Bú mớm: chuyện một cành hoa đã gãy

Lê Trọng Hiệp

Năm 1932 nhà thơ Tản Đà xuất bản tập “Khối tình con”, trong có bài thơ “Mậu Thìn cảm tác”:

Cuộc thế xoay quanh đất một hòn

Sông chưa cạn đó, núi chưa mòn

Dân hai nhăm triệu ai người lớn?

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con…

Bảy mươi bốn năm sau thì có thơ của cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tỉnh, sau vụ Formosa. Cũng ý tưởng tương tự nhưng đau đớn cay đắng hơn nhiều:

Đất nước mình ngộ quá phải không anh

Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn

Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm…

Đau hơn, cay đắng hơn vì dân số lúc này đã trên 90 triệu, hàng năm vẫn tưởng niệm những chiến thắng “chấn động địa cầu” và thỉnh thoảng thì lại ba hoa “thành tựu 30 năm đổi mới” nhưng đất nước còn gì? Núi thì không chỉ mòn mà còn bị lỡ loét, tan hoang. Sông không chỉ cạn mà còn bị bức tử hàng loạt. Thậm chí cả cả biển cũng bị chết theo luôn còn dân thì vẫn còn bú mớm!

Dân “không chịu lớn” đã đành nhưng còn nhà cầm quyền thì sao, có thoát khỏi thân phận trẻ con?

Để đánh giá chính quyền thì phải nhìn vào người của chính quyền và ở đây chúng ta hãy nhìn vào người đã làm ồn ào dư luận mấy tuần qua: “quan bà” Phạm Thị Minh Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp kiêm Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.

Ngạn ngữ Pháp có câu “Đừng nên đánh một phụ nữ, dẫu chỉ đánh bằng một cành hoa” nhưng oái ăm thay, bà phó án sát xã hội chủ nghĩa này thì bị đánh tơi bời chỉ vì một “cành hoa bị gãy”. Quan bà đã “xin lỗi” câu chuyện đã im ắng hẳn đi thế nhưng ít ai để ý đến cách xin lỗi của người “không chịu lớn”.

Xem ra chuyện quan bà xin lỗi này bà còn quan trọng và đáng bàn hơn cả chuyện quan bà bẻ cành hoa.

Tuy nhiên để hiểu ngọn ngành thì phải đi lại từ đầu. Và để công bằng thì chúng ta cần “lắng nghe những gì quan bà nói”. Nhưng đầu tiên thì phải “nhìn kỹ những gì quan bà làm”.

“Chuyện một cành hoa đã gãy”!

Ngày 4.3.2017 ông Ngô Anh Tuấn bày tỏ trên trang Facebook cá nhân chuyện một phụ nữ sang trọng trong đoàn du lịch bẻ hoa tại Đà Lạt. Đầu tiên bà nhờ mấy nam thanh niên trong đoàn bẻ một vài cành cho mình nhưng họ ngại, thế là quan bà chơi luôn: “Tụi mày không dám bẻ để chị bẻ cho, có ai nói gì đâu!”…

Tác giả kể:

“Đừng bẻ hoa chị ơi, hoa này bẻ về héo liền. Ai mà cũng bẻ hoa như chị thì làm gì còn cái đẹp để mọi người chiêm ngưỡng!… Mình cứ nghĩ nhắc vậy là chị ấy không bẻ nữa nên mình sang chỗ khác chụp ảnh. Lát quay lại thấy chị ấy đã cầm một bó mấy cành hoa mai anh đào trên tay. Mình và bạn quay lại nói thì bà chị này còn chất vấn em là ai mà có quyền nói chị vậy? Em là chủ ở đây à? E cho chị xem giấy tờ. Cậu em (đi cùng) sốt vía vì gặp bà chị ngáo quá, liền bảo: “Em không là gì cả, e nói ngang với chị được không? Em là người yêu Đà Lạt, muốn bảo vệ Đà Lạt. Chị không xứng đáng được cầm những bông hoa này…”. Hai bên nói qua nói lại, bà chị kia vẫn giữ thái độ là như kiểu “mình thích thì mình bẻ thôi” trong khi các thành viên đi cùng đoàn chỉ biết im tiếng không nói một lời”.

