Làm kinh tế: Quân đội “Vì mình quên nhân dân”!

Nguyễn Đình Ấm

Với người dân mảnh đất nghìn đời ông cha để lại nuôi sống bao thế hệ nhưng khi quan chức, đại gia “khát” thì muốn hay không cũng phải giao nộp, ai cưỡng lại sẽ bị cưỡng chế bằng bạo lực: đánh đập, bắt giam, bỏ tù, khủng bố tinh thần, bị xã hội đen rình rập hành hung, truy sát, bị chính quyền tước đoạt quyền công dân… Thế mà nhóm lợi ích quân đội lấy 157,6 ha đất vàng ở sân bay Tân Nhất, 117ha ở sân bay Gia Lâm, rất nhiều ha ở sân bay Bạch Mai (Hà Nội), Nha Trang,… thuộc đất an ninh quốc phòng kinh doanh kiếm lợi, mặc cho Nhà nước thiếu đất phục vụ quốc kế dân sinh.

clip_image002

Ảnh: Quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất trước 1975.

Tuy nhiên, đó không phải là những trường hợp lẻ loi mà là “truyền thống” của nhóm lợi ích quân đội.

Những năm 1980 ngành hàng không VN (HKVN) vẫn là đơn vị quân đội (Từ năm 1990 HKVN mới thành ngành kinh tế dân sự). Lãnh đạo Tổng cục HK dân dụng (TCHKDD) khi đó là ông thiếu tướng không quân Trần Mạnh đề nghị Nhà nước dân sự hóa ngành HKDD để phát triển ngành kinh tế mới mẻ này. Năm 1985-1986, Bộ Quốc phòng yêu cầu Tổng cục HKDD giao sân bay Gia Lâm, các biệt thự thuộc đất dự trữ trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất quản lý (bao gồm nhiều ha), sân bay và đội trực thăng ở Vũng Tàu cho Bộ Quốc phòng nhưng lãnh đạo Tổng cục HKDD không đồng ý. Sau đó nghe nói phái viên của cấp trên nhiều lần xuống Tổng cục HKDD vận động nhưng vẫn không không thành.

Tình cờ, đầu năm 1987, chúng tôi đăng bài “Vật tư rơi vào tay ai” ở báo Hàng không Việt Nam đấu tranh với một số cán bộ TCHKDD được chia đất rộng, lấy quỹ phúc lợi xây nhà hoành tráng trong khi CBNV ăn ở rất cực khổ. Không ngờ việc “phạm thượng” này được Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng ủng hộ nhiệt liệt. Khá nhanh chóng, vụ việc cỏn con này được điều tra ráo riết, rùm beng và cuối cùng Tổng cục trưởng Trần Mạnh bị kỷ luật cách chức, giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất Phan Tương ủng hộ ông Trần Mạnh việc này còn bị đi tù (bằng lý do không rõ ràng)… Thay thế ông Tổng cục trưởng Trần Mạnh là ông Hoàng Ngọc Diêu.

Ngay sau khi có Tổng cục trưởng mới, mọi yêu cầu bàn giao đất đai, tài sản mà Bộ Quốc phòng đã đề nghị trước đó được ký bàn giao chóng vánh. Sau này mọi người mới đặt câu hỏi: Phải chăng mấy anh “tép” báo Hàng không Việt Nam bất ngờ được ủng hộ, “tôn vinh” chỉ vì đã vô tình tạo ra cái cớ để Bộ Quốc phòng đoạt đất đai, tài sản ngành HKDD? Bằng chứng là sau khi lấy xong những “mục tiêu” kia thì các ngôi nhà sai phạm mà Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương tuyên bố tịch thu, xử lý vẫn tại vị đến ngày nay.

Từ những năm 1995 khi Mỹ bãi bỏ cấm vận, ngành vận tải HK luôn phát triển hai con số nhưng đất đai ở các sân bay vẫn phần lớn thuộc Bộ Quốc phòng quản lý lại bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích do hoạt động máy bay quân sự ngày càng “teo tóp”. Tại sân bay Gia Lâm thỉnh thoảng mới có vài ba chuyến bay lên, xuống, dù quá lãng phí hạ tầng, nhưng tác dụng có lẽ chủ yếu chỉ để “giữ đất”?

Đã được phân bổ quá ít đất sau chiến tranh những quyết định trên của Bộ Quốc phòng lại càng cản trở nhu cầu phát triển của ngành HKDDVN. Năm 1987 hoạt động hàng không dân dụng ở Gia Lâm phải chuyển ngay lên Nội Bài giữa “đồng không mông quạnh” làm cho việc đi lại của hành khách, hoạt động HK vô cùng khó khăn, vất vả. Sau khi HKDD rút đi, hầu hết đất dự trữ của sân bay này được quân đội chia cho cán bộ làm nhà ở, doanh nghiệp làm nhà xưởng, sân golf nhà hàng, khách sạn… kinh doanh. Năm 2010, sân bay Nội Bài quá tải nên ngành HKDD lập dự án sửa sang chuyển hoạt động các máy bay nhỏ ATR 72 về Gia Lâm tạo thuận tiện cho hành khách nhưng cũng không “thỏa thuận” được với bên quân sự, mặc dù lúc này, sân bay nằm trong quy hoạch mạng sân bay dân dụng đã được Thủ tướng CP phê duyệt. Đến nay, sân bay Gia Lâm chỉ còn trơ đường băng, đường lăn, sân đỗ chứa được mấy máy bay, mỗi tuần èo uột vài chuyến bay lên xuống, vô cùng lãng phí.

