Anh Vũ, RFA
Chính quyền tỉnh Vĩnh Long hôm 4/5/2017 tổ chức họp báo thông tin về cái chết của ông Nguyễn Hữu Tấn trong đồn công an.
Việc Công an tỉnh Vĩnh Long, cho rằng ông Nguyễn Hữu Tấn, đã chết do tự cắt cổ trong quá trình hỏi cung, không đủ sức thuyết phục. Dư luận đã nêu các bất hợp lý trong việc giải thích của công an về các cái chết của ông Tấn.
Chết khi đang bị hỏi cung
Vụ việc ông Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy, 38 tuổi ở phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long dùng dao cắt cổ dẫn đến tử vong trong Trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Long đang gây xôn xao dư luận.
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, Đại tá Phạm Văn Ngân – Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, ngày 2/5/2017, Công an tỉnh Vĩnh Long, đã bắt khẩn cấp nghi phạm Nguyễn Hữu Tấn để điều tra về hành vi phát tán tài liệu chống phá nhà nước, theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.
Theo đó, sáng ngày 3/5, trong quá trình hỏi cung, ông Nguyễn Hữu Tấn đề nghị cán bộ cho xin nước để uống. Khi cán bộ điều tra vừa ra khỏi phòng để gọi người mang nước đến, thì ông Tấn đi đến chiếc cặp của cán bộ điều tra để bên cạnh ghế làm việc, lấy con dao rọc giấy ở bên trong, tự cắt vào mạch máu 2 bên cổ để tự sát.
Thông tin do công an tỉnh Vĩnh Long đưa ra, đã khiến dư luận xã hội không đồng tình và cho rằng chứa đựng nhiều mâu thuẫn.
Ông Nguyễn Hữu Tài, em trai của ông Nguyễn Hữu Tấn cho biết:
“Tôi không tin anh Tấn tự tử trong đồn công an, vì trong đồn công an rất là canh giữ nghiêm ngặt, không thể nào lọt hung khí hay vật bén nhọn để có thể tự tử được”.
Quá nhiều mâu thuẫn
Từ Sài gòn, ông Nguyễn Thiện Nhân một nhà hoạt động xã hội, người đang chú ý theo dõi vụ việc này thấy rằng, lời giải thích của lãnh đạo công an tỉnh Vĩnh Long cho thấy quá nhiều mâu thuẫn.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Tấn để quan tài nạn nhân trước nhà, tố cáo công an giết người khi điều tra phản động. Hình trích từ video clip
Theo ông Nhân, gia đình nạn nhân cho ông biết, khi đến nhận xác ông Nguyễn Hữu Tấn thì gia đình thấy con dao nắm trong tay trái, trong khi theo người nhà thì ông Tấn Thuận tay phải. Ông nói:
“Anh Tấn là người được ngành công an coi là nguy hiểm, một người được coi là nguy hiểm thì không thể để chỉ một điều tra viên lấy lời khai với anh Tấn cả, mà phải là nhiều người. Và càng không thể có chuyện điều tra viên để lại một mình anh Tấn, như lời công an và báo chí nói trên công luận”.
Từ Nghệ An, tù nhân lương tâm Lê Văn Sơn người từng có 4 năm sống trong nhà tù CSVN thấy rằng, việc chỉ có một điều tra viên hỏi cung ông Nguyễn Hữu Tấn, một nghi phạm án chính trị là điều hết sức vô lý. Ông giải thích:
“Đối với tôi là một người đã từng trải qua các cuộc hỏi cung thì, cái thời gian ban đầu (điều tra vụ án) thì có rất nhiều việc mà CA họ phải làm và chuyện một người tự hỏi cung, tự ghi biên bản và tự làm những việc khác là không thể có được.
Trong những cuộc hỏi cung ban đầu thì thường có rất đông người hoặc ít nhất là có 2 người để hỏi cung. Việc anh Nguyễn Hữu Tấn đã dùng dao rọc giấy của an ninh điều tra để cắt cổ tự sát thì tôi cho rằng hết sức phi lý”.
Tại sao nhiều người chết khi bị công an bắt giữ?
Trên trang facebook cá nhân, bà Trịnh Kim Tiến một nhà hoạt động xã hội, có cha là ông Trịnh Xuân Tùng, người bị công an quận Hoàng Mai, Hà Nội đánh gãy cổ và tử vong khi bị tạm giữ tại trụ sở công an phường Thịnh Liệt năm 2011, viết về tình trạng sự bạo hành của nhân viên công an tại VN hiện nay như sau:
“Tình trạng người dân chết bất thường trong các đồn công an ở Việt Nam diễn ra một cách liên tục. Những kết luận chết do tự thương kiểu như tự đập đầu vào thành ghế dẫn đến chết, hay tự tử kiểu như dùng dây sạc điện thoại hay ống tay áo treo cổ chết hết sức phi nhân và vô lý, nhưng vẫn được cơ quan công quyền công bố bình thản trước công luận.
Nhưng tất cả đều bị phớt lờ và không có một cá nhân hay cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước những cái chết khuất tất ấy”.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, người nhà của nạn nhân cho biết, khuôn mặt của người được cho là anh Tấn trong camera do công an cho xem nhìn không rõ và nạn nhân trong camera lại mặc quần áo tù, trong khi ông Nguyễn Hữu Tấn mới bị tạm giam chưa được xét xử. Ông nhận định:
“Đây là một tình trạng vi phạm nhân quyền hết sức phi lý, công an nên công bố đoạn clip ghi từ camera mà CA cho rằng anh Tấn tự tử, chứ không thể nói suông như vậy. Cho dù anh Tấn tự tử hay bị giết thì trách nhiệm của ngành CA vẫn có trách nhiệm trong đây, chứ không thể nói suông đôi ba câu giải thích, xong vậy là thôi”.
Lên tiếng về tình trạng bạo hành là hết sức phổ biến đối với các nghi can, nghi phạm và tù nhân của các nhân viên công an VN, ông Lê Văn Sơn lên tiếng:
“4 năm ở trong tù tôi đã chứng kiến rất nhiều những cái chết của tù nhân hết sức phi lý. Khi bị bắt vào, thì thường tất cả đếu bị tra tấn hoặc xử dụng nhục hình để lấy được cung.
Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền của con người trong nhà tù. Tôi cũng lên án và nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức bảo vệ nhân quyền, cùng lên tiếng việc đối xử tệ bạc với tù nhân tại VN”.
Theo VOA Việt ngữ, ông Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Giáo hội Trung ương Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy cho rằng, công an đã dàn dựng cái chết của ông Nguyễn Hữu Tấn. Theo ông: “Cháu (Nguyễn Hữu) Tấn là một người hết sức hiền từ, nhân hậu, chỉ biết lo làm ăn. Nhưng công an tỉnh Vĩnh Long đã ép cung, tra tấn cho đến chết. Cuối cùng họ giàn dựng lên một hiện trường giả để cho là Tấn đã tự sát chết để chạy tội”.
A.V.