Hôm nay, tôi chở bà xã Tường Loan về quê của tôi là làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế để dự lễ tại mộ bác ruột tôi. Bác này là bác thứ 4, sinh năm Bính Tý (1936) hơn ba tôi 3 tuổi. Bác mất hồi cuối năm Bính Thân (2016) ở Texas (Mỹ). Gia đình bên đó hỏa thiêu bác, giữ tro cốt bên Mỹ một thời gian, sau Tết Đinh Dậu mới đưa về làng Phò Trạch chôn cất. Sau 3 tuần xây cất, hôm nay lăng mộ của bác đã hoàn thành. Vợ, con gái thứ hai và con trai cả của bác từ bên Mỹ về làm lễ khánh thành lăng mộ.
Bà nội tôi có 5 con trai, 3 con gái. Ba tôi là con út. Trong 5 người con trai, một người làm nghề mộc (bác trưởng), 1 người làm ruộng (bác thứ hai), 1 người theo Việt Minh chống Pháp, chết trận năm 1953, được nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận là liệt sĩ. Bác thứ 4 là bác vừa mất, trước làm ruộng ở quê, sau đi lính Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975 thì được cách mạng đưa đi học tập cải tạo 5 năm. Sau khi ra khỏi trại tù (mà chính quyền cách mạng gọi là trại cải tạo) một thời gian thì bác tôi qua Mỹ định cư theo diện H.O. Ba tôi là con trai thứ 5, trước làm nghề mộc với bác trưởng. Đến năm 1966 thì bị bắt quân dịch, đi lính Việt Nam Cộng hòa và chết trận năm 1970 nên may mắn không bị cách mạng đưa đi cải tạo.
Hôm nay thì tro cốt của bác thứ 4 đã được đưa về chôn bên cạnh mộ của bà nội tôi và bên cạnh mộ ông bác liệt sĩ cách mạng của tôi. Vậy là cuối cùng “quốc – cộng” cũng về nằm bên nhau một cách êm thấm.
Cạnh đó còn có mộ của ông nội chú của tôi là Trần Đức Đề. Ông Đề có 2 con trai, 5 con gái. Trong 2 con trai, thì con trai trưởng đi theo cộng sản, làm đến một chức to trong quân đội. Hình như là Thượng tá thì phải, đến khoảng năm 1985 thì về hưu. Con cái của chú này toàn là dân an ninh và sĩ quan của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Con trai thứ 2 của ông Đề thì ở lại miền Nam đi học. Sau đó thì tham gia vào Không quân Việt Nam Cộng hòa, đảm nhiệm hậu cần ở mặt đất. Sau năm 1975 thì qua Mỹ định cư ở North California. Trong 5 người con gái của ông Đề thì 2 người chị đầu hiện sinh sống tại Việt Nam, còn 3 người em sau thì đang sống ở Mỹ.
Thắp hương cho bác và bên nội xong, tôi đưa vợ và em trai đi thắp hương bên ngoại, ở cách khu lăng mộ của bên nội tôi khoảng 100 m. Đó là nơi yên nghỉ của ông bà ngoại, cậu ruột của tôi và đứa em trai út cùng mẹ khác cha với tôi; cùng lăng mộ của những người em ruột và em dâu của ông ngoại tôi.
Ông ngoại tôi có 5 anh em trai, đều rủ nhau đi theo Việt Minh. Năm 1961, ông Hồ Chí Minh ký tặng cho mẹ của ông ngoại tôi (là bà cố ngoại của tôi) Huân chương kháng chiến hạng Nhì vì bà có 5 người con thì cả 5 người đều theo cộng sản chống Pháp và chống Mỹ. Sau năm 1954 ông ngoại tôi ra Bắc tập kết, trở thành một cán bộ lãnh đạo ở UBND tỉnh Hà Tĩnh rồi bị bom Mỹ chết năm 1968. 4 người em trai của ông thì 1 người là liệt sĩ chống Pháp, 1 người cũng chống Pháp nhưng chết bệnh nên không được công nhận liệt sĩ, 1 người là đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau năm 1975 thì phục viên về làm ruộng. Người em út của ông ngoại tôi đi theo cộng sản một thời gian thì thấy oải quá, nên rút lui, về làm ông Cai ở Bệnh viện Trung ương Huế cho đến năm 1975 thì bị những người từng là đồng chí của ông trước đây sa thải, phải đi kinh tế mới ở Định Quán, Đồng Nai. Cho đến khi sức tàn lực kiệt, không làm rẫy được nữa thì quay trở lại Huế, sống với con gái và qua đời ở Huế trong cảnh nghèo khó.
