Tại sao Trung Quốc ít quan tâm đến gìn giữ môi trường?

Ngọc Việt

clip_image001

Truyền thông quốc tế cho hay, sau khi Diễn đàn Vành đai và Con đường diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 12-14.5.2017 về dự án cơ sở hạ tầng liên lục địa kết thúc thì Đức, Pháp, Anh, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia đã từ chối ký kết vào bản thông cáo chung của hội nghị này.

Chuẩn môi trường khiến Vành đai và Con đường không thành công như Bắc Kinh mong đợi

Các nước châu Âu từ chối đặt bút ký vào thông cáo chung của hội nghị là có nhiều lý do, trong đó có việc không quan tâm đúng mức đến các chuẩn mực về môi trường. Đây là một trong những chuẩn mực mà Liên minh châu Âu (EU) luôn đòi hỏi trong hợp tác với Trung Quốc trong thời gian qua, nhưng Bắc Kinh được cho là không thực sự cởi mở.

Theo tài liệu của Bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ công bố ngày 22.5.2013, Trung Quốc cam kết đến năm 2016 nước này sẽ cải tiến hệ thống kiểm soát ô nhiễm môi trường của họ.

Thực tế thì mọi việc đã không diễn ra như vậy và việc không quan tâm đúng mức đến các chuẩn mực về môi trường vẫn là điều đầu tiên mà dư luận thế giới nhắc tới mỗi khi có vấn đề phát sinh liên quan tới kinh tế Trung Quốc. Điều đó đã được chứng minh rõ ràng nhất khi 6 nước châu Âu từ chối ký thông cáo chung của một hội nghị quốc tế mà Trung Quốc rất kỳ vọng.

clip_image002

Chuẩn môi trường khiến Vành đai và Con đường không thành công như Bắc Kinh mong đợi

Việc Trung Quốc không quan tâm tới chuẩn mực và cải thiện môi trường đã gây nhiều bức xúc cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp tại các quốc gia mà doanh nhân, doanh nghiệp Trung Quốc có hợp tác, đầu tư.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề xã hội, thái độ và xu hướng dư luận xã hội toàn cầu của Mỹ (PEW), tiến hành tại 38 quốc gia trên toàn thế giới về thái độ đối với Trung Quốc, có tới 26/38 nước mà người dân không thích cách làm ăn của Trung Quốc.

Trong số những nguyên nhân khiến người Trung Quốc bị “ghét” tại nhiều quốc gia trên thì phá hoại môi trường là nguyên nhân thứ hai, đứng ngay sau thủ đoạn gian dối của người Trung Quốc.

Điều đó là không tốt cho Chính phủ Trung Quốc, nó gây bất lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc trong hợp tác, đầu tư tại nước ngoài, nó ảnh hưởng xấu tới vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế và vai trò của kinh tế Trung Quốc với kinh tế toàn cầu.

Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao Trung Quốc vẫn ít quan tâm đến các chuẩn mực môi trường?

Trung Quốc đòi hỏi sự công bằng trong việc tàn phá môi trường?

BBC ngày 16.6.2009 từng bình luận: “Trong những năm 1990, Trung Quốc chiếm khoảng 10,5% lượng khí thải CO2 trên thế giới. Bây giờ, theo một số phân tích, Trung Quốc đã trở thành quốc gia gây ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu lớn nhất thế giới”.

clip_image004

Mỹ từng đạt kỷ lục trong gây ô nhiễm môi trường

Trung Quốc cũng trở thành quốc gia có mức độ gia tăng gây ô nhiễm môi trường nhanh nhất thế giới và việc Trung Quốc chưa có kế hoạch cụ thể, thậm chí coi nhẹ những yêu cầu về bảo vệ môi trường đã gây nên những phản ứng dữ dội.

Tiến sĩ William Bleisch, Giám đốc của Trung tâm thăm dò và nghiên cứu về Trung Quốc của Hội không gian Xanh đã đặt vấn đề rằng, phải chăng Bắc Kinh đã sử dụng nguyên tắc bình đẳng cùng tồn tại và phát triển để biện minh cho hành động của mình? Bởi lẽ thời gian phát triển của kinh tế Trung Quốc còn quá ngắn cùng với đó là việc nước này tàn phá môi trường chưa hẳn là nhiều như các cường quốc và cựu cường quốc khác.

Quả thực là khi Kế hoạch Marshall được khởi phát nhằm khôi phục lại châu Âu sau Thế chiến 2 thì Mỹ và các nước đồng minh đã phát triển tất cả các ngành công nghiệp mà không hề giới hạn cũng không hề quan tâm tới ô nhiễm môi trường.

Gần nửa thế kỷ phát triển nhanh chóng, G-7 và các nước OSCE đã là những nhà vô địch trong việc huỷ hoại môi trường sống. Cùng với đó là Liên Xô và những nước thuộc khối COMECON cũng chạy đua phát triển công nghiệp, đồng thời cũng là chạy đua phá hoại môi trường.

