Chiếc ghế dành cho người đoạt giải Nobel hòa bình 2010 bị bỏ trống tại Oslo vì Lưu Hiểu Ba đang ngồi tù. Ông ra đi mà chưa bao giờ được nhìn thấy giải thưởng. REUTERS/Toby Melville/File Photo
Trung Quốc kiểm duyệt tất cả những bài viết, hình ảnh về nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên Nobel hòa bình bị tù tội vừa qua đời hôm qua 13/07/2017, và bác bỏ mọi chỉ trích của các nước phương Tây.
Nhà thơ Bối Lĩnh (Bei Ling) nhớ lại mùa xuân năm 1989 ở New York. Sau khi học xong chương trình ở Oslo và Hawai, người bạn Lưu Hiểu Ba của ông đã chấp nhận giảng dạy ở trường đại học Columbia. Nhưng phong trào chiếm đóng quảng trường Thiên An Môn đã nhanh chóng lan rộng, và hai người bạn cả ngày lẫn đêm ngồi trước máy truyền hình. Ông nhớ lại: «Lưu Hiểu Ba muốn về nước tham gia, còn tôi thì tôi sợ. Anh ấy cũng sợ, nhưng nói rằng anh phải đi thôi».
Lưu Hiểu Ba trở thành một trong những lãnh đạo của phong trào, và thương lượng cho hàng trăm sinh viên ra khỏi quảng trường bị bao vây, tránh được một biển máu bi thảm hơn. Người sáng lập Independent Chinese PEN Center, sau khi ông Lưu Hiểu Ba qua đời, đặt câu hỏi: «Ở hội nghị thượng đỉnh G20, có một tổng thống nào, một thủ tướng hoặc một quan chức nào dành ra chỉ một phút để chất vấn Tập Cận Bình về việc trả tự do cho Lưu Hiểu Ba?».
Le Monde cho biết, cái tin giải Nobel hòa bình 2010 qua đời được loan đi vào buổi tối thứ Năm 13/7, từ một bệnh viện ở đông bắc Trung Quốc, khiến giới đấu tranh nhân quyền tại Hoa lục bàng hoàng. Các nhà ly khai coi đây là bằng chứng cho quyết tâm đè bẹp họ của Bắc Kinh, và trọng lượng quá lớn của Trung Quốc khiến các đối tác không muốn gánh lấy nguy cơ bảo vệ các nhà đối lập.
Hôm 26/6, cơ quan quản lý trại giam và các luật sư cũ của ông Lưu Hiểu Ba đã công bố việc ông được đưa vào bệnh viện Thẩm Dương (Shenyang). Ông đang thụ án tại vùng này, với bản án 11 năm tù vì tội «lật đổ» được tuyên năm 2009, vì một năm trước đó đã soạn thảo ra bản Hiến chương 08, đòi dân chủ hóa Trung Quốc. Bệnh nhân đòi hỏi được ra nước ngoài chữa bệnh.
Nhưng Bắc Kinh cho rằng không việc gì phải nhượng bộ. Nước Đức lên tuyến đầu, yêu cầu Trung Quốc để cho nhà ly khai rời khỏi Hoa lục. Phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert hôm thứ Tư 12/7 tuyên bố: «Vấn đề là cần phải biết được vì sao bệnh tình ông Lưu Hiểu Ba trầm trọng như vậy mà lại không được phát hiện và chữa trị sớm hơn». Đa số nước phương Tây khác, trong đó có cả Pháp, tự bằng lòng với việc công bố các thông cáo của Bộ Ngoại giao, đòi hỏi Bắc Kinh tôn trọng ý nguyện cuối cùng của Lưu Hiểu Ba muốn rời khỏi Trung Quốc.
Tuy vậy đối với nhà văn ly khai Liêu Diệc Vũ (Liao Yiwu), sống lưu vong ở Đức từ năm 2011, rõ ràng là một số nước, «đặc biệt là Pháp và Anh», đã không phản ứng đúng mức. Người bạn của Lưu Hiểu Ba thất vọng nói: «Chắc họ cho rằng vấn đề quan trọng nhất là kinh tế».
Đã hẳn là các nhà đối lập luôn được các nhà ngoại giao phương Tây tại Trung Quốc khẳng định sự ủng hộ. Nhưng họ tự hỏi, nếu ở cấp cao nhất, trong các dịp tiếp xúc giữa các nguyên thủ, những nhà lãnh đạo các nước này có can đảm đối đầu với Tập Cận Bình hay không.
Hơn nữa, trong cuộc họp báo tại Paris hôm qua, khi một nhà báo thuộc kênh truyền hình Phượng Hoàng của Hồng Kông đặt câu hỏi, Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngớt ca ngợi ông Tập, «một người bạn», «một nhà lãnh đạo lớn», «một người rất tốt, muốn làm những điều tốt đẹp cho Trung Quốc». Về phía Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì cho rằng Tập Cận Bình là «một trong những nhà lãnh đạo lớn của thế giới, đang chỉ đạo một cuộc cải cách hết sức quan trọng và đầy tham vọng của Trung Quốc, vừa về mặt xã hội vừa về kinh tế».
