Vũ Nam
Chiều Praha hôm người viết đến đây là buổi chiều mùa hè, khí hậu hơi nóng, ánh nắng vàng rải đều trên mọi đường phố, nóc nhà. Người người tấp nập ở các trạm xe. Lần đầu bước chân lên vùng đất mà lịch sử của nó tôi đã đọc được là lịch sử của những ngày bị ngoại bang – nước Đức – giày xéo; những ngày bị cái gọi là cách mạng, chủ nghĩa cộng sản chà đạp, tước đoạt mọi quyền tự do dân chủ của người dân, tôi cảm thấy như chuyến đi phiêu lưu vào vùng đất khổ. Đất nước của nghệ sĩ lớn Vaclav Havel, sau trở thành vị tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc trong bước đầu của thời đại dân chủ. Hai bên đường xe lửa vẫn những hàng cây thông, cây sồi, cây hoang dại… như khắp các vùng Âu châu. Nhưng dưới chân tôi, dưới đường ray xe lửa là vùng đất thiêng trong tuyến đầu cưỡng lại chế độ Xô-viết trước đây. Đi sâu vào tới tận bờ đông, hẳn là nhiều vết thương hằn khổ của người dân xứ Tiệp. Vừa qua khỏi biên giới Đức – Tiệp, bắt gặp những căn nhà nhỏ, sơ sài, mới nhưng cất còn dở dang, người viết cảm nhận được sự nhỏ bé, yếu hơn của các nước Đông Âu, trong đó có Tiệp Khắc, so với các nước lớn ở Tây Âu như Anh, Pháp, Đức. Có cái gì lặng lẽ, khiêm nhường, chịu đựng. Có cái gì cố vươn lên, vươn tới một bến bờ hạnh phúc như người ta, như các nước bạn.
Sau 19 năm kể từ ngày bức tường Bá Linh đổ, tôi mới có dịp đến Praha, thủ đô Tiệp. Khởi hành từ Munich, một thành phố lớn ở miền đông nam nước Đức, nổi tiếng với hiệu xe BMW và ngày lễ Oktoberfest. Trong ngày lễ này, ngoài các trò chơi và số khách vãng lai quá đông, có lẽ đặc biệt nhất là người ta thấy trên truyền hình các cô gái Đức phục vụ ở các quán bia với bộ quần áo truyền thống, khi mang bia cho khách, mỗi tay của các cô có thể mang đến 5-6 li bia, mà li nào li nấy kể cả bia nặng đến vài ba kí.
Khi vừa qua biên giới Đức – Tiệp, những dãy nhà cũ hiện ra trước mắt làm tôi hơi ngạc nhiên. Tự nghĩ, sau gần 19 năm rời khỏi “thiên đường XHCN” chẳng lẽ vẫn còn như thế này, vậy còn 19 năm trước thì sao? Tiệp Khắc là nước chỉ đứng sau Đông Đức trong thời gian còn là những nước trong khối cộng sản ở Đông Âu. Các anh chị em đi lao động hợp tác ở đây họ nói nhất là Đông Đức, nhì là Tiệp Khắc.
Xe lửa đang vào xứ Tiệp, khi nắng chiều đang len lỏi vào các cành nhánh cây dọc hai bên đường, để mang ánh sáng còn rơi rớt lại chiếu trên lòng đường sắt nằm song song bên cạnh đường xe lửa tôi đang ngồi. Trong Thế chiến thứ hai, hẳn những chiếc xe tăng của Đức đã theo các đoạn đường sắt này, đường rừng này, để chỉ trong vài ngày đã nuốt trọn, chiếm đóng vùng đất hiền hòa và những con người dễ thương, mở màn cho cuộc chiến làm kinh hoàng cho cả thế giới. Nhưng bây giờ, có lẽ mọi chuyện của quá khứ thời Thế chiến thứ hai đã yên nghỉ trong đầu óc giới trẻ Tiệp Khắc. Giới trẻ đang bắt đầu thời kì xây dựng sau những tan hoang đổ nát vì chiến tranh, sau những ngày bị lính của ông cộng sản Stalin chiếm đóng, và nhất là sau vụ đàn áp đẫm máu bằng xe tăng của Liên Xô năm 1968.
Nếu muốn tìm một điều gì đặc biệt cho vùng đất Đông Âu hiền hòa này, có lẽ là dòng sông chảy song song đoạn đường xe lửa trước khi vào thủ đô Praha. Sông mùa hè cạn nước, những căn lều nghỉ hè của những nhà nghèo, bên cạnh là những chiếc thuyền con được cột dây neo vào những chiếc cầu ván nhỏ. Vài người đàn ông, vài cậu bé đang đứng ngồi câu cá. Chắc là đang mùa nghỉ hè, nghỉ Urlaub, vacation nên cha con, ông cháu hưởng thú vui tiêu khiển bên dòng sông hiền hòa của quê hương. Sông có ra biển không, sông chảy về đâu, ắt có thể cậu bé không biết. Cậu chỉ biết thú vui tiêu khiển ngày hè thanh cao, dung dị, hòa đồng vào thiên nhiên và những mạch nguồn đất nước.
