FB Le Dung
So với một ngành đổi mới khá nhanh, đó là xây dựng, ngành ngân hàng đã có một bước chuyển dịch lớn và căn bản về khuôn khổ pháp lí, đi từ pháp lệnh “lên” Luật từ năm 1997, trong khi luật xây dựng đầu tiên được “thăng hạng” từ pháp lệnh lên luật năm 2003. Hai bộ luật quan trọng nhất của ngành ngân hàng (Luật Ngân hàng và Luật Các tổ chức tín dụng) đều được hình thành dưới thời ông Cao Sỹ Kiêm và thay thế vào năm 2010 dưới thời ông Nguyễn Văn Giàu.
Dù được đánh giá là người thông tuệ và có hiểu biết sâu về ngành ngân hàng, gần 2 nhiệm kì của ông Lê Đức Thúy được ghi nhận chủ yếu ở việc để cho các ngân hàng tư nhân nở rộ và phát triển như các trường đại học thời ông Nhân bên giáo dục. Và hệ lụy để lại kéo dài sang 3 đời thống đốc vẫn chưa kết thúc.
Nhiệm kì của ông Nguyễn Văn Giàu dù được “đánh giá” là không có chuyên môn sâu về ngành ngân hàng lại ghi dấu ấn ngoạn mục bởi việc ban hành thay thế 2 bộ luật quan trọng có từ trước đó với 13 năm “ngồi yên” (trong khi ngành xây dựng dù đi sau nhưng liên tục sửa đổi và ban hành luật thay thế).
Tuy thế, ở thời này, ngân hàng nhà nước gần như đánh mất vai trò quản lí nhà nước của mình, đẩy hầu hết cộng đồng xã hội vào một cuộc đua và chống chọi với lãi suất, có khi lên đến hơn 30%/năm. Đây cũng là giai đoạn mà tỉ giá hối đoái có nhiều biến động nhất, nhiều lúc người ta nhầm tưởng phố Hà Trung mới là nơi đóng trụ sở của Vụ Quản lí ngoại hối – Ngân hàng Nhà nước. Người người đi buôn đô. Người người đi buôn đất, buôn nhà. Hàng hàng lớp lớp các chủ đầu tư vay mượn và xây dựng khu đô thị. Cảm giác của thời cuộc trước 2012 là win-win, nhìn đâu cũng thắng, mua đâu cũng lãi. Hệ lụy để lại cho đầu thời ông Nguyễn Văn Bình là nợ xấu bùng lên như dịch bệnh. Ngành xây dựng điêu đứng vì thiếu vốn. Bao gia đình nặng thì tan nát, nhẹ thì tán gia bại sản vì chết chìm theo các chủ đầu tư. Trong thời khắc đó, ông Bình ruồi vụt sáng lên như một người hùng bởi giải quyết được mấy vấn nạn căn bản và mãn tính bị buông lỏng từ sản phẩm của người tiền nhiệm. Bình khống chế và kéo được lãi suất về chỉ chưa bằng một nửa thời ông Giàu. Khoanh vùng, phân nhóm và kiên quyết xử lí nợ xấu. Bình ổn thị trường ngoại tệ bằng cách đưa Vụ Quản lí ngoại hối từ Hà Trung về trong vòng tay cha mẹ – Ngân hàng nhà nước. Góp phần biến một xã hội toàn đi buôn bạc hoặc sản phẩm của bạc thời Nguyễn Văn Giàu về làm ăn lương thiện. Các nhà buôn bạc gác kiếm.
Tuy thế, nỗi đau của nhiều người vướng chân bởi ngân hàng bùng nổ thời anh Giàu chính là cái cách Ngân hàng Nhà nước quy định về mua bán, xử lí nợ xấu, trong đó rõ nhất là anh Thắm và khách hàng anh Thắm.
Theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) thì khi giá thị trường của tài sản bảo đảm còn lớn hơn số tiền vay thì không được ghi nợ xấu. Thông tư của Ngân hàng Nhà nước thì yêu cầu ghi nợ xấu theo tuổi nợ (số ngày quá hạn), tính theo % dư nợ trừ đi giá trị tài sản bảo đảm, mà tài sản bảo đảm đánh giá chỉ bằng 50% giá “sổ sách”. Hệ lụy để lại là nợ không xấu thì dồn cho người ta thành xấu rồi bảo ngân hàng lỗ, người vay bị tịch biên tài sản phát mại, và góp phần đẩy ngân hàng đến giá 0 đồng. Trong khi nếu xem lại báo cáo kiểm toán Ocean Bank trước khi Hà Văn Thắm bị bắt, do Delloitte thực hiện vào tháng 3-2014 (http://oceanbank.vn/…/u…/BAOCAOKIEMTOA-31Dec2013-V_chuan.pdf), mọi thứ đều đáp ứng chuẩn mực cần có của một ngân hàng có “sức sống lành mạnh”, chỉ trừ ý kiến sau đây của kiểm toán viên: “Ngân hàng nắm giữ các khoản tiền gửi và dư nợ tín dụng của ngân hàng đối với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC, trước đây là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Vinashin) và một số công ty thuộc SBIC đã quá hạn thanh toán. Tuy nhiên, trong năm 2013, căn cứ văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lí nhà nước về xem xét khoanh nợ, cơ cấu lại các khoản nợ của SBIC và cho phép tổ chức tín dụng được trích lập dự phòng cụ thể phù hợp với khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, ngân hàng đã thực hiện ý kiến chỉ đạo, giữ nguyên trạng thái nợ hiện tại, thoái toàn bộ lãi dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ và phải thu trên cơ sở phù hợp khả năng tài chính của Ngân hàng”.
Hà Văn Thắm là một cá thể, một con người, sao anh ta lại trở thành người hùng “giải cứu và khoanh nợ” cho sự thua lỗ của nhà nước? Sao không có bất cứ bị cáo nào đưa dữ liệu này vào để chứng minh rằng họ yêu nước hơn nhiều người tưởng, mà thậm chí họ ngay thẳng, trung chính đến mức dù có đi tù cũng không thèm nói nửa lời (về khoản đóng góp đáng kể đó cho nhà nước thông qua khoanh nợ Vinashin theo yêu cầu) để tính toán thiệt hơn với nhà nước đang bỏ tù họ?
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã không bác được ý kiến “công nhận toàn phần” của Delloitte nên năm sau (2014 và 2015), họ vời Ernst & Young. Khởi đầu E&Y “từ chối đưa ra ý kiến”, sau với nhiều sửa đổi và yêu cầu, cuối cùng kiểm toán E&Y đành phải chỉ mục mục đích sử dụng của nó là “chỉ được cung cấp “đặc biệt” cho Ngân hàng Nhà nước” ( http://viettimes.vn/ve-2-bao-cao-kiem-toan-doc-lap-cung-nga… ). Tuy thế, trong đó có một chi tiết cần quan tâm, đó là kiểm toán E&Y đưa ra nhấn mạnh về “số dư nợ không thể xác minh”.
Một số doanh nghiệp, trong đó có Vinamilk, đã chính thức đệ trình lên Bộ Tài chính xin được sử dụng chuẩn mực báo cáo tài chính IFRS ( https://kienthucketoanthue.wordpress.com/categ…/ifrs/page/4/ ). Hi vọng sắp tới sẽ có nhiều, mà đặc biệt là doanh nghiệp có phần vốn góp của nhà nước theo đuổi và tuân thủ chuẩn mực này để tránh cho mình những hệ lụy đáng tiếc như Hà Văn Thắm đã gặp phải.
Để kết thúc, tôi xin mượn lời một số chị em tung hoa trên mạng sau khi nhiều đồng nghiệp và cấp dưới bày tỏ lòng kính trọng và tiếc thương Hà Văn Thắm, sau khi Hà Văn Thắm nhận mức án cao nhất dành cho mình và xin tha cho họ, bởi họ chỉ là những người làm thuê.
Họ, các chị em ấy mà, đã đồng thanh hô to, vang lừng cả cõi mạng: Thắm ơi, em yêu anh!
Nguồn: https://www.facebook.com/le.dung.98499/posts/10155574536002221