“Câu hỏi lớn”: Xúy Vân giả dại và con quỷ tìm câu đố khó

Lê Trọng Hiệp

Khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu “câu hỏi lớn” trước Hội nghị trung ương, phải chăng ông ta giả dại, y như là nhân vật Xúy Vân trên sân khấu chèo? [1]

“Câu hỏi lớn” này liên quan đến những yếu kém của “Doanh nghiệp nhà nước” (DNNN).

Ông Trọng ưu tư vì sao những “hạn chế, yếu kém” của DNNN đã được chỉ ra từ lâu, thông qua nhiều đại hội với nhiều quyết sách của Đảng và Nhà nước (Đ-NN) mà tình trạng vẫn không khả quan?

Nếu ngạn ngữ có câu “Thất bại là mẹ thành công” thì các DNNN này đã thất bại từ đời cao, tằng, cố, tổ. Chỉ có thất bại, thất bại và thất bại. Nói nhái theo một khẩu hiệu quen thuộc thì DNNN đã “đi từ thất bại này đến thất bại khác và cuối cùng là thất bại hoàn toàn”.

Lời này không có gì quá đáng, không hề phóng đại với ý đồ bôi nhọ. Vinashin, Vinlines và hàng loạt dự án nghìn tỷ đang đắp chiếu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVC) là gì nếu không phải là những trường hợp “thất bại hoàn toàn”?

Trên thực tế DNNN nào cũng được cơ cấu với bộ máy Đảng ủy và Ban Giám đốc, nghĩa là một mô hình Đ-NN thu nhỏ. Nếu các DNNN thất bại trên lĩnh vực kinh tế thì Đ–NN đâu hề thành công trên khía cạnh quản trị đất nước?

Như vậy “câu hỏi lớn” của ông Trọng vẫn chưa đủ lớn. Lẽ ra ông ta nên dành sự ưu tư của mình về sự bất lực của Đ-NN nói chung, nền tảng đã đẻ ra thất bại của DNNN.

Xây nhà trên nền cát, nhà lung lay thì biện pháp phải làm là xem lại cái móng chứ không phải gia cố cột kèo.

Rau nào sâu đó. Chính vì Đảng – Nhà nước yếu kém, những sản phẩm rứt ruột của nó cũng phải yếu kém theo, không chỉ là DNNN mà hầu như toàn bộ, từ giáo dục đến y tế hay các cơ quan hành chính.

Chừng nào Đảng và Nhà nước quản trị đất nước đàng hoàng, ngon lành; các DNNN cũng đàng hoàng và ngon lành theo!

Câu trả lời “nhẹ nhàng”, “đơn giản” thế mà sao họ không thể tìm ra?

Có hai giả thuyết ở đây.

Thứ nhất, cũng như Xúy Vân giả dại: sau một thời gian dài giả điên, nhân vật này đã… điên thật, tiến tới trạng thái tưởng mình là điên thật.

Thứ hai, nếu không điên thật thì phải tiếp tục giả điên. Sinh thời nhà thơ Chế Lan Viên đã viết bài thơ “Bánh vẽ”:

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ

Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn

Cầm lên nhấm nháp.

Chả là nếu anh từ chối

Chúng sẽ bảo anh phá rối

Ðêm vui

Bảo anh không còn có khả năng nhai

Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…

Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?

Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn

Như không có gì xảy ra hết

Và những người khác thấy anh ngồi,

Họ cũng ngồi thôi

Nhai ngồm ngoàm…

Ở đây là cái bánh vẽ “tính ưu việt của chế độ XHCN”.

Đ-NN đang cầm quyền, đang nắm công an, truyền thông và tòa án trong tay. Nói theo lời của Mao Trạch Đông là “quyền lực từ trong họng súng bay ra” thì Đ-NN đang có súng. Chính “họng súng” trong tay của họ bắt kẻ khác phải tiếp tục gia vờ ăn bánh vẽ.

Họng súng trong vành đai trắng

Để thay đổi không khí xin kể lại một tình tiết bi hài trong cuốn phim No Man’s Land (Vành Đai Trắng). Đó là cuốn phim về cuộc chiến Bosnia – Herzegovina vào thập niên 1990, được trao giải Oscar thể loại “Phim nước ngoài hay nhất” năm 2001!

Tình tiết liên quan xoay quanh hai binh sĩ thuộc hai phía bị thương gặp nhau trong đoạn giao thông hào lọt thỏm giữa hai chiến tuyến: một anh lính Bosnia và một anh lính Serb, giữa họ chỉ có duy nhất một khẩu súng AK.

