Bùi Quang Vơm
Hội nghị Trung ương 5 dự định diễn ra trong nửa đầu tháng 5/2017 có thể phải chuyển nội dung trọng tâm từ chuyên đề tăng trưởng và cân đối vĩ mô cho nền kinh tế đang có nguy cơ sụt giảm không thể cứu vớt, các chỉ tiêu lớn có khả năng bị phá sản, sang một vấn đề nóng bỏng và gay cấn hơn là vấn đề nhân sự, vốn là nội dung trọng tâm được sắp đặt cho Hội nghị Trung ương 6 dự kiến vào khoảng tháng 10/2017.
Ngày 27/04/2017 Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố kiến nghị Bộ Chính trị kỷ luật Đảng đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, đương kim Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ viên Bộ Chính trị.
Những gì phải đến đã đến và đang đến. Dù công bố của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có hơi đột ngột, nhưng là công bố được chờ đợi từ lâu.
Đây có thể là phát súng đầu tiên của một chiến dịch có quy mô tổng hợp, được bắt đầu từ Nghị quyết 4 khoá XI năm 2012; nhưng ngay lúc đó ít ai hình dung được tính chất trầm trọng và quy mô chiến dịch tới mức độ như hiện đang bộc lộ.
Nghị quyết TW 4, ban hành ngày 16/01/2012, có viết “một bộ phận không nhỏ đảng viên hư hỏng, thoái hóa, biến chất, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”…
Cuộc vận động được ông Trọng phát động trong hàng ngũ lãnh đạo trung ương để kỷ luật một cán bộ cao cấp, được hiểu về sau này, là nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, ông Dũng được trên 75%, khiến kế hoạch kỷ luật của ông Trọng và những người ủng hộ ông thất bại, và trước micro, trước 200 uỷ viên Trung ương, trước hơn 90 triệu người dân, tại Hội nghị TƯ 6, ông Trọng uất ức đến phát khóc.
Cái uất ức ấy đã được ông Trương Tấn Sang chuyển thành thông điệp, như nói hộ cho ông “Dứt khoát phải tiến hành thành công. Ðó là mệnh lệnh của nhân dân. Không thể để Nghị quyết Trung ương 4 không thành công, là phụ lòng tin của dân, của Ðảng, là không vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Chúng ta không có con đường nào khác, chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải thành công. Cho dù phải chấp nhận những biện pháp đau đớn cũng phải làm, vì đó là sự sống còn của Ðảng, của chế độ và tương lai tươi sáng của đất nước này”.
Đây chính là quyết tâm của Bộ Chính trị trên danh nghĩa chống tham nhũng, nhưng được thúc đẩy bằng sự thèm khát rửa hận của ông Trọng và ông Sang cùng những người mà vì lòng tham mê muội, gần cuối, ông Dũng đã biến họ thành kẻ thù.
Cái quyết tâm và nỗi khao khát đó là nền tảng của những kế hoạch được thành hình từ ngày đó, và mục tiêu của nó hướng tới điểm cuối cùng là ông Dũng.
Chính vì vậy mà tất cả những sợi dây liên kết với ông Dũng sẽ lần lượt được bóc tách.
Có thể thấy thế này:
Mũi số 1: Trịnh Xuân Thanh – Vũ Huy Hoàng – Đinh La Thăng – Nguyễn Tấn Dũng.
Mũi số 2: Vũ Kim Cự – Hoàng Trung Hải – Nguyễn Tấn Dũng.
Mũi số 3: Trầm Bê – Nguyễn Văn Bình – Nguyễn Tấn Dũng.
Cả 3 mũi “giáp công” hiện đang được đồng thời tiến hành, đều dẫn đến ông Dũng và để đòi món nợ “Trung ương 6”.
Còn những mũi khác, chẳng hạn như vụ kỷ luật bí thư và phó bí thư Hậu Giang đích thân xin Trịnh Xuân Thanh về làm phó chủ tịch tỉnh, vụ kỷ luật bí thư và phó bí thư Bình Định cố tình cơ cấu Nguyễn Minh Triết, con trai út ông Dũng, 24 tuổi, vào Ban chấp hành Tỉnh uỷ, chỉ là dẹp bỏ vây cánh của ông Dũng tại địa phương. Còn Tỉnh uỷ Kiên Giang nữa, Nguyễn Thanh Nghị có lẽ sắp phải nhận công tác khác.
Trong các kết luận của Uỷ ban Kiểm tra, ông Đinh La Thăng còn được ghi thêm tội tham mưu, đề xuất Thủ tướng cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật. Điều này muốn nói rằng, nếu đề xuất một việc phạm pháp mà chịu kỷ luật, thì người ký duyệt quyết định phi pháp đó không thể không bị kỷ luật. Đây là phần sẽ dành cho ông Dũng, là cánh cửa hé mở tới chỗ ngài nguyên thủ tướng.
