Sắp tới ngày 06/4, tức một năm sau sự cố Formosa xả thải gây ra việc hủy hoại môi trường biển Việt Nam, làm hàng loạt cá tôm chết dọc bờ biển miền Trung và các tỉnh lân cận. Đến ngày hôm nay, chúng ta có thể có một đánh giá, một cái nhìn toàn diện về sự kiện này. Chúng ta không biết được, tương lai của đất nước, của dân tộc sẽ có mối liên hệ nào với sự kiện này, nhưng sự kiện này đã cho thấy nó là một bước ngoặt của Việt Nam trên nhiều phương diện.
1. Tại sao nói Formosa là bước ngoặt của đất nước
Trước hết, sự cố Formosa đã tạo ra một sự hủy hoại môi trường ở mức độ khủng khiếp. Những kết luận có tính chính thống về phân tích độc tố nước biển chưa được chính thức công bố trung thực nhưng chỉ nhìn vào hậu quả toàn bộ dải bờ biển miền Trung cá tôm, hải sản chết hàng loạt trắng bãi biển, chúng ta cũng có thể kết luận được nồng độ và tính chất những chất độc mà công ty Formosa thải ra. Gần đây dải nước biển màu đỏ xuất hiện kéo dài các tỉnh miền Trung cũng chứng tỏ lượng độc tố xả ra là vô cùng lớn. Môi trường nước biển có khả năng hòa tan các tạp chất rất lớn, thậm chí độc chất nhưng cuối cùng cũng tác động được vào hệ sinh thái làm cá tôm chết hàng loạt như vậy chứng tỏ lượng độc tố mạnh và vô cùng lớn đã được xả ra biển.
Người dân các tỉnh miền Trung bị dồn tới đường cùng sau sự cố Formosa. Toàn bộ dải đất miền Trung, nơi đất nước bị thu hẹp và khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi trùng điệp không có ngành nghề kinh tế nào được gọi là thế mạnh ngoài đánh bắt hải sản và du lịch. Có thể nói, đó là hai ngành nghề cứu cánh của toàn bộ khu vực miền Trung. Vậy mà ngày nay, với nước biển bị ô nhiễm nặng nề, cá tôm chết hàng loạt, cả hai ngành nghề đều rơi vào khủng hoảng nặng nề. Bởi vì hai ngành này là mũi nhọn kinh tế của khu vực, liên quan rất nhiều tới các ngành nghề khác, nên khi hai ngành khủng hoảng, thì hầu như toàn bộ kinh tế khu vực bị khủng hoảng theo. Người ngư dân, chỉ biết nghề chài lưới, nay không còn cá tôm để đánh bắt, chuyển đổi nghề nghiệp không được thực sự rơi vào bước đường cùng. Trong tình thế như vậy, họ lại được chứng kiến những cảnh bất công, ngang trái trong việc phân chia chút tiền đền bù, việc nhà cầm quyền đàn áp người dân nộp đơn khiếu kiện Formosa, cảnh đàn áp những người lên tiếng cho môi trường biển Việt Nam thì việc người dân cùng đường đứng lên đòi quyền lợi cho bản thân, phản đối và yêu cầu đóng cửa Formosa là việc đương nhiên. Vấn đề chỉ là thời gian để hậu quả vụ việc tác động tới người dân đủ để bùng lên tinh thần phản kháng nữa mà thôi.
Một yếu tố quan trọng, đó là ứng xử của nhà cầm quyền Việt Nam đối với toàn bộ vụ việc Formosa. Có thể nói, bước ngoặt lớn nhất, quan trọng nhất chính là sự bưng bít, bao che và bênh vực cho Formosa bất chấp mọi hậu quả đối với môi trường biển và đời sống người dân của nhà cầm quyền Việt Nam. Ngược ngạo hơn nữa là sự đàn áp người dân các tỉnh miền Trung và cả nước lên tiếng về vấn đề môi trường, về Formosa. Chính từ thái độ này, người dân đã thực sự thức tỉnh, đã thực sự hiểu rõ bản chất của chế độ cộng sản và nhà cầm quyền. Không hiểu sao được khi người dân chỉ đi gửi đơn kiện Formosa mà Nhà nước đã huy động cảnh sát tới đàn áp, đánh đập dã man những người dân này. Những người biểu tình, lên tiếng về sự kiện Formosa ở Hà Nội, Sài Gòn và cả nước đều bị bắt bớ, đánh đập và đàn áp. Có lẽ những chiếc mặt nạ cuối cùng của nhà cầm quyền cộng sản Việt nam đã rơi nốt, rơi hết qua vụ việc Formosa này.