Đó là vùng đất chết, một vành đai trắng, nơi mà cả Lực lượng Liên Hiệp Quốc không dám bén mảng đến. Trong tình thế tuyệt vọng hai người lính hai phía vẫn kịch liệt đấu khẩu về việc bên nào là thủ phạm gây ra cuộc chiến máu lửa này, Bosnia hay Serbia?

Khi người lính Serbia cầm khẩu súng trên tay thì anh ta là người ấn định lẽ phải, người lính Bosnia phải cúi đầu chấp nhận rằng phía mình mới là tội đồ chiến tranh:

“Tao có súng trong tay, mày không nhận bọn mày sai là tao bắn!”.

Tuy nhiên khi anh ta mệt, ngủ gà ngủ gật, để người lính Bosnia chộp được khẩu súng thì “chân lý” lại sang trang mới:

“Bây giờ mày có nhận tội hay không thì bảo, tao bắn ngay bây giờ?”

Thế là anh lính Serb phải líu ríu: “Dạ anh đúng, anh đúng, lỗi là ở người Serb bọn tôi” [2].

Sau nhiều diễn biến khác nhau, người lính Bosnia bắn chết người lính Serb để rồi lại bị một người lính của Lực lượng LHQ hạ sát.

Tình thế còn ảm đạm với một thương binh Bosnia khác, nằm chồng lên quả mìn của quân Serb: sức nặng của anh ta đã đè lên kíp nổ, nếu nhúc nhích quả mìn sẽ phát nổ và quả thực, chẳng ai cứu nổi anh ta.

Phim có nhiều tình tiết hồi hộp khác liên quan đến một phóng viên người Anh và một trung sĩ người Pháp thuộc Lực lượng Liên Hiệp Quốc, tuy nhiên mấy chi tiết này không quan trọng. Vì mấu chốt vấn đề đã thể hiện hết trong mấy chi tiết nêu trên.

Thứ nhất là yếu tố “No man’s land”. Chế độ chính trị hiện tại với quan điểm khác thường về nhân quyền, về thế nào là quyền ngôn luận, thế nào là ý niệm “dân sinh”, v.v… hầu như đã biến đất nước thành một “vành đai trắng” của thế giới trên các lĩnh vực liên quan!

Thứ hai, là quyền lực ấn định lời đáp của kẻ cầm quyền. Có súng, có tòa án, báo chí và công an trong tay, hệ thống chính trị đã từng huỵch toẹt tuyên bố: “Tao đang cầm quyền, mày có nghe không thì bảo!”

Thứ ba là thân phận của người thương binh nằm đè trên quả mìn, chỉ một cái lay mình quả mìn sẽ phát nổ. Đất nước có khác nào một thân thể đầy thương tích với tình trạng môi trưởng bị hủy hoại, đạo đức bị băng hoại, giáo dục không lối thoát, kinh tế lâm vào ngõ cụt, nợ quốc gia đầm đìa, v.v… Trong khi đó thì chế độ chính trị lại cố níu kéo với cái gọi là “ổn định chính trị”, theo đó bất cứ sự thay đổi chính trị nào cũng mang lại sự bất ổn và đất nước sẽ rơi vào khủng hoảng. Khi đe dọa như vậy, hệ thống chính trị đã tự xem mình là một “quả mìn” mà đất nước đã “đè” lên: hãy để yên như vậy, nhúc nhích ly khai với thể chế thì mọi sự sẽ bị nổ tung lên!

Trở lại với “câu hỏi lớn” thì dễ thấy hơn, lời đáp nằm ở đâu?

Rõ ràng, các DNNN bị thất bại vì “sở hữu toàn dân” bị “tập trung” vào bàn tay của một thiểu số tham lam và bất tài. Vậy mà chẳng có một cơ chế nào để kiểm soát tình trạng phi lý khủng khiếp này cả. Trong khi đó, chế độ chính trị thì băng hoại vì cái gọi là “dân chủ tập trung”: quyền làm chủ của dân bị dồn hết vào tay “thiểu số” nọ, mặc cho “thiểu số” hành động mà chẳng có sự kiểm soát nào cả.

“Dân chủ tập trung”

Đây là một trong những nguyên tắc căn bản, được bày trong điều lệ của các đảng cộng sản.

Theo một số học giả thì chính nguyên tắc này đã khiến chủ nghĩa xã hội biến thành chủ nghĩa toàn trị. Còn theo triết gia Áo Karl Popper thì đây là nguyên nhân làm cho xã hội do các đảng cộng sản nắm quyền trở thành một “xã hội đóng” đối lập với xã hội mở, nghĩa là xã hội không cho phép người dân bày tỏ sự bất đồng chính kiến.

Theo điều lệ này thì tổ chức được xây dựng từ dưới lên trên, quyền “dân chủ” được tập trung từ dưới lên theo từng nấc.