Tuy nhiên, ở thời kỳ đó chuẩn mực môi trường, vấn đề ô nhiễm môi trường không được xem là vấn đề đe doạ tới sự sống và sự phát triển trên toàn cầu. Nhưng khi kinh tế Trung Quốc phát triển nóng thì cùng lúc vấn đề nóng lên của Trái đất, rồi vấn đề biến đổi khí hậu hiện diện ngày một rõ nét cùng với đó là thảm hoạ thiên nhiên liên tục xảy ra.

Vì vậy, vấn đề giữ gìn và bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề toàn cầu mà các quốc gia phải có trách nhiệm chung tay giải quyết. Trung Quốc bị xem là quốc gia có trách nhiệm lớn nhất trong bảo vệ môi trường vì sự ảnh hưởng của họ tới môi trường đang ở mức nghiêm trọng nhất.

clip_image006

Ngày nay Trung Quốc đang là kỷ lục gia về ô nhiễm môi trường

Theo BBC: “Lượng khi thải carbon dioxide từ Ấn Độ là 2,5% với 1,16 tỉ dân và từ Trung Quốc là 10,5% với 1,33 tỉ dân. Cả hai nước chiếm khoảng 38% dân số toàn cầu. Trong khi đó, Anh quốc là một đất nước nhỏ bé từng thải ra khoảng 6,5% carbon dioxide và Mỹ với 306 triệu dân từng thải ra 27% carbon dioxide”.

Trung Quốc có phương cách “vượt rào cản ô nhiễm môi trường”

Với những thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã xem xử lý môi trường là tiêu chí hàng đầu cho việc lựa chọn nhà đầu tư, vì vậy Trung Quốc đã có những cách thức vượt qua rào cản này.

Qua nghiên cứu những dự án mà nhà đầu tư Trung Quốc được cấp phép và triển khai tại nhiều nước trên thế giới, có thể nhận diện người Trung Quốc “vượt rào cản ô nhiễm môi trường” theo 3 cách thức.

Thứ nhất, hoán đổi lợi ích kinh tế – xã hội. Biểu hiện rõ nét nhất của phương thức này là nhà đầu tư Trung Quốc đưa ra những lợi ích cho địa phương nơi dự án được thực hiện. Lợi ích hoán đổi thường thấy nhất là giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp vào quỹ phúc lợi cho địa phương, từ đó khiến cơ quan chức năng sẽ dễ dàng chấp nhận những đề xuất của nhà đầu tư cách thức xử lý ô nhiễm môi trường của họ.

clip_image008

Việc xử lý xả thải của doanh nghiệp Trung Quốc đang đặt ra nhiều vấn đề mà giới phân tích nghi ngại đó chỉ là cách vượt rào ô nhiễm môi trường mà thôi

Thứ hai, thực hiện giải pháp xử lý nửa vời. Biểu hiện của phương thức này là chủ đầu tư nêu ngay giải pháp xử lý môi trường khi trình dự án khả thi, nhưng có những góc khuất kỹ thuật mà theo đó mức độ xử lý chất thải sẽ không đạt chuẩn. Sự việc chỉ bị phát hiện khi công trình đã vận hành và hậu quả của ô nhiễm môi trường xảy ra –  mọi việc thành chuyện đã rồi. Cơ quan quản lý rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” và phải chấp nhận cho chủ đầu tư khắc phục bằng biện pháp chữa cháy mà hầu hết là không đạt chuẩn.

Thứ ba, thực hiện giải pháp xử lý hoàn thiện nhưng không hoàn hảo. Biểu hiện của phương thức này là hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường đạt chuẩn ngay từ thiết kế lẫn vận hành và cơ quan quản lý luôn yên tâm về sự an toàn của hệ thống.

Song doanh nghiệp Trung Quốc có thể “treo đầu dê bán thịt chó” trong việc vận hành hệ thống xử lý xả thải, nghĩa là phần cốt lõi của hệ thống kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường đạt chuẩn có thể sẽ được giới doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng cho nhiều công trình, dự án khác nhau, bởi lẽ chi phí đầu tư cho hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường khác nhau chủ yếu nằm ở chuẩn kỹ thuật xử lý – chuẩn A cao hơn chuẩn B, chuẩn C, và vấn đề nằm ở đây.

Theo giới phân tích, phải chăng đó là lý do tại sao nhiều hệ thống xử lý xả thải trong các dự án đầu tư của Trung Quốc không kết nối với hệ thống quan trắc để các cơ quan chức năng có thể kiểm soát được chất lượng hệ thống xử lý xả thải của họ?

N.V.

Nguồn: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/tai-sao-trung-quoc-it-quan-tam-den-gin-giu-moi-truong-64038.html

This entry was posted in Môi Trường, Trung Quốc. Bookmark the permalink.