Trong toàn bộ sự cố Formosa vừa qua, chúng ta cần hiểu rõ một điều. Sự cố này, và cách ứng xử của nhà cầm quyền Việt Nam không phải là điều gì xa lạ, mới mẻ. Tất cả các dự án trên đất nước này đều là Formosa với quy mô nhỏ hơn mà thôi. Điều đó có nghĩa là, các doanh nghiệp đầu tư bất chấp môi trường, chỉ cần đút lót cho quan chức, nhà cầm quyền các cấp là đều được cấp phép hoạt động, xả thải ra môi trường, không cần quan tâm môi trường. Các con sông Nhuệ, sông Đáy,…và một số con sông trên cả nước đã trở thành các con sông chết do ô nhiễm môi trường của các nhà máy xí nghiệp. Formosa chỉ trở thành điểm nóng, bước ngoặt khi tác hại môi trường của nó quá khủng khiếp, ảnh hưởng nặng nề lên đời sống người dân một khu vực rộng lớn. Chính vì vậy, sự cố formosa đã làm nảy sinh hai vấn đề có tính quy luật.
– Người dân bị dồn đến đường cùng bắt buộc phải vùng dậy. Cần nhìn nhận việc này dưới hai góc độ. Thứ nhất, người dân bị mất kế sinh nhai, không còn công việc và thu nhập trong hoàn cảnh nền kinh tế tan hoang khó chuyển đổi nghề nghiệp, cũng như tạo ra thu nhập mới. Thứ hai, cách ứng xử của nhà cầm quyền qua sự cố Formosa khiến cho họ thấy, người dân bị bỏ mặc và không có quyền sống, quyền con người. Nếu họ không vùng lên, cũng không thể sống nổi.
– Cơ hội để các lực lượng tiến bộ, dân chủ dồn ép nhà cầm quyền phải nhượng bộ, trước hết là bồi thường thỏa đáng thiệt hại cho nhân dân, làm trong sạch môi trường biển. Trên cơ sở đó đòi hỏi các quyền con người, quyền sống, quyền môi trường trong sạch cho người dân. Chúng ta cũng nên hiểu rằng, đây là những đòi hỏi chính đáng, đúng pháp luật và công ước quốc tế về quyền con người. Nhưng đối với nhà cầm quyền độc tài cộng sản, điều đó đồng nghĩa với việc gây rối, bạo loạn và kích động lật đổ. Chúng ta không lạ gì và hoàn toàn không sợ luận điểm chụp mũ này của nhà cầm quyền, bởi vì tất cả hành xử của họ hoàn toàn bất chấp yêu cầu, nguyện vọng cũng như quyền sống, quyền con người của nhân dân…
2. Phương án đối phó của nhà cầm quyền Việt Nam
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có lẽ cũng không tiên liệu được sự cố Formosa này. Tức là không ngờ mức độ xả thải của nhà máy thép lớn có thể hủy hoại môi trường biển lớn đến như vậy. Quán tính và cách thức trong vụ việc cấp phép cho Formosa cũng giống như tất cả các vụ việc cấp phép lớn khác trước đây. Có nghĩa là, việc cấp phép các dự án lớn đều có sự can thiệp của chính trị, tức là cán bộ cao cấp và lợi ích nhóm. Khi đã bảo đảm về mặt chính trị và lợi ích nhóm thì toàn bộ thủ tục được thông qua nhanh chóng. Chính vì dự án lớn, được quyết định từ cấp cao nhất, mà các cấp thấp hơn như bộ, sở không có lợi ích gì (hoặc không đáng kể) nên những cấp này cũng không cần tìm hiểu, xem xét kỹ làm gì mà chỉ ký các giấy tờ hợp thức hóa các giấy phép hoạt động. Chúng ta biết được điều này vì khi sự cố xảy ra, hầu như không một cơ quan chức năng nào của bộ, của sở, của phòng về môi trường biết được gì về dự án này. Bộ đổ cho sở, sở đổ cho bộ trách nhiệm hoàn toàn không rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, phía công ty Formosa đã thông qua và làm đầy đủ các giấy tờ có tính chất thủ tục cần thiết. Có lẽ, chính nhờ các thủ tục này là một phần lý do phía Việt Nam đã không thể xử lý Formosa trong việc vi phạm các tiêu chuẩn về môi trường.
