Mọi nẻo đường đều dẫn đến Nguyễn Tấn Dũng?

Phạm Chí Dũng

BVN trân trọng đăng bài phân tích dưới đây của nhà báo Phạm Chí Dũng nhằm giúp bạn đọc cân nhắc chiều hướng diễn biến của những sự kiện chắc chắn sẽ làm sôi động chính trường Việt Nam ngay sau vụ Nhà nước CS cho tình báo bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ CHLB Đức đem về nước. Xin tôn trọng quan điểm và cách nhìn của người viết như một phương án mở để chúng ta cùng rộng đường suy luận.

Bauxite Việt Nam

clip_image002

Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Bài viết này hoàn tất một ngày trước khi Chính phủ Đức chính thức xác nhận Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc mang về Việt Nam.

“Phát ngôn xuất thần”

Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy” – ngày hè nồng nực cuối tháng Bảy năm 2017, tâm trạng của nhân vật đứng đầu đảng CSVN như bất chợt phấn khích hẳn lên.

Không chỉ phấn khích mà còn nhen nhóm một quyết tâm ý thức kèm quyết liệt hành động.

Lời ví von xuất thần có nét tục ngữ dân gian trên của Tổng bí thư Trọng đã khiến lộ ra cái tâm thế mà ông có vẻ muốn giữ kín bấy lâu nay.

Cũng là lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng mạnh bạo phát ra những từ ngữ “thành phong trào”, “thành một xu thế” khi đề cập đến việc làm thế nào chống tham nhũng tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng trung ương ở thủ phủ của Bộ Chính trị tại Hà Nội.

Có thể cho rằng những ví von và từ ngữ trên là mạnh mẽ hơn lối phát ngôn thiên về học thuật kinh viện của chính ông Trọng trong những lần phát động công cuộc chống tham nhũng trước đây, thậm chí khác khá nhiều với khẩu khí có vẻ ủ ê của ông Trọng chỉ mới vào tháng 6/2017.

Ngày 31/7/2017 – thời điểm Tổng bí thư Trọng phát ra những ví von và từ ngữ trên – lại trùng khớp với một sự kiện chấn động chính trường Việt Nam: “tử thù” của ông Trọng là nhân vật Trịnh Xuân Thanh bất thần hiện ra ở Hà Nội để “đầu thú với Bộ Công an”.

Không biết vô tình hay hữu ý, cái ngày 31/7 ấy cũng là thời điểm mà Bộ Công an tung ra chiến dịch “bắt Trầm Bê” – nhân vật được một số dư luận xem là “tay hòm chìa khóa” của Nguyễn Tấn Dũng thời ông Dũng còn là Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vốn đã râm ran một thời gian nhưng chưa thẳng miệng, chỉ đến khi Trịnh Xuân Thanh “đầu thú”, một số quan chức nhà nước – trong đó có quan chức công an – mới tiết lộ một đánh giá rất quan trọng: Trịnh Xuân Thanh là mấu chốt của đại án PVC (Tổng công ty Xây lắp dầu khí). Dù Vũ Đức Thuận – trước khi bị bắt là trợ lý của Đinh La Thăng vào thời ông Thăng còn là Bộ trưởng Giao thông vận tải và khi ông Thăng trở thành Bí thư Thành ủy TP.HCM – đã nằm trong trại giam cả năm và có thể đã “khai hết”, nhưng thiếu Trịnh Xuân Thanh thì án PVC chưa thể trọn vẹn, và quan trọng hơn là chưa thể lần được “đường dây” nào đã bảo kê cho Thanh biến mất khỏi Việt Nam vào nửa cuối năm 2016.

Đại gia Trầm Bê lại có vai trò “mấu chốt” như Trịnh Xuân Thanh. Hành trình cùng Ngân hàng Phương Nam trong dĩ vãng, ngân hàng Sài Gòn Thương Tín sau đó và có mối liên hệ mật thiết với ngân hàng Xây Dựng của Phạm Công Danh – nhân vật đã bị đưa ra tòa, Trầm Bê được dư luận xem là một bí số lớn trong không chỉ một mà một số đại án ngân hàng, cũng là một mắt xích cực kỳ quan yếu dẫn đến một cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước.

Nhưng trên tất cả, án kinh tế luôn có thể là cơ sở để phục vụ những chọn lựa hay thanh lọc chính trị. Vụ đại án PVC chỉ là “chuyện nhỏ” so với tiết lộ của những quan chức mà bây giờ mới dám hé ra: Thanh “về” thì khối kẻ tim đập chân run.

Nhất là nếu Thanh đã “khai sạch”…

Mới “đầu thú” đã được “khoan hồng”?

Một câu chuyện ngoài lề nhưng không thể bỏ qua là cũng vào ngày 31/7/2017 và ngay thời điểm Trịnh Xuân Thanh “đầu thú”, một lãnh đạo thuộc Bộ Công an (giấu tên) khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã không ngần ngại đề cập đến từ “khoan hồng” trong nội dung trả lời: “Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và lời khai của đối tượng Trịnh Xuân Thanh, pháp luật sẽ xem xét đối tượng có được khoan hồng hay không? Nếu được khoan hồng thì ở mức độ nào?”.

