DIỆU LINH
Luân Lê: THÂN PHẬN CỦA LUẬT PHÁP
Một tiến sỹ luật, đương kim đại biểu quốc hội, kiêm Vụ trưởng một vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhưng lại có nhận thức pháp luật khá là tệ hại, đặc biệt lại chính về lĩnh vực nghiên cứu của mình là luật hình sự. Và họ là sản phẩm của nền giáo dục hiện hành, được trang bị bằng cấp tới tiến sỹ, học vị mà nếu ở các quốc gia phát triển thì khó lòng có thể sở hữu được. Nhưng nếu họ lập pháp với vai trò đại biểu và bảo vệ pháp luật với vai trò kiểm sát bằng trình độ luật pháp như hôm nay ta đã thấy thì quả thực rủi may cho thân phận con người và buộc lòng chúng ta phải lo lắng về tương lai của nền luật pháp nước nhà.
Còn vị đại biểu đang mang hàm đại tá công an mà đương vị Phó giám đốc sở công an tỉnh Đăk Lăk, với vai trò đại biểu quốc hội, và mang trên mình chức trách người thừa hành luật pháp, thế nhưng lại nhất mực muốn bảo vệ lãnh đạo đảng và nhà nước bằng cách thêm thắt những điều luật tối nghĩa và thừa thãi đến mức thiếu hiểu biết. Thế thì luật pháp khi được trao vào tay họ thì chúng sẽ được thi hành thế nào khi sẵn tâm lý với con mắt nhìn nhận pháp luật lệch lạc và cực đoan đến thế?
Họ sẽ dạy ai và bảo vệ lý lẽ nào với trình độ và nhận thức pháp luật như vậy?
Các thầy cô, giảng viên dạy luật ở các trường đại học luật, hãy dạy những sinh viên luật một cách đàng hoàng và tử tế, bằng tri thức đúng đắn, đừng đào tạo ra những con người mà rồi nói ra người ta không khỏi đau xót và thất vọng về sản phẩm của ngôi trường ấy. Hãy dạy những kiến thức văn minh, dám lên tiếng và bảo vệ lẽ phải, chứ chớ bằng mọi cách nhắm mắt mặc lên chiếc áo giáp cho nhóm người này mà chĩa mũi giáo vào phần đông những người còn lại khác mang vị thế nhân dân.
Và riêng giới luật sư, nếu muốn được trở thành một nghề quan trọng, được nhân dân và xã hội tôn vinh, thì hãy phải biết đoàn kết nhau lại và đừng ngần ngại đấu tranh bằng luật pháp, sự hiểu biết và lương tâm của mình trước các bất công của xã hội. Như vậy, nghề luật sư và giới luật sư mới được trọng vọng và có giá trị. Chứ không thì cũng bị khinh khi nếu cứ bỏ mặc luật pháp bị dày vò dưới những bàn tay thô bạo và cái đầu hạn hẹp và cạn trí.
Chúng ta có thể chống lại mọi thứ, kể cả chính quyền, nếu nó sai trái, nhưng không phải bằng tay không, mà là bằng luật pháp được dẫn dắt bằng trí tâm cùng lòng trắc ẩn của mình.
Muốn có tiếng nói và đạt được sự tôn kính, chúng ta phải tự giành lấy vị thế của mình. Và đừng bao giờ bỏ mặc hay thờ ơ với luật pháp. Vì quốc gia có thịnh trị hay không là nhờ phần lớn vào vai trò của những người luật sư thực thụ đóng góp trong đó.
Chúng ta cần nhớ rằng, chúng ta không sợ chính quyền, mà chúng ta chỉ sợ luật pháp, mà hơn hết là thứ luật pháp văn minh, không được thực thi đúng nghĩa. Vì luật pháp không đảm đương được vai trò của mình, thì tức rằng, luật sư chỉ là nô lệ của luật pháp, là công cụ của chính quyền và tồn tại trong sự ghẻ lạnh của người dân.
https://www.facebook.com/luatsuluanle/posts/1927955260781583
Hào Song Trần: LÀM LUẬT MANG LẠI LỢI ÍCH CHO AI?