Dư luận nóng lên và có người nhận diện: phụ nữ sang trọng này chính là Phó Sở Tư pháp Bình Thuận. Bị chỉ đích danh, cực chẳng đã quan bà mới lên tiếng.

Đầu tiên, trong “buổi giải trình” với cán bộ Sở Tư pháp Bình Thuận, được phóng viên Văn Toàn tường thuật trên VietNamNet ngày 8.3.2017 với nhan đề “Nữ phó GĐ sở cãi bay vụ bẻ hoa, “tố” báo chí quy chụp”, quan bà tuyên bố: “Tôi không hề có lỗi!”

“Có một cành đào sà xuống đất, thấy hoa đẹp quá, tôi ôm lấy chụp hình, thì em tài xế nói là để em bẻ cho chị. Sự thật diễn biến như thế. Mà tôi cũng vô tư lắm, đó là một cành đào nhỏ chứ không phải lớn. Tôi vẫn vô tư cầm chụp ảnh với suy nghĩ rất chủ quan. Sau đó tôi đi về đến đường bê tông thì gặp một tốp thanh niên đi xuống.

Lúc này có 1 thanh niên nói với tôi rằng: Chị ơi, ở đâu mà chị hái hoa đào như thế? Tôi nói, chị ở xa lắm em à, chị rất thích hoa đào… thì người thanh niên sừng cồ lên, nói những câu rất khó nghe.

Thấy tôi cầm hoa đào, người này quy chụp cho tôi là bẻ hoa đào, nói những lời lẽ khó nghe, lúc đó tôi rất nóng, không xử lý được tình huống ngay lúc đó. Tôi có nói: Em làm gì ở đây, em quản lý ở đây hả, em cho chị xem giấy tờ… Lúc đó thanh niên này nói rất to tiếng, còn anh kia cầm máy ảnh chụp.

Chuyện này tôi không đôi co làm gì, quay lưng bỏ ra xe rất nhanh… Diễn biến là như thế, nhưng câu chuyện trên mạng xã hội lại khác. Mạng xã hội nói thiệt với các đồng chí là con dao 2 lưỡi, tôi biết chuyện đó. Một số báo mạng copy nên thông tin nó không đúng diễn biến. Anh em báo chí không thấy tôi bẻ cành mà cứ quy chụp”.

[,]

Một số vấn đề tôi muốn anh em nắm thông tin, sự việc có ồn ào, tuy nhiên nói cho nó rõ ràng là khu vực đó không có biển cấm hái, cấm bẻ, cấm thăm, cấm viếng gì cả. Báo chí cũng muốn quy chụp cho tôi vào cái việc đó rồi nói thế này thế nọ.

Thế thì anh em phải hết sức bình tĩnh đừng suy nghĩ theo hướng tiêu cực. Kể cả một số lãnh đạo nói phải giải trình hay điều tra gì đó, tôi có nói với các đồng chí, đến giờ này các đồng chí lãnh đạo điện cho tôi, cũng động viên tôi thế này thế nọ nhưng chưa bao giờ nói là phải giải trình, hay chỉ đạo điều tra như thế nào hết, bởi đây làm một việc nó hết sức là nhỏ…

Tôi nói lại cho các đồng chí hiểu, chứ không các đồng chí suy nghĩ cấp trên chỉ đạo điều tra thế này thế nọ. Đến giờ này chưa có vi phạm gì hết mà chỉ có là hình ảnh chưa giữ gìn trước công cộng mà thôi…

Sự việc xảy ra trước hết cá nhân tôi cũng bị ảnh hưởng đến uy tín bởi vì một số người xấu lợi dụng chuyện này làm giảm uy tín của tôi, kể cả làm ảnh hưởng đến hình ảnh Sở Tư pháp, tôi cũng thừa nhận chuyện đó và tôi cũng xin lỗi Giám đốc, Phó giám đốc, các bộ công chức của sở vì sự cố đáng tiếc xảy ra…”..

