“The Vietnam War” không phải là bộ phim “one size fits all”. Khó có thể đề cập một chủ đề phức tạp liên quan không chỉ chiến tranh và súng đạn như “cuộc chiến Việt Nam” mà không “đụng chạm” bên này hoặc bên kia. Trong một tập này, người phe VNCH sẽ không thể không có cảm giác khó chịu; nhưng trong một tập khác, người phía Bắc Việt chắc chắn sẽ không thoải mái khi thất bại của họ bị phơi bày và giấu giếm của họ bị lôi ra.
Nếu trận Ấp Bắc được miêu tả là tổn thất nặng nề của VNCH thì trận An Lộc cũng được thuật là một thất bại nghiêm trọng của Bắc Việt với số thiệt mạng khoảng 10.000 người. Khi nói về ý chí của quân đội Bắc Việt, bộ phim cũng nói về tinh thần dũng cảm của lính VNCH (“kiên cường” là từ được sử dụng). Khi nói về tình trạng tham nhũng trong quân đội VNCH trong đó có việc hối lộ để tránh đi quân dịch thì phim cũng nhắc đến câu chuyện luôn được Hà Nội giấu kín: “Một số cán bộ đảng viên gửi con ra nước ngoài để tránh nhập ngũ” và “ai có tiền thì đút lót để ban tuyển quân tha cho con họ”…
Khi nói đến sự hỗn loạn trong chính trường VNCH, phim cũng đề cập đến cuộc thanh trừng nội bộ khốc liệt của Lê Duẩn khi bỏ tù hàng trăm người và soán chiếm quyền lực Hồ Chí Minh. Khi nói đến sự bưng bít thông tin của Mỹ thì phim cũng cho biết người dân miền Bắc phải “lén nghe đài BBC” để biết những thất bại chiến trường và tổn thất nhân mạng mà báo chí và truyền thông Hà Nội không bao giờ đề cập. Khi nói về việc Mỹ đổ vũ khí và quân bộ vào miền Nam, “The Vietnam War” cũng nói đến việc “320.000 lính Trung Quốc sang phục vụ ở hậu phương miền Bắc”.
Khi nói về hoạt động quân báo của VNCH, phim cũng nói về “các nhóm ám sát Việt Cộng được điệp viên Bắc Việt hướng dẫn, đi lại ngoài đường, mang theo lệnh giết binh lính (VNCH) đang về phép lẫn các thành viên trong gia đình họ” (Huế-Mậu Thân). Và khi nói về vụ Mỹ Lai, phim cũng nói về việc “trước khi rời thành phố (Huế), cộng sản đã hành quyết có hệ thống ít nhất 2.800 người mà họ gọi là bọn quá khích và phản cách mạng” trong sự kiện Mậu Thân 1968…
“The Vietnam War” không là bộ phim “one size fits all”. Nó dành cho tất cả nhưng không thỏa mãn được tất cả. Bởi vì, cuộc chiến đã để lại một gánh nặng tâm lý cực kỳ khủng khiếp. Nó chạm đến tổn thương lẫn kiêu hãnh. Nó khơi gợi vinh quang và nhục nhã, và sự lẫn lộn giữa vinh quang và nhục nhã. Nó dắt người ta đến ranh giới của đúng và sai, và sự lẫn lộn của đúng và sai. Chỉ bước thêm một bước nhỏ qua lằn ranh, người ta sẽ thấy họ dường như đã sai mà khi lùi lại thì họ lại thấy như là mình đúng. Cái tâm lý đó đè nặng lên lương tri đối với những người có lương tri khi nhìn lại ý nghĩa của việc tham chiến, và với cả những kẻ hậu thế quan sát cuộc chiến như một phần di sản khốc liệt của dân tộc.
“Nhờ anh viết hộ tôi cái gọi là “hội chứng bộ đội” mà bố mẹ tôi mắc phải và không ngừng dằn vặt hàng chục năm qua” – đó là lời nhắn của một người bạn vào hôm qua, sau khi bạn ấy kể câu chuyện rất buồn mà tất cả thành viên gia đình, đều thuộc phe thắng cuộc, phải chịu đựng, từ những mâu thuẫn gay gắt “không thể hàn gắn” khi tranh cãi về sự đúng-sai trong cái dư vị của cuộc chiến. Cô ấy thậm chí nói rằng, “những người lính (Bắc Việt) không bị hy sinh chắc gì đã may mắn hơn những người đã hy sinh!”. Đó là một phần rất khuất của cuộc chiến mà báo chí Việt Nam không bao giờ đề cập.
Chưa có cuộc xung đột nào trong lịch sử dân tộc có một hình thù kỳ quái như cuộc chiến Việt Nam: nó vừa là con quỷ khát máu vừa mang con tim người và những dằn vặt “rất người”. Nếu không thấy được điều này, mà chỉ tụng ca những chiến thắng sau các cuộc bắn giết đồng loại, thì tất cả mất mát và tổn thất xương máu trên tấm thân dân tộc chỉ là một mảnh khăn tang dúm dó vô nghĩa.
Cũng chưa có sự kiện đau thương nào trong lịch sử dân tộc mà sự dối trá tồn tại dai dẳng đến vậy. Nó tồn tại trong suốt giai đoạn chiến tranh và kéo lê sang thời hậu chiến. Trong chiến tranh, tuyên truyền và ngụy dựng hình ảnh “anh hùng” là liều “doping” kích thích tinh thần. Nhưng sau chiến tranh, tuyên truyền đã trở thành liều thuốc độc. Nó làm “hư hỏng” nhận thức thế hệ trẻ. Nó phản tác dụng, khi nó làm thay đổi tính chất cuộc chiến, biến những “anh hùng lực lượng vũ trang” thành những nhân vật nhảm nhí và buồn cười. Nó không mang lại ánh sáng sự thật. Công dụng được dùng không đúng và do vậy tầm sát thương của nó chỉ là đẩy nhanh sự hủy hoại lịch sử.
Với phe “chiến thắng”, cuộc chiến luôn được ca tụng, nhưng cùng lúc cuộc chiến cũng luôn bị tránh né, nếu nó được nhắc bằng những góc nhìn và quan điểm khác biệt. Thật không bình thường khi những người “chiến thắng” lại mang một mặc cảm tương tự một dạng thức ẩn ức tâm lý như thể họ không xứng đáng được gọi là người “chiến thắng”.
Cũng không có chủ đề nào mà sự ngụy biện được sử dụng dữ dội bằng chủ đề cuộc chiến Việt Nam. Sự ngụy biện không chỉ ở một phía để bênh vực một phía. Một nhân vật tên tuổi thuộc VNCH nói với tôi rằng, ông ta căm thù cộng sản đến mức từ khi di tản 1975 chưa lần nào trở về Việt Nam chừng nào đất nước “chưa sạch bóng Cộng thù”, nhưng ông ta cũng cho rằng chính sách đàn áp sĩ quan binh lính VNCH của Hà Nội thời hậu chiến là “bình thường”, vì chuyện ấy từng xảy ra trong lịch sử, thời nhà Nguyễn.
Nếu lấy những sai lầm lịch sử để biện minh cho sai lầm hiện tại thì sẽ chẳng có bài học nào được rút ra để tránh lặp lại sai lầm cho tương lai. Nếu đó được xem như là một cách “giải thích lịch sử” thì chẳng có “bài học lịch sử” nào được rút ra từ cuộc chiến Việt Nam và dân tộc sẽ tiếp tục sống trong một cuộc nội chiến không tiếng súng. Đã là quá muộn cho việc nhìn lại cuộc chiến, không bằng ký ức của đau thương, mà bằng sự thức tỉnh nhận ra sự thật và tôn trọng sự thật. Bản chất của chiến tranh là dối trá, ở tất cả các phía. Nhưng không có một nền hòa bình nào và sự hàn gắn hòa hợp nào có thể được mang lại nếu nó tiếp tục được xây bằng những viên gạch lẩn tránh sự thật. Hãy để cho thế hệ trẻ biết sự thật và rằng thế hệ cha ông không chỉ “đánh Mỹ hào hùng”, mà còn mắc những sai lầm như thế nào, để tương lai dân tộc còn có cơ may được định hình, từ một hiện tại hòa bình-hòa hợp chứ không phải từ quá khứ chiến tranh-chia rẽ.