Ông bà ngoại tôi có 3 người con: 2 gái, 1 trai. Mẹ tôi là con đầu, lúc nhỏ buôn bán lặt vặt, rồi lấy chồng. Sau khi ba tôi chết trận năm 1970, mẹ tôi xin được chân văn thư ở trường Nữ Trung học Đồng Khánh (Huế), đến năm 1974 thì rời Huế về xã Phong Thu (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) ở, làm thủ thư, rồi giữ trẻ, rồi cấp dưỡng lo nấu ăn cho các thầy cô giáo ở ngôi trường tôi đi học hồi cấp 1 và cấp 2. Đến năm 1983 thì mẹ tôi bỏ việc đi kinh tế mới ở Đồng Nai với dì út của tôi. Cậu tôi là người con thứ 2 của ông bà ngoại và là con trai duy nhất. Ngày ông ngoại tôi đi tập kết ra Bắc, ông ngoại muốn đem cậu theo nhưng bà ngoại tôi không cho, vì cậu là con trai duy nhất nên bà ngoại muốn giữ bên mình. Hết tuổi đi học, cậu tôi tính đi tu Phật nhưng ngoại tôi không đồng ý, cũng vì lý do là con trai duy nhất, muốn cậu tôi lấy vợ, sinh con để nối dõi tông đường. Cậu tôi dù đã phát nguyện đi tu, nhưng phải nghe lời bà ngoại tôi ở nhà lấy vợ. Lấy vợ được ít lâu thì cậu tôi bị bắt lính. Vợ cậu có bầu được 6 tháng thì cậu tôi trúng đạn lạc của đồng đội ở thao trường, tử nạn. 3 tháng sau, mợ tôi sinh được 1 bé gái. Vậy là cuối cùng nhà ngoại tôi cũng không có người nối dõi tông đường. Bà ngoại tôi rất đau buồn vì đã can ngăn cậu tôi đi tu, để rồi cuối cùng cậu bị bắt lính và chết một cách oan uổng. Vì thế bà ngoại tôi phát nguyện ăn chay niệm Phật, tu tại gia, dù bà là dân Công giáo. Bà theo Phật và giữ đạo cho đến 1 tháng trước khi qua đời thì gọi mẹ và dì tôi đến nói: “Mạ là người Công giáo, nhưng do Khánh (tên cậu tôi) phát nguyện đi tu mà mạ ngăn cản. Sau khi Khánh mất, mạ hối hận nên quy y Phật, theo tâm nguyện của Khánh. Mấy chục năm qua mạ là Phật tử thuần thanh, nhưng nay mạ yếu rồi sắp sửa theo cha của các con và Khánh. Vì thế mạ muốn các con cho mạ trở lại với đạo gốc của mạ là Công giáo”. Mẹ và dì tôi đã thuận theo ý của ngoại tôi, đã bàn bạc với các người cháu kêu ngoại tôi là dì ruột, đều là người Công giáo, mời cha quản hạt ở Định Quán đến làm lễ rửa tội và cải đạo cho ngoại tôi, từ Phật tử trở lại thành con chiên của Chúa. Tháng sau, ngoại tôi mất ở Định Quán, và được Đức Chúa rộng mở thiên ân đón về bên ngài.
Năm 2010, mẹ tôi cải táng mộ bà ngoại tôi và em út của tôi (đã mất do bệnh vào năm 1984) từ Định Quán và cải táng mộ cậu Khánh của tôi từ Phong Thu về chôn trong khu lăng mộ của họ Phạm Bá, bên cạnh mộ của các em trai và em dâu của ông ngoại tôi. Vậy là những người khác chiến tuyến, khác tôn giáo nhưng chung máu mủ ruột rà đã được yên nghỉ đời đời bên nhau.
Tôi, một đứa con/đứa cháu được sinh ra trong một gia đình mà bên nội và bên ngoại đều có hoàn cảnh giống nhau – nửa nọ, nửa kia. Vì thế tôi hiểu rất rõ thế nào là chia cắt và hàn gắn. Tôi nghe mẹ tôi kể lại: sau năm 1975 ông em kế út của ông ngoại tôi từ chiến trường về, lưng đeo khẩu súng ngắn K54, ve áo lấp lánh 4 ngôi sao và 1 vạch bạc, đã trách bà ngoại tôi: “Sao chị để thằng Khánh đi theo ngụy”. Ngay lập tức bà ngoại tôi đã tát tai ông em cách mạng của chồng và quát lớn: “Chú nói ai ngụy? ai ngụy? Chú ra khỏi nhà tui ngay” (Bà ngoại tôi tính nóng như lửa và rất có uy với những người em của chồng). Ông ngoại chú của tôi đã vác ba lô ra khỏi nhà ngoại tôi. Đến hôm sau thì quay lại, khóc và xin lỗi ngoại tôi vì đã lỡ lời hôm qua. Ngoại tôi tha thứ cho ông ấy. Rồi bà tiếp tục đảm nhiệm vai trò người chị dâu trưởng, cai quản đám em trai “nửa nọ, nửa kia” của chồng và gia đình họ như bà đã từng làm trong mấy chục năm trước đó, và nhận ở họ một tin tưởng và kính trọng cho đến khi bà qua đời.
Câu chuyện của gia đình bên nội và bên ngoại của tôi chỉ là một trong vô vàn hoàn cảnh tương tự ở Việt Nam. Nhưng may mắn là cả bên nội và bên ngoại tôi đều thấu hiểu và vượt qua được, không chỉ vì tình máu mủ mà còn vì sự cảm thông cho hoàn cảnh của mỗi bên và cho sự trầm luân của đất nước. Họ không học hành gì nhiều, chỉ là những người dân quê chất phác, nhưng họ biết nắm tay nhau để vượt qua những cách trở, biết bỏ qua quá khứ để yêu thương nhau, đùm bọc nhau, lúc sinh cũng như lúc tử.
Trong khi đó, những kẻ cầm đầu quốc gia và những kẻ tự coi mình là có học, biết nhân nghĩa, mồm vẫn luôn rêu rao hòa giải, hòa hợp, nhưng lại soi xét lý lịch đến 9 đời để loại bỏ và bách hại người từng hoặc có quan hệ với “phía bên kia”. Thậm chí, họ còn “khai quật” cả những bài hát từ năm nảo năm nào để cấm đoán, chỉ vì ca từ của những bài hát này có dính dáng với “phía bên kia”.
Thật là hẹp hòi, đê tiện, và nếu đem so bọn này với những cô bác chú dì chân lấm tay bùn của tôi, thì bọn họ không xứng là những kẻ xách nước rửa chân cho bà con của tôi.
Thiệt đó.
NGƯỜI NƯỚC HUỆ (@ Phong Bình, Phong Điền, Thừa Thiên Huế)
Nguồn: https://www.facebook.com/anhson.tranduc/posts/10207523392757533