GS Phan Văn Trường đề xuất: “Nếu vẫn cứ thích xây đường sắt cao tốc như thế thì cứ để cho Nhật Bản xây với thể thức BOT hay BOO. Cứ để cho xứ Phù Tang tự xây với tiền của họ, để họ khai thác 25 năm trước khi chúng ta thu hồi lại hệ thống hạ tầng. Như vậy chúng ta chẳng có tí nợ nào hết”.
Các nước trên thế giới xây đường sắt cao tốc trong bối cảnh nào? Vừa là chuyên viên về tài chính và với am hiểu công nghệ đường sắt cao tốc, ông đánh giá như thế nào khi đang có rất nhiều ý kiến cho rằng dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam của chúng ta phải được nhìn trong tương quan tiềm năng phát triển của Việt Nam chứ không phải trong điều kiện bây giờ?
– Rất ít nước xây đường sắt cao tốc và đều là những nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tất cả các hệ thống đường cao tốc đều nối liền các đô thị không quá xa nhau.
Các nước chỉ làm đường sắt cao tốc khi họ đã có một hệ thống hạ tầng hùng mạnh đường trường, đường thủy, đường sắt thường cho phép chuyên chở hàng hóa hữu hiệu trước khi nghĩ tới đường sắt cao tốc chỉ chở hành khách.
Phải biết rằng cái đắt là nằm ở chữ cao tốc. Đường ray xe lửa làm riêng cho đường sắt cao tốc phải theo những tiêu chuẩn rất cao.
Xe cao tốc cũng phải bảo đảm được tính an toàn tột độ. Chúng ta chỉ cần lấy một ví dụ: liệu dân chúng có sẵn sàng trả giá vé cao để đi nhanh hơn? Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã trả lời không. Ngay Mỹ hay Nga, cũng không có tàu cao tốc.
Nhật Bản là nước tiên phong về đường sắt cao tốc với tốc độ 220km/giờ.
Tuy nhiên sau khi Pháp đi vào công nghệ này thì Nhật đã lục tục cố gắng bắt kịp công nghệ của Pháp, nhưng cho dù tiến bộ rất nhiều, tôi cho là vẫn chưa bắt kịp. Còn riêng Hàn Quốc, thì đây là một quốc gia mới biết mua xe hỏa cao tốc chứ chưa bao giờ bán được cho ai. Học trò có thể xuất sắc, nhưng chưa sang hàng thầy được.
Môn cao tốc vận dụng công nghệ rất cao, phóng mấy ngàn tấn sắt nhanh hơn đạn bắn rất nhiều, lại chạy trên đường ray rất mong manh, với độ an toàn là 100%!
Những ai may mắn được mời đứng trong toa đầu tàu khi chạy 350km/g sẽ phải khiếp đảm khi thấy tàu hỏa bay nhẩy bồng bềnh với tốc độ rất cao, và sẽ không tin là an toàn.
Công nghệ cao như vậy đó, trò nào chưa thử lửa, chưa nên thách đố thầy.
Có chuyên gia kinh tế nói, xây bây giờ “dục tốc bất đạt”. Ý kiến của ông?
– Đã có rất nhiều ý kiến rồi, nên tôi chỉ đưa ra vài góc cạnh chuyên môn, giúp cho những ai chưa hiểu rõ sẽ hiểu.
Đường sắt cao tốc chỉ khả thi trên những quãng vào khoảng 300 đến 400km. Ngắn hơn thì quá ngắn, xe cao tốc cần lên tốc độ trên quãng dài. Dài hơn thì quá dài vì dù nhanh đến đâu cũng không cạnh tranh đưọc với máy bay! Máy bay từ Hà Nội tới TP HCM trong 1 tiếng 40 phút. Xe hỏa cao tốc cách mấy cũng phải ít nhất 5, 6, 7 tiếng chưa kể phải dừng lại trên một số trung tâm.
Thế thì còn cạnh tranh gì? Mà nếu không dừng lại thì lại càng vô lý hơn nữa: chẳng lẽ đi hai nghìn cây số không lấy hành khách dọc đưòng? Không đem dịch vụ tới các đô thị khác của đất nước?
Theo kinh nghiệm của mình, tôi e rằng sẽ không có đủ hành khách.