1. Là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát TP HCM: BAO CHE cho CHỦ MƯU (người tố cáo) đẩy NGƯỜI BỊ HẠI (kế toán trưởng của chủ mưu) vào vòng lao lý (41 tháng TẠM GIAM) vì “chứng cứ nguỵ tạo, giả dối của cơ quan điều tra”…
… bị các luật sư bóc mẻ lật ngược vụ án..
Cuối cùng chủ mưu (Yee Lip Chee, Tổng giám đốc Công ty L&M Việt Nam) trốn khỏi Việt Nam!
– http://giaoduc.net.vn/…/Phuc-tham-vu-an-Nguyen-Thi-Bach-Tuy…
Đó là “THÀNH TÍCH” của Phó Viện trưởng VKS HCMC, Dương Ngọc Hải (*). Vụ án vẫn chưa có HỒI KẾT vì chủ mưu đã trốn khỏi Việt Nam!
Thế mà 2 năm sau ông Hải vẫn chễm chệ ghế ông Nghị và đề xuất “giữ nguyên Điểm b và Điểm d Khoản 1, Điều 377” (sửa đổi Luật Hình sự 2015) để có lợi cho mình trong vấn đề HỒI TỐ & TRUY XÉT TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN theo Luật Tố tụng !
– http://giaoduc.net.vn/…/Giat-minh-thon-thot-voi-phat-bieu-c…
2. Tại sao lại chui được vào Nghị trường?
“Ngày 30/11/2015, ông Dương Ngọc Hải – với vai trò trước kia là Phó Viện trưởng, đã ký ban hành cáo trạng số 495, trong phần trách nhiệm của ông Yee Lip Chee đã cho rằng, ông Yee không biết, không bàn bạc với Nguyễn Thị Bạch Tuyết chiếm đoạt tài sản của L&M Việt Nam”.
http://giaoduc.net.vn/…/Nhung-cau-hoi-can-Vien-kiem-sat-TPH…
________
Câu hỏi đặt ra là…
– Ai đã “hiệp thương” để một ông LÀM BẬY (có khi bị Yee Lip Chee mua chuộc) như Hải vẫn trúng cử vào QH?
– Vụ án còn TREO, sao không Hồi tố trách nhiệm của Hải mà vẫn cho tạo cho nó DIỄN ĐÀN & quyền BẤM NÚT làm luật?….
Rõ ràng trong trường hợp này, câu trả lời quá dễ: tay Hải làm luật có lợi cho ai?
Đảng (bộ HCMC) quá tài hay cử tri bầu cho ông Hải quá ngờ nghệch?
https://www.facebook.com/SaoHong.Tran/posts/10212087887499721
(GDVN) – Trong khi nhân dân cả nước lo lắng về vấn đề bắt giữ tạm giam gây ra nhiều hệ lụy thì với tư cách Đại biểu Quốc hội, ông Hải có một phát biểu gây bức xúc.
Trong buổi thảo luận sửa đổi một số điều Bộ Luật hình sự tại Quốc hội vào ngày 24/5, ông Dương Ngọc Hải nói như sau: “Trước tiên, tôi xin phát biểu về Điều 377.
Tôi đề nghị giữ nguyên Điểm b và Điểm d Khoản 1, Điều 377, vì nếu như bỏ tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỉ luật về một trong các quy định tại điều này mà còn vi phạm thì tôi cho rằng phạm vi hình sự hóa quá rộng và tràn lan, không phản ánh được ý thức chủ quan của những người tiến hành tố tụng.
Nếu quy định như vậy thì những người ra lệnh bắt giữ, giam không có căn cứ hoặc không ra lệnh quyết định tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam quá hạn thì những trường hợp này sẽ bị khởi tố.
Trong khi đó, chúng tôi thấy rằng Bộ luật tố tụng hình sự quy định đối với những trường hợp này, những trường hợp ra lệnh tạm giữ tạm giam mà không có căn cứ thì Viện kiểm sát có quyền hủy các quyết định này.
Nếu như Viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định thì Viện kiểm sát cấp trên có quyền hủy. Quy định như vậy thì vô tình, đối với các trường hợp mà Viện kiểm sát hủy các quyết định giam, giữ không có căn cứ hoặc vì một lý do nào đó mà việc ra lệnh tạm giữ, tạm giam bị chậm trễ dẫn đến quá hạn thì tất cả các trường hợp này bị xử lý hình sự.