Vị lãnh đạo này cho biết thêm, sau khi Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, cơ quan có thẩm quyền sẽ làm rõ việc bỏ trốn của đối tượng này: “Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ điều tra làm rõ Trịnh Xuân Thanh đã trốn chạy bằng cách nào? Ai đưa đối tượng bỏ trốn...”.

Trong các loại tội phạm, tội phạm bị truy nã là trường hợp đặc biệt nguy hiểm. Tính chất nguy hiểm càng gia tăng hơn hẳn khi Trịnh Xuân Thanh còn bị “lệnh truy nã đỏ của Interpol quốc tế” – như Bộ Công an đã thông báo từ năm 2016 (tuy một số thông tin cho biết lại không thấy tên Trịnh Xuân Thanh trong danh sách truy nã đỏ của Interpol quốc tế).

Những tội phạm đặc biệt nguy hiểm như thế rất thường không thể nhận được khả năng khoan hồng, dù chỉ hứa hẹn, cho dù đối tượng có tự nguyện đầu thú.

Do vậy, khó có thể tưởng tượng được rằng mới chân ướt chân ráo đến trực ban Bộ Công an để “đầu thú” (nhưng thông báo của bộ này chẳng kèm theo hình ảnh nào để chứng minh), Trịnh Xuân Thanh đã được một lãnh đạo Bộ Công an đề cập đến khả năng “khoan hồng”.

Tương tự vụ “tau khỏe mà, có chi mô” của ông Nguyễn Bá Thanh cuối năm 2014 và vụ “tướng chữa bệnh Phùng Quang Thanh” giữa năm 2015, vụ Trịnh Xuân Thanh – nhân vật cuối cùng trong “Tam Thanh” – ngày càng bộc lộ tính mâu thuẫn bởi những phát ngôn và hành động như thể “đá” nhau của giới quan chức “có trách nhiệm”.

Dấu hiệu Trịnh Xuân Thanh được “khoan hồng” quá nhanh và quá sớm như thế càng khiến dư luận nghi ngờ rằng ông Thanh không phải đã “đầu thú” vào ngày 31/7/2017, mà có thể đã bị bắt ở đâu đó tại châu Âu trước thời điểm 31/7 một số ngày đủ cho cơ quan an ninh Việt Nam “moi ruột”.

Nếu nghi ngờ trên là có cơ sở, cơ chế “gây sức ép bằng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết” đã được vận hành hoàn hảo đến nỗi rất có thể Trịnh Xuân Thanh đã “hợp tác khai báo” quá nhanh, quá thành khẩn, khai bằng hết…, mà từ đó mới được hứa hẹn “khoan hồng”.

Sau Thanh là ai?

Thủ trưởng cũ của Trịnh Xuân Thanh lại là Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Công thương – nhân vật quá tai tiếng với nhiều dự án ngàn tỷ đồng của ngành công thương bị lãng phí và thất thoát cho tới nay, mối quan hệ đầy mờ ám của ông Hoàng với những nhóm lợi ích, trong đó có những doanh nghiệp Trung Quốc, chưa kể trách nhiệm liên đới của ông Hoàng trong nhiều vụ việc khác thời còn là Bộ trưởng Công thương…

Nhưng một số dư luận lại cho rằng ngay cả Vũ Huy Hoàng cũng chỉ là “cá nhỏ”. Mà “cá mập” chính là Đinh La Thăng – được xem là “người thân” của Trịnh Xuân Thanh. Vào tháng 5/2017, ông Đinh La Thăng đã chính thức bị phế truất chức vụ Ủy viên Bộ chính trị cùng cái ghế Bí thư thành ủy TP.HCM, để ngay sau đó được “nhốt quyền lực vào lồng” – một cách nói ưa dùng của Tổng bí thư Trọng – cùng với cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình tại Ban Kinh tế trung ương.

Đến đây, hai “đường dây” xuất phát từ Trịnh Xuân Thanh và Trầm Bê cùng giao nhau ở một điểm: Nguyễn Văn Bình.

Nguyễn Văn Bình lại được xem là “cánh tay mặt” của Nguyễn Tấn Dũng thời còn là Thủ tướng. Ông Bình còn kinh hoàng hơn hẳn Trầm Bê về “thành tích” thao túng thị trường tín dụng, tiền tệ và các phi vụ thâu tóm ngân hàng.

Tựu trung, hai nẻo đường có điểm cắt mang tên Nguyễn Văn Bình đều có vẻ dẫn đến… cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Có thể, đó sẽ là những nước cờ mong muốn của Tổng bí thư Trọng trong một số tháng tới và kết thúc tại Hội nghị trung ương 6 – dự kiến diễn ra vào quý tư năm 2017.

Dồn dập hai chấn động Trịnh Xuân Thanh “đầu thú” và tung lệnh bắt Trầm Bê cùng thời điểm ngày 31/7/2017, hẳn chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng đang chuyển thế sang một giai đoạn mới cùng “nâng lên một tầm cao mới” – theo cách nói ưa thích của ông Nguyễn Tấn Dũng đến tận ngày cuối cùng của cuộc đời 9 năm làm Thủ tướng.

P.C.D.

Tác giả gửi BVN. Bài đã đăng trên VOA.

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.