Vụ cáp treo Phong Nha – thêm một sai lầm của Thủ tướng Phúc

Thiền Lâm

Không còn gì để hy vọng nữa?! Khi gái đã làm điếm một lần thì không còn cơ hội để trở lại thời trinh trắng. Song vẫn còn chút an ủi ở văn hoá Thuý Kiều. Nàng Kiều kia “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” mà vẫn được chàng Kim Trọng coi là trinh tiết: “Như nàng lấy hiếu làm trinh”. Trong trường hợp này thì “Như chàng lấy đảng làm trinh” hay “Như chàng lấy ví làm trinh”, cái nào là chính xác?

Đỗ Minh Tuấn

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với tuyên ngôn ấn tượng “không làm kinh tế bằng mọi giá” lại vừa mắc thêm một sai lầm không hề nhỏ trong công tác chỉ đạo điều hành: trong buổi làm việc mới đây với tỉnh Quảng Bình, ông Phúc bất ngờ đồng ý chủ trương làm cáp treo ở Phong Nha – Kẻ Bàng (tuyến cáp treo dài hơn 5 km tới gần hang Én, hang động lớn thứ 3 thế giới, được Hiệp hội hoàng gia bảo vệ di sản của Anh đặc biệt quan tâm và nhiều lần lên tiếng bảo vệ, cảnh báo các xâm hại).

Sai lầm đầu tiên về “bảo vệ môi trường” của Thủ tướng Phúc xảy ra vào giữa năm 2016. Khi đó, ông Phúc như thể khoe khoang thành tích của Chính phủ đã thỏa thuận được với Formosa để công ty này phải bồi thường 500 triệu USD cho người dân các tỉnh miền Trung bị nạn xả thải ô nhiễm. Sau đó, dư luận xã hội dậy lên phản ứng ghê gớm khi cho rằng Thủ tướng Phúc đã che chắn cho Formosa mà không có bất kỳ động tác nào để truy cứu trách nhiệm hình sự của công ty này; mà có nhận 500 triệu USD bồi thường thì ông Phúc chẳng có căn cứ nào để xác định cho số tiền quá ít ỏi đó…

Vào năm 2016, suýt nữa Thủ tướng Phúc đã thông qua dự án thép Cà Ná – Hoa Sen – một dự án do Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ – người anh em cọc chèo của đương kim Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh – làm chủ đầu tư. Chỉ sau khi bị dư luận xã hội phản ứng quyết liệt và xem đây là “nguy cơ xảy đến Formosa thứ hai”, ông Phúc mới có vẻ “dũng cảm” mà chỉ đạo tạm ngừng dự án này.

Còn giờ đây là vụ “cáp treo Phong Nha”.

Cần nhắc lại, vào năm 2014, dự án cáp treo vào hang Sơn Đoòng, một hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, nằm trong quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, đã từng bị dư luận, báo chí và các chuyên gia phản đối rất dữ dội.

“Bao nhiêu dự án xây dựng ở Việt Nam được hậu thuẫn kiểu tiền trảm hậu tấu như thế? Bao nhiêu dự án thiếu minh bạch đã và đang diễn ra trên đất nước này? Và họ có nghĩ rằng tiếng nói của nhân dân, lợi ích của nhân dân, và quyền của thiên nhiên cần được coi trọng trong một đất nước văn minh và dân chủ?” – một nội dung đầy bức xúc trên trang Facebook có tên là Save Son Doong (Hãy cứu lấy Sơn Đoòng).

Nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam đã lên tiếng, gửi thư ra cộng đồng quốc tế, yêu cầu Chính phủ Việt Nam “phải có đánh giá đầy đủ, khách quan và thông tin rộng rãi về dự án cáp treo trong khu vực động Sơn Đoòng (thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng). Đồng thời lắng nghe ý kiến từ người dân, các chuyên gia khoa học, các nhà hoạt động môi trường, các cơ quan truyền thông báo chí nhà nước, các tổ chức dân sự trước khi đi đến một quyết định về việc tiến hành cáp treo trong khu vực Sơn Đoòng (thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng).”

Trước phong trào phản đối trên, đến tháng 2/2015, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải trấn an bằng Quyết định số 209/QĐ-TTg về Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, ban hành ngày 08/02/2015 đã hứa hẹn mục tiêu “Bảo tồn nguyên trạng và toàn diện giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, bao gồm cả các giá trị độc đáo về tự nhiên, văn hóa và lịch sử”.

Tuy nhiên, cáo chết không chừa nết. Sau một thời gian “mai phục” chờ dư luận lắng xuống, giới lãnh đạo Quảng Bình lại trỗi dậy ý đồ trục lợi Sơn Đoòng. Mọi chuyện vẫn còn nguyên trong vòng tai nạn.

Sơn Đoòng nằm trong số di sản thiên nhiên và điểm đến du lịch hiếm hoi còn lại ở VN. Một khi bị phá vỡ cảnh quan bởi dự án cáp treo, dự án này sẽ một lần nữa tô điểm cho quy trình ‘Lợi ích + Ngu dốt = Phá hoại’, của không chỉ giới lãnh đạo địa phương, mà liên đới cả một số bộ ngành trung ương.

Vào năm 2015, được một số tờ báo nhà nước hậu thuẫn, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch – còn “lên tiếng ủng hộ cáp treo Sơn Đoòng”, vịn vào một số lý do cảm tính và gây nghi ngờ, chẳng hạn cho rằng tuyến cáp treo “chỉ ảnh hưởng nhỏ’ đến cảnh quan Sơn Đoòng.

Ngay sau đó báo Đất Việt – một trong số hiếm hoi tờ báo nhà nước có tính phản biện – đã phải đặt câu hỏi: ‘Vì sao ông lại đưa ra quan điểm đi ngược với ý kiến của rất nhiều chuyên gia về di sản, sinh thái, địa chất như vậy?’.

Một trớ trêu là ngay trước khi đồng ý chủ trương làm cáp treo ở Phong Nha – Kẻ Bàng, Thủ tướng Phúc còn yêu cầu Quảng Bình “phải phát triển cả kinh tế – văn hóa – môi trường, thiếu 1 trong 3 thì coi như vứt”.

Thái độ quyết tâm làm cáp treo để phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của hang động này cho thấy mối nghi ngờ của dư luận xã hội về việc không chỉ giới lãnh đạo địa phương, mà liên đới cả một số bộ ngành trung ương, đã “đi đêm” và “nhúng bùn” với một nhóm tài phiệt nào đó là có thể có cơ sở.

T.L.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.