Ls Nguyễn Văn Thân
Vào trung tuần tháng 10 vừa qua, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bầu chọn 15 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền. Ngoài Úc còn có Angola, Congo, Senegal, Slovakia, Ukraine, Chile, Mexico, Peru, Afghanistan, Nepal, Pakistan, Nigeria và Qatar. Đây là lần đầu tiên Úc thắng cử nhiệm kỳ 3 năm từ 1/1/2018.
Hội đồng Nhân quyền được thành lập vào năm 2006 để thay thế cho Ủy hội Nhân quyền (UN Commission on Human Rights) hoạt động từ 1947 gồm có 53 quốc gia thành viên. Sau khi ra đời, Ủy hội đã đạt được một vài thành tựu đáng kể gồm có soạn thảo Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền vào năm 1948 và đa số các Công ước Nhân quyền căn bản. Ngoài ra, Ủy hội cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc quảng bá và phát triển các chuẩn mực nhân quyền và điều tra cũng như lên án mọi hành vi vi phạm nhân quyền khắp nơi trên thế giới.
Nhưng tới thiên niên kỷ mới thì uy tín của Ủy hội đã xuống dốc thảm hại. Thế giới tự do cho rằng các quốc gia vi phạm nhân quyền trầm trọng như Sudan và Zimbabwe không xứng đáng là thành viên của Ủy hội. Các nước này tham gia với mục đích chính là ngăn cản Ủy hội ra nghị quyết lên án họ. Mặt khác, Ủy hội cũng được xem như là một công cụ của phương Tây lập ra để “lên lớp và dạy đời” các quốc gia đang hoặc kém phát triển.
Vào năm 2006, Hội đồng Nhân quyền gồm có 47 quốc gia thành viên ra đời thay thế cho Ủy hội. Thành viên được chia thành 5 khu vực gồm có Châu Á (13 thành viên), Châu Phi (13 thành viên), Nam Mỹ và Caribbean (8 thành viên), Đông Âu (6 thành viên), Tây Âu và các nơi khác (7 thành viên). Úc thuộc về khu vực Tây Âu và các nơi khác. Như Ủy hội, Hội đồng có nhiệm vụ ấn định tiêu chuẩn và điều tra hành vi vi phạm nhân quyền. Ngoài ra, Hội đồng cũng có một chức năng mới là tiến hành kiểm điểm định kỳ phổ quát (Universal Periodic Review) thành tích nhân quyền của 47 quốc gia thành viên cùng với các quốc gia có tư cách quan sát (observer nations) mỗi 4, 5 năm.
Vì thành viên của Hội đồng là chính quyền nên Hội đồng, cũng như tiền thân Ủy hội mang đầy màu sắc chính trị. Một số thành viên chẳng hạn như Saudi Arabia, Nga, Trung Quốc, Cuba và Việt Nam với hồ sơ nhân quyền tệ hại nhưng vẫn được bầu chọn vào Hội đồng làm cho nhiều người ngán ngẩm. Vào tháng 6 năm nay, Đại sứ Nikki Haley cảnh báo là Hoa Kỳ có thể rút khỏi Hội đồng vì bà cho rằng Hội đồng mang nặng thành kiến chống Do Thái. Tương tự như vậy, Phó Tổng thống Pence phát biểu vào tháng 9 năm nay là Hội đồng không xứng đáng với danh xưng vì thành viên gồm có các quốc gia chà đạp nhân quyền mạnh bạo nhất thế giới.