Khi sự cố xảy ra, nhà cầm quyền Việt nam đã không thật tâm giải quyết theo hướng khắc phục hậu quả môi trường, đền bù thỏa đáng cho người dân mà chỉ có thể ép doanh nghiệp Formosa làm vài động tác tâm lý. Đồng thời chỉ tuyên bố xử phạt tượng trưng công ty Formosa 500 triệu đô la để đền bù thiệt hại cho ngư dân. Nhưng thực chất, số tiền đó là số tiền sẽ được miễn giảm thuế cho Formosa trong các năm tiếp theo. Như vậy, việc xử lý Formosa chỉ là để đối phó với dư luận, còn thực chất nhà cầm quyền Việt nam đã quay lưng lại với nguyện vọng của người dân. Việc cho cảnh sát bảo vệ Formosa và đàn áp những người nộp đơn kiện Formosa, đàn áp người biểu tình vì môi trường, đòi đóng cửa Formosa cũng chứng tỏ quyết tâm của nhà cầm quyền đi ngược lại lợi ích của dân chúng.
Khi đã xác định đi ngược lại nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, nhà cầm quyền Việt Nam cũng biết rằng, với sự tàn phá khủng khiếp môi trường biển, ngư dân, người dân các tỉnh miền Trung đã bị dồn vào đường cùng. Họ cũng biết rằng, các lực lượng tiến bộ của xã hội, phong trào dân chủ cũng sẽ không bỏ qua việc này mà sẽ động viên, ủng hộ người dân miền Trung, ủng hộ những người lên tiếng, xuống đường yêu cầu môi trường sạch, đóng cửa Formosa để tạo áp lực giải quyết vụ việc và có thể đi xa hơn nữa đòi quyền sống, quyền con người. Chính vì vậy, nhà cầm quyền Việt nam cũng xác định, đây là cuộc quyết chiến, chống đỡ đến cùng, ngăn chặn đến cùng yêu cầu chính đáng của người dân. Nếu phía dân chủ có người xác định, vụ việc Formosa là tử huyệt của chế độ thì phía nhà cầm quyền cũng xác định sẽ dùng hết khả năng để hóa giải việc này. Họ đã thực hiện việc này bằng các chiến lược sau:
Thứ nhất, tấn công vào các tổ chức xã hội dân sự (XHDS), không xóa sổ mà chỉ tiêu diệt khả năng làm việc chung của các hội nhóm. Lý do tấn công vào các tổ chức XHDS khá giản dị. Các tổ chức này có khả năng liên kết lại với nhau, có khả năng thâm nhập vào dân chúng và hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ. Trong thực tế cũng đã có những việc như vậy ở quy mô nhỏ. Vì vậy, tấn công vào các tổ chức XHDS chính là ngăn chặn khả năng kết nối giữa các tổ chức và kết nối với người dân. Cách làm của an ninh cũng rất thâm hiểm, họ không xóa sổ các tổ chức XHDS mà chỉ tiêu diệt khả năng làm việc chung của các hội nhóm. Các hội nhóm vẫn còn tồn tại, hoạt động dựa trên hoạt động của cá nhân, chứ không còn là sự kết hợp làm việc chung nữa. Điều này vừa không mang tiếng xóa bỏ các tổ chức XHDS vừa vô hiệu hóa sức mạnh thực sự của các hội nhóm, đó là khả năng làm việc chung. Chúng ta có thể thấy, một số hội nhóm có mâu thuẫn, chia tách hoặc nhiều người ly khai, bất hợp tác. Đồng thời, việc ngăn chặn, phá hoại các buổi đá bóng giao lưu của nhóm FC-NOU là một ví dụ điển hình. Phải nói rằng, với sự giúp sức của lực lượng dân chủ cuội cài cắm, khống chế được, nhà cầm quyền đã tương đối thành công trong chiến lược này.