Giải thích một cách cụ thể thì quyền lực cao nhất là đại hội đảng và đảng viên bầu chọn đại biểu dự họp đại hội cao hơn. Chi bộ cử đại biểu dự đại hội đảng cấp phường-xã; đại hội cấp xã-phường bầu chọn đại biểu dự đại hội cấp quận-huyện; đại hội quận-huyện bầu chọn đại biểu dự đại hội cấp tỉnh; sau đó đại hội tỉnh bầu chọn đại biểu dự họp đại hội toàn đảng. Trên lý thuyết thì đại hội này sẽ quyết định ai là thành viên của Trung ương đảng, sau đó Trung ương đảng sẽ bầu ra Bộ chính trị: giữa hai đại hội thì “dân chủ” được tập trung vào đây!

Để cho công chúng dễ hiểu, Hồ Chí Minh giải thích ngắn gọn trong bài viết in trong Hồ Chí Minh toàn tập – Tập 5: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung”. Theo ông Nguyễn Văn Trấn – trong Viết cho mẹ và Quốc hội – thì trong một buổi huấn luyện tại Việt Bắc, Hồ Chí Minh còn nói nôm na, dễ hiểu, đại ý như thế này: “Dân chủ tập trung là tập trung dân chủ lại. Thí dụ các chú có cái gì quý thì đưa bác giữ, bác cho vào rương khoá lại, đồ vật vẫn là của các chú và bác chỉ giữ cho các chú”.

Như vậy thì từ “dân chủ” đã bị lạm dụng. Nếu quả thực như vậy thì đó vẫn chưa là “dân chủ” mà là “đảng viên chủ”. Nhưng trên thực tế “đảng viên chủ” vẫn còn là giấc mơ xa vời. Theo quy định này thì các đại biểu cấp dưới sẽ quyết định cấp lãnh đạo nhưng thực tế lại khác xa điều đó vì chủ yếu được cắt cử và chỉ định từ trên xuống. Vậy nên danh từ “cơ cấu” mới bị biến thành động từ: “cơ cấu” ai vào tỉnh ủy, “cơ cấu” ai vào trung ương, nhất nhất đều có sự bật đèn xanh của cấp trên, có sự dàn xếp, thương lượng giữa các phe phái trong hậu cung. Cũng theo quy định thì mọi vấn đề của đảng sẽ được thảo luận cho đến khi ghi thành nghị quyết, sau đó thì nghị quyết sẽ được thực hiện mà không có sự tranh cãi, chống đối.

Trên thực tế thì các nghị quyết được nhào nặn theo thiểu số chi phối quyền lực trong đảng. Gần nhất là trường hợp Tổng bí thư Trọng. Có ai ngoài ông ta và nhóm khống chế quyền lực bóp mép quyền “đảng viên tập trung” của Đảng bộ TPHCM trong Đại hội vừa rồi?

Lẽ ra, theo nguyên tắc này, Đại hội Đảng bộ TPHCM mới có quyền lực cao nhất để bầu chọn ra vị Bí thư của mình. Tuy nhiên dưới sự đạo diễn của ông Trọng, Bộ Chính trị đã viện tính chất đặc biệt của thành phố HCM để cho ông Đinh La Thăng “nhảy dù” về đây làm Bí thư.

Nhưng tưởng chọn ai, họ lại chọn một nhân vật đầy “khuyết điểm” là Đinh La Thăng, kẻ đã làm thất thoát hàng tỷ Mỹ kim khi điều hành Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, làm hàng triệu người dân khốn khổ vì những dự án BOT khi làm “tư lệnh” ngành giao thông.

Như vậy, cách làm việc của họ cho thấy điều gì?

Thứ nhất, nó dẫm lên điều lệ đảng. Thứ hai, nó hoàn toàn sai về mặt quản trị khi đưa một kẻ đã gây ra những “khuyết điểm trầm trọng” về kinh tế về lãnh đạo thành phố là đầu tàu kinh tế cho cả nước! Thứ ba, xét về bản chất thì ông Thăng chẳng qua chỉ là một “đồng chí đã bị lộ”, và việc “bị lộ” này chẳng qua là do tranh giành phe phái.

Trước Thăng từng có Nguyễn Hà Phan. Không phải không ai biết chuyện ông Phan bị công an của Chính phủ Ngô Đình Diệm bắt (1958) và khai, dẫn đến việc các cơ sở mà ông ta gầy dựng bị giết sạch. Họ biết hết nhưng Phan vẫn lên vù vù, chẳng ai tố. Từ chức Chủ tịch tỉnh ông Phan lên bí thư tỉnh ủy, rồi Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư.

