Để có thể ổn định lại môi trường kinh tế vĩ mô vốn bị tổn thương nhiều trong 3 năm vừa qua, Việt Nam cần: duy trì ổn định cho chính sách tiền tệ, không nên tăng trưởng tín dụng quá lớn; Chính phủ cần thuyết phục dân chúng là sẽ quay lại chính sách tài khóa như cũ khi mà ngân sách vẫn thu tốt, chi tiêu có kỷ luật và thâm hụt trong tầm kiểm soát…
LTS: Chuyên mục Gặp gỡ & Đối thoại tuần này là cuộc trò chuyện với Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại VN Benedict Bingham xung quanh câu hỏi: “Làm sao Việt Nam có thể ổn định lại môi trường kinh tế vĩ mô vốn bị tổn thương nhiều trong 3 năm vừa qua?”.
Cần minh bạch với kế hoạch chi tiêu thực
Mấy năm gần đây Việt Nam luôn đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là trọng tâm trong điều hành kinh tế, nhưng lại duy trì bội chi ngân sách cao, 6,9% GDP năm 2009 và 6,2% năm 2010. Tiếp tục xu thế này, liệu mục tiêu trên có thể đạt được?
– Câu hỏi anh nêu thể hiện tín hiệu người dân quan tâm đến chi tiêu của Chính phủ.
Tôi nhớ có nhiều tuyên bố rằng, chiến lược của Chính phủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế là lập lại môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, vốn bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng tín dụng cao, đầu tư công phình rộng và đặc biệt là thâm hụt ngân sách rất lớn, mà theo tính toán của chúng tôi lên tới 9% GDP trong năm ngoái… Tuy nhiên, những gì Chính phủ làm trong tháng 11 năm ngoái là tín hiệu thay đổi xu hướng này: họ quyết định thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, và về tài khóa, Chính phủ cũng có tín hiệu sẽ giảm thâm hụt ngân sách trong năm nay.
Thách thức về chính sách tài khóa trong năm nay, theo tôi, là Chính phủ vẫn chưa rõ ràng về kế hoạch chi tiêu thực về cả hai khía cạnh là chi tiêu phát triển trong kế hoạch và ngoài kế hoạch. Nếu Chính phủ chi theo số liệu mà họ đã trình bày trong kế hoạch 2010, thì tôi nghĩ mọi chuyện sẽ ổn vì chúng ta hy vọng thu ngân sẽ tốt hơn là kế hoạch.
Nếu Chính phủ giữ mức chi theo kế hoạch, thì chúng tôi hy vọng là bội chi sẽ giảm xuống dưới mức 9% GDP, thậm chí chỉ khoảng 6,5% GDP.
Nếu Chính phủ làm như vậy, tôi nghĩ chính sách tài khóa sẽ đi theo hướng đúng.
Một câu hỏi lớn liên quan đến chính sách tài khóa năm nay là liệu chính phủ có chi tiêu đúng như họ đã cam kết, hay lại sử dụng một phần của khoản thu ngân cao để chi tiêu, dẫn đến làm tăng chi tiêu so với kế hoạch. Điều quan trọng là Chính phủ cần xác định rõ kế hoạch chi tiêu trong năm nay.
Nhưng kỷ luật ngân sách rõ ràng là có vấn đề, chẳng hạn để chống lạm phát năm 2008, Chính phủ đã cam kết cắt giảm 10% chi thường xuyên, nhưng nay lại báo cáo Quốc hội là chi vượt hơn nhiều.
– Đây rõ ràng là câu hỏi lớn. Người dân lo lắng liệu kỷ luật chi tiêu như vậy có làm tăng cao bội chi trong năm nay hay không.
Theo tôi, điều cần thiết hiện nay là Quốc hội nên giám sát thắt chặt các khoản quá đi trong chi tiêu ngân sách. Quốc hội cũng nên đòi hỏi Bộ trưởng Tài chính làm rõ kế hoạch chi tiêu. Chứ không đến cuối năm, người dân sẽ lại ngạc nhiên khi nhìn vào kế hoạch chi tiêu đã vượt quá mức mà Quốc hội phê chuẩn. Bộ trưởng Tài chính cần minh bạch với kế hoạch chi tiêu thực.
Ngân hàng cần làm dân tin hơn
Ngoài thâm hụt ngân sách, những yếu tố nào đang ảnh hưởng đến nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam?
– Chính sách tiền tệ cần giữ được tính ổn định. Nếu so sánh tình hình hiện nay với tháng 11, 12 năm ngoái, thì Ngân hàng Nhà nước đang làm rất tốt trong việc ổn định tình hình. Trên thị trường ngoại hối có ít áp lực hơn với tiền đồng.
Tuy nhiên năng lực của họ còn hạn chế. Chúng tôi đã nói chuyện với các ngân hàng, chuyên gia tài chính và căn cứ vào số liệu thì năng lực đó vẫn chưa có nền tảng vững chắc.