Tin rò rỉ mới nhất tiết lộ, Ban Bí thư đã quyết định hình thức cảnh cáo đối với ông Thăng. Cảnh cáo là mức kỷ luật nặng thứ hai sau mức khai trừ. Nó mở màn cho các quyết định cách chức hàng loạt chức danh khác. Cùng với Trịnh Xuân Thanh, ông Đinh La Thăng khó thoát được án ngồi tù.
Và nếu ông Vũ Huy Hoàng đã bị kỷ luật cách chức nguyên Bí thư Đảng Đoàn Bộ Công Thương, ông Vũ Kim Cự bị cách các chức nguyên Bí thư và nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, thì ông Hoàng Trung Hải, ông Nguyễn Tấn Dũng làm sao thoát kỷ luật nguyên Phó Thủ tướng và nguyên Thủ tướng.
Người ta đã thắc mắc và không hiểu cái trò kỷ luật quá khứ, kỷ luật chức vụ không còn giữ nữa là trò chơi gì, ai là tác giả của cái trò quái dị này. Bây giờ mới ngộ ra rằng, đích ngắm của nó là ông Dũng. Ông Dũng sẽ bị cách chức nguyên Thủ tướng.
Đây thực chất là cái kỷ luật mà ông Dũng phải chịu từ ngày 15/01/2012, vì thực ra các quyết định kỷ luật ông đã được dự thảo ngay tại Hội nghị Trung ương 6, nghĩa là kỷ luật thì thuộc quá khứ, nhưng bây giờ mới công bố. Nghĩa là ông Trọng không hề thất bại. Và sự ngạo mạn xuẩn ngốc của ông Dũng phải trả giá. Ông sẽ bị tước hết mọi thứ kể từ ngày đó. Ông đã vênh vênh đi ra khỏi phòng họp, nhưng không phải ông là người thắng cuộc. Ông Dũng phải hiểu như vậy.
Sau khi bị kỷ luật Đảng, hồ sơ sẽ được truy cứu tiếp. Tiếp theo là các căn cứ hình sự sẽ được “phát hiện”, và không ai dám chắc, ông Dũng liệu có thoát được một cái án tù 10 năm không, vì một là, những dấu hiệu chứng minh ông Dũng trực tiếp tham nhũng không thiếu, hai là, khi đã truy xét trách nhiệm, thì thiệt hại hàng triệu tỷ đồng của ngân quỹ quốc gia, do nguyên nhân tham nhũng của bộ máy Chính phủ, không có vụ tham nhũng nào nằm ngoài trách nhiệm của ông Dũng. Vả lại, đã đến nước cùng, ông Vũ Huy Hoàng và ông Đinh La Thăng cũng sẽ tự tìm cách gỡ tội. Không lẽ chỉ có hai ông này tẩu tán hết 7 tỷ đôla tiền lãi do trượt giá dầu khí những năm 2009-2011.
Nhưng cho đến thời điểm này, người ta có lẽ vẫn chưa xác quyết được kẻ phát hiện ra số tiền 7 tỷ đô nằm nghỉ trong két Tập đoàn Dầu khí những năm 2007-2008 là ông Dũng hay ông Vũ Huy Hoàng. Đây là số tiền lãi trời cho chỉ do giá dầu thế giới tăng vọt từ 50 lên xấp xỉ 140 đô la một thùng. Tiền vào két mà không phải chi phí nào phát sinh, thì chỉ cần một động tác kế toán là xong, có thể rút ra một cách an toàn. Ông Dũng vốn chỉ có sẵn lòng tham, chứ nghiệp vụ kế toán, chưa chắc ông biết được gì. Cho nên, nhiều suy đoán cho là kẻ phát hiện được số tiền này và nghĩ ra được cách tẩu tán nó, là ông Vũ Huy Hoàng và ông kế toán trưởng của Bộ Công Thương, vì chính hai vị này là chủ quản vốn nhà nước tại PVN.
Nhưng phát hiện ra Đinh La Thăng lại là thiên tài của ông Dũng.
Ông Thăng vừa có kinh nghiệm 7 năm kế toán trưởng siêu Tổng Công ty Sông Đà, vừa có kinh nghiệm 5 năm Tổng Giám đốc. Vừa biết cách rút tiền, vừ biết lấp liếm bằng sổ sách kế toán.
