Thiên An Môn sẽ không bị quên lãng

Kate Adie

Kate Adie

Kate Adie từng đưa tin từ Bắc Kinh hồi năm 1989 (Tường thuật của Kate Adie về đêm 3/6/89).

Hàng trăm ngàn khách du lịch vẫn đổ tới Quảng trường Thiên An Môn ở trung tâm Bắc Kinh.

Họ có thể trầm trồ thán phục Tử Cấm Thành và ngắm những công dân Trung Quốc ăn mặc rất mốt tránh đường cả dàn xe Mercedes.

Điều mà họ không thấy là bất kỳ nhắc nhở nào tới quá khứ mới đây liên quan tới Quảng trường Thiên An Môn.

Không có bất cứ thứ gì ở đây để tưởng niệm cái chết của hàng trăm, có lẽ là hàng ngàn người tại Bắc Kinh hồi tháng Sáu năm 1989.

Hai mươi năm sau, chúng tôi muốn làm một chương trình về những người bị ảnh hưởng bởi các sự kiện khi đó – các nhà lãnh đạo sinh viên, công nhân và những người bị thương hay biết những người tử nạn.

Và bởi vì lịch sử đã bị chính quyền Trung Quốc viết lại, chúng tôi dự đoán sẽ có vấn đề.

Chúng tôi xin ”visa báo chí” được công bố hồi Thế Vận hội năm ngoái, khi mà Trung Quốc hứa cho giới báo chí sự tự do và cởi mở hơn.

Đeo bám

Đối với chúng tôi nó như trò mèo vờn chuột nhưng lại không phải vậy đối với những người chúng tôi định phỏng vấn.

Sau nhiều tháng chờ đợi – và theo lời khuyên của các nhà báo Trung Quốc rằng tìm răng gà có khi còn dễ hơn – chúng tôi vào Trung Quốc bằng visa du lịch.

Trong hai ngày quay phim đầu tiên, chúng tôi thấy cảnh sát giơ tay đeo găng trắng chắn ống kính trong khi cảnh sát mặc thường phục đeo bám chúng tôi bất chấp giao thông như mắc cửi ở Thành Đô.

Có những lúc chúng tôi bị năm xe bám theo nhưng dường như không có xe nào biết cách phải bám đuôi ra sao, nhất là khi chúng tôi bỏ người lái lại và lên xe buýt.

Một hôm chúng tôi phải đi vòng để tránh dẫn những cái ‘đuôi’ tới gặp người chúng tôi muốn phỏng vấn – người cảnh sát cũng biết tới vì quan điểm bất đồng chính kiến – và tôi đi vào một nông trại nói chuyện về cải bắp với người đàn ông ngỡ ngàng ở đó trong lúc cảnh sát đi đi lại lại phía sau một cánh đồng hoa cải.

Đối với chúng tôi nó như trò mèo vờn chuột nhưng lại không phải vậy đối với những người chúng tôi định phỏng vấn. Họ đã chịu sự theo dõi và sách nhiễu kể từ hồi năm 1989.

Khi chúng tôi đã cắt được ‘đuôi’ và tổ chức cuộc hẹn tại địa điểm bí mật và an toàn, chúng tôi càng ý thức rõ được hệ thống an ninh khổng lồ luôn sẵn sàng ra tay đối với những người bị coi là ”gây rối”.

Camera an ninh

Khách du lịch có lẽ không nhận thấy Bắc Kinh có tới 280.000 camera an ninh. Người ta đồn là những thanh niên cơ bắp sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch tại Quảng trường Thiên An Môn, những người bán bưu thiếp hay bán kem đều là cảnh sát mật.

Những người chúng tôi gặp thường thấy cảnh sát ở bên ngoài căn hộ, camera gắn ở cửa nhà và điện thoại bị nghe lén.

Không có gì ngạc nhiên khi họ sử dụng điện thoại di động (vài cái!) để hẹn gặp chúng tôi.

Điều đáng ngạc nhiên – và gây ấn tượng – là quyết tâm nói về những gì đã xảy ra, làm nhân chứng cho vụ thảm sát và giải thích tại sao họ tiếp tục đòi chính quyền thừa nhận những gì họ đã làm đối với người dân.

Họ nói về chuyện bị tống ra khỏi nhà vào những thời điểm ”nhạy cảm” – chẳng hạn như Đại hội Đảng hay Thế vận hội và đưa đi hàng trăm cây số để các nhà báo không tìm thấy họ.

Nhiều người bị bỏ tù vì lên tiếng nhưng họ vẫn không lùi bước và sự quyết tâm của họ thật đáng khâm phục.

Trong chuyến đi chúng tôi gặp bà Zhang, người thành lập Hội Mẹ Thiên An Môn, nhóm trợ giúp những người mất con trai, con gái khi quân đội xả súng tiến vào thành phố.

Con trai của bà bị bắn – anh không biết chuyện gì xảy ra khi anh đi ra ngoài ”chỉ để chụp vài tấm ảnh”.

Bà nói với sự tự trọng và là một trong số ít tiếng nói ở quốc gia 1,3 tỷ người muốn sự thật phải được thừa nhận và nói về hy vọng có công lý và tự do hơn.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/06/090602_tian_an_men_kate_adie.shtml

This entry was posted in Trung Quốc and tagged . Bookmark the permalink.