Giá vé của tàu hỏa cao tốc rất cao, gần bằng máy bay, cho nên phải tự hỏi có bao nhiêu người hôm nay có khả năng mua vé? Nếu tính rằng có thể chuyên chở đưọc cả nghìn người thì không biết lấy đâu ra hành khách để ắp đầy một toa xe?
Thứ nhì, chúng ta nên so sánh số tiền đầu tư 50/60 tỷ đô la với những phương án vận tải khác, ví dụ xây hoặc hoàn thiện lại một số sân bay trong nước.
Nên nhớ rằng tàu hỏa cao tốc không chở hàng hóa. Mà chính hàng hóa mới cần có tàu hỏa vì đưòng sắt là cách chuyên chở rẻ nhất và nhanh nhất với số lượng cao như chở than, sắt, vật liệu…
Thật là trớ trêu khi muốn chở hành khách thì không có đủ hành khách. Mà có hàng hóa để chở thì lại không chở hàng hóa.
Trong suốt cuộc đời chuyên viên tôi đưọc thấy rất nhiều ngưòi lầm lẫn ưóc vọng với nhu cầu, rồi lại lầm lẫn lần nữa khi tưởng có nhu cầu là khả thi.
Ai chẳng muốn nước ta có đường sắt cao tốc, sân bay tối tân, hải cảng hoành tráng. Ước vọng nhiều nhưng phải xem tính khả thi.
Một lựa chọn như thế nào lúc này là phù hợp để vừa hiện đại hóa đường sắt đáp ứng mong mỏi của dân lại phù hợp khả năng chịu đựng của nền kinh tế?
– Về mặt địa hình thì chúng ta không nên quên quan tâm đến hưóng Tây – Đông, là một hướng có khả năng phát triển những mối liên hệ thương mại, kinh tế và du lịch với Thái Lan, Malaixia, Campuchia, Lào, Singapore v.v. Đó là hướng phát triển trong khung ASEAN… Liệu có nên chỉ thiên vị hướng Nam – Bắc?
Về khả năng đầu tư, thay vì nghĩ tới đường sắt cao tốc, Việt Nam rất cần một hệ thống đưòng sắt với tốc độ trung bình (60 đến 120km/g) để nối các đô thị nhỏ và trung bình, khu vực nông thôn sản xuất với hải cảng.
Hệ thống này mới là sườn kinh tế cho một nước như Việt Nam, cần phân phối sản phẩm nông thôn, cần xuất cảng, giúp cho hàng hóa lưu thông. Nó cũng sẽ cho phép dân nghèo và trung lưu có cơ hội di chuyển với giá vé phải chăng.
Làm như vậy chúng ta sẽ có cơ hội hấp thụ công nghệ xe hỏa không quá tầm.
Như kinh nghiệm của tôi, nước Việt Nam ngày nay phải có cho bằng được khả năng sản xuất đường ray, tàu hỏa với công nghệ bình thường.
Tôi cho rằng ít nhất 30 quốc gia trên thế giới có khả năng giúp chúng ta, đôi khi muốn giúp miễn phí, vì công nghệ như vậy đã trở thành bình thường.
Như vậy có khiến chúng ta trở nên lạc hậu so với các nước và không có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến?
– Không phải tôi không nghĩ đến khả năng chúng ta được tiếp cận công nghệ cao.
Nhưng về mặt xã hội chúng ta phải đặt ưu tiên vào những vùng kém mở mang, cần sự hỗ trợ của hạ tầng cơ bản. Sau đó chúng ta có thể nghĩ tới công nghệ xe hỏa 160km/g, 220km/g đủ để bảo đảm cho chúng ta phát triển bền vững.
Tôi cũng có một đề nghị là nếu vẫn cứ thích xây đường sắt cao tốc như thế thì cứ để cho Nhật Bản xây với thể thức BOT hay BOO.
Cứ để cho xứ Phù Tang tự xây với tiền của họ, để họ khai thác 25 năm trước khi chúng ta thu hồi lại hệ thống hạ tầng. Như vậy chúng ta chẳng có tí nợ nào hết.
LN
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-05-29-duong-sat-cao-toc-cu-cho-nhat-ban-xay-voi-the-thuc-bot-hay-boo