Mãi đến khi ông Phan – trong vài trò Trưởng ban Tổ chức Đại hội đảng lần thứ 8 – hùa theo Nguyễn Văn Linh để triệt hạ Võ Văn Kiệt thì hàng loạt đơn thư, tố cáo mới đùng đùng xuất hiện. Ngày 17-4-1996, chỉ còn 10 tuần nữa là khai mạc đại hội, Phan bị Trung ương Đảng bỏ phiếu khai trừ đảng, sau đó bị tước hết mọi chức vụ.

Trở lại với Đinh La Thăng, một kẻ chẳng có khả năng quản trị, đã gây ra những “hậu quả nghiêm trong” đến như thế mà vẫn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn được giao cho trọng trách “Phó ban Kinh tế trung ương”. Với “công tác nhân sự” kiểu này thì các DNNN không yếu kém mới là chuyện lạ! Bây giờ, khi đưa Nguyễn Thiện Nhân, một chuyên gia “phát động phong trào nói không với” về thế chỗ của Thăng, hệ thống chính trị cho thấy họ đã hoàn toàn cạn kiệt nhân tài!

Con quỷ đòi hỏi điều không thể làm được

Xin kể thêm một câu chuyện để Tổng bí thư Trọng nghiền ngẫm.

Ngày kia tại làng nọ xuất hiện một con quỷ, nó buộc mỗi ngày một người dân trong làng phải đưa ra một thách đố thật khó: nếu nó không đáp ứng được, nó sẽ tha và biến mất, nhưng nếu nó làm được, nó sẽ ăn thịt người đó.

Từ đó làng luôn có tang, ngày nào cũng có người bị ăn thịt dù họ thách đố khó đến đâu: biến hạt cát thành khối vàng, biến con ruồi đang bay thành con voi, biến cái ao nhỏ thành quả núi v. v… Đâu hơn một tuần như thế cho đến ngày một anh học trò nọ đến phiên “đố quỷ”. Gặp quỷ, anh học trò rứt cái cúc áo ra và nhẹ nhàng: “Đây là cái cúc áo của tôi, xin ngài hãy đính nó vào tiếng huýt gió này”, nói xong anh ta chu miệng huýt gió.

Con quỷ đầu hàng và biến mất theo lời cam kết. Bởi nó không thể khâu cái cúc áo vào một chuỗi âm thanh. Khi ông Trọng yêu cầu “ban hành một nghị quyết mới” để “tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, ông ta lại tiếp tục cái việc làm không tưởng là đính cái cúc áo “kinh tế thị trường” vào chuỗi âm thanh “định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Chúng ta chỉ có thể định hướng khi thực sự biết hướng đi. Trong khi “Chủ nghĩa xã hội” là gì và hiện nó đang nằm ở đâu thì chẳng ai biết cả!

Ba năm trước, một Ủy viên trung ương đảng là nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cũng đã nhấn mạnh về Xã hội chủ nghĩa: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.

Cũng ba năm trước, chính ông Trọng cũng thật thà bộc lộ mình là kẻ mò mẫm, chẳng biết gì. Trong phát biểu ở tổ soạn thảo Hiến pháp, ông ta đã thú nhận: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.

“Làm gì có thứ đó mà đi tìm”; “Biết đã có hay chưa”. Bất lực, không thể tìm được, không thể biết được thì thay vì kêu ca tại sao thất bại mãi. Hãy tự trọng như con quỷ trong câu chuyện này là biến đi, đừng hành hạ dân làng nữa, họ đã khổ và đã nhàm tai quá rồi!

L.T.H.

Chú thích:

[1] Xúy Vân là vợ Kim Nham, một học trò nghèo. Xiêu lòng trước sự tán tỉnh của tên Trần Phương, Xúy Vân giả điên để Kim Nham làm giấy ly hôn, sau khi hết cách chữa chạy. Tuy nhiên khi cô được tự do thì Phương trở mặt Sở Khanh. Lúc này Xúy Vân lỡ làng, không dám về nhà và từ chỗ giả điên, nàng trở nên điên thật và phải đi ăn xin. Phần Kim Nham nhờ quyết chí học hành nên đỗ cao và được bổ làm quan. Ngày nọ Kim Nham nhận ra vợ cũ đang lang thang ăn xin, Kim Nham bỏ một nén bạc vào nắm cơm sai người đem cho. Xúy Vân bẻ nắm cơm, thấy có bạc, hỏi ra mới biết và sau đó vì xấu hổ, đau đớn, đã nhảy xuống sông tự trầm.

[2] Tôi thuật lại theo trí nhớ, không hoàn toàn chính xác 100%/

[3] http://www. thesaigontimes. vn/114301/Cai-cach-the-che-tu-cau-hoi-chua-co-loi-giai. html

[4] http://tuoitre. vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20131023/du-thao-chua-vang-vong-nhu-loi-hieu-trieu/576098. html

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.