Khi thành lập Hội đồng, thành tích nhân quyền được đề nghị là tiêu chuẩn để chọn làm thành viên nhưng 200 quốc gia không đồng ý được định nghĩa thật sự của tiêu chuẩn này vì họ diễn giải khái niệm nhân quyền khác nhau. Cũng có đề nghị là nên dựa vào yếu tố khách quan ví dụ thành tích gia nhập và phê chuẩn các Công ước Nhân quyền nhưng như vậy thì hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc đều sẽ bị loại. Do đó, điều kiện trên giấy tờ là quốc gia thành viên cần có thành tích tốt về mặt nhân quyền nhưng không cách nào áp dụng được vì các quốc gia trong khu vực thường điều đình và đổi phiếu ủng hộ với nhau. Tuy nhiên nhìn chung, Hội đồng tương đối đỡ hơn so với Ủy hội ví dụ như Sri Lanka và Belarus đã bị loại và tư cách thành viên và Lybia bị đình chỉ vào năm 2011.
Trong một thập niên qua, các thành viên quốc gia thật sự có cạnh tranh để giành phiếu vào Hội đồng. 47 thành viên gồm có các quốc gia lớn và nhỏ, dân chủ và độc tài, và đa số lưng chừng ở giữa phản ánh đúng tính đa dạng của cộng đồng quốc tế. Do đó, khi Hội đồng tuyên bố lập trường hoặc lên án các chế độ man rợ như Bắc Hàn hoặc Iran thì đó là một tiếng nói có trọng lượng vì mang tính đại diện. Thật ra, đa số thành viên của Hội đồng trong thập niên qua (khoảng 75%) đạt tiêu chuẩn dân chủ hoặc bán dân chủ theo tiêu chuẩn của Freedom House. Các quốc gia phi dân chủ chưa bao giờ chiếm hơn 1/4 số ghế.
Ngoài những đề tài căn bản như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, Hội đồng cũng tập trung vào một số trường hợp cụ thể ví dụ như Lybia, Syria, Bắc Hàn, Sri Lanka, Iran và Nam Sudan. Hội đồng gửi chuyên gia nhân quyền đến từng nơi để điều tra, viết báo cáo và đưa ra đề nghị cải thiện. Hội đồng cũng đưa ra nghị quyết lên án trong một vài trường hợp cần thiết.
Kiểm điểm định kỳ phổ quát là một phương tiện tương đối có hiệu quả. Thay vì giằng co thì một số quốc gia có thành tích xấu về nhân quyền (trong đó có Việt Nam) đồng ý tham gia kiểm điểm và chấp nhận một số đề nghị cải thiện. Những cuộc kiểm điểm này có sự tham dự của các tổ chức nhân quyền quốc tế và tổ chức phi vụ lợi (NGO) cũng như xã hội dân sự.
Trong 10 đề tài thảo luận, Hội đồng liên tục nêu tình trạng nhân quyền của Do Thái trong khu vực chiếm đóng Palestine. Trong thời gian gần đây hơn, Hội đồng đã đề cử Michael Kirby Cựu Thẩm phán Tối cao Pháp viện Úc tiến hành điều tra tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Bắc Hàn vào năm 2014 và lên án hàng loạt tội ác chống nhân loại của chế độ nhà Kim. Vào Ngày Quốc tế Nhân quyền ngày 10/12/2016, Hội đồng Bảo an LHQ quyết định đưa vấn đề Bắc Hàn vào chương trị nghị sự mặc dù Trung Quốc hết sức ngăn cản. Dưới sự thúc đẩy của Mỹ và Nhật, 9/15 thành viên bỏ phiếu thuận đáp ứng đúng điều lệ của Hội đồng Bảo an. Trung Quốc, Nga, Angola, Venzuela và Ai Cập bỏ phiếu chống. Samantha Power, đại diện Hoa Kỳ phát biểu rằng sự xâm phạm nhân quyền của Bình Nhưỡng là “một mối đe dọa đối với nền an ninh và hòa bình của thế giới”.
