Nghĩ về “Đề án trẻ hóa đội ngũ cán bộ” của nhà cầm quyền Đà Nẵng

Thiện Tùng

An Nguyên có bài Đà Nẵng động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu trước tuổi, nhường vị trí cho cán bộ trẻ”. Bài nầy được đăng trên Giáo Dục Việt Nam (GDVN) hôm 15/2/2017*. An Nguyên chỉ trích dẫn có lớp lang mang tính chất thông tin đơn thuần, không hề bình luận.

Bí thư Thành ủy Đà Nẳng Nguyễn Xuân Anh vừa ký duyệt Đề án mang số 6575/QĐTU: “Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh thuộc diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo” .

clip_image002

clip_image004

Nguyễn Xuân Anh BT Đà Nẵng Trung tâm Hành chính Đà Nẵng

Đề án trẻ hóa đội ngũ cán bộ của Thành ủy Đà Nẵng nghe qua có vẻ cấp tiến, nhưng phần lý giải và phương pháp tiến hành có gì đó không ổn. Người viết xin trích dẫn, phân tích một số đoạn thuộc bản chất của đề án nầy theo cảm nhận chủ quan (chữ nghiêng là trích):

“Cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn thấp nên có chính sách động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu trước tuổi, nhường vị trí cho cán bộ trẻ”. Có câuGừng càng già càng cay”. Các nước, đối với quan chức, người ta không quan tâm mấy về tuổi tác, chú trọng tài đức, ai không làm tốt trách nhiệm thì bị cách chức, không phân biệt tuổi tác. Còn Việt Nam ta dường như ngược lại, xem nhẹ về tài đức mà cứ chăm bẩm vào tuổi tác, có động cơ gì trong việc nầy không? Động viên cán bộ nghỉ hưu trước tuổi quy định, nhường vị trí cho cán bộ trẻ có phải là để giảm biên chế, đỡ hao tốn? Người viết cho là không phải, chỉ thêm phí phạm: ngoài lãng phí chất xám, ngân sách phải trả lương hơn gấp đôi – cho người về hưu và người kế nhiệm. Hơn nữa, theo chính sách hiện hành, phải trả tiền bù cho người về hưu những năm tháng họ nghỉ trước tuổi. Nếu không có động cơ gì khác, thay vì giữ họ tại vị để trao đổi qua lại giữa sắp đi/đến có hơn không? Khi hết hạn tuổi họ tự cáo quan, hồi quê có vui vẻ hơn không?

“Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố (Đà Nẳng) phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, với tổng số 27.692 người”. TP Đà Nẳng chỉ có 1,047 triệu dân gồm cả nam phụ lão ấu và bộ máy cầm quyền (tính thời điểm 2015) mà cán bộ, công viên chức có đến 27.692 người – Tính quân bình tỷ lệ 1 cán bộ công chức cai quản chỉ non 40 dân (1/40), đó là chưa tính Quân đội, Công an. Thử hỏi, việc gì mà cần nhiều đến thế? Phải chăng do quan chức chia nhau cơ cấu con em, thân bằng quyến thuộc mình vào đây ngồi chơi xơi nước, bắt dân đóng thuế nuôi?

“Một số cán bộ trẻ thiếu rèn luyện hoặc tự mãn, ỷ lại khi được quy hoạch”. Chúng là con cháu… những ai? Ai quy hoạch, cơ cấu chúng vào ghế quan? Nếu không phải con em quan chức quyền uy thì tại sao chúng dám lười biếng không rèn luyện, tự mãn, ỷ lại như thế? Tiện đây người viết xin kể chuyện thật như đùa để cùng gẫm xem nên cười hay mếu:

Thời chiến, ông Hai Lý, trưởng Ban Tuyên Huấn tỉnh An Giang, có người con học trường Bổ túc Công Nông. Hắn ta lười học, mê chơi, bè bạn nhắc: “Mầy không rán học để sau nầy kế nghiệp bác Hai”. Nó nói tỉnh queo: “Cha tao làm Tỉnh ủy, tao không học nữa cũng làm Tỉnh ủy”.

“Công tác phát triển cán bộ trẻ được đầu tư đến cấp cơ sở. Trong nhiệm kỳ, mỗi cấp ủy viên phải tiến cử ít nhất một cán bộ để đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Lãnh đạo các cơ quan tiến hành tiến cử cán bộ, đồng thời chọn lựa bổ sung cán bộ thay thế”. Không “bật đèn”mà nhiều nơi còn kéo con cái, dòng tộc của mình vào bộ máy công quyền gây biết bao tai họa, Đà Nẵng “bật đèn” chắc rồi đây không có cái tệ nào hơn?!

Nếu ai hỏi tôi có ngạc nhiên về “đề án trẻ hóa cán bộ” của Đà Nẵng không? Tôi sẽ trả lời không. Bởi vì đó chỉ là cái cớ của việc mua quan bán chức, cái cớ để tiến cử thái tử đỏ…, cả nước đã và đang làm. Sở dĩ Đà Nẵng vội vàng hơn cả vì, vừa qua, thành phố “Đáng sống” nầy đã sơ hở, để “kẻ xấu” chui vào nội bộ “vạch lá tìm sâu”, tố tụng đủ điều, gây bất an cho việc “ổn định để phát triển”. Vì lẽ đó, lãnh đạo Thành ủy, theo nghị quyết Hội nghị TW 4 khóa 12, sớm “trong sạch hóa nội bộ” bằng cách cơ cấu sao cho tiền nhiệm, đương nhiệm và hậu duệ cùng dòng tộc với nhau để tránh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, không để “kẻ xấu” lọt vào cơ quan công quyền – chỉ thế thôi.

