng Tài chính

– Vấn đề nợ công, nợ xấu của nền kinh tế Việt Nam đang ở tình trạng vượt ngưỡng cho phép là nguy cơ, thách thức đang hiện hữu và hậu quả của nó sẽ rất trầm trọng gây sụp đổ nền kinh tế và mất ổn định xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết phương pháp tính tin cậy con số nợ công, nợ xấu và những giải pháp để giải quyết căn cơ tình trạng nợ công và nợ xấu cao, mất cân đối ngân sách nhà nước?

– Nhiều doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lỗ vốn, không thể trả được nợ ngân hàng. Nếu ngân hàng, trong đó có ngân hàng nước ngoài, xiết nợ thì Chính phủ sẽ giải quyết như thế nào?

2. Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Trong nhiều năm qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh ở nước ta lập ra ngân hàng thương mại hoặc công ty tài chính với tư cách công ty con của mình. Các công ty con huy động nguồn vốn trong dân, rồi cho công ty mẹ vay, dẫn đến đầu tư tràn lan, không hiệu quả, tạo ra “cục máu đông” và nguy cơ “vỡ trận” tài chính. Đề nghị Thống đốc cho biết Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm như thế nào về tình trạng này? Thống đốc đã có những biện pháp gì để thay đổi cách làm ngược nguyên tắc quản trị thông thường như trên?

3. Chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông

– Công tác truyền thông chính thống lâu nay để “mảng trống” cho mạng xã hội thao túng chứng tỏ không theo kịp yêu cầu của cuộc sống. Muốn thu phục lòng người và định hướng dư luận xã hội phải nâng cao năng lực quản lý, công khai minh bạch và thành thật với dân. Bộ trưởng có nghĩ như thế không?

– Đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng chịu trách nhiệm như thế nào trong việc sát nhập AVG và MobiFone làm ngân sách nhà nước chịu tổn thất không nhỏ.

4. Chất vấn Thủ tướng Chính phủ

Đề nghị Thủ tướng cho biết: Công thức tính GDP của nước ta có gì khác các nước phát triển? GDP có phải là phép đo tin cậy về kinh tế không? Trong những năm tới, có nên thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng GDP bằng chỉ tiêu khác để phản ánh đúng tình hình phát triển kinh tế và thu nhập quốc dân của nước ta không?

– Tăng trưởng GDP “ngoạn mục” cuối năm nay so với lo lắng của Thủ tướng hồi đầu năm về tăng trưởng và “sụp đổ tài khóa” có cách nào lý giải rõ ràng hơn? Có liên hệ gì với năm 2008 khi “cả làng” bước vào suy thoái còn VN ta vẫn tăng trưởng “ngoạn mục” đến 6,31%?

Việc thử nghiệm hai dự án bauxite trên Tây Nguyên (theo Thông báo số 245-TB/TW ngày 24/4/2009 của Bộ Chính trị về Kết luận của Bộ chính trị về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025) đến nay đã được 10 năm, vượt mốc 2015 được hai năm. Đề nghị Thủ tướng cho biết kết quả thử nghiệm như thế nào?. Chính phủ có tiếp tục cho thử nghiệm không và có dự kiến triển khai thêm các dự án khác không?

– Chính phủ khi diễn giải về chất lượng tăng trưởng đứng trên quan điểm nào (thuần túy về HDI) hay là coi trọng quan điểm và triết lý về cuộc sống?.

– Con đường tăng năng suất lao động quốc gia là phải nâng cao tay nghề, ứng dụng khoa học công nghệ tức là đẩy mạnh giáo dục và KHCN, nâng cao chất lượng y tế…. Và với toàn xã hội còn nâng cao chất lượng đô thị, môi trường… và thể chế & con người. Đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm của Chính phủ như thế nào về vấn đề nói trên?

– Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết khi gửi thư đến 7 vị lãnh đạo ở Trung ương và Hà Nội về sự kiện Đồng Tâm chỉ có riêng Thủ tướng trả lời. Cử tri đánh giá cao trách nhiệm, sự cầu thị và văn hóa đối thoại của Thủ tướng. Chính phủ và Bộ Quốc phòng đánh giá thế nào về việc sử dụng “đất quốc phòng”? Cần làm gì để chống lạm dụng và tham nhũng “đất quốc phòng”?

– Chính phủ, Bộ Công an, Tòa án đánh giá thế nào về việc thực hiện Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự?. Có đảm bảo được việc Công an không dùng nhục hình tra tấn? Đã xử lý các vi phạm thế nào? Có hiệu quả không?

Lời kết

Nhìn lại các phiên chất vấn của Quốc hội nước ta lâu nay, người dân đánh giá cao một số vị đại biểu Quốc hội đã biết vượt lên chính mình để lại ấn tượng rất sâu sắc về khả năng diễn thuyết, những câu hỏi có chiều sâu, xây dựng, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. Lịch sử sẽ không bao giờ quên những hình ảnh của họ trong giai đoạn phát triển còn đầy nhiễu nhương của đất nước.

T.V.T

(Tác giả gửi BVN)

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.