Nếu cần tìm một đặc điểm gì để nói cho những thành phố lớn dọc con đường xe lửa như Pzen, Praha, tôi sẽ nói đã thấy những nhà máy thật lớn nhưng đã thật cũ. Tôi nghĩ ngay đến những nhà máy quốc doanh, nay không một ai còn màng đến. Chung quanh đầy những rỉ sét và cỏ mọc đầy. Còn thỉnh thoảng những nhà máy nhỏ, mới toanh, tô điểm cho thành phố, có lẽ là từ các nước Tây phương vừa vào làm ăn kinh doanh, như ta đã thấy ở nước Việt Nam tại các vùng Bình Dương, Đồng Nai…
Còn các cô gái Tiệp. Họ có một cái mũi nhỏ, gọn và đẹp. Mí mắt lúc nào cũng được làm cẩn thận. Mi cong mày ngài. Họ có nét đẹp trong trẻo, yên bình.
Ở trạm xe lửa Praha, thỉnh thoảng tôi gặp vài cháu thanh niên Việt Nam. Khác với ở Việt Nam, ở đây thấy các cháu rất lễ phép. Đa số các cháu qua Tiệp Khắc để lao động kiếm tiền chứ không phải qua để học tập. Nói năng từ tốn. Không biết có phải vì ở nước ngoài nên các cháu hiền lại hay cái hiền đã có từ thuở nhỏ. Có cháu nói đã qua lâu, có thân nhân bên Đức, có cháu nói mới qua được vài tháng. Các cháu nhỏ con quá. Những cháu tôi thấy là những cháu ra đi từ Hải Dương ở miền Bắc, rất thấp, vậy chắc chắn là ở thành phần nghèo, từ nhỏ đã thiếu ăn thiếu mặc chứ trẻ con Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài hiện nay rất cao lớn, mập mạp.
Buổi chiều đi trên con phố chính của Praha thật rộng lớn, tôi hình dung lại những hình ảnh đã từng nhìn thấy, và mới đây, ngày 21-8, truyền hình Đức đã chiếu lại những hình ảnh này. Xe tăng Liên Xô đã quay họng súng ngang dọc, nhắm vào những người dân, những thanh niên biểu tình đòi tự do năm 1968, Mùa Xuân Praha, và nã đạn vào họ để giải tán. Khói lửa mịt mù. Nay nơi đây đang vùng lên, đầy người buôn bán, vãng lai, của thời kì kinh tế mở cửa. Những cửa hàng nơi đây có những cô gái đứng ở những quầy buôn bán nói tiếng Anh rất lưu loát. Người Tiệp (Cesko) nói họ không muốn người Khắc (Slovenko) tách ra để làm thành hai nước, nhưng họ cũng đành phải chịu. Nghe một cô gái người Cesko nói những vùng rừng núi của Slovenko đẹp không thua gì những vùng rừng núi ở miền Nam nước Đức.
Bây giờ hầu hết người dân ở Đông Âu đều muốn qua bên các nước Tây Âu làm việc để có lương cao hơn, nhưng ở đâu ban đầu cũng đầy khó khăn, và ở Đức cũng vậy. Cô gái Tiệp kể. Ban đầu cô làm trong một trang trại nhà nông, công việc của đàn ông, sau tìm được việc trong một tiệm bán thịt. Giờ thì đời sống đã yên ổn và khá giả. Có thể trở về thăm quê hương Tiệp, vung văng vung vẻ đôi ba tháng một lần.
Một vùng đất Đông Âu rộng lớn suốt từ năm 1945 đến năm 1989 nằm trong khối cộng sản, bao gồm các quốc gia Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni, Nam Tư… là những vùng mà hiện nay khách du lịch ở Tây Âu hay đến trong những ngày hè, vì những nơi đó giá cả còn tương đối rẻ. Nhưng rất tiếc là tôi cũng chỉ vừa đặt chân lên đất Tiệp trong mùa hè vừa qua, còn Đông Đức thì đã đến trong dịp hè năm 1992. Ngày đó Đông Đức vừa sáp nhập Tây Đức nên còn nghèo, đường xe, phố xá tiêu điều, nhưng nay hẳn đã khá lắm rồi vì Tây Đức lấy thuế dân Đức để sửa sang xây dựng lại cho người em đi hoang lâu ngày mới trở lại về nhà. Như vậy thật tội cho nước Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Ba Lan… phải tự một mình xây dựng bằng chính bàn tay và dân trí của mình. Nên dưới mắt người viết, Tiệp Khắc chưa được hoàn mĩ sau 19 năm thoát khỏi chế độ cộng sản. Còn cần phải một thời gian nữa.
Thành phố Praha hiện có đầy đủ tiện nghi giải trí như một thành phố ở một nước tư bản Tây Âu. Có các quán bia, bar, hotel, nhà hàng, casino… Đường xe điện, xe bus tiện lợi. Có điều trạm xe lửa chính ở Praha còn nhỏ quá. Vỏn vẹn có 5 đường ray dành cho hành khách, còn khoảng 2 hay 3 đường ray dành cho các chuyến xe lửa vận chuyển hàng kĩ nghệ. So với trạm xe lửa chính ở thành phố Munich là 36 hay 37 đường ray.