Thế là thế nào? Quan bà không tự thấy hành vi cầm trên tay một cành đào bị bẻ là “chướng mắt”, chỉ thấy sự “khó nghe” trong lời nhắc nhở của người khác.

Người xưa có câu:

Qua điền bất nạp lý

Lý hạ bất chỉnh quan

Tức là khi đi qua ruộng dưa thì không nên cúi người xuống để sửa giày, còn khi đứng gốc cây mận cũng không nên có đưa tay lên sửa mũ: những động tác này có thể sẽ khiến người khác nghi ngờ mình trộm dưa, trộm mận. Còn quan bà thì không chỉ “có động tác sửa mũ hay sửa giày” mà là bị bắt quả tang tại trận, giữa lúc đang ôm trái dưa trên tay hay nhồm nhoàm quả mận trong miệng.

Tuy nhiên bà đã “cãi bay” với cái lý như thế này:

Bà không có lỗi bẻ cành đào, vì đó là “em tài xế” bẻ.

Vả lại nơi đó không có biển cấm.

Sự việc rất nhỏ vì cành đào này rất nhỏ.

Nếu có lỗi thì đó là bà không “giữ gìn” để kẻ xấu lạm dụng làm ảnh hưởng đến Sở Tư pháp.

Các đồng chí lãnh đạo rất thông cảm và bà không bị điều tra.

Cứ chấp nhận đó là sự thật thì chúng ta không thể tin nổi rằng một Đại biểu Quốc hội kiêm Phó Giám đốc Sở tư pháp tỉnh mà lại có thể lập luận ấu trĩ như thế.

Thứ nhất, đành rằng “em tài xế” bẻ đào, nhưng trong đoàn công tác thì bà là người có trọng trách cao nhất, lẽ ra bà phải ngăn cản “em” này từ đầu mới phải!

Thứ hai, nếu rừng đào không có biển cấm, bà tha hồ bẻ thì khi đến Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận, du khách có thể tha hồ đại tiện và tiểu tiện vì ở đây đâu có trưng tấm biển “Cấm đại tiện” hay “Cấm tiểu tiện” được hay sao? (Thực tế có nhiều biển cấm bẻ hoa anh đào)?

Thứ ba, cành đào có nhỏ thì vẫn là cành đào (nhưng những hình chụp cho thấy nó không hề nhỏ). Quan bà là Phó Sở Tư pháp, vậy thì luật có quy định cành đào nhỏ bao nhiêu thì tha hồ bẻ?

Thứ tư, hãy tưởng tượng cảnh một tên sát nhân ra tòa, y không hề ăn năn chuyện mình tước đoạt mạng sống nạn nhân, chỉ băn khoăn việc khiến gia đình mình mang tai tiếng!

Thứ năm là cái tư tưởng dẫm lên luật pháp: tôi sai hay đúng không cần biết, các đồng chí lãnh đạo thông cảm là được!

Tuy nhiên chỉ mấy ngày sau thì bà xuống nước hẳn.

Chuyện một lời xin lỗi

Ngày11.3.2017 báo Đất Việt đăng bản tin “Vụ bẻ hoa Đà Lạt: Nữ Phó GĐ Sở xin tha thứ” của phóng viên Hoàng Hà:

“Chiều 11/3, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận, đã gửi thư xin lỗi theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận”.

Xin lỗi theo chỉ đạo”, nghe chẳng khác gì trẻ con học mẫu giáo, sai thì bắt khoanh tay: “Con xin lỗi ba”, “Con xin lỗi mẹ”, “Con xin lỗi cô”!

Một Đại biểu Quốc hội kiêm phó giám đốc sở tư pháp mà hành xử như một đứa trẻ hãy còn “bú mớm”, đầu tiên thì cãi chày cãi cối, sau bị bắt ép thì mới chịu xin lỗi!

Hành động xin lỗi chỉ có ý nghĩa khi nó xuất phát từ tận đáy lòng, người xin thực sự thấy mình có lỗi, thực sự ân hận, hoàn toàn tự nguyện tự giác. Chỉ các em học sinh nhỏ, như các em lớp mẫu giáo hay lớp Một, lớp Hai v.v… Vì các em chưa biết phân biệt rõ đúng sai và điều cần thiết là chúng ta phải giáo huấn từ đầu: thấy các em làm gì sai, chúng ta “chỉ đạo” các em nói lời xin lỗi, âu cũng là một cách học để làm người.

Như đã nói, để công bằng thì chúng ta cần phải “nghe thật kỹ” những gì bà nói.

Đây là lời bà: “Tôi xin thừa nhận mình đã sai trong sự việc này và rất lấy làm tiếc đã gây ra dư luận không tốt trong những ngày qua, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến tập thể cơ quan, địa phương tỉnh nhà… Đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc về thái độ ứng xử trong cuộc đời tôi, xin thành thật xin lỗi và mong tất cả mọi người tha thứ, bỏ qua. Trong thời gian tới, tôi sẽ chú ý rèn luyện, thận trọng hơn trong văn hóa ứng xử, lời ăn tiếng nói của mình”.

Càng giải thích, quan bà càng tự hạ thấp phẩm giá của mình!

Là người nắm giữ trọng trách không thể nói tầm thường của một tỉnh, mà là một ngành đòi hỏi phải có căn bản học vấn (tư pháp), người dân có quyền kỳ vọng ở quan bà một sự hiểu biết tối thiểu.

Có làm sai điều gì chúng ta mới xin lỗi, và khi cất lời xin lỗi chúng ta phải nhấn mạnh đến trọng tâm của cái sai mà mình gây ra.

Việc làm của quan bà ngụ ý gì?

Thứ nhất, đó là một hành vi vị kỷ, xem thường tài sản chung của cộng đồng, xã hội.

Thứ hai, đó là hành vi phá hoại môi trường.

Thứ ba, đó là một hành vi vô văn hóa, chà đạp lên những giá trị thẩm mỹ!

Nếu việc làm của bà sai một thì cách xin lỗi của bà sai đến hai, đến ba!

Bà xin lỗi theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Và bà xin lỗi vì “đã gây ra dư luận không tốt, vì làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, đồng thời gây ảnh hưởng đến cơ quan, địa phương tỉnh nhà…”

Giả sử câu chuyện trên bị chìm xuồng, chẳng ai biết, tập thể cơ quan, địa phương tỉnh nhà hoàn toàn không bị kêu réo, nhành hòa trên đã bi vứt vào thùng rác của gia đình, chắc chắn “lương tâm” của bà hoàn toàn thanh thản?

Bà bày tỏ:

Tôi rất chân thành khi nói lên điều này và một lần nữa thông qua các cơ quan báo chí cho tôi được gửi lời xin lỗi đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các cơ quan báo chí, đến tập thể cơ quan, đến toàn thể mọi người, đặc biệt là nhóm thanh niên đã nói chuyện, chụp hình tôi và rất mong mọi người hiểu, thông cảm, bỏ qua cho tôi”.

Vậy thì còn những người dân Đà Lạt nói riêng và người yêu Đà Lạt nói chung thì sao?

Nếu đặt đúng trọng tâm vào hành vi của mình, bà nghị phó phải xin lỗi những người này trước và chỉ xin lỗi họ mà thôi. Riêng “giới lãnh đạo tỉnh” thì đó là chuyện riêng, cứ đóng cửa dạy nhau.

Cám ơn và xin lỗi

Làm người chúng ta có hai lời phải nói và thường nghe là “xin lỗi” và “cám ơn”.

Khi chúng ta làm một việc được gọi là “tốt” cho ai đó, chúng ta sẽ được nhận lời ám ơn.

Nhưng tại sao chúng ta làm việc “tốt”?

Khi chúng ta tham gia những hoạt động từ thiện như giúp đỡ các nạn nhân thiên tai, người có hoàn cảnh thương tâm hay tham gia việc công ích như dọn dẹp vệ sinh để bảo vệ môi trường, đó là chúng ta làm những chuyện đáng làm và nên làm. Chúng ta làm là để chung tay tạo lập một xã hội “đáng sống” hơn và, bù lại chúng ta cũng có một phần thưởng về tinh thần, cảm thấy mình thực sự là một thành viên gắn bó của xã hội và cộng đồng!

