“Đào núi, lấp biển” từng được coi là minh chứng vô tận cho sức người trong hoạt động cải tạo tự nhiên để làm kinh tế, nay trở thành một câu nói minh họa cho sự phát triển kinh tế thiếu bền vững.
Không chỉ Hạ Long, mà cả những điểm di sản hay vùng sinh thái du lịch khác cũng bị xâm hại nghiêm trọng. Sơn Đoòng (Quảng Bình), Kinh đô (Huế), rừng Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Phú Quốc (Kiên Giang),…
Từ tư nhân đến quân đội “đào núi”
Vào năm 2014, cảnh tượng công trường phá núi khai thác đá ở Vịnh Hạ Long đã được một flycam ghi nhận được. Chính quyền Hạ Long lúc đó phải mất 10 tháng (2015) mới đưa ra được mức phạt…. 17 triệu đồng dành cho vi phạm này.
Quan điểm của ông Giám đốc doanh Minh Anh (nơi gây ra sai phạm) là: di sản không nuôi được con người thì di sản chẳng để làm gì. Kết quả, ông dùng mìn để xẻ núi đá vôi như hình ảnh đã được ghi nhận.
“Đào núi, lấp biển” từng được coi là minh chứng vô tận cho sức người trong hoạt động cải tạo tự nhiên để làm kinh tế, nay trở thành một câu nói minh họa cho sự phát triển kinh tế thiếu bền vững.
VNTB – ‘Đào núi và lấp biến’
Gần đây, cũng liên quan đến vụ “xẻ núi” trong khu vực đệm Vịnh Hạ Long, nhưng xuất phát lại từ Lữ đoàn 170 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân – và dù chính quyền sau đó xác minh rằng, không phải khai thác đá mà là do công trình quốc phòng thuộc quản lý của đơn vị quân đội nêu trên (ranh giới đất quốc phòng và được phép của Bộ Quốc phòng), nhưng sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh lại ra quyết định “phê bình” và yêu cầu chấm dứt hoạt động. Điều đó gián tiếp công nhận rằng, hoạt động trên thuần về phục vụ kinh tế hơn là mang tính quốc phòng của đơn vị, và thực tế – bên cạnh xây dựng công trình quốc phòng là “tận thu tài nguyên đá”.
Quân đội – dù không hưởng cơ chế “chủ đạo của nền kinh tế”, nhưng lại hưởng được đặc ân là “vì mục đích quốc phòng”, dẫn sai phạm hàng loạt liên quan đến sử dụng sai mục đích.
Cách đây 10 năm (2007), báo chí chính thống từng lên tiếng về việc, trung tâm tiệc cưới White Palace (Q. Phú Nhuận – Tp. Hồ Chí Minh) được dựng lên trên đất của quốc phòng, chủ đầu tư là công ty Tây Nam (Quân khu 7), nhưng hoạt động kinh tế lại không phục vụ cho quốc phòng (tức sử dụng sai mục đích). Khiến cho tiền thuế trưng sử dụng đất (thuê đất) bị mất trắng. Dẫn đến sự va chạm về mặt quản lý và cách thức sử dụng đất đúng mục đích của phía dân sự (chính quyền địa phương) và bên quân đội (Bộ Quốc phòng). Và bên Quốc phòng luôn vịn cớ “vì mục đích quốc phòng” để đấu lý với chính quyền dân sự!
Câu chuyện Quảng Ninh nối tiếp câu chuyện Tp. Hồ Chí Minh đã trở thành một thực trạng đáng lo ngại liên quan đến các doanh nghiệp đeo hàm, làm kinh tế trên nguồn tài nguyên quốc gia. Mà một trong những nguồn tài nguyên đó là đất đai – khoáng sản và vùng biển.
Bàn tay con người, đaị diện cho ý chí chủ đầu tư và sự hiệp đồng tác chiến của chính quyền đã khiến cho rừng bị chảy máu, và núi bị xói lở. Nó núp dưới bình phong đầy chất nhân đạo: phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Hệ quả xấu càng nhân hai khi rơi vào tay các doanh nghiệp quân đội dưới mác: phục vụ kinh tế – quốc phòng. Điều này hàm nghĩa, lợi dụng danh nghĩa quân đội làm vỏ bọc để làm trái pháp luật trở thành xu hướng được đẩy mạnh, “nguồn thuế và tài nguyên” trở thành nạn nhân khi gánh vai trò động lực kinh tế của quân đội.
Trách ai bây giờ?
Sự buông lỏng quản lý từ địa phương, sự tha hóa biến chất của quân đội có phải là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng “dời núi, lấp biển” trái pháp luật nêu trên?
Không! Thực chất, gốc rễ của vấn đề chính là đến từ văn kiện Đại hội XI của ĐCS, khi xác định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN, QP-AN với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) và trên từng địa bàn”. Nghĩa là mọi chính sách phát triển ở địa phương đều có cổ phần của quân đội, đặc ân này trở thành một “bảo kiếm” giúp cho quân đội “đào núi và lấp biển” mà không ngại sự quản lý hay thậm chí chế tài ở địa phương.
Đó cũng là cách làm chiều lòng nhà quân đội, đem lại những giá trị kinh tế nhất thời. Và cái gọi là “bền vững” trong môi trường bền vững (hệ sinh thái, đa dạng sinh học), kinh tế bền vững (tăng trưởng, phát triển, hiệu quả), xã hội bền vững (bản sắc văn hóa, khả năng tiếp cận, sự ổn định) chưa bao giờ được định hình trong quan điểm làm kinh tế theo kiểu “cào bằng” của đội ngũ quân đội.
Vừa qua, liên quan đến vụ golf Tân Sơn Nhất, Bộ Quốc phòng chủ trương tổ chức thanh tra toàn bộ đất quốc phòng tại TP.HCM. Nhưng đây chỉ là một động thái hiếm hoi nhất trong 64 tỉnh thành trên cả nước, xuất phát từ tâm điểm nóng của dư luận vừa qua mà thôi. Do đó, nó chỉ giải quyết phần ngọn, còn gốc rễ, là phải từng bước buộc quân đội thoái dần ra khỏi các hoạt động kinh tế, trở về chuyên môn chính là tập luyện và bảo vệ tổ quốc. Bắt đầu từ việc rút quân đội ra khỏi nhiệm vụ kinh tế từ văn kiện ĐH Đảng.
A.V.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2017/06/vntb-ao-nui-va-lap-bien.html