Úc được vào Hội đồng Nhân quyền sẽ dẫn đến cơ hội nào cho Cộng đồng Việt Nam trong nỗ lực vận động nhân quyền cho Việt Nam? Lúc đầu, Úc cạnh tranh với Tây Ban Nha và Pháp giành 2 ghế trong khu vực Tây Âu và các nơi khác. Sau khi Pháp quyết định rút lui thì Úc thắng dễ dàng với 176 phiếu so với 180 phiếu của Tây Ban Nha. Ngoại trưởng Julie Bishop dẫn đầu chiến dịch tranh cử với 2 chủ đề chính là tự do biểu đạt và quyền bình đẳng. Bishop tập trung vào 5 trụ cột nhân quyền là (1) bình đẳng giới tính, (2) quản trị hiệu quả, (3) tự do ngôn luận, (4) quyền của người thổ dân và (5) xây dựng các cơ chế nhân quyền vững mạnh.
Lãnh vực (2), (3) và (5) có liên quan tới Việt Nam. Trái ngược với quản trị hiệu quả là sự thiếu minh bạch và nạn tham nhũng. Chỉ số tham nhũng của Việt Nam vào năm 2016 là 113/176 tức là một trong những quốc gia tham nhũng nhất. Các đề nghị phòng chống tham nhũng tại Việt Nam gồm có cải cách và xây dựng một hệ thống tư pháp, truyền thông và xã hội dân sự độc lập để phòng chống tham nhũng có hiệu quả.
Từ đầu năm nay, nhà cầm quyền Hà Nội đã gia tăng chiến dịch bắt bớ nhiều bloggers và truy tố họ qua các tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” dưới Điều 88 của Bộ luật Hình sự và các điều luật tương tự. Tuần trước, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã lên tiếng là Việt Nam cần hủy bỏ các Điều luật 88 và tội danh và trả tự do cho những người như sinh viên Phan Kim Khánh vì họ chỉ nói về những vấn nạn của đất nước như tham nhũng trên internet.
Việt Nam hiện nay hầu như hoàn toàn không có bất cứ cơ chế nhân quyền quốc gia độc lập nào tương tự như Ủy hội Nhân quyền Úc, Viện Nhân quyền Đức, Ủy ban Nhân quyền Mã Lai, Ủy ban Nhân quyền Nam Dương… Hiện nay, Việt Nam vẫn còn đang trong tiến trình hội thảo xây dựng cơ chế nhân quyền quốc gia dưới sự yểm trợ của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc.
Vào ngày 18/3/2015, Úc và Việt Nam đồng ý nâng cấp quan hệ song phương thành Đối tác Toàn diện Nâng cao (Enhanced Comprehensive Partnership) trong chuyến công du Úc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hồi cuối năm ngoái, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh hội kiến với Julie Bishop tại Canberra và hai bên ký Thỏa thuận về Kế hoạch Hành động gồm có các lãnh vực như hợp tác duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực qua các diễn đàn Thượng đỉnh Đông Á và APEC, hợp tác về giáo dục và nghiên cứu và đẩy mạnh vai trò của nữ giới trong chức vụ lãnh đạo và quản trị.
Vào tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Úc đã tiến hành cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm với phái đoàn ngoại giao tại Canberra lần thứ 14. Thật ra các cuộc đối thoại này chỉ màn tính trình diễn vì tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đặc biệt là từ đầu năm nay ngày càng tệ hơn.
Úc viện trợ cho Việt Nam hơn 83 triệu trong tài khoá 2016 – 2017 chú trọng vào 3 lãnh vực: nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân, gia tăng kỹ năng của công nhân và yểm trợ phụ nữ làm chủ cuộc sống kinh tế. Nói chung, đây là những khía cạnh quan trọng liên quan tới đời sống kinh tế nhưng không ảnh hưởng nhiều tới quản trị hiệu quả, tự do ngôn luận và xây dựng cơ chế nhân quyền là 3 mục tiêu nhân quyền mà Úc theo đuổi.
Do đó, vai trò của Cộng đồng Việt Nam là nhắc nhở chính quyền Úc thực thi những mục tiêu đã được đề ra đối với Việt Nam và chính sách viện trợ nên đi đôi với những mục tiêu đó.
N.V.T.
Tác giả gửi BVN.