Liên quan đến số liệu, nếu ta nhìn vào lãi suất liên ngân hàng thì thấy Ngân hàng Nhà nước luôn giữ mức lãi suất qua đêm 7%. Trong khi đó, các ngân hàng đòi từ 10% đến 12% với kỳ hạn 1 đến 3 tháng. Đây là mức khác rất xa giữa lãi suất 1- 3 tháng và qua đêm. Các ngân hàng nói rằng người gửi tiền luôn duy trì ở mức kỳ hạn ngắn từ 1 – 2 tháng. Điều này chứng tỏ người gửi tiền vẫn chưa thật sự tin vào năng lực của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện chính sách tiền tệ ổn định để thuyết phục người gửi tiền.
Vì sao Ngân hàng Nhà nước có thể ổn định tỷ giá khi cán cân thanh toán năm ngoái thâm hụt tới 8,8 tỷ USD?
– Đầu tiên chúng ta cần nhìn vào nguyên nhân của thâm hụt cán cân thanh toán bắt nguồn từ thâm hụt tài khoản vãng lai tập trung vào cuối năm ngoái. Lúc đó người dân lo lắng về tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô, và bắt đầu chuyển đổi từ tiền đồng sang đô-la Mỹ và vàng.
Trong 4-5 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng hạn chế những tiêu cực này bằng chính sách thắt chặt tiền tệ và cho tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Điều này sẽ làm giảm thâm hụt và giảm lạm phát và như vậy người dân lại bắt đầu có niềm tin vào tiền đồng và lãi suất. Họ sẽ quay trở lại từ đô-la sang tiền đồng.
Nếu duy trì được niềm tin này đó là nền tảng để ổn định kinh tế vĩ mô.
Xử lý khéo những ngân hàng có thể bị tổn thương
Tóm lại đâu là những yếu tố then chốt mà Việt Nam cần thực hiện để ổn định lại kinh tế vĩ mô cho trước mắt và vài năm tới?
– Thứ nhất, về chính sách tiền tệ phải duy trì ổn định, không nên tăng trưởng tín dụng quá lớn như 3 năm vừa rồi. Cần duy trì mức lãi suất ổn định mới có thể duy trì được niềm tin của người dân.
Về chính sách tài khóa, người dân biết có thâm hụt ngân sách lớn, họ cần biết Chính phủ duy trì mức thâm hụt này trong tầm kiểm soát. Điều Chính phủ cần thuyết phục dân chúng là họ sẽ quay lại chính sách tài khóa như cũ khi mà ngân sách vẫn thu tốt, chi tiêu có kỷ luật và thâm hụt trong tầm kiểm soát.
Hai chính sách này duy trì được như vậy sẽ tạo ra cái lõi của một nền kinh tế vĩ mô ổn định.
Điều quan trọng nữa là ổn định lại hệ thống ngân hàng. Việt Nam đã có tăng trường tín dụng quá nhanh trong vòng 2-3 năm qua và tăng số ngân hàng lên quá nhiều, mà nhiều trong số đó có mức vốn rất thấp. Điều cần làm hiện nay là phải xử lý khéo léo được những ngân hàng có thể bị tổn thương, tránh rủi ro hệ thống.
“Rõ ràng là Chính phủ muốn giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách xuống trong vài năm tới. Hiện tại, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi từ tình trạng kích thích kinh tế xuống tình trạng bình thường. Có thực tế là thu ngân sách nhà nước từ thuế cao hơn dự kiến. Đó là tin tốt cho Chính phủ vì họ có thể chi tiêu các khoản thuộc ngân sách mà Quốc hội đã thông qua từ nguồn thu tăng đó trong khi có thể giảm được thâm hụt ngân sách vào cuối năm nay.
Hiện tại, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi, Việt Nam có thể thôi các chính sách kích thích. Nếu Việt Nam bỏ các chính sách kích thích quá nhanh, thì cũng giống như ai đó bị bệnh nằm bệnh viện nhưng lại bị đưa ra khỏi đó ngay lập tức. Kinh tế Việt Nam cũng rơi vào tình trạng bệnh nặng trong năm ngoái, và vấn đề đặt ra là Chính phủ sẽ làm gì với phần tăng thu ngân sách lớn vậy (hơn 54 ngàn tỷ VND). Quốc hội không muốn hệ số nợ an toàn chiếm tới 50% GDP và đó là con đường đã chọn để đi.
Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, nợ quốc gia của Việt Nam sẽ bền vững ở mức ngoài 50% GDP một chút, và chỉ 1 – 2 năm nữa là đạt con số này rồi sẽ giảm xuống, tuy vậy điều này cần được chứng minh thêm. Hiện tại, tình trạng nợ quốc gia của Việt Nam đang rất tốt. Rất nhiều các khoản nợ là dài hạn của những tổ chức tài chính như World Bank, ADB, … vì thế giá trị trả nợ trước mắt là không cao”.
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-06-02-quan-chuc-imf-viet-nam-can-minh-bach-chi-tieu-thuc