Vũ Quang Việt
(TBKTSG) – Ngân hàng thương mại (NHTM) là tổ chức làm dịch vụ trung gian tài chính, nhận tiền của người ký gửi và cho người cần vốn vay. Bản thân vốn tự có trên tổng tài sản, tức là tỷ lệ vốn của chủ sở hữu cổ phần ngân hàng, thường rất thấp so với doanh nghiệp phi tài chính. Tỷ lệ vốn tự có của ngân hàng theo khuyến nghị của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) không nên dưới 8% tổng tài sản. Tuy nhiên có lúc một số ngân hàng Việt Nam chỉ có tỷ lệ 4%.
Trong một bài viết rất chi tiết mang tính học thuật năm 2013 về khủng hoảng hệ thống tín dụng ở Mỹ và Việt Nam trên TBKTSG, để từ đó tác giả đề nghị viết lại Luật các tổ chức tín dụng ở Việt Nam, tác giả tính là vốn tự có trên tổng tài sản của doanh nghiệp phi tài chính ở Việt Nam là 37%. Tỷ lệ này ở Mỹ là 60% (tức là Mỹ theo nguyên tắc có 1 đồng để làm thế chấp thì cao lắm là mượn được 1 đồng).
Vì cơ bản ngân hàng làm dịch vụ trung gian, lấy tiền của người này cho người khác vay để tạo lợi nhuận và số tiền thu hút này lại rất lớn, nếu quản lý không tốt, ngân hàng cho khách hàng không đáng tin cậy vay (hoặc lạm dụng cho chính quản lý hoặc doanh nghiệp sân sau vay), nợ không trả được, thì ngân hàng sẽ dễ dàng mất khả năng chi trả cho người ký gửi tiền. Chính vì thế mà Luật các tổ chức tín dụng phải rất chặt chẽ về điều kiện cho vay, khách hàng cho vay, về tỷ lệ vốn tự có, về quản lý ngân hàng… với mục đích chính là bảo đảm tiền của người ký gửi. Ngoài ra, các nước cũng có quy định về quy mô vốn của một ngân hàng, để ngăn cản độ nguy hại với nền kinh tế khi một ngân hàng trở nên quá lớn.
Ở Mỹ, trong việc kiểm soát ngân hàng, ngoài Cục Dự trữ Trung ương (FBR, tức là Ngân hàng Trung ương), còn có thêm Tổ chức Bảo hiểm ký gửi liên bang (FDIC) mà NHTM có thể tham gia. Tiền trả bảo hiểm được FDIC sử dụng giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán của ngân hàng mua bảo hiểm. Tuy thế, trong giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, lớn nhất từ sau năm 1929, Quốc hội Mỹ phải mở rộng diện cứu trợ, ra luật về chương trình cứu nguy, dự trù chi 700 tỉ đô la Mỹ nhưng cuối cùng chỉ chi 434 tỉ. Chi phí cuối cùng theo báo cáo của Bộ Tài chính về Chương trình giải cứu tái sản xuất từ ngân sách, tức từ tiền thuế của dân là 58 tỉ đô la Mỹ tính tới cuối năm 2016, sau khi chính phủ bán lại các cổ phiếu đã mua vào trong chương trình cứu trợ.
Trường hợp một NHTM có dấu hiệu mất khả năng chi trả, FBR và thường là FDIC có quyền đặt nó vào tình trạng receivership, tức là chuyển giao đặc biệt. FDIC có toàn quyền xử lý ngân hàng có vấn đề trên cơ sở của luật phá sản, và luật liên quan đến ngân hàng do Quốc hội thông qua nhằm trước tiên bảo đảm người ký gửi tiền không mất tiền ở mức theo luật định (luật Mỹ bảo đảm tới mức 250.000 đô la Mỹ một tài khoản), bảo đảm chủ nợ cho ngân hàng vay mất ít nhất (ví dụ người mua trái phiếu ngân hàng), và bảo đảm ngân sách nhà nước (hay tiền thuế của dân) mất ít nhất để bảo hiểm tiền gửi.
Sau khi xử lý mọi khoản trên, chủ sở hữu cổ phần mới được hưởng phần còn lại. Như thế người chịu mất nhiều nhất và thường là mất tất cả là người có cổ phần ngân hàng. Khi chịu xử lý của FDIC, coi như những người quản lý chính của ngân hàng bị đuổi việc để thay thế bằng người do FDIC chỉ định.
Trong việc chuyển giao đặc biệt này, FDIC có quyền quyết định cho phá sản, đem bán cho ngân hàng khác, và đây thường là giải pháp. Bán toàn phần hay phần lớn cổ phần cho FDIC cũng là giải pháp, giá trị của chúng được tính theo các nguyên tắc được chấp nhận rộng rãi. FDIC tổ chức lại, sau đó bán lại cổ phần của mình trên thị trường. Không có chuyện FDIC tự giao cho mình việc tổ chức lại, làm công không cho cổ đông ngân hàng đang phá sản.
Như thế, ngoại trừ việc kiểm soát đặc biệt theo nghĩa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo dõi chặt chẽ hơn bình thường, khi NHTM mất khả năng trả tiền cho khách hàng ký gửi, ngân hàng có vấn đề phải được chuyển giao đặc biệt (receivership) cho FDIC, tức là FDIC là người nhận chuyển giao đặc biệt (receiver) trước đã. Rồi từ đó, FDIC mới tính các phương án. Ở Việt Nam, NHNN sẽ phải làm nhiệm vụ này.
Ở Mỹ, quyền lợi của người ký gửi tiền là số 1, vượt lên tất cả quyền lợi của những chủ nợ khác, quyền của cổ đông là cuối cùng. Nếu quyền của người ký gửi tiền không được bảo vệ như thế thì hệ thống ngân hàng khó lòng có sự tín nhiệm của người dân để tồn tại, và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế. FDIC được Quốc hội Mỹ lập ra để bảo đảm tiền ký gửi này, và có thể phải lấy tiền thuế của dân để bù đắp, chi trả cho người có tiền ký gửi. Cũng chính vì thế, để bảo đảm quyền lợi của người có tiền ký gửi và để giảm thiểu phí tổn thuế của dân, FDIC có quyền lớn khi làm nhiệm vụ người nhận đặc biệt. Đây là quy định của hệ thống ngân hàng Mỹ sau khủng hoảng năm 1929, mà các nước khác đều học theo.
Trong mọi trường hợp, vấn đề quan trọng là bảo vệ sự tín nhiệm của hệ thống ngân hàng và qua đó bảo vệ sự tín nhiệm của đồng tiền.
V.Q.V.
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/165296/Chuyen-giao-bat-buoc-ngan-hang-nhin-tu-nuoc-ngoai.html