Tiêu đề của status này do BVN đặt. “Khi giáo dục không có tác dụng chắp cánh cho những ước mơ, khi giáo dục không thể khai phóng giá trị con người mà chỉ nhằm biến những công dân thành những con lừa thì nền giáo dục ấy ắt hẳn phải sụp đổ”. Rất chính xác!
Bauxite Việt Nam
Từ xưa, nghề làm thầy được tôn vinh là một trong những nghề cao quý. Cũng phải, bởi học trò là sản phẩm của người thầy. Thầy có tốt thì trò mới nên người. Thời phong kiến, kẻ làm thầy được đứng cao hơn cha mẹ. Dù công sinh thành, dưỡng dục là vô lượng nhưng nếu không có giáo dục thì con người ta thành ra không có giá trị, cho nên việc sắp cha mẹ sau người thầy được cho là hợp lí.
Sau năm 1975, miền Nam có câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Điều này phản ảnh một thực trạng là nghề giáo không còn nhiều giá trị bởi lương giáo viên thời đó không thể nuôi sống chính bản thân mình. Tôi biết nhiều người bỏ nghề ra đi buôn bán. Có cô Tư bây giờ là đại gia phân phối nhiều ngành hàng ở tỉnh Kon Tum. Từ cách đây hai chục năm tôi có làm ăn với cô và đã nghe cô tâm sự về cuộc đời mình: “Trước năm 1975, hai vợ chồng cô đi dạy đủ tiền xây biệt thự, mua xe hơi và nuôi con ăn học. Thầy với cô đi dạy về chỉ tập trung vào việc luận bàn chuyện giáo dục ở trường, cân nhắc để làm sao đem kiến thức đến cho học trò bằng cách hiệu quả nhất. Sau năm 1975, người ta trả công cho thầy cô không đủ hai người tự sống thì lấy gì nuôi con. Câu chuyện của gia đình lúc bấy là cơm áo gạo tiền, như vậy đâu còn tâm trạng cho cái nghề mà mình yêu quý. Vì lẽ đó thầy cô bỏ nghề để ra làm ăn kiếm tiền nuôi sống gia đình. Thầy cô không muốn làm công việc truyền thụ kiến thức một cách nửa vời, như vậy vô hình chung ta làm hại học trò con ạ”.
Những thầy cô như vợ chồng cô Tư, dù không được học họ ngày nào nhưng tôi luôn tiếp cận mỗi khi có dịp bởi chỉ thông qua câu chuyện hàng ngày, tôi đã học được rất nhiều điều.
Kì thi đại học năm nay lại một lần nữa khẳng định khái niệm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, trong khi đó ngành công an điểm lại rất cao. Nếu ngành công an chống lại các loại tội phạm thì ngành giáo dục chính là ngành ngăn ngừa tội phạm.
Khi được giáo dục đúng đắn, hiểu những giá trị cốt lõi về đạo đức, pháp luật thì con người ta sẽ tránh xa phạm tội, ấy là cách ngăn ngừa hiệu quả lâu dài, là thiết lập trật tự xã hội bằng cách bền vững.
Người Việt vốn dĩ rất coi trọng giáo dục. Trừ trường hợp bất khả kháng ra, người ta mới đành bó tay, còn không thì ai cũng muốn con mình được ăn học đến nơi đến chốn. Bạn bè tôi hầu hết sẵn sàng đầu tư đôi ba tỉ cho mỗi đứa con, chỉ mong con được học những điều có giá trị, được làm người, làm nghề theo đúng nghĩa của nó, theo đúng cách mà nhân loại vẫn làm.
Thế thì tại sao nghề thầy ở xứ này lại trở nên mạt hạng, tại sao giáo dục Việt Nam lại trở nên thảm hại như bây giờ?
Cốt lõi của vấn đề lại quay về chính sách.
Khi giáo dục không có tác dụng chắp cánh cho những ước mơ, khi giáo dục không thể khai phóng giá trị con người mà chỉ nhằm biến những công dân thành những con lừa thì nền giáo dục ấy ắt hẳn phải sụp đổ.
Hệ luỵ của điều này sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác nữa: chảy máu chất xám, chảy máu kinh tế, biến dạng văn hoá và cuối cùng là dân tộc suy vong.
T.Q.T
Nguồn: https://www.facebook.com/quangthi.truong/posts/1007181889384955