Câu hỏi lớn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: hãy hỏi TBT Lê Khả Phiêu

Kỳ Lâm

Tại hội nghị Trung ương 5, về Doanh nghiệp nhà nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Có một câu hỏi lớn đặt ra cần được giải đáp thấu đáo là, vì sao những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra từ lâu, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ, đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn dù cho “Đảng và Nhà nước ta đã bàn nhiều lần, ban hành và lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp”.

Nhưng thực ra, câu trả lời nằm ngay trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 mà chính bản thân ông Tổng Bí thư đã đọc ra trước hội nghị. Trong đó có hẳn một đề mục về “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.Theo đó, tiếp tục “quán triệt/ bổ sung/ kế thừa/ chỉ đạo/ hoàn thiện” thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 dựa trên tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 khóa X.

Học tập nghị quyết thất bại?

Nghị quyết T.Ư 6 khóa X – chính xác hơn, là Nghị quyết số 21: “Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, cái mà ông Tổng Bí thư đòi hỏi cán bộ dựa vào để có thể “ban hành một nghị quyết mới của Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là thứ được kiểm nghiệm qua thực tiễn và đến nay đã từng bước chứng minh sự thất bại của nó.

Thứ nhất, hệ thống pháp luật bảo đảm cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển thuận lợi tới năm 2020 đã không hề được thực hiện, bởi bản thân nó làm phá vỡ nguyên tắc thị trường khi tính ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước luôn được đề cao.

Thứ hai, hình thành một số tập đoàn kinh tế, các tổng công ty đa sở hữu, áp dụng mô hình quản trị hiện đại, có năng lực cạnh tranh quốc tế, trên thực tế là những “quả đấm thép” dựa trên tài nguyên có sẵn và sự độc quyền lũng đoạn đã kéo lùi nền kinh tế, đưa nợ công và lạm phát tại Việt Nam cao chóng mặt.
Thứ ba, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường đã không hề tồn tại khi tư bản hoang dã, tư bản tích lũy nhóm đã tạo nên Formosa và những tập đoàn bất động sản chi phối thẳng lưng nền chính trị Việt Nam.

Những luận điểm mang tính chủ trương và giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại mục II vì thế hoàn toàn nằm trên mặt lý thuyết sáo rỗng, trong đó, phần Thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta (Điểm 1) là những câu từ chung chung, chưa đưa ra một khái niệm hoặc nhận thức mang tính chất rõ ràng, riêng biệt về kinh tế thị trường định hướng XHCN. Để rồi 6 năm sau (2016), Đảng viên cao cấp – ông Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã chỉ rõ rằng: Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm.

Tại điểm 2 – Nghị quyết đòi Hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất kinh doanh, trong đó điểm quan trọng nhất về mặt công bằng xã hội chính là chế độ sở hữu đất đai lại được Nghị quyết “khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Đến tận dự thảo Hiến pháp năm 2013 cũng tiếp tục giữ quan điểm này, và rồi vụ xã Đồng Tâm xảy ra như một mồi lửa làm đảo lộn mọi lý thuyết/ khái niệm này.

Trong Hội nghị T.Ư 5 lần này, với sự thắc mắc về “hạn chế, yếu kém” dù Đảng ra chủ trương, chỉ đạo liên tục; dù cho tổng kết thực tiễn – bám sát tình hình liên tục nhưng kết quả trả lại là rất “kém” của Tổng Bí thư, thì có lẽ, phải nên đặt câu hỏi này cho chính Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

 

Vì sao?

 

 

Cần nhắc lại một chút về buổi nói chuyện giữa ông Lê Khả Phiêu với Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Hà Nội vào những năm 2000 [1], khi ông chia sẻ rằng: “Bà Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ trong một lần gặp tôi có hỏi: chủ nghĩa xã hội có tồn tại được không? Tôi nói: không những tồn tại mà chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục phát triển thắng lợi…

Quan điểm này của ông Tổng Bí thư lúc đó, gặp ngay sự phản ứng của ông Thủ tướng Phan Văn Khải: “Ông Phiêu nói như thời chiến tranh làm cho họ [người Mỹ] rất khó chịu. Ông ấy muốn tỏ rõ thái độ của một chính quyền cộng sản. Nhưng, ông Phiêu không hiểu tình hình thế giới giờ đây đã khác”.
Câu chuyện của ông Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu những năm 2000 không khác gì so với câu chuyện của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2017. Tức cả hai ông vẫn cương quyết giữ vững lập trường/ thái độ của một chính quyền Cộng sản, rằng CNXH vẫn tồn tại, rằng nhà nước XHCN vẫn có thể định hướng thị trường tư bản. Nhưng thực tế, tất cả chỉ là những lý thuyết thất bại, mô hình không tồn tại. Cả hai ông đã bỏ quên, hay bỏ qua sự chứng minh của thực tiễn để kiên trì vừa “sửa sai, vừa rút kinh nghiệm” trong thực hiện một lý thuyết/ mô hình tiên phong, “chưa từng có trong lịch sử loài người”.
Kết quả, với tuyên bố xanh rờn năm 2003, năm 2017 chứng kiến thêm một nước XHCN nữa ở Nam Mỹ là Venezuela sụp đổ về mặt kinh tế, đứng bên bờ vực thẳm về mặt chính trị.

Nó cho thấy rằng, não trạng của một người cộng sản chỉ đúng về mặt giữ vững lập trường chính trị, sai về mặt thực tiễn của cuộc sống. Các quan điểm chỉ đạo không xuất phát từ khách quan, mà hoàn toàn là sự chủ quan mang tính sách vở. Điều này đối với một cá nhân thì vô hại, nhưng nếu mang chức vụ là Đảng trưởng của một chính đảng cầm quyền duy nhất tại Việt Nam thì đó là thảm họa. Bởi nó bắt buộc đi vào một con đường và các định thuyết hoàn toàn không tôn trọng quy luật khách quan.

Đã đến lúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng ngồi với [cựu] Tổng bí thư Lê Khả Phiêu để bàn lại về mô hình XHCN và kinh tế thị trường định hướng XHCN. Biết đâu, cả hai người nhận ra rằng, những sự yếu kém, hạn chế trong phát triển kinh tế – chính trị, làm đảo lộn xã hội thời gian qua nguyên nhân gốc là chính tại cả hai người với sự “bảo thủ” về luận thuyết.

Tham khảo

[1] Huy Đức, Bên Thắng Cuộc/Quyền bính (quyển 3), chương: Lê Khả Phiêu & Bill Clinton.

K.L.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2017/05/vntb-cau-hoi-lon-cua-tong-bi-thu-nguyen.html

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.