Luật sư tố giác thân chủ – đừng loay hoay giữa những ngụy biện

Bùi Phú Châu

(Nhân viên ngân hàng)

Hãy bắt đầu từ những mô hình cơ bản

Chắc không cần mô tả nhiều về cuộc tranh luận đang sôi nổi giữa Quốc hội của chúng ta những ngày này. Cuộc tranh luận nhiều khi bị ngôn từ và trạng thái tâm lý của những người tranh luận đẩy đi quá xa bản chất của nó. Tóm gọn lại trong một câu hỏi mà những nhà lập pháp đang muốn trả lời: Nếu anh cho rằng thân chủ của mình có dấu hiệu phạm tội, là Luật sư, anh có tố cáo không?

Câu trả lời là không. Chắc chắn là không.

Hãy bắt đầu từ những nguyên tắc lập quốc cơ bản của chúng ta. Nhà nước được nhân dân dựng nên. Được nhân dân trao cho phối hợp thực hiện các quyền, trong đó có quyền tư pháp – (hiểu đơn giản là công tố – đưa công dân ra xét xử). Cùng với đó, Hiến pháp được Quốc hội – những đại biểu của nhân dân soạn ra để giới hạn quyền lực của bộ máy nhà nước, không để Nhà nước vượt quá quyền hạn, xâm phạm vào những quyền con người cơ bản của công dân. Và như thế – một hệ thống quan hệ Nhà nước – nhân dân ra đời, hoạt động với một mục đích đơn giản nhất: phục vụ nhân dân – những người đã dựng nên Nhà nước.

Tất nhiên, mô hình này tạo ra tính cân bằng cần thiết giữa Nhà nước và toàn thể nhân dân nói chung. Nhưng, với mỗi cá nhân nói riêng, tính cân bằng đó không còn nữa. Trước quyền lực to lớn của Nhà nước, nếu bị Nhà nước thực hiện quyền công tố, mỗi cá nhân không hề có cách gì kháng cự. Và vì thế, chế định Luật sư ra đời.

Về bản chất, Luật sư phải được đặt ở vị trí đối trọng với quyền công tố của Nhà nước. Nếu Luật sư đứng cùng phía với Nhà nước trong quá trình công tố thì trước hết Luật sư không cần phải tồn tại làm gì. Và quan trọng hơn, nguyên tắc lập quốc cơ bản cũng đã bị phá bỏ, tính cân bằng Nhà nước – Nhân dân không còn, bởi thay vì lập nên Nhà nước để phục vụ quyền lợi của mình, nhân dân đã lập nên một cơ chế có thể tước bỏ quyền của mình bất kỳ lúc nào.

Là luật sư – là công dân

Những người ủng hộ việc Luật sư tố cáo thân chủ của mình đã dựa trên một khái niệm rất cao cả: «Nghĩa vụ công dân».

Xin hãy nhớ rằng, «công dân» là để chỉ trạng thái tồn tại của cá nhân trong quan hệ Nhà nước – Nhân dân, như đã nói ở phần trên. Có nghĩa là, «Nghĩa vụ công dân» tức là nghĩa vụ làm đúng vai trò của mình trong quan hệ Nhà nước – Nhân dân. Đối với công dân nói chung, nghĩa vụ đó có thể là nghĩa vụ bầu cử – lập ra Nhà nước của mình, nghĩa vụ giám sát – giám sát Nhà nước của mình hoạt động. Còn với tư cách Luật sư, làm đúng «nghĩa vụ công dân» là phải luôn luôn giữ mình đúng với vai trò Luật sư, luôn luôn ở thế đối trọng với quyền công tố của Nhà nước. Nếu đứng về phía Nhà nước trong quá trình công tố thì chính Luật sư đang vi phạm nghĩa vụ công dân mà nhân dân đã giao cho mình.
Quay lại với thực tế hoạt động Luật sư, «thân chủ của tôi vô tội» luôn luôn là kết luận và tâm niệm của một Luật sư chân chính. Bởi vì chỉ một giây Luật sư buộc tội thân chủ của mình, thì có nghĩa anh đã không còn là Luật sư nữa rồi.

An ninh quốc gia?

An ninh quốc gia bị xâm phạm, trước hết phải hiểu là những giá trị lập quốc cơ bản của chúng ta bị phá bỏ. Hay nói thẳng vào vấn đề: Khi Luật sư tố cáo thân chủ của mình – đó chính là an ninh quốc gia bị xâm phạm. Bởi lúc đó không còn ai bảo vệ Nhân dân trước sức mạnh công tố của Nhà nước nữa và hệ thống tư pháp sẽ chỉ hoạt động với một quy trình duy nhất: công tố – kết tội – hành hình!

«An ninh quốc gia» lại là một khái niệm cao cả nữa mà những người tranh luận nhắc tới. Cảm giác nguy hại mà nó tạo ra là vô cùng lớn. Và như thế, thật dễ dàng để buộc tội Luật sư nếu : «bởi vì Luật sư không tố cáo thân chủ mà an ninh quốc gia bị xâm phạm».

Nhưng hãy nghĩ lại, Nhân dân đã trao cho Nhà nước quyền lực quân đội, quyền lực công an, quyền lực công tố bao gồm cả bắt giữ và nếu chẳng may, «an ninh quốc gia» bị xâm phạm, lại là lỗi của Luật sư? Phải nói thật rằng, thực tế hoạt động không cho Luật sư nhiều thông tin hơn những gì cơ quan điều tra ghi và công tố ghi trong hồ sơ. Những gì Luật sư biết thêm là từ lời khai của thân chủ, và thật ấu trĩ khi chỉ từ những lời khai đó mà bắt Luật sư phải tư duy để kết luận thân chủ đang phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, đang chuẩn bị xâm phạm an ninh quốc gia. Và thật buồn cười làm sao khi Luật sư cứ nghe được bất kỳ điều gì từ thân chủ (ví dụ như một thân chủ ranh ma và thích đùa!) lại lon ton chạy đi báo cho cơ quan công tố!

Và ngụy biện ở đây là những người tranh luận đã đưa ra một khái niệm to tát «an ninh quốc gia» để dễ dàng buộc tội Luật sư và che giấu đi bản chất thật sự «an ninh quốc gia» đang bị xâm phạm là gì? Nghĩa là chúng ta rõ ràng là đang đánh đổi, cố công bảo vệ một khái niệm mơ hồ để xâm phạm chính những điều thực tế đáng ra là quan trọng nhất.

Và cuối cùng, người viết bài này tin rằng, để bảo vệ «an ninh quốc gia», để «an ninh quốc gia» không bao giờ có thể bị xâm phạm, trước hết, Nhà nước bao gồm toàn bộ bộ máy của mình phải làm đúng với những nguyên tắc lập quốc cơ bản: Phục vụ Nhân dân. Để không có kẽ hở nào cho những kẻ có ý đồ xấu lợi dụng, và quan trọng hơn, lúc đó chính Nhân dân với sức mạnh to lớn của mình, đứng lên bảo vệ Nhà nước.

B.P.C.

Nguồn: FB Bùi Phú Châu

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.