Theo kế hoạch của ông Thăng, một sự phối hợp nhịp nhàng bắt đầu. Ông Dũng phát hành quyết định quy chế Tập đoàn Đa ngành, cho phép các tập đoàn đầu tư ngoài nghiệp vụ chính. Ông Thăng trình Thủ tướng phê duyệt hàng loạt dự án, từ đó cho ra đời hàng loạt Ban Quản lý dự án và một đầu mối quan trọng nhất là Tổng Công ty xây lắp PVC của Trịnh Xuân Thanh. Tiền trong két PVN được rót xuống cho các Ban Quản lý, rồi từ các Ban Quản lý chuyển cho Tổng Công ty xây lắp. Tổng Công ty xây lắp thành lập hàng loạt công ty thi công xây lắp và các thầu phụ. Tiền từ Tổng Công ty xây lắp PVC giải ngân thanh toán cho các công ty thi công và thầu phụ xây lắp. Từ đây, tiền thanh toán cho các công ty ma và các khối lượng xây lắp khống sẽ quay trở lại PVC cho Trịnh Xuân Thanh. Trịnh Xuân Thanh là người trực tiếp phân phối lại cho toàn bộ hệ thống. Như vậy, Trịnh Xuân Thanh là người biết tất cả, ít nhất cũng tới chỗ ông Đinh La Thăng. Từ ông Đinh La Thăng tới ông Vũ Huy Hoàng và ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Thanh chắc chắn biết, nhưng biết một cách cụ thể, thì chỉ có ông Thăng và tay hòm chìa khoá của ông Thăng là Vũ Đức Thuận.
Những chuyện tày đình này, ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Tài chính lúc đó có biết không? Có thể khẳng định được rằng là có, vì sau khi ông Thăng được thuyên chuyển về bộ Giao thông, ông Ninh tiếp tục lên Phó Thủ tướng phụ trách tài chính.
Ngoài những nguồn khác, có thể một trong những người phát hiện ra vụ việc là ông Vương Đình Huệ, lúc đó là Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Điều đáng được nhắc lại là tại Đại hội 12, theo tin từ dư luận, để loại ông Dũng ra khỏi Trung ương, ông Trọng và Bộ Chính trị đã phải nhượng bộ ông Dũng bằng cách chấp nhận cơ cấu ông Nguyễn Văn Bình, ông Đinh La Thăng và ông Hoàng Trung Hải vào Bộ Chính trị. Vì vậy mới có chuyện lội ngược dòng của 3 ông này mà theo phỏng đoán của dư luận thì phải ra khỏi Đảng.
Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã đẩy hai ông Hải và Thăng xuống hai thành phố, với ý định cách ly Ban Bí thư, nơi hình thành và sản sinh các quyết định của Bộ Chính trị, còn ông Bình, sau một thời gian rất lâu không được phân công, cuối cùng, nhận Ban Kinh tế, và sau đó thì được giao đặc trách khu Tây Bắc.
Như vậy, sau kỷ luật của ông Đinh La Thăng, không biết ông Trọng có đi tới tận cùng không, nghĩa là cả ông Hải lẫn ông Bình sẽ ra khỏi Bộ Chính trị?
Vì chính ông Trọng từng nói, “chống tham nhũng là ta đánh ta”, nghĩa là ông đang làm yếu chính ông, hay đang làm yếu cái Đảng Cộng sản mà ông đang là người đứng đầu. Hội nghị Trung ương 6 đứng trước một khó khăn khó có lời giải thoả đáng.
Vụ án PVN sắp tới cùng với 12 vụ đại án phải xét xử trong năm nay sẽ còn đưa hàng nghìn đảng viên, kể cả đảng viên cốt cán vào tù, gây ra một tâm lý hoảng loạn, nghi kị nội bộ, chỉ còn lo việc che chắn, lợi dụng cơ hội hại nhau và chiếm chỗ của nhau, cả hệ thống sẽ tê liệt, không còn ai quan tâm tới sản xuất.
Những đảng viên nếu biết làm, thì không thể không biết biển thủ công quỹ và trở thành xấu. Những đảng viên còn tốt, chỉ là những đảng viên không biết làm, tức là những đảng viên vô dụng.