Thứ hai, gây mâu thuẫn, chia rẽ trầm trọng trong phong trào dân chủ bằng việc huy động tối đa lực lượng dân chủ cài cắm, khống chế và mua chuộc được trong tất cả các vấn đề. Trước khi đi vào phân tích vấn đề này, tôi xin lỗi những người đấu tranh dân chủ thực sự, nhưng vì một lý do nào đó, có mặt trong các cuộc tranh luận, tranh cãi vì những điều quý vị cho là rất quan trọng, cần bảo vệ quan điểm của mình. Chúng ta thấy rằng, trong vòng hơn nửa năm trở lại đây, có rất nhiều vấn đề tranh luận gay gắt, tranh cãi, thậm chí chửi bới, từ mặt nhau của những người đấu tranh. Có những cuộc cãi vã nảy lửa, lan rộng như một cuộc chiến trên mạng xã hội Facebooks. Càng ngày những cuộc cãi vã càng dày hơn, và về những việc rất không đáng xảy ra. Đi vào nghiên cứu các cuộc tranh cãi thời gian vừa qua, một cách khách quan và cầu thị, chúng ta thấy có những lý do sau:
– Vấn đề thực tiễn rất phức tạp, trong khi phần lớn không đủ kiến thức và nhất là phương pháp luận để tìm hiểu, nghiên cứu thực tế. Có một số hiểu được về lý thuyết nhưng lại không gắn được với thực tế của xã hội cộng sản, và nhất là không gắn được với bối cảnh cuộc đấu tranh của phong trào dân chủ với chế độ cộng sản. Nhiều vấn đề, mới nghe qua, hoặc áp dụng trong xã hội khác thì rất đúng, nhưng bối cảnh Việt Nam lại chưa chắc đúng cũng như có vấn đề nhìn ở một vài khía cạnh thì đúng, nhìn tổng thể lại chưa đúng hoặc không đúng…
– Văn hóa tranh luận chúng ta chưa có và không chịu học hỏi. Nhận thức khác nhau, nhận thức sai là chuyện bình thường. Việc tranh luận là bình thường, và có lợi mà không gây ra mâu thuẫn, chia rẽ nếu những người tham gia hiểu, có văn hóa trong tranh luận. Nhưng xã hội cộng sản từ xưa tới nay chưa có không gian và tập quán, thói quen tranh luận. Vậy nên tất cả đều không biết điểm dừng, không biết tôn trọng sự khác biệt trong quan điểm của người khác. Chính vì vậy mà cứ tranh luận là dẫn tới tranh cãi và chửi bới, xúc phạm nhau và mâu thuẫn nặng nề.
– Cái tôi của người đấu tranh quá lớn. Có thể nói rằng, những người đấu tranh phần lớn là những người có tính cách mạnh mẽ, một số cá tính mạnh. Điều này rất tốt trong việc đương đầu với nhà cầm quyền, đương đầu với thử thách và sự đàn áp. Nhưng mặt trái của việc này là những cái tôi quá lớn. Nhưng cái tôi quá lớn này, lại dựa trên một nhận thức chưa chuẩn về công cuộc đấu tranh của họ. Họ quan niệm, việc đấu tranh của họ là vì người khác, cho người khác và giúp người khác. Quan niệm như vậy không sai nhưng chưa chuẩn xác. Việc đấu tranh trước hết là cho mình, vì mình, là việc giải phóng bản thân mình khỏi những nỗi sợ hãi, khỏi những lối mòn trong tư duy và tập tục. Khi tham gia đấu tranh cũng là lúc họ được tự do, nói những điều mình nghĩ, làm những gì mình cho là đúng, tức là tự giải phóng bản thân. Như vậy, việc đấu tranh trước hết là cho mình, vì mình, sau mới là cho người khác, cho tha nhân. Nếu nhận thức được như vậy, thì người đấu tranh sẽ khiêm tốn, không kiêu ngạo, không đòi hỏi và không đặt nặng cái tôi của mình như hiện nay.
– Bao trùm lên tất cả là một chiến lược của an ninh gây mâu thuẫn chia rẽ trong phong trào dân chủ. Có thể nói, dù có những hạn chế nêu trên, nhưng người đấu tranh nào cũng ít nhiều nhận thức được những tai hại của các cuộc tranh cãi, cũng biết được những người đang tranh luận cùng chiến tuyến với họ. Họ cũng biết được rằng, những điều họ nói ra có thể gây đau đớn cho đối phương… nhưng cuối cùng sự việc vẫn xảy ra. Chúng ta không thể biết, không thể nói và không thể chỉ ra được ai là người làm việc cho an ninh, ai là dân chủ cuội trong những tranh cãi bất tận đó. Những ai quy chụp người này, người khác là an ninh, làm việc cho an ninh mà không đưa ra được bằng chứng thuyết phục lại là một đề tài tranh cãi gây mâu thuẫn tiếp theo. Có thể nói, vòng tròn này vẫn tiếp tục quay chưa biết khi nào dừng lại. Mục đích của an ninh trong việc này là làm cho những người đấu tranh, những người quan tâm đến phong trào dân chủ chán nản, đồng thời để những người trong phong trào dân chủ khó hợp tác, kết hợp trong những công việc chung…
Thứ ba, tập trung mũi nhọn vào Công giáo, lực lượng lớn có tổ chức và quan tâm tới môi trường.