Cho dù lúc ấy hai nguyên thủ Mỹ, Pháp chưa được thông tin về việc nhà ly khai Lưu Hiểu Ba vừa qua đời vài tiếng đồng hồ trước đó, nhưng tình trạng nguy kịch của ông đều đã biết từ nhiều tuần lễ, cũng như việc giới lãnh đạo cao cấp Bắc Kinh khăng khăng từ chối không cho ông ra ngoại quốc chữa bệnh. Đến tối, Tổng thống Pháp sửa sai bằng một tin Twitter «vinh danh Lưu Hiểu Ba, giải Nobel hòa bình, chiến binh vĩ đại đấu tranh cho tự do», và ủng hộ các thân nhân cũng như bà Lưu Hà (Liu Xia), vợ ông Lưu Hiểu Ba.
Hôm nay 14/7, Trung Quốc thông qua phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho rằng giải thưởng Nobel hòa bình đã bị «xúc phạm». Cảnh Sảng (Geng Shuang) trong một cuộc họp báo nhấn mạnh: «Trao tặng giải thưởng cho một nhân vật như thế là đi ngược lại với mục tiêu của giải». Bắc Kinh cũng phản đối Washington, Paris, Berlin và Liên Hiệp Quốc.
Đối với các nhà đấu tranh Trung Quốc, sự không khoan nhượng của Bắc Kinh trong những ngày trước khi cái chết của ông Lưu Hiểu Ba được loan báo là cực điểm của cuộc chiến khốc liệt chống lại xã hội dân sự, mà Tập Cận Bình tiến hành từ khi lên làm tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2012. Bởi vì Lưu Hiểu Ba là khuôn mặt trung tâm của giới dân chủ.
Luật sư Mạc Thiểu Bình (Mo Shaoping), người đã cố biện hộ cho Lưu Hiểu Ba từ khi ông mới bị bắt vào năm 2008 nhận định: «Lưu Hiểu Ba là ngòi nổ của phong trào đấu tranh cho nhân quyền. Ông đã hy sinh trọn cuộc đời cho tình nhân loại và cho Trung Quốc». Lưu Hiểu Ba là khôi nguyên Nobel hòa bình đầu tiên qua đời trong tình trạng bị tù tội, kể từ khi nhà tranh đấu ôn hòa Carl von Ossietzky chết tại một bệnh viện của Đức quốc xã năm 1938.
Theo Le Monde, càng tạo được tin tưởng trên trường quốc tế, Trung Quốc càng khép chặt trong nội bộ dưới bàn tay sắt của Tập Cận Bình. Ông Hồ Giai (Hu Jia), nhà ly khai bị quản thúc, được Nghị Viện Châu Âu tặng giải thưởng Sakharov năm 2008 vẫn còn choáng váng trước thông tin nhận được hôm qua. Ông nói: «Sự hợp tác của Trung Quốc là cần thiết, cho dù về kinh tế hay về hiệp định khí hậu Paris (…) Tuy nhiên chúng ta đang sống trong một thế giới hai mặt. Toàn thế giới tưởng niệm Lưu Hiểu Ba, nhưng trên internet Trung Quốc, tất cả đều bị xóa sạch».
Luật sư Đằng Bưu (Teng Biao), sang Hồng Kông tị nạn rồi sang Hoa Kỳ sau khi bị biệt giam suốt 70 ngày vào năm 2011, nhận xét: «Vấn đề nhân quyền không còn được nêu ra như một chủ đề chính trong các diễn đàn như hội nghị G20». Ông tin rằng các nhà đấu tranh đã đông đảo hơn trong những năm gần đây, nhưng lại bị nguy hiểm nhiều hơn và cảm thấy rõ là ít được bên ngoài hỗ trợ hơn, «không còn có ý định gây áp lực lên Trung Quốc». Luật sư nói: «Thật đáng thất vọng».
Số phận của bà Lưu Hà, vợ ông Lưu Hiểu Ba hiện là một câu hỏi lớn, ngay cả với những người bạn thân thiết của gia đình. Nhà thơ, nhiếp ảnh gia 56 tuổi đã bị quản thúc tại gia từ khi người chồng bị lãnh án năm 2009. Sự cô lập này khiến bà Lưu Hà bị trầm cảm nặng nề. Đôi khi bà được phép đi thăm ông Lưu Hiểu Ba tại trại giam. Trong nhiều năm dài, chính quyền Trung Quốc thỉnh thoảng cho bà đến ăn cơm với cha mẹ một lần trong tuần, nhưng bà vừa bị mất đi người cha năm ngoái, và đến tháng Tư năm nay thì mẹ bà Lưu Hà cũng qua đời.
Chuyên gia Vương Tùng Liên (Maya Wang) của Human Rigths Watch nhắc lại rằng, bà Lưu Hà «chưa bao giờ phạm phải một tội danh nào, chưa bao giờ can án. Việc tước mất tự do của bà là hoàn toàn bất hợp pháp và cần phải được chấm dứt».
T.M.
Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20170714-bac-kinh-ap-dat-su-im-lang-len-cai-chet-cua-luu-hieu-ba