Chúng tôi cho rằng quá nặng nề, quá khắt khe và ảnh hưởng đến tâm lý của những người tiến hành tố tụng và ảnh hưởng đến việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là trong lúc chúng ta chuẩn bị thực hiện Bộ luật hình sự mới cũng như là Bộ luật tố tụng hình sự chuẩn bị sẽ có hiệu lực.
Do đó, tôi đề nghị vẫn giữ nguyên tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm”.
Đọc được phát biểu này của ông Dương Ngọc Hải, hẳn là hàng triệu người dân sẽ phải giật mình thon thót, bởi vì vấn đề tạm giam quá thời hạn, làm oan sai người vô tội đã trở thành nỗi bức xúc trong xã hội nhiều năm nay.
Do đó, để xây dựng nhà nước pháp quyền, nơi mà quyền của người dân thực sự được tôn trọng thì phải siết chặt quyền hạn của những người thực thi công vụ, nhất là ở lĩnh vực tư pháp, điều tra, tố tụng. Đặc biệt là khi hành động của họ có liên quan trực tiếp tới danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của con người.
Suy cho cùng, cán bộ ở vị trí này, vị trí khác là để làm việc cho dân.
Đã là vì dân thì phải cân nhắc thận trọng trước mỗi quyết định, thế thì hà cớ gì mà ông Hải phải bao biện, lo sợ người thực thi công vụ sẽ bị kỷ luật, truy tố hình sự vì tạm giam công dân quá thời hạn?
Nhiều người giật mình, lo lắng vì phát biểu của ông Dương Ngọc Hải. ảnh: quochoi.vn
Cũng phải nói thẳng ra rằng, phát biểu này của ông Hải hoàn toàn ngược với những diễn biến thực tế mà rất nhiều người dân đã phải chịu đựng.
Nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trần Văn Độ cho biết: “Thực tế, có khoảng 80% vụ án cứ khởi tố là bắt tạm giam, kể cả khi đó là các cháu học sinh, sinh viên”.
Vì thế nên quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị tạm giam, xem xét trách nhiệm của cán bộ thực thi nhiệm vụ cũng là để chống lạm quyền, chống oan sai, gây ra nhiều đau khổ cho người dân và thiệt hại (đền bù) mà ngân sách nhà nước đang phải nai lưng ra chi trả.
Để khắc phục tình trạng này, bà Nguyễn Thị Thủy – Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao (đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo) cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã loại bỏ các yếu tố định tính và quy định rõ các căn cứ tạm giam.
Theo đó, việc tạm giam chỉ có thể được áp dụng khi thuộc một trong bảy trường hợp sau: Thứ nhất là đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm.
Thứ hai là không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can.
Thứ ba là bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn.
Thứ tư là tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội.
Thứ năm là có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật.
Thứ sáu là tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án.
Thứ bảy là đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng quy định chỉ có thể tạm giam bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm ít nghiêm trọng mà bộ luật hình sự quy định mức phạt tù đến 2 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Để siết chặt các căn cứ tạm giam, tại Điều 377 quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật với mức hình phạt từ sáu tháng tù đến 12 năm tù (hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm).
Đây rõ ràng là một bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét lại một cách thấu đáo trước khi ra quyết định bắt tạm giam với bất kỳ trường hợp nào.
Yee Lip Chee (đứng giữa) đã bị Hội đồng xét xử đọc quyết định khởi tố vụ án ngay tại Tòa, điều đó cho thấy trách nhiệm rất lớn của ông Dương Ngọc Hải và bà Hà Thị Bích Thu. ảnh: GDVN.
Người phụ nữ bị tạm giam hơn 41 tháng là thành tích của ông Dương Ngọc Hải
Trở lại với phát biểu của ông Dương Ngọc Hải, cần phải chỉ ra rằng khi còn giữ cương vị Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thì ông này đã ký lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Kế toán trưởng Công ty L&M Việt Nam) vì những chứng cứ ngụy tạo, chứng cứ giả dối của Cơ quan điều tra.
Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì những gì Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh buộc tội với bà Tuyết là không có đủ căn cứ (những người chịu trách nhiệm trực tiếp là ông Dương Ngọc Hải và bà Hà Thị Bích Thu – kiểm sát viên).