Nhưng nếu chúng ta chăm chăm làm việc “tốt” với ý nghĩ là sẽ được “cám ơn” thì đó là chúng ta đang đầu tư hay đầu cơ.

Khi chúng ta làm từ thiện chỉ với ý nghĩ để lập công báo “ơn trên” nhằm sau này kiếm tấm vé lên thiên đàng, ấy là chúng ta dùng kiếp này để đầu tư cho… kiếp sau.

Khi một chính trị gia hay thương gia lăng xăng với những sinh hoạt công ích với ý đồ hốt phiếu khi ra ứng cử hay thu hút khách hàng cho công ty của mình, họ đang đầu tư cho sự nghiệp chính trị hay kinh doanh của họ…

Khi những ca sĩ hay người mẫu lăng xăng chụp cảnh giúp đỡ người nghèo hay nạn nhân bão lụt để chụp ảnh đăng báo hay đăng Facebook, họ đã đầu cơ hoàn cảnh khốn khó của người khác để đánh bóng bản thân.

Nói tóm lại, đó là một sự đầu cơ hay đầu tư mà lợi nhuận là lời cám ơn qua tấm vé lên thiên đàng, qua lá phiếu mang lại lợi danh hay quyết định mua hàng của giới tiêu thụ,

Còn lời xin lỗi?

Như đã nói ở trên, hành động xin lỗi chỉ có ý nghĩa khi nó xuất phát từ tận đáy lòng. Tuy nhiên cũng có trường hợp người ta xin lỗi như một phản ứng nhạy bén để giải tỏa một tình huống bất lợi, đó là trường hợp của các chính trị gia hay thương gia cáo già khi lỡ gây tai tiếng. Những người này có thể không thành tâm tự đáy lòng nhưng cái chính là họ biết mình gây ra lỗi lầm và phải “chữa cháy” ngay lập tức.

Còn bà phó án sát xã hội chủ nghĩa nói trên thì khác. Bà xin lỗi nhưng “xin” những “lỗi” đâu đâu, không dính dáng gì đên việc làm đã khiến dư luận phẫn nộ.

Quan bà “xin lỗi” không phải vì thấy mình làm sai, chỉ đơn giản là bị “chỉ đạo” phải làm!

Còn những kẻ chỉ đạo bà phải xin lỗi thì chẳng qua là để “chữa cháy”, để giải quyết một tình thế bất lợi, kéo dài không tiện và không chừng còn dẫn đến tình trạng rút dây động rừng!

Đây không phải là lối hành xử của cá nhân bà phó án sát xã hội chủ nghĩa mà hầu như là của cả cái hệ thống chính trị mệnh danh “xã hội chủ nghĩa” ấy.

Không nói gì những chuyện xa vời từ những thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước với vô số chính sách sai lầm và những vụ án đầy oan khuất, chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, chính quyền chưa bao giờ lên tiếng xin lỗi nhân dân vì những hệ lụy kinh hoàng từ các dự án thủy điện hay khai thác khoáng sản.

Điều này chẳng có gì khó hiểu. Xin lỗi về những sai lầm trong chính sách thủy điện, trong chính sách khoáng sản (như bauxit) thì có khác gì thừa nhận rằng mình ngu? Xin lỗi về những chính sách sai lầm trong các thập niên 50, 60 và 70 thì có khác gì xác nhận rằng chọn lựa chính trị mà nó bô bô là tối ưu cho đất nước chỉ là một chọn lựa sai lầm.

Bây giờ, câu chuyện của bà gợi nhắc một màn pha trò của cố nghệ sĩ hài Tùng Lâm, sau khi một kép hát xúc phạm mình rồi ngỏ lời “xin lỗi”: “Mày có lỗi thì giữ lấy mà xài, tao có lỗi đâu mà cho, cứ theo xin hoài!”

Phải chăng là chính quyền thừa biết điều này nên không bao giờ xin lỗi?

L.T.H.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.