Trước mắt, phải thay bí thư Sài Gòn. Ông Nguyễn Thành Phong nếu lên bí thư, thì ông Tất Thành Cang sẽ lên phó bí thư, chủ tịch thành phố. Phương án này ít tốn kém và ít tổn hại nhất, nhưng cần có sự thoả hiệp giữa ông Phong và ông Cang. Mặc dù cùng có xuất thân “thanh niên”, nghĩa là cùng thuyền với Lê Thanh Hải trước đây, nhưng ông Phong về Sài Gòn trên danh nghĩa đặc phái viên của ông Trọng, nhằm cùng với ông Võ Văn Thưởng giải giáp ông Lê Thanh Hải, trong khi ông Cang và ông Võ Tiến Sĩ, Bí thư Quận 5, là hai nhân vật được coi là con tin của ông Hải nằm lại trong hệ thống mới. Giải pháp cách mạng triệt để sẽ là ông Võ Văn Thưởng bí thư, ông Nguyễn Thành Phong tiếp tục phó bí thư, chủ tịch. Đây là phương án hoàn hảo, Bộ Chính trị sẽ nắm hoàn toàn thành phố, loại được mầm cát cứ. Nhưng Ban Tuyên giáo, nếu không quay lại cho ông Đinh Thế Huynh thì nguy cơ rơi vào tay ông Trương Minh Tuấn, đúng ý của phái cơ hội bảo thủ, sẽ là một thảm hoạ cho chế độ, tuyệt đường cải cách.
Nếu phải bầu bổ sung Bộ Chính trị lấp vào chỗ cả ba ông Thăng, Hải, Bình, thay bí thư, phó bí thư cho các tỉnh Hậu Giang, Bình Định, và Kiên Giang, có thể cả Lai Châu, cùng với việc đi hay ở của ông Trọng, thì Hội nghị Trung ương 6 sẽ gần như một hội nghị trù bị cho một Đại hội giữa nhiệm kỳ vào đầu hay giữa năm 2018.
Nếu bỏ qua mục đích trả thù cá nhân ông Dũng, khiến ông Trọng phải lao tâm khổ tứ (thực chất là “một công đôi việc”), những diễn biến từ sau Đại hội 12 cho thấy, ông Trọng và Bộ Chính trị có quyết tâm chống tham nhũng rất lớn với tham vọng làm trong sạch Đảng, bằng cách đó củng cố vị thế của Đảng và bảo vệ sự tồn tại của chế độ.
Cái tâm huyết mà ông dồn vào đấy, một mặt cho thấy ông trong sạch, ông thậm chí kỷ luật ông Cự với máu lạnh, chỉ vì có một tấm ảnh ghi hình ông Cự ghé tai ông như chuyện thầm thì giữa hai kẻ đồng loã. Nhưng mặt khác chứng tỏ ông là một người giáo điều mụ mẫm. Ông vẫn giữ một đức tin không lay chuyển rằng, tham nhũng có nguồn gốc đạo đức, và chỉ cần cải tạo đạo đức là thủ tiêu được tham nhũng. Đạo đức là sản phẩm của giáo dục, trong khi tham nhũng là thuộc tính bản năng. Bằng giáo dục đạo đức, tham nhũng có thể giảm, nhưng chỉ buông lỏng giáo dục, tham nhũng bùng phát trở lại. Tham nhũng thực chất là ăn cắp. Luật Phòng chống tham nhũng định nghĩa: tham nhũng là lợi dụng quyền chức để chiếm đoạt của công. Như vậy chống tham nhũng trước hết là kiểm soát quyền lực. Muốn kiểm soát quyền lực thì pháp luật phải độc lập. Tư pháp, cảnh sát và toà án phải được phi chính trị hoá, không có tính Đảng, độc lập với quyền lực chính trị, không chịu sự lãnh đạo của bất cứ đảng phái, hay giáo phái nào. Thứ hai là không để bất cứ tài sản nào là tài sản công. Vì tài sản công với đối tượng nào đó, trong phạm vi nào đó là một thứ tài sản vô chủ, có thể biến được thành của riêng. Đất đai và tài sản trong các doanh nghiệp nhà nước chính là các tài sản công. Như vậy, chống tham nhũng chỉ có hai việc, một là tam quyền phân lập, tối thiểu là độc lập tư pháp, hai là tư hữu hoá đất đai và tài sản công.
Muốn chống những kẻ tham nhũng như ông Dũng, thì thứ nhất là cơ quan điều tra phải độc lập với Chính phủ và pháp luật có thể bỏ tù được ông Dũng, thứ hai là không có cái khoản tiền như khoản 7 tỷ đô la tiền xuất khẩu dầu khí, gọi là tiền quốc gia, nhưng thực chất là vô chủ, để ông Dũng và tay chân của ông ta nổi máu tham.
Ông Thăng, ông Dũng và những gì trái lòng người không thể không bị phán xử. Cái phải đến đã đến và sẽ còn đến.
Nhưng một cái tất đến khác, cái tất đến lớn hơn, là một nền dân chủ đích thực cho dân tộc Việt Nam cũng sẽ đến và thực sự đang đến. Bởi đơn giản là cái độc Đảng chuyên chế và cái sở hữu toàn dân là những cái không hợp quy luật tự nhiên và trái lòng người, sẽ tự nó biến mất.
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN.