THÂM HỤT NGÂN SÁCH – MẤT/CÒN CỦA CHẾ ĐỘ

Tô Văn Trường

Nếu “mổ xẻ” kỹ các bất cập của xã hội ta hiện nay sẽ đụng chạm đến trách nhiệm của khá nhiều người, đặc biệt là những người có chức, có quyền… nhưng sự thật dù có đau lòng đến đâu vẫn mang giá trị phát triển.

Thâm hụt ngân sách nhà nước là vấn đề đau đầu, thậm chí đến mất/ còn của mỗi quốc gia vì tác động đến đời sống của người dân và mất cân bằng vĩ mô nền kinh tế. Chỉ tính riêng tài khóa 2015, nước ta đã bội chi 11,5 tỷ đô la, chiếm đến 6,28% GDP, báo động sự sụp đổ tài khóa quốc gia.

Lỗi tại ai?

Theo tôi tìm hiểu cơ cấu lại thu chi ngân sách là vấn đề lớn, Bộ Chính trị có Nghị quyết nhưng cũng chưa đi vào cốt lõi, vì:

Hiện trạng là không thích công khai minh bạch. Trong Luật ngân sách và công bố ngân sách nhà nước là nói về “cân đối” ngân sách thường khá lạc quan và vô tư nhưng xem kỹ thì quá lo ngại vì đâu còn tiền để đầu tư. Theo báo cáo tài chính 30% ngân sách để đầu tư phải nhờ vào vay mượn, thường dùng trái phiếu Chính phủ rất tù mù. Nếu cần “chi thêm” gì đó ở các ngành, địa phương lại viện đến Chính phủ vay mượn. Tại sao lại vậy? Đây là khuyết điểm của Luật ngân sách “như cái đèn cù” từ thời ông Nguyễn Sinh Hùng “nói rất dẻo”, khó ai biết được cái gì thực chất ở bên trong các con số thống kê về ngân sách biết “nhảy múa” của Nhà nước.

Theo kết quả phân tích của chuyên gia Vũ Quang Việt “Tăng GDP năm nay chỉ đủ để trả nợ Chính phủ”. Cụ thể, năm nay phải trả nợ 342 ngàn tỷ. GDP năm 2016 là 4500 ngàn tỷ đồng hay 4,5 triệu tỷ. Giả thiết kinh tế năm 2017 tăng 6% và lạm phát tăng 4% thì GDP sẽ là 4961 ngàn tỷ. Như thế GDP tăng 461 tỷ, như vậy 78% tăng GDP là để trả nợ. Đó là chưa kể nợ tư và nợ của doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh.

Thực tế cho thấy là nhà nước không kiểm soát được chi ngân sách. Quốc hội thông qua dự toán, nhưng quyết toán (thực chi) cho thấy cao hơn từ 30-50%. Mấy năm trước, tôi đã viết các bài “Vinashin đừng có đánh bùn sang ao”, “Nợ công nợ xấu đại vấn đề”, “Nguy cơ vỡ trận tài chính”, vv. cho đến nay vẫn còn mang nguyên tính thời sự.

Ngân sách và nhiệt kế của nền kinh tế

Theo tôi nghĩ, mất cân đối ngân sách hiện nay chỉ là một trong nhiều biểu hiện ra bên ngoài của một cơ thể kinh tế không lành mạnh, một cơ thể kinh tế bị bệnh. Có thể xem ngân sách như cái nhiệt kế đo nhiệt độ của cơ thể kinh tế. Qua các thông tin có được từ cái nhiệt kế này, có thể khẳng định nền kinh tế của chúng ta đang bị sốt, thậm chí đang bị sốt cao – biểu hiện của căn bệnh trầm trọng cần phương pháp xét nghiệm tin cậy để tìm phác đồ điều trị nghiêm túc.

Quan sát trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy tuyệt đại đa số “thầy thuốc” đang làm đó là đưa ra các đơn thuốc để làm hạ nhiệt. Phải hạ được nhiệt là việc bắt buộc phải làm, mặc dầu ai cũng biết các bài thuốc đưa ra để hạ nhiệt luôn để lại hệ lụy. Nhưng đấy mới là khâu đầu tiên. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì chắc chắn chưa chữa được bệnh.

Công việc phải làm song song là phải chẩn đoán đúng bệnh để đưa ra phác đồ điều trị tiếp theo. Nếu không làm như vậy, chắc chắn các cơn sốt khác lại xuất hiện, thậm chí còn nặng nề hơn. Vì nhiều lý do khác nhau, cho đến nay chúng ta chưa đưa ra công khai việc đánh giá đúng thực trạng bệnh tình của nền kinh tế. Lại càng chưa nói ra được một cách rõ ràng nguyên nhân thực sự gây ra căn bệnh ấy. Đó là điều rất cần được quan tâm.

Bài học

Nhìn lại năm 1980, nước ta phải nhập lương thực đến 1,6 triệu tấn. Kết quả phần lớn các mục tiêu kinh tế của kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đề ra đều không đạt được. Mức tăng trưởng kinh tế tụt xuống chỉ còn 2,9% vào năm 1980 so với chỉ tiêu là 13%. Xuất khẩu chỉ bằng 20-25% nhập khẩu. Năm 1984, khoảng 75% dân số sống dưới mức nghèo đói. Lạm phát lên đến mức đỉnh điểm năm 1986 là 774,7%.

Từ chân tường của khủng hoảng kinh tế-xã hội, bội chi ngân sách, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986 đã nhấn mạnh động lực chủ yếu để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội trong kế hoạch 5 năm (1986-1990) là đổi mới tư duy, chiến lược về phát triển kinh tế, chính thức công nhận sự tồn tại và vai trò của cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam, xoá bỏ chỉ tiêu kế hoạch, không đốt cháy giai đoạn, vận hành theo quy luật khách quan.

Nhận thức mới về quản lý kinh tế là cơ sở để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển sang trang sử mới. Lúc bấy giờ, để hạ được cơn sốt lạm phát đang quá cao (774,7%) một trong rất nhiều bài thuốc để hạ nhiệt là áp dụng mức lãi suất huy động tiết kiệm là 12%/tháng, sau 3 tháng hạ xuống còn 9%/tháng… và ai cũng biết, cái giá phải trả cho liệu pháp này là rất lớn, nhưng chúng ta hạ được sốt, coi đó như tiền đề cần thiết để có điều kiện áp dụng vô số giải pháp cơ bản để chữa con bệnh. Kết quả thu được như mọi người đã biết, là thoát được sự sụp đổ kinh tế kèm theo chính trị, nhưng tôi đánh giá vẫn còn nửa vời.

Nguyên nhân

Những khuyết tật của nền kinh tế ‘Công hữu hoá – Nhà nước hoá – Kế hoạch hoá tập trung bao cấp” đã vượt quá tầm quản lý và là “bà đỡ” cho nạn hối lộ, tham nhũng, lãng phí tràn lan. Do không chữa được tận gốc của căn bệnh, đất nước ta ngày nay đang từng bước rơi vào vòng xoáy của các cuộc khủng hoảng là do hai nguyên nhân cơ bản:

– Sai lầm về cơ sở lý luận và đường lối phát triển đất nước.

– Sai lầm trong tổ chức quản trị quốc gia.

Đây là những vấn đề rất hệ trọng, tôi sẽ trình bày cụ thể khi có điều kiện. Ở đây, chỉ xin nói vài ý về nguyên nhân thứ hai.

Đọc các báo chính thống hay xem tivi hàng ngày, ai cũng có thể nhận biết được rằng, việc tổ chức quản trị quốc gia hiện nay ở VN cũng giống như ở Liên Xô trước ngày tan rã, là đang có hai chính quyền song song tồn tại trong một nhà nước thống nhất. Chính quyền thứ nhất, tạm gọi là “chính quyền Đảng”. Chính quyền này có mặt khắp mọi nơi, cả bề dọc, lẫn bề ngang. Ai cũng biết “chính quyền Đảng” có quyền hành vô cùng lớn, có người nói là “siêu quyền lực”, nhưng chính quyền đó không do dân trực tiếp bầu. Và vì vậy, dân không thể và không được phép kiểm soát quyền lực của chính quyền thứ nhất này.

Còn chính quyền thứ hai, ai cũng biết là “chính quyền Nhà nước”. Chính quyền này do dân trực tiếp bầu (mặc dầu vẫn còn tình trạng “Đảng cử, Dân bầu”), dân trực tiếp kiểm soát quyền lực của hệ thống chính quyền này (mặc dầu vẫn còn mang tính hình thức). Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là quyền lực thực sự của của hệ thống chính quyền thứ hai này là rất hạn chế.

Ở Liên Xô, trước đây dân hay gọi hệ thống chính quyền này là chính quyền “ăn theo, nói leo”. Lấy một thí dụ nhỏ, câu nói cửa miệng của người dân Liên Xô lúc bấy giờ rằng: “Tòa án chỉ xét xử theo luật. Và theo chỉ thị của bí thư”. Đang nói về ngân sách, xin nêu thí dụ ở nước ta: Trước khi Quốc hội thông qua ngân sách năm của cả nước, cũng như Hội đồng nhân dân thông qua ngân sách của từng địa phương, bản ngân sách đó phải được cấp ủy Đảng thông qua.

Giải pháp

Theo tôi, muốn chữa được cơn “bạo bệnh” của nền kinh tế của nước ta hiện nay, phải bắt đầu từ việc sửa các nguyên nhân cơ bản nêu trên.

Có cái may cho Việt Nam là cho đến hiện nay, hơn 1/2 nợ nhà nước là nợ trong nước, phần nợ nước ngoài là nợ ưu đãi mượn của Chính phủ hay tổ chức quốc tế. Nợ tư, nhất là nợ của doanh nghiệp nhà nước mà là nợ nước ngoài thì sẽ có vấn đề lớn. Vì trả nước ngoài thì coi như mất đi, rỗng túi.

Trả nợ trong nước thì giống như lấy từ túi anh A bỏ vào túi anh B. Trường hợp anh B không chuyển tiền nhận ra nước ngoài thì không có vấn đề, nếu anh B đem tiền đó bỏ vào ngân hàng hay đem đầu tư. Hiện nay, tiền chui phi pháp ra nước ngoài theo ước tính của chuyên gia Vũ Quang Việt là khoảng từ 6-8 tỉ một năm.

Có ý kiến cho rằng cách nêu vấn đề “cần thay đổi toàn bộ hệ thống chính trị” để thực hiện luật ngân sách có thể đúng nhưng không hiệu quả nên trước mắt thiên về cách đặt vấn đề ngược lại, cứ thực hiện đúng luật ngân sách đi, dù chưa hoàn thiện, nó sẽ tác động đến sự thay đổi hệ thống chính trị.

Chỉ cần công khai, minh bạch trong thu chi ngân sách, có sự giám sát đầy đủ của Quốc hội và các cơ chế phản biện chính thức và không chính thức, cũng đã thúc đẩy rất nhiều sự thay đổi thể chế. Cộng với công khai việc vay nợ nước ngoài để chi tiêu hành chính thành hai vấn đề thường bị dư luận bỏ qua, nhưng lại là “nỗi sợ tiềm ẩn” (có thể nói là rất run sợ) của nhiều thế lực, trước hết của ban lãnh đạo Đảng.

Hiện tại các chỉ số thống kê được đưa ra, có thể để tham khảo, nhưng không thể là căn cứ để phân tích. Nó khá méo mó, không chỉ vì thống kê thiếu chính xác, mà còn vì không được công bố đồng bộ các chỉ số khác và nội dung từng chỉ số cũng không rõ, không cho phép áp dụng các phương pháp “xét nghiệm” tin cậy để làm cơ sở đề xuất giải pháp cơ bản và hiệu quả.

Ví dụ, chúng ta không thể biết là chi tiêu của Văn phòng TW gồm những nội dung gì, có bao hàm cả việc cấp phát tài chính cho cấp ủy các địa phương không, và các cấp ủy địa phương đã “đẽo” thêm vào ngân sách địa phương như thế nào. Hoặc nhỏ hơn, các cuộc họp của TW thì tiền vé máy bay và công tác phí của các vị không thuộc bộ máy chuyên trách đảng thì ngân sách nào chi trả?

Nếu minh bạch và công khai tất cả chi tiêu của Đảng thì Đảng sẽ chỉ thị cho một loạt công ty sân sau của mình phải đứng ra cáng đáng các khoản chi đó. Cũng là một bước để tách bạch Tiền – Tình theo hướng sòng phẳng hơn, chứ như bây giờ thì toàn dân è cổ để nuôi 2 Nhà nước trong 1 quốc gia.

Ngẫm suy, công khai minh bạch là điều kiện cần, nhưng không đủ. Có thể cải tiến, song phải sửa thể chế, tổ chức cán bộ và sự giám sát của cơ quan độc lập, người dân và cộng đồng.

Cách chữa bệnh phải đi vào bản chất, thay đổi toàn bộ hệ thống chính trị (tiêu xài quá mức, đâu chỉ 400 nghìn công chức; Văn phòng trung ương tiêu hơn Văn phòng Chính phủ + Văn phòng Chủ tịch nước)… không được kiểm soát và công khai. Rồi Doanh nghiệp nhà nước, rồi… còn giấu gì nữa? Không chỉ là chính sách chi tiêu thường xuyên và đầu tư công, mà phải sửa toàn bộ thể chế cho công khai minh bạch, theo hướng thị trường đầy đủ (hội nhập và hiện đại).

Lời kết

Sự thiếu hụt ngân sách cho đầu tư phát triển là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe đáng báo động nghiêm trọng của nền kinh tế Việt Nam, nhưng mới chỉ được lãnh đạo Đảng và Nhà nước áp dụng những phương pháp giảm nhiệt đơn giản là điều rất đáng lo ngại.

Để thoát được ngõ cụt, và tìm được lối thoát chỉ có bài thuốc: “Kinh tế thị trường, xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền” phải sửa tận gốc thì mới đưa được đất nước ta ra khỏi tình trạng bế tắc, khủng hoảng, sống thấp thỏm do núi nợ như “chúa chổm” hiện nay.

Vấn đề không phải chỉ là nhận thức, mà những người có trách nhiệm cả bên Đảng, Chính phủ và Quốc hội có dám làm không, hay là chỉ loay hoay giống như câu chuyện ngụ ngôn về con ếch ngồi trong nồi nước bị đun từ từ… đến lúc nóng quá, muốn nhảy ra cũng không còn kịp nữa.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.