Tại Tân Sơn Nhất, sau năm 1975 vẫn còn hiện trạng quy hoạch sân bay rất hợp lý thông minh: Những khu đất dự trữ đồng thời tạo tĩnh không thoáng cho máy bay hoạt động chính quyền VNCH xây dựng các biệt thự nhà cấp 3 hai tầng tiện nghi, hiện đại với 200-300 m2 sử dụng, mỗi biệt thự cách nhau vài trăm mét có đường nhựa liên thông giữa rừng cây cổ thụ. Những biệt thự này dành cho phi công, CBNV làm việc, nghỉ ngơi và làm nhiệm vụ giữ đất, môi trường trong lành, giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn cho sân bay….

Thế nhưng, sau khi Bộ Quốc phòng thu của sân bay TSN thì tất cả những biệt thự và khuôn viên liền phân phát cho các tướng, tá làm nhà ở, bán chác… Dư luận kháo nhau cán bộ nọ, kia tự dưng kiếm hàng chục tỷ ngon ơ. Phần lớn các khu phố như Hồng Hà, Cửu Long, Bạch Đằng… ở quận Tân Bình hiện nay chính là khu đất sân bay TSN trước đó. Bên những khu đất dự trữ còn lại của sân bay phía quân sự quản lý cũng diễn ra tương tự. Đất dự trữ sân bay ba bề, bốn bên bị quân đội và dân lấn chiếm.

Năm 2007 Tân Sơn Nhất quá tải sân đỗ, nhiều chuyến bay đến phải bay vòng vèo trên không chờ đợi, ngành HKVN đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho quy hoạch sang phía đất quân sự nhàn rỗi 30ha làm 30 chỗ đỗ nhưng phía quân sự “không thỏa thuận”. Cũng từ đó nhóm lợi ích quân đội không biết làm cách nào mà khiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các cơ quan liên quan âm thầm cho phép họ làm các công trình thương mại trong sân bay, mặc cho Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải như hiện nay.

Tại sân bay Vũng Tàu, sau năm 1975 Tổng cục HKDD vẫn tổ chức những chuyến bay thương mại Sài Gòn – Vũng Tàu và năm 1986 thành lập ở đây cơ sở bay trực thăng phục vụ bay dầu khí. HKDDVN đã mua hai máy bay Puma của Pháp chuyên bay biển phục vụ chuyên chở người, trang thiết bị giữa giàn khoan và đất liền… Thế nhưng, vào năm 1988-1989, Bộ Quốc phòng thu mất công ty trực thăng và cả sân bay với diện tích đất dự trữ mênh mông. Từ đó, diện tích đất sân bay Vũng Tàu bị lấy dần và nay nhà cửa đã vây kín, tỉnh Bà Rịa lại đang lên kế hoạch di dời sân bay đi chỗ khác với dự chi hàng tỷ đô la.

Việc quân đội lấy 157,6ha đất ở sân bay TSN, 117ha ở Gia Lâm, sân bay Vũng Tàu, đội trực thăng bay dầu khí của HKDDVN đã cản trở không thương tiếc sự phát triển HKDDVN. Việc quân đội lấy hơn 200 ha đất của dân xã Đồng Tâm nhưng 36 năm không sử dụng, không trả cho dân cũng chứng tỏ sự vô trách nhiệm, vô lương tâm với dân. Tướng tá quân đội, quan chức đã có lương, bổng lộc còn dân chỉ có mảnh đất sinh tồn mà họ nỡ giữ đó để đầu cơ lãng phí nay còn sử dụng luật, lệ… để trấn áp dân.

Quân đội làm kinh tế không chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế đất nước do cạnh tranh không bình đẳng, sòng phẳng, minh bạch, môi trường lý tưởng cho tham nhũng, làm tê liệt sức chiến đấu của quân đội mà còn hết sức thất sách nếu có chiến tranh. Hiện nay nếu chiến tranh xẩy ra thì kẻ thù tha hồ đánh phá cả vào các cơ sở kinh tế nhưng mang danh quân sự trong đó có đội trực thăng bay dầu khí, sân bay Vũng Tàu, Tân Sơn Nhất… Đặc biệt quân đội làm kinh tế, kinh doanh thì tất nhiên không thể giữ được chức năng bảo vệ tổ quốc nữa vì quy luật: lơi nhuận, tiền trên hết!

Nó chứng tỏ quân đội không còn “vì nhân dân quên mình” nữa mà là “vì mình quên nhân dân”.

N.Đ.A.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Quân Đội. Bookmark the permalink.