Nếu có dịp, tôi sẽ trở lại đây, sẽ tiếp tục theo con đường tây – đông này, sau Praha tôi sẽ đến Budabest, Bucuresti, Sofija để đến Hắc Hải, thăm quê hương của những người nam nữ hiền hòa, sau ngày đông tây mở cửa họ đã đến làm việc ở Đức rất nhiều. Những người đàn bà, cô gái đến từ xứ Lỗ Ma Ni siêng năng chịu đựng, những cô gái Tiệp Khắc da mặt thật láng với màu đỏ hồng, mí mắt cong, sóng mũi cao nhưng gọn gàng. Đến xứ của Dracula (Ma Cà Rồng) chắc là có nhiều điều thú vị lắm. Mỗi khi nghỉ hè ở xứ họ về, những người đàn bà Lỗ Ma Ni hay đưa tôi xem những cảnh biển ở trên bờ Hắc Hải, thấy cũng đẹp, chiều gió lộng, nhiều nhà nghỉ cao rộng, những khách sạn nhiều tầng. Giá cả theo họ nói vẫn còn rẻ so với các vùng biển ở Ý, Pháp. Thăm xứ của bánh mì và khoai lang Tây là món ăn thường trực mỗi ngày của những ngày còn trong khối cộng sản. Nay chắc là có thêm noodles, spaghetti và cơm trắng.
Bây giờ các nước này đã vào EU, cộng đồng chung Âu châu. Tây Âu chia vai những gánh nặng mà Đông Âu đang gánh, ngược lại họ có thị trường lao động từ Đông Âu qua để giải quyết việc thiếu nhân lực lao động trong các nhà máy. Nhưng cũng nhờ vào EU nên các ông, các anh người Lỗ Ma Ni hay đến Đức để “xin ăn” ở trước cửa những nhà thờ, siêu thị. Ban ngày họ đi xin, tối ngủ trong những chiếc xe đậu tạm qua đêm ở những nơi được phép đậu. Kiếm được một mớ tiền, có thể họ lại giông về xứ sở lại, để cho vợ, con, cha mẹ rồi có dịp lại trở lại Đức. Không biết tiếng Đức, không phải là người tị nạn, người gốc Đức hồi hương, những người Lỗ Ma Ni hiện nay đến Đức cũng rất khó tìm được việc làm, có lẽ vì thế mà họ hay đi “ăn xin”.
Nghe nói ở Praha có một chợ Việt Nam tên là chợ Sapa. Tôi chưa đến nhưng nghe một anh Việt Nam kể nơi đây có những bác Việt Nam đã rất lớn tuổi ngồi bán rau. Các bác nói bán dành dụm tiền gửi về giúp Việt Nam. Như vậy thì các bác Việt Nam hay hơn các anh, các ông ở Lỗ Ma Ni qua Đức “ăn xin” nhiều.
Trên đoạn đường xe lửa từ thành phố Pzen đi Praha, tôi có gặp một cô gái Tiệp. Trông dáng cô như người thư kí hay người vẽ mẫu quần áo thời trang, quảng cáo. Cô mặc đồ điệu đà, tươi mát. Quần sọt, không quá ngắn, để hở cặp chân thon. Trong các phòng khách ngồi đã đầy nên cô đứng ngoài hành lang, mở cửa sổ xe để hóng gió chiều. Giờ tan sở nhưng trông cô không có vẻ mệt mỏi. Với túi xách màu trắng vắt vai, bộ đồ trắng, vòng mi cong, mặt đánh phấn mỏng, chắc chiều hôm ấy cô đã làm cho các hành khách đang trên đường du lịch đến Praha cũng thấy vui vui, bớt để ý tới một đoạn đường. Nhiều người chú ý tới cô vì dưới chân cô có xăm hình một con bò cạp lớn. Chắc là để cảnh cáo đám đàn ông: Tránh xa ra, gặp thứ dữ rồi đó! Coi chừng có chích!
Buổi chiều Praha sau giờ làm việc là buổi chiều không thấy một em bé bán vé số, không thấy một người ăn xin, một người nằm ở vỉa hè. Không khí có vẻ hơi buồn, không gian có lẽ chật chội đông người, mọi người vội vã, dù nơi đó là phố chính của thành phố cũng không có nét tà tà dạo phố. Họ lo mua sắm. Họ lo về nhà. Đồ ăn nơi Praha theo một người Tiệp kể đã hơi mắc mỏ rồi.
Trong hotel ở Praha, không hiểu sao truyền hình lại không bắt được đài nói tiếng Anh. Ngoài tiếng Tiệp, khách du lịch có thể coi được đài nói tiếng Đức và tiếng Pháp. Vậy mà bên ngoài các cô gái Tiệp bán hàng lại nói tiếng Anh rất giỏi, và hầu như không nói tiếng Đức và Pháp.
Tạm biệt Praha. Hy vọng có dịp trở lại đây trong một mùa xuân ấm áp để thăm ngôi chợ Việt Nam, chợ Sapa.
V.N
Tác giả gửi BVN