Nếu ai hỏi tôi: Đà Nẵng chủ trương như thế sao chưa thấy TW ngăn chặn? Tôi sẽ trả lời: Từ lâu TW Đảng cũng làm thế: Công đoạn 1, Ban Tổ chức Đảng cơ cấu nhân sự cho cả cơ chế chính trị – Đảng, Chính quyền, Đoàn thể, thông qua Bộ Chính trị chuẩn y. Công đoạn 2, Quốc hội, Mặt trận, Đoàn thể và Cử tri chỉ hà hơi tiếp sức cho “ngon cơm, ngọt canh”. Trung ương đã làm vậy thì Địa phương, Cơ sở cũng phải sao nguyên mẫu. Có lẽ Đà Nẵng đang thí điểm, đi trước một bước, cơ cấu nhân sự thoáng hơn, không gò bó ở Ban Tổ chức, mà cho phép cá nhân lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể được quyền chọn người đào luyện và tiến cử thay mình.

Nếu ai hỏi tôi: Tại sao “Đảng ta” chọn nhân sự cầm quyền theo “chủ nghĩa lý lịch” như thế? “Đày tớ” (Đảng) áp quyền như thế, vai trò “Chủ” (Dân) như thế nào? Tôi sẽ trả lời: “Đảng ta” luôn xem mình là “phạm trù vĩnh viễn”, luôn xưng tụng “Đảng CSVN quang vinh muôn năm”. Trong chúng ta, ít nhất một lần, nghe giới cầm quyền rao giảng: “Đảng CSVN lãnh đạo là làm sứ mạng lịch sử được nhân dân giao phó” – coi như Thiên phú (Trời ban), có đúng vậy không chưa được kiểm chứng. Còn vai trò Chủ (Dân) ở đâu? Đã là chủ thì phải thủ vai Hậu cần: một là phải cung cấp người để xây dựng lực lượng Quân đội, Công an; hai là phải cung cấp đủ tiền (qua con đường thuế) để nuôi chúng nó và bộ máy cai trị. Việc ai nấy làm trong trật tự để “phát triển đất nước”, đừng nghe “thế lực thù địch” xúi giục đi khiếu kiện hay biểu tình sẽ ăn đòn. Nói cho mà biết, nhà cầm quyền đang quản lý xã hội dựa vào hệ quả, theo tỷ lệ thuận: Gây mất ổn định buộc phải tăng quân, tăng quân buộc phải tăng thuế.

Nếu ai hỏi: Xây dựng bộ máy cầm quyền theo kiểu “cha truyền con nối” như ở nước ta lợi hại thế nào? Tôi sẽ trả lời: Chỉ có hại và hại hơn bất kỳ. Bởi vì chế độ Phong kiến chỉ có một ông vua, nếu vua có vợ đôi vợ ba, sinh ra nhiều lắm cũng vài chục thái tử và công chúa là cùng, có tranh giành quyền lợi cũng bị giới hạn trong tình anh em, cùng một đầu cha, chung họ? Còn dưới chế độ Độc tài Đảng trị như ở nước ta, không phải chỉ có một ông vua – vua tập thể, vua ở mỗi cấp mỗi ngành – vua của vua, chỉ nói mỗi vua một vợ hoặc một chồng thôi thì thái/công đỏ xuất hiện hàng hà sa số. Gom chúng vào “một chuồng”, không cắn xé nhau giành ghế, giành ăn đó mới là chuyện lạ – thực tại đã chứng minh điều đó.

Hiện nay “Đảng ta” vẫn cố bám cơ cấu nhân sự theo kiểu “Cha truyền con nối”, “Đảng chọn, Dân bầu” thì Lượm ơi, đừng mong gì có sự thay đổi về thể chế chính trị. Gần đây, người ta hô hào “tiếp tục đổi mới”, có chăng chỉ đổi mới kinh tế theo kiểu cắt bớt cái đuôi định hướng XHCN.

Chính trường Việt Nam thuộc truyện dài nhiều tâp. Mời đọc giả tham khảo ý kiến của ông Vũ Mão phát ra nhân đề án 6575/QĐTU của Đà Nẵng ra đời.

clip_image006

Ông Vũ Mão: Chăm bẵm quá với cán bộ trẻ, dễ sinh ra đặc quyền đặc lợi.

Ông Vũ Mão nói: Còn nhiều sơ hở để cán bộ lộng quyền dẫn đến tham nhũng nghiêm trọng. Với cán bộ trẻ, chăm bẵm quá dễ sinh ra đặc quyền, đặc lợi! Hai lần Thủ Tướng chỉ đạo, Thanh Hóa vẫn giữ nguyên 8 Phó, kiến nghị lập thêm Sở. Ông Trịnh Xuân Thanh bị khai trừ Đảng, nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì sao? (GDVN).

28/3/2017

T.T.

* http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Da-Nang-dong-vien-can-bo-lon-tuoi-nghi-huu-truoc-tuoi-nhuong-cho-can-bo-tre-post174418.gd

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.