Năm 1995, trong buổi học cuối cùng của môn chính trị, tôi được nghe ông thầy (cũng là Bí thư Đảng ủy) nói với giọng tức giận “đánh Mỹ chạy đi, giờ lại trải thảm đỏ đón Mỹ về”.
Ông nói vậy, bởi Việt Nam và Mỹ mở lại bang giao vào tháng 7-1995. Lúc đó, đại diện nước Mỹ là Tổng thống Bill Clinton, còn Việt Nam là Ttướng Võ Văn Kiệt.
Tâm trạng hoang mang và tức giận đó của ông bí thư đảng ủy, là điều mà tôi vẫn nhìn thấy ở những người bỏ một đời đi theo chủ nghĩa cộng sản, rồi bất chợt một ngày cảm thấy bị hụt hẩng vì cảm giác như mình bị phản bội – đồng thời mơ hồ mình có thể bị bỏ rơi vào lúc nào đó.
20 năm sau, với những nỗ lực không ngừng từ phía Mỹ, Việt Nam đã có những cuộc phối hợp đầu tiên giữa quân đội hai nước. Mặc dù đó chỉ là khởi đầu các hoạt động cứu trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ trong khuôn khổ chương trình Thiên thần Thái Bình Dương.
Vào tháng 8/2015, hải quân Việt Nam dè dặt bước vào cộng tác trong chương trình Đối tác Thái Bình Dương, là bước đi gấp rút sau sự kiện giàn khoan dầu HD 981 của Trung Quốc tiến vào vùng của Việt Nam trong năm 2014. Vai trò của một cựu thù lúc này ở VN thật đầy tính “ấm áp”.
Đến thời điểm đó, rất nhiều người già đã bỏ một đời đi theo lý tưởng cộng sản mà tôi gặp lại, đều thay đổi. “Trung Quốc mới chính là kẻ thù”, tôi nghe những câu nói như vậy thường xuyên và lớn giọng hơn. Thậm chí, có những người đã cùng tham gia xuống đường chống Trung Quốc rồi bị đánh đập hay tù đày.
Hơn vậy, tôi nghe khắp trên các con đường mình đi qua, từ Nam chí Bắc, là những lời bàn không chỉ về kẻ thù của Việt Nam mà còn bàn về những kẻ sẵn sàng bán mình cho kẻ thù của Việt Nam. Nghe như một cuộc chuyển mình rầm rộ mà thinh lặng.
Hôm nay, hàng không mẫu hạm của Mỹ nói sẽ ghé vào Cam Ranh với cuộc “bảo trì” đầy ý nghĩa, nhất là sau khi Bắc Kinh ép Hà Nội phải ngừng khoan dầu trên biển, và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch vừa sang Mỹ. Tôi lại nhớ về ông bí thư đảng ủy đó.
Lịch sử đang đổi thay. Con người cũng đang đổi thay. Thậm chí con cái các quan chức cấp cao đã rùng rùng chọn học, sống và mua nhà ở Mỹ cũng như ở các nước phương Tây “thù địch”. Nhiều gia đình quan chức chỉ quyết chọn đến định cư ở những nước mà lý tưởng cộng sản được sách giáo khoa nơi đó dạy rằng, là tội ác của nhân loại. Bất chấp trong đất nước này, các đại học VN vẫn ép sinh viên phải lèn chặt chủ nghĩa Marx-Lenin như công cụ tư tưởng sống còn của chế độ.
Hôm nay, chỉ còn lại rơi rớt những lời ngợi ca Trung Quốc bạn vàng công khai từ một ít tướng lĩnh, hay luận điệu hằn học được huấn luyện của lớp thanh niên bị nhồi sọ phục vụ. Nhưng mỗi lúc, những âm thanh đó càng ngày càng tẻ nhạt và vô ích. Đôi khi, có thể đó là thành phần phải bị hy sinh để giữ lại thể diện hữu nghị trước những khúc quanh lịch sử khó lường sẽ đến.
Vài năm sau nữa, lớp người rơi rớt ấy có đập bàn hằn học cho số phận của mình, như ông bí thư đảng ủy mà tôi nhìn thấy không?
Tất cả như một sân khấu vĩ đại. Mà nhân dân là khán giả xuyên suốt. Sân khấu lúc có tiếng súng và nhà tù, lúc có hoan hô và đả đảo. Trò diễn cứ liên hồi, nỗi niềm rồi chỉ còn lại nhân dân im lặng cảm nhận.
https://www.facebook.com/khanhtuanng/posts/10154869394638181
Tàu sân bay USS George Washington tại Hàn Quốc năm 2013. Tàu từng đón nhiều đoàn VN tham quan.
Lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ sẽ thăm Việt Nam vào năm tới, theo thông báo của Ngũ Giác Đài hôm 8/8. Đây là tín hiệu mới nhất về mối quan hệ gia tăng giữa hai cựu thù từng có chiến tranh với nhau từ 1965 đến 1973.
Thông báo được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tiếp người đồng cấp Việt Nam Ngô Xuân Lịch cùng ngày 8/8.
Ngũ Giác Đài nói hai ông đồng ý mở rộng hợp tác hải quân và chia sẻ thông tin. Trên bình diện rộng hơn, hai bộ trưởng thảo luận các bước đi xa hơn trong quan hệ quốc phòng và các thách thức an ninh khu vực.
Thỏa thuận giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước về tàu sân bay Mỹ cập cảng Việt Nam là sự cụ thể hóa thảo luận giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng 5 về khả năng thực hiện chuyến thăm như vậy.
Thông báo của Ngũ Giác Đài không nói rõ tàu sân bay mang tên gì sẽ thực hiện chuyến thăm.
Trong các năm từ 2009 đến 2012, các tàu sân bay USS George Washington và USS John C. Stennis từng đón các đoàn quan chức Việt Nam lên thăm khi các tàu này hoạt động ở Biển Đông, ngoài khơi Việt Nam.
Một nguồn tin từng làm việc lâu năm trong phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam cho VOA biết phía Mỹ thường mời các quan chức cao cấp thuộc Quốc hội, chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Việt Nam thăm các tàu đó.
Nhưng theo nguồn tin, trên thực tế Việt Nam thường cử các đoàn “liên ngành” cấp địa phương đi thăm, dường như e ngại phát đi tín hiệu rằng Việt Nam “thắt chặt quan hệ hải quân với Mỹ” trong bối cảnh có những tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.
Đấy là phải có sự thay đổi tư duy. Và sự hợp tác này cho thấy là quan hệ an ninh và quân sự giữa Mỹ và Việt Nam đã trưởng thành lên một bước có ý nghĩa. Việt Nam và Mỹ có những quan điểm gặp nhau trong vấn đề Biển Đông. Khác với các lần trước, lần này là [tàu sân bay] đến cập cảng, và điều này là một thông điệp nói lên sự cam kết của Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông. Ở đây phải có quan điểm phù hợp nhau.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường
Giờ đây, các cuộc thăm tàu sân bay không chỉ ở ngoài khơi mà sẽ diễn ra ngay tại cảng của Việt Nam. Điều này thể hiện “một sự phát triển mới và đáng khích lệ” trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước, theo một nhà nghiên cứu ở Hà Nội.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, nói với VOA:
“Đấy là phải có sự thay đổi tư duy. Và sự hợp tác này cho thấy là quan hệ an ninh và quân sự giữa Mỹ và Việt Nam đã trưởng thành lên một bước có ý nghĩa. Việt Nam và Mỹ có những quan điểm gặp nhau trong vấn đề Biển Đông. Khác với các lần trước, lần này là [tàu sân bay] đến cập cảng, và điều này là một thông điệp nói lên sự cam kết của Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông. Ở đây phải có quan điểm phù hợp nhau [giữa Mỹ và Việt Nam]”.
Tàu USS John C. Stennis (ảnh) và tàu USS George Washington từng đón nhiều đoàn quan chức Việt Nam tham quan ngoài khơi Biển Đông
Trong cuộc gặp ở Washington hôm 8/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis nói với ông Lịch, người đồng nhiệm phía Việt Nam, rằng một mối quan hệ quốc phòng vững mạnh có nền móng là những lợi ích chung, trong đó bao gồm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Vùng biển này chứng kiến những tuyên bố chủ quyền đối chọi nhau giữa các bên gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.
Trung Quốc đòi chủ quyền về gần như toàn bộ vùng biển dù vấp phải phản đối mạnh mẽ từ Việt Nam và một số nước khác. Với nguồn lực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã xây dựng và quân sự hóa một số đảo nhân tạo, cũng như đòi có thẩm quyền tài phán từ việc nắm giữ các đảo đó.
Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền song luôn khẳng định có lợi ích trong việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Washington đã thách thức các tuyên bố quá đáng của Bắc Kinh bằng cách điều các tàu hải quân đi vào vùng 12 hải lý quanh một số đảo nhân tạo hay bãi cạn do Trung Quốc kiểm soát.
Dù bối cảnh là như vậy, tiến sĩ Trường khẳng định việc Việt Nam đồng ý đón tàu sân Mỹ thăm cảng là “không phải là hành động khiêu khích ai cả”. Ông nói:
“Vấn đề này phải đặt trong trạng thái bình thường của quan hệ hai nước thôi, của quan hệ quân sự giữa Mỹ với các nước trong khu vực thôi. Nó cũng không có gì nhiều. Mỹ cũng thường cử tàu sân bay vào các nước ở khu vực Đông Á này. Lần này vào thăm Việt Nam ta cũng phải thấy cái này là bình thường hóa đi”.
Còn theo nhà phân tích chính trị Hà Hoàng Hợp, được Reuters trích lời trong một bản tin, thỏa thuận này nhất quán với chiến lược ngoại giao của Việt Nam là làm bạn với tất cả các nước. Ông Hợp cũng nói với Reuters rằng Việt Nam sẽ không thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền và có những sự chuẩn bị của riêng mình.