Trong vòng chục năm trở lại đây, các tôn giáo đều đứng lên đòi tự do tôn giáo cho đạo của mình và chung cho cả đất nước. Công giáo nổi lên như một lực lượng đáng gờm nhất của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Với một số lương tín đồ lên tới hơn 6 triệu người, có tổ chức chặt chẽ và trải khắp đất nước. Không cần nói thì nhà cầm quyền Việt Nam cũng biết rõ sức mạnh của họ. Với các thủ đoạn khủng bố, mua chuộc và làm biến chất các tôn giáo, cộng sản Việt Nam đã thực hiện suốt 72 năm ở miền Bắc, và 42 năm trên cả nước đã làm triệt tiêu phần nào tinh thần phản kháng của các tôn giáo. Nhưng gần đây, với nhận thức được nâng cao do cuộc cách mạng công nghệ thông tin, sự mở cửa hội nhập của đất nước, đồng thời do sự tham lam, o ép của nhà cầm quyền Việt Nam trong việc cướp đất đai các cơ sở tôn giáo, các tôn giáo đã vươn mình đứng dậy đòi quyền lợi chính đáng và quyền tự do tôn giáo của mình. Bước ngoặt Formosa một lần nữa thử thách bản lĩnh, quyết tâm và khả năng ứng biến của các vị chủ chăn Công giáo. Việc lãnh đạo giáo dân đòi quyền lợi chính đáng cho mình phù hợp với nguyện vọng chung của nhân dân các tỉnh miền Trung bị thảm họa môi trường tàn phá, cũng là nguyện vọng chung của giáo dân và nhân dân cả nước đòi đóng cửa Formosa và làm sạch môi trường. Tuy nhiên, mấu chốt là quyết tâm và sự đồng lòng của hàng ngũ giáo phẩm khu vực cũng như cả nước. Chắc chắn mũi nhọn của nhà cầm quyền sẽ tập trung vào Công giáo nói chung và giáo phận Vinh nói riêng. Nếu vượt qua được những đòn phép này của cộng sản, Công giáo sẽ ghi tên mình vào lịch sử chói lọi của dân tộc.
Thứ tư, trấn áp khốc liệt nhằm ngăn chặn và xóa bỏ các cuộc biểu tình, tưởng niệm. Trong thời gian hơn nửa năm qua, việc biểu tình, xuống đường và tưởng niệm của các hội nhóm XHDS đã và đang bị nhà cầm quyền đàn áp nặng nề. Sau một cuộc xuống đường vì môi trường ngày 01/5/2016 tại Hà Nội và Sài Gòn có mấy ngàn người tham dự, dần dần nhà cầm quyền đã nhận ra tính chất nghiêm trọng của các cuộc biểu tình vì môi trường đòi đóng cửa Formosa. Các cuộc biểu tình vì môi trường sau đó bị ngăn chặn cả ở Hà Nội và Sài Gòn, nhưng lại xuất hiện cuộc xuống đường, nộp đơn khiếu kiện của bà con miền Trung, ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Các cuộc xuống đường, đưa đơn kiện tập thể của bà con miền Trung thực sự là một thách thức cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Lý do là, bà con ngư dân, những người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa môi trường Formosa, mất công ăn việc làm, không còn thu nhập, đời sống bị ảnh hưởng nặng nề. Đây là việc người dân đứng lên vì sinh kế, vì cái dạ dày và cuộc sống thực tế của họ, chứ không còn vì quyền con người chung chung nữa. Điều đặc biệt đáng ngại cho nhà cầm quyền là những người dân này phần lớn là giáo dân Công giáo, được hỗ trợ bởi các linh mục xót thương cho hoàn cảnh của người giáo dân bị bần cùng hóa, không còn kế sinh nhai. Bản thân đạo Công giáo là đạo có tổ chức chặt chẽ, đức tin lớn và sẵn sàng hi sinh cho đức tin của mình. Nếu nhà cầm quyền đứng về phía người dân, sẽ xử lý vấn đề Formosa triệt để và động viên khuyến khích người dân miền Trung kiện Formosa, nhưng họ đã làm ngược lại. Việc đàn áp người dân Giáo xứ Song Ngọc ngày 14/02 vừa qua đã chứng tỏ quyết tâm đối đầu với người dân và bảo vệ Formosa đến cùng của nhà cầm quyền Việt Nam. Họ sẽ xử lý việc xuống đường, đưa đơn kiện Formosa của người dân bằng một chiến lược, có thể gồm ba bước: 1- cô lập, khoanh vùng cuộc đấu tranh của người dân miền Trung, không cho liên hệ với phong trào đấu tranh của cả nước; 2- tác động nhằm phá hoại sự đồng lòng và quyết tâm của các vị chủ chăn miền Trung và cả nước; 3- đe dọa, khống chế và cần thiết sẽ trấn áp người dân, thậm chí cả các vị linh mục. Mục tiêu cụ thể của họ, là không để người dân, giáo dân xuống đường đi khiếu kiện tập thể nữa.