Ảnh: Chụp từ các tập phim “The Vietnam War”
Xin giới thiệu thêm một số quyển sách về cuộc chiến Việt Nam đáng đọc
– Chiến tranh Việt Nam, Cao Văn Luận
– Việt Nam 1945-1995, Lê Xuân Khoa
– Hành trình thế kỷ – 30 năm chiến tranh 1945-1975, Thụy Khuê
– Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, Nguyễn Tiến Hưng
– Khi đồng minh tháo chạy, Nguyễn Tiến Hưng
– Khi đồng minh nhảy vào, Nguyễn Tiến Hưng
– Tâm tư Tổng thống Thiệu, Nguyễn Tiến Hưng
Những bút ký xuất sắc
– Tháng ba gãy súng, Cao Xuân Huy
– Bóng tối đi qua (I, II, III), Kim Nhật
– Về R., Kim Nhật
– Dọc đường số 1, Phan Nhật Nam
– Mùa hè đỏ lửa, Phan Nhật Nam
– 2.000 ngày đêm trấn thủ Củ Chi (bộ 7 cuốn), Xuân Vũ và Dương Đình Lôi
– Đường đi không đến, Xuân Vũ
– Những ngày dài trên quê hương (bút ký phóng sự chiến trường của Dương Nghiễm Mậu, Đoàn Kế Tường, Phạm Văn Phú, Hồng Phúc, Người Xứ Huế, Phạm Văn Bình, Phan Nhật Nam, Phan Huy, Sao Bắc Đẩu, Vũ Hoàng – NXB Văn Nghệ Dân Tộc, 1972)
Sách nghiên cứu ấn hành thời gian gần đây
– Hanoi’s War, Lien-Hang T. Nguyen (University of North Carolina Press; 2012)
– Misalliance, Edward Miller (Harvard University Press, 2013)
– Uprooted – A Vietnamese Family’s Journey 1935-1975, David Lucas (Lulu, 2015)
– Hue 1968, Mark Bowden (Atlantic Monthly Press; 2017)
…
Về “The Vietnam War”
Tập đầu tiên phát sóng tại Mỹ lúc 8pm ngày 17, tức 8am ngày thứ Hai, 18-9-2017, giờ VN. Lịch chiếu có ghi rõ ngày giờ phát lại từng tập. Xin theo dõi lịch chiếu và xem phim tại:
http://www.pbssocal.org/schedule/?program=21568
http://www.pbs.org/kenburns/the-vietnam-war/home/
http://www.pbs.org/show/vietnam-war/
Episode One
“Déjà Vu” (1858-1961)
Episode Two
“Riding the Tiger” (1961-1963)
Episode Three
“The River Styx” (January 1964-December 1965)
Episode Four
“Resolve” (January 1966-June 1967)
Episode Five
“This Is What We Do” (July 1967-December 1967)
Episode Six
“Things Fall Apart” (January 1968-July 1968)
Episode Seven
“The Veneer of Civilization” (June 1968-May 1969)
Episode Eight
“The History of the World” (April 1969-May 1970)
Episode Nine
“A Disrespectful Loyalty” (May 1970-March 1973)
Episode Ten
“The Weight of Memory” (March 1973-Onward)
Nguồn: https://www.facebook.com/nguyen.manhkim/posts/10156328619904796