Thậm chí ngay cả việc xin được tại ngoại trong thời gian điều tra của bà Tuyết cũng không được xem xét, và cho tới nay người phụ nữ này đã bị tạm giam hơn 41 tháng với những cáo buộc không có thật, với những chứng cứ giả dối, ngụy tạo của chính ông Dương Ngọc Hải, và cũng chưa biết tới khi nào vụ án mới kết thúc.
Trong các bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đều đưa ra những lời lẽ, lập luận (thiếu căn cứ, giả dối) để buộc tội bằng được bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết lừa đảo, chiếm đoạt 12,7 tỷ đồng và Yee Lip Chee (Tổng giám đốc Công ty L&M Việt Nam) là người không liên quan; là bị hại trong vụ án.
Trên thực tế ngay từ khi vụ án xảy ra, các luật sư đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của bà Tuyết đã nhiều lần đưa ra các bằng chứng yêu cầu khởi tố kẻ chủ mưu là Yee Lip Chee, nhưng ông Dương Ngọc Hải không xem xét nghiêm túc những yêu cầu này.
Ngay cả Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khi đó là ông Nguyễn Hòa Bình thấy nhiều căn cứ để buộc tội bà Tuyết chưa được làm rõ cũng đã yêu cầu ông Dương Ngọc Hải, bà Hà Thị Bích Thu làm rõ vụ án.
Ông Nguyễn Hòa Bình ra văn bản yêu cầu nếu cấp thành phố không thống nhất được phải đưa vụ án lên các cơ quan tố tụng trung ương xem xét nhưng cũng bị chính ông Dương Ngọc Hải phớt lờ.
Tại phiên tòa diễn ra vào tháng 3/2016, với những căn cứ không thể chối cãi, Kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu phải thừa nhận sai lầm và đề nghị Hội đồng xét xử khởi tố vụ án để làm rõ vai trò, trách nhiệm của Yee Lip Chee.
Cuối phiên tòa, Hội đồng xét xử đã ra quyết định khởi tố vụ án để làm rõ vai trò, đối tượng chủ mưu của Yee Lip Chee trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty L&M Việt Nam.
Việc Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố vụ án để làm rõ vai trò, trách nhiệm chủ mưu của Yee Lip Chee trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã đủ cơ sở khẳng định ông Dương Ngọc Hải và bà Hà Thị Bích Thu, Kiểm sát viên – những người trước đó khăng khăng tên này là bị hại, là nạn nhân của bà Tuyết có dấu hiệu cố tình bỏ lọt tội phạm, vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Hình sự.
Ông Dương Ngọc Hải, khi ấy giữ chức vụ Phó Viện trưởng không làm tròn trách nhiệm của mình là “quyền kiểm sát, bảo vệ pháp luật” khi hoàn toàn đồng ý với lập luận thiếu căn cứ, trái pháp luật trên của Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Cũng chính vì kết luận như vậy của cáo trạng mà Wong Kong Hee (Chủ tịch Công ty L&M Việt Nam) – người đã trực tiếp ký vào các ủy nhiệm chi và phải chịu trách nhiệm về việc thất thoát số tiền 1,5 tỷ đồng của Công ty L&M Việt Nam đã rời khỏi Việt Nam, ông này không có mặt tại phiên tòa định rõ hành vi phạm tội của mình và kẻ chủ mưu Yee Lip Chee mặc dù tòa đã có văn bản triệu tập.
Ngày 19/1/2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử cấp phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết và tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao cũng nhận định “chưa có căn cứ bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đồng thời, Hội đồng xét xử cũng khẳng định phải khởi tố Yee Lip Chee, đối tượng đứng đơn tố cáo bà Tuyết nhưng đối tượng này đã biến mất ra nước ngoài, đến nay cơ quan điều tra không tài nào tìm nổi.
Với quá nhiều dấu hiệu bất thường như vậy, tới nay ông Dương Ngọc Hải và bà Hà Thị Bích Thu vẫn bình yên vô sự, 2 vị này vẫn thăng chức tăng lương trong khi bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã bị tạm giam hơn 41 tháng – tức là hơn 1.230 ngày – có thể nói đó là con số kỷ lục về tạm giam tại Việt Nam.
D.L.