Đối với các cuộc xuống đường, biểu tình và tưởng niệm của các hội nhóm XHDS, của người dân quan tâm đến tình hình đất nước, họ đã ra tay đàn áp dã man. Các cuộc biểu tình, xuống đường và tưởng niệm trong vòng một tháng trở lại đây đã bị đàn áp một cách không thương tiếc. Ngoài việc canh giữ những người trong giới đấu tranh, họ đã ra tay rất nặng nề với người biểu tình, nhất là ở Sài Gòn. Chính vì vậy mà chỉ có cuộc kêu gọi biểu tình lần đầu mà linh mục Nguyễn Văn Lý và Tập Hợp Quốc Dân Việt kêu gọi còn có được một số người tham gia, những cũng chỉ diễn ra được vài chục phút là bị dập tắt. Hai cuộc biểu tình sau, ngày 12 và ngày 19/3 vừa qua đã không thể nổ ra do sự đàn áp nặng nề của nhà cầm quyền Việt Nam. Mục đích cuối cùng của nhà cầm quyền hướng đến trong việc đàn áp người biểu tình là bằng mọi cách và bằng mọi giá ngăn chặn, không để xảy ra các cuộc biểu tình có quy mô lớn, được nhén nhóm và nuôi dưỡng bằng các cuộc biểu tình nhỏ lẻ ban đầu.
3. Phong trào dân chủ đã, đang và cần làm gì trong tình hình mới
a. Những hoạt động hiệu quả của phong trào dân chủ (PTDC) trong thời gian qua.
Mặc dù PTDC bị đàn áp khốc liệt, bằng việc bắt bớ người yêu nước và trấn áp biểu tình, nhưng PTDC trong thời gian qua đã có những hoạt động tích cực và hiệu quả.
– Nắm vững được truyền thông, định hướng dư luận, tố cáo lên án chế độ. PTDC đã và đang nắm vững được truyền thông, lĩnh vực quan trọng hàng đầu trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ. Mạng xã hội Facebooks chính là trận địa quan trọng những người đấu tranh dân chủ và nhân dân tiến bộ đang làm chủ và định hướng dư luận. Điều này hình thành và duy trì một cách hoàn toàn tự nhiên, bởi vì họ là những người đưa tin trung thực, bảo vệ quyền lợi cho người dân, đồng thời phản biện lại hệ thống công quyền thối nát hiện nay. PTDC đã làm được điều này bằng những việc sau đây:
+ Phản biện ngay lập tức tất cả các chủ trương đường lối chính sách đi ngược lại lợi ích người dân. Phản biện những lời nói, hành vi sai trái của quan chức và cán bộ công nhân viên chức trong hệ thống chính trị. Tập trung phản biện, lên án, tố cáo các hành vị tàn bạo của công an đối với người dân. Lên án sự bao che, dung dưỡng những vi phạm pháp luật, hành vi sai trái của cán bộ trong hệ thống công quyền…
+ Sử dụng ưu thế kỹ thuật mới (live stream) để phản biện, tuyên truyền và vận động, khai trí cho người dân cả nước. Có thể nói rằng, với tính năng mới live stream, mạng Facebooks đã cung cấp cho người đấu tranh một phương thức đấu tranh mới sống động và vô cùng hiệu quả. Từ nay, tất cả những hành vi, lời nói hoặc những vấn nạn xã hội đều có thể được trình bày sống động, trực tiếp. Đây cũng chính là phương tiện giám sát xã hội hiệu quả của người dân được người đấu tranh sử dụng triệt để.
+ Trong công tác khai dân trí, PTDC đã đánh thẳng vào đề tài nhạy cảm nhất, thần tượng của đất nước. Đưa ra những dẫn chứng, lập luận, phân tích đơn giản để hạ bệ thần tượng một cách thuyết phục. Với cách trình bày sống động, những việc này đã làm giảm bớt sự sợ hãi của người dân, động viên nhiều người, trong đó có cả những người đang trong hệ thống chính trị hiện hành tham gia nói lên sự thật, nguyện vọng của người dân. Đây là một thành công không nhỏ của PTDC, mặc dù những người thực hiện đã phải trả giá bằng một lệnh khởi tố chưa biết bao giờ được tự do. Ngay sau khi những người chủ chốt thực hiện chương trình bị bắt, những người khác vẫn tiếp nối con đường của họ, đó cũng lại là một thành công của PTDC.
