Lương Bằng
Mới hơn 2 tháng trước, đại biểu Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc hỏi: “Hiện đã công bố 12 dự án thua lỗ lớn, nhưng chưa biết thực chất còn bao nhiêu dự án xảy ra thua lỗ?” mà nay đã bước đầu có câu trả lời rất cụ thể. Có vẻ Quốc hội Việt Nam đang dần xác lập vị trí “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”.
Bauxite Việt Nam
Sau nhiều cuộc họp, ghi nhận ý kiến các bên, Bộ KH-ĐT đã có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án gây nhiều tranh cãi này. Cụ thể, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương cho phép Công ty CP sắt Thạch Khê dừng dự án khai thác sắt Thạch Khê và dừng cả dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm tại đây.Sau khi Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đề xuất “hồi sinh” việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương bày tỏ đồng tình. Thế nhưng, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tỏ rõ sự băn khoăn trước nhiều vấn đề. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm “trọng tài”.
Một trong những lí do là, theo Bộ KH-ĐT, năng lực tài chính của Công ty CP Sắt Thạch Khê không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp dự án theo tiến độ, cho dù tổng mức đầu tư của dự án 3 năm có tới 2 lần điều chỉnh giảm.
Tháng 12-2014, dự án điều chỉnh phê duyệt có tổng mức đầu tư là hơn 14.500 tỉ. Đến tháng 4-2016 giảm còn hơn 13.000 tỉ, trong đó giai đoạn 1 là hơn 6.600 tỉ. Đến tháng 3-2017, theo đề nghị của Bộ KH-ĐT, Công ty Sắt Thạch Khê đã tính toán lại hiệu quả kinh tế dự án và tổng mức đầu tư dự án giảm còn hơn 12.200 tỉ.
Thế nhưng, Bộ KH-ĐT cho rằng sau 2 lần điều chỉnh (giảm 2.300 tỉ), dự án vẫn chưa tính hết chi phí liên quan vào tổng mức đầu tư của dự án.
Ngoài ra, theo Bộ KH-ĐT, dự án điều chỉnh phê duyệt năm 2014 chưa tính đủ chi phí vào tổng mức đầu tư và chưa dự báo giá quặng sắt trong dài hạn nên không đủ cơ sở tính toán hiệu quả dự án.
Trong đó, việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê, Bộ KH-ĐT đánh giá mới có Hòa Phát kí thỏa thuận nguyên tắc mua bán quặng sắt Thạch Khê với khối lượng 2017-2021 là 3 triệu tấn/năm, giai đoạn 2022-2027 chưa có cam kết cụ thể. Cho nên phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn là “chưa chắc chắn”.
Trong khi, Formosa với tổng nhu cầu quặng sắt từ 7-14 triệu tấn/năm vẫn chưa có ý định mua quặng sắt mỏ Thạch Khê.
Hơn nữa, còn một số quan ngại về vấn đề môi trường của dự án như cạn kiệt nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, sạt lở bờ moong tầng khai thác, bãi thải, ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng… Về môi trường, Bộ KH-ĐT cho rằng nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra, khó lường hết.
“Việc triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê hiện nay không được sự đồng thuận của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh do còn nhiều băn khoăn về tính khả thi của dự án, hiệu quả kinh tế – xã hội, đầu tư cảng biển vận chuyển quặng sắt, phương án bảo vệ người dân…” – Bộ KH-ĐT cho biết.
Tóm lại, Bộ KH-ĐT cho rằng với những tồn tại, vướng mắc của dự án nêu trên thì việc Công ty Sắt Thạch Khê tiếp tục triển khai đầu tư dự án là không khả thi, không đáp ứng được các chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ.
Dừng dự án, hơn 1.500 tỉ sẽ đi về đâu?
Tổng chi phí Công ty CP Sắt Thạch Khê đã đầu tư vào dự án (tính đến tháng 11-2016) là gần 1.600 tỉ đồng, trong đó lập dự án, thiết kế kĩ thuật là hơn 400 tỉ, địa chất, trắc địa, môi trường và rà bom mìn và 34 tỉ, bóc đất tầng phủ hơn 434 tỉ, mua một số loại xe, máy xúc, máy cẩu hơn 126 tỉ,…
Nói về hệ lụy do dự án tạm dừng từ năm 2011 đến nay, Bộ KH-ĐT nhìn nhận nếu dự án tiếp tục tạm dừng, khoản đầu tư này sẽ chậm cơ hội hoàn vốn, đồng thời lãng phí cơ sở vật chất, thiết bị đã đầu tư. Các hộ dân đã được di chuyển đến khu tái định cư và các hộ dân chưa được giải quyết tái định cư đều bị ảnh hưởng, nguy cơ trở thành điểm nóng về an ninh trật tự, mất niềm tin người dân nếu như địa phương không sớm công bố rõ về quan điểm và hướng triển khai dự án.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, số hộ bị ảnh hưởng là gần 3.000. Do không được cấp đất mới, không được tách hộ mà 3-4 thế hệ cùng ở trong một nhà.
Đó là chưa kể số tiền đã bỏ ra thuộc Đề án 946 (đề án phát triển bền vững kinh tế xã hội các xã chịu ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê) với tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỉ đồng. Giá trị thực hiện đề án này ước đạt khoảng hơn 354 tỉ đồng.
Vì thế, cùng với đề xuất dừng dự án, Bộ KH-ĐT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Tổ công tác liên ngành do Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Công ty Sắt Thạch Khê để đánh giá tổng thể và đề xuất phương án xử lí tồn tại về tài chính, đất đai, hoàn thổ, công trình đầu tư dở dang của Đề án 946.
Nếu đề xuất của Bộ KH-ĐT được chấp thuận, đây có thể là dự án ngàn tỉ kém hiệu quả thứ 13 của ngành Công Thương khi có hơn 1.500 tỉ rót vào dự án mà đến nay vẫn “đắp chiếu”.
Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) ngày 17-5-2007 đã ra mắt với 9 cổ đông sáng lập, vốn điều lệ 2.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, một số cổ đông đã không góp vốn đúng cam kết, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch hoạt động của công ty. Sau đó, Bộ Công Thương đã tiến hành tái cơ cấu TIC theo hướng Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) giữ cổ phần chi phối, loại bỏ một số cổ đông,.. nhưng đến nay, dự án vẫn bất động.
L.B