– Một số hội nhóm ra đời, dựa trên các nhiệm vụ cụ thể, quy mô nhỏ, gọn nhẹ và phù hợp. Sau khi một số hội nhóm XHDS lớn có dấu hiệu giảm bớt hoạt động cũng như khó kết hợp làm việc chung thì cũng có một số hội nhóm khác ra đời. Các hội nhóm này không phô trương, quy mô nhỏ đi vào hoạt động thực chất như: Phong trào chấn hưng nước Việt, Hội chống bạo hành, Nhóm minh bạch Formosa, Nhóm từ thiện Hòa Bình…
– Hướng các hoạt động tới đồng bào miền Trung bằng nhiều hoạt động thiết thực. Trong những trận lũ do thiên tai và “nhân tai” vừa qua, các hội nhóm và cá nhân trong PTDC đã tích cực đến với đồng bào miền Trung vừa bị thảm họa Formosa lại bị thêm lũ lụt. Việc giúp đỡ, hỗ trợ người dân của PTDC đã gây tiếng vang, cảm tình rất lớn với nhân dân cả nước. Đồng thời PTDC cũng hướng tới các cuộc vận động nộp đơn kiện tập thể của bà con giáo dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Vận động quyên góp để giúp bà con có tiền nộp án phí, hỗ trợ tài chính cho những hoạt động vận chuyển, di chuyển của bà con trong các vụ kiện…
– Phối hợp trong ngoài nhịp nhàng hiệu quả, tìm kiếm những sự ủng hộ của quốc tế bằng các chế tài cụ thể, trực tiếp. Đối với những người đấu tranh bị đánh đập và thương tích, các tổ chức XHDS đã liên hệ được với các tổ chức quốc tế tìm được những sự giúp đỡ kịp thời và hiệu quả về mặt truyền thông, tố cáo chế độ và trợ giúp tài chính để lo thuốc thang chữa trị cho họ. Đạo luật Magnitsky về trừng phạt cá nhân vi phạm nhân quyền và tham nhũng của Mỹ đã được triển khai ở Việt Nam do các tổ chức XHDS thực hiện. Xu hướng của sự kết hợp trong nước hải ngoại đi vào những vấn đề cụ thể, thiết thực.
b. Những đối sách cần áp dụng trong tình hình mới
Phong trào dân chủ cần có các đối sách nhằm đối phó với những sách lược mới của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Đương nhiên những đối sách này vẫn bám sát các mục tiêu lớn của PTDC, và đặc biệt, với tình hình, diễn biến mới của đất nước.
– Tập trung mũi nhọn vào Formosa, vấn đề môi trường. Đây là vấn đề đương nhiên mà PTDC cần khai thác tối đa. Bản thân vụ việc phải tập trung trước hết vì môi trường của nhân dân các tỉnh miền Trung, vì nguồn thực phẩm sạch đối với nhân dân cả nước. Đây trước hết là một mệnh lệnh từ lương tâm, sau mới là những chiến lược, chiến thuật đấu tranh. Thực hiện việc tập trung vào vấn đề Formosa, chúng ta cần làm những việc sau:
+ Phản ánh sâu rộng thực trạng môi trường biển miền Trung Việt Nam, những tác hại trực tiếp và di hại lâu dài bằng hình ảnh, bằng tài liệu phân tích mẫu nước, bằng chứng cứ khoa học để nhân dân và cả thế giới biết được tác hại của việc Formosa hủy hoại môi trường.
+ Phản ánh khó khăn, đời sống khổ cực của ngư dân và người dân các tỉnh miền Trung từ khi sự cố Formosa xảy ra. Những khó khăn về công ăn việc làm, về thu nhập, việc học hành của trẻ nhỏ của vùng biển miền Trung. Đồng thời cũng cảnh báo về nguồn thực phẩm độc hại ô nhiễm, cũng như sự nghi ngờ về nguồn thực phẩm độc hại gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm này.
+ Phản ánh sự vô trách nhiệm của nhà cầm quyền, thái độ bao che cho Formosa bất chấp tất cả nguyện vọng của nhân dân. Sự trấn áp, đàn áp những người dân nộp đơn khiếu kiện, những người dân lên tiếng trên cả nước.
+ Động viên tinh thần của bà con nhân dân miền Trung, nhất là bà con giáo dân trong việc lên tiếng đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ. Tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ các giáo xứ và các linh mục ở vị trí tiền tiêu giúp giáo dân khiếu kiện. Liên hệ sự giúp sức của quốc tế kịp thời và hiệu quả trong vấn đề này.
– Ứng xử với những mâu thuẫn trong nội bộ PTDC. Đây là vấn đề rất quan trọng và tế nhị, mỗi người nên có cách ứng xử sao cho phù hợp với bản thân và đóng góp cho PTDC bằng cách ứng xử của mình. Tuy nhiên, vẫn cần có những định hướng nhất định để mọi người tham khảo.
+ Trước hết chúng ta cần xác định và chấp nhận mâu thuẫn, thậm chí gay gắt. Nhận thức là một quá trình, một khối người đông đảo có xuất thân, kiến thức và trình độ khác nhau không thể đồng thuận mọi vấn đề cùng nhau được. Mặt khác, an ninh và nhà cầm quyền Việt Nam đến thời điểm này sẽ luôn sử dụng các con bài để gây mâu thuẫn chia rẽ trong PTDC. Nhận thức được một việc không tránh khỏi cũng là cơ sở góp phần giải quyết nó.
+ Cách ứng xử đơn giản nhất của người đấu tranh là không nên tham gia vào các cuộc tranh cãi vô bổ, và nhiều khi không liên quan đến bản thân cùng khía cạnh đấu tranh của mình.
+ Trong trường hợp không tránh được, hoặc cần có ý kiến đúng đắn cần quán triệt các vấn đề sau: không quy chụp hoặc ủng hộ quy chụp, chụp mũ an ninh, làm việc cho an ninh bất cứ ai; không tranh cãi việc nhận xét, đánh giá cá nhân; chỉ nói về hành động nhận xét về hành động đang tranh luận, trao đổi tất nhiên với thái độ nhẹ nhàng, lịch sự.
+ Phương châm ứng xử đúng là chỉ ủng hộ hành động, không ủng hộ hoặc phê phán cá nhân. Tất cả những ai có hành động, hành vi và bài viết, phát biểu có lợi cho PTDC, tố cáo lên án chế độ, chống cộng, giúp đỡ dân oan… chúng ta đều ủng hộ. Trong những trường hợp người khác đấu tranh bằng cách thức không giống mình, hoặc có một số những khiếm khuyết, sai sót những vẫn có những đóng góp lớn chúng ta vẫn ủng hộ. Việc góp ý và thậm chí phê phán phải trên quan điểm những người cùng đấu tranh, cùng chiến tuyến.
+ Phân định chiến tuyến trong các hoạt động và góp ý, phê phán nhau. Chúng ta cần lưu ý nhất vấn đề chiến tuyến trong quá trình hoạt động cũng như tranh luận, góp ý và phê phán nhau. Khi đã xác định những người cùng chí hướng cùng đấu tranh cho tự do dân chủ thì phương thức ứng xử sẽ khác với mối quan hệ bình thường hoặc với phe đối đầu. Ý thức về chiến tuyến sẽ giúp giảm bớt xung đột, mâu thuẫn và chia rẽ trong nội bộ PTDC.
Thời điểm này là thời điểm rất nhạy cảm đối với chế độ và PTDC Việt Nam. Như các bài viết trước đây, tác giả đã phân tích, chế độ cộng sản nói riêng, và cộng sản Việt Nam nói chung sẽ tự sụp đổ vì sức nặng của chính nó. Với thông tin mới nhất, số nợ của Việt Nam đã được công bố là 430 tỷ đô la, tương đương 210% của GDP. Vực thẳm đã hiện hữu đối với chế độ cộng sản Việt Nam và chúng ta chỉ còn chờ xem, cách thức của chế độ sụp đổ ra sao mà thôi. Như chúng ta biết, có ba khía cạnh, lĩnh vực mà chế độ cộng sản có thể ra đi bất cứ lúc nào. Thứ nhất, sụp đổ về kinh tế; thứ hai, mâu thuẫn nội bộ; thứ ba, động loạn xã hội. Sự cố Formosa nằm trong trường hợp thứ ba, có nhiều người xác định đó là tử huyệt của chế độ. Về lý thuyết, điều đó hoàn toàn đúng, nhưng thực tiễn vận động, nhất là sự sụp đổ của một chế độ không đơn giản như vậy. Điều đó có nghĩa là, chế độ này khi đã biết đó là tử huyệt, sẽ dồn mọi nguồn lực để níu giữ, tập trung vào xử lý, ngăn chặn sự sụp đổ từ tử huyết đó. Chính vì vậy, sự sụp đổ chưa chắc đã tới từ tử huyệt Formosa, mà có khi lại đến từ những điều rất đơn giản từ lĩnh vực kinh tế hoặc mâu thuẫn nội bộ. Chúng ta hãy tiếp tục cuộc đấu tranh và sẽ chờ xem điều gì sẽ xảy ra.
N.V.B
Nguồn:
Phần I: http://www.rfavietnam.com/node/3775 Thứ Tư, 03/22/2017 – 02:12
Phần II: http://www.rfavietnam.com/node/3778 Thứ Năm, 03/23/2017 – 00:03
Phần III: http://www.rfavietnam.com/node/3782 Thứ Sáu, 03/24/2017 – 08:54
Phần IV: http://www.rfavietnam.com/node/3784 Thứ Bảy, 03/25/2017 – 00:01