Nguyễn Đình Ấm
Sơ đồ sân bay TSN. Nguồn: internet
Theo tôi cũng như các ý kiến của GS Nguyễn Thiện Tống, cựu cán bộ không lưu Nguyễn Trọng Sành, cựu phi công Mai Trọng Tuấn, TS Nguyễn Bách Phúc cùng nhiều chuyên gia, kỹ sư ngành HKVN thì theo phương án 3 và bổ sung của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm thêm nhà ga, sân đỗ phía sân golf… là tối ưu.
Kịch bản “né” sân golf ?
Tại cuộc họp bàn cách mở rộng công suất sân bay Tân Sơn Nhất ngày 20/1/2017 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, Công ty tư vấn thiết kế công trình hàng không bộ quốc phòng (ADCC) đã đưa ra 3 phương án chính để cấp trên “lựa chọn”:
Phương án 1: “Xây dựng mới toàn bộ hệ thống đường hạ, cất cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga, công trình phụ trợ trên diện tích khu vực sân golf phía bắc cảng HK (CHK) và giải phóng thêm các khu dân cư xung quanh… Với phương án này TSN có thể nâng công suất lên 60 triệu khách/năm nhưng mất 10-15 năm xây dựng, giải tỏa 140.000 hộ dân chi phí dự kiến khoảng 201.350 tỷ đồng”.
Theo tôi đây là phương án có vẻ “khách quan” đưa sân golf vào “tầm ngắm” nhưng thực chất là đánh đố cấp trên, không ai mà dám “chọn” phương án này, vì:
– Việc ADCC đưa ra bỏ tất cả các công trình hạ tầng của TSN để làm lại từ đầu là quá lãng phí vì các công trình chủ yếu đường băng, sân đỗ, khu ga hành khách, xưởng sửa chữa…vẫn khai thác tốt, nằm trong quy hoạch tổng thể sân bay được người Pháp lựa chọn địa điểm sau này Mỹ và VNCH quy hoạch chuẩn xác (trước năm 1975 tính từ lớp rào thép gai ngoài cùng sân bay rộng trên 3.000 ha hình chữ nhật), vấn đề chỉ làm thêm các công trình trên đất dự trữ để đáp ứng đủ chỗ đỗ, nhà ga đang cấp bách sau đó từng bước làm thêm đường băng nếu thị trường tăng quá 45 triệu khách/năm. Vì vậy, việc xóa tất cả cơ sở hạ tầng TSN đang còn sử dụng tốt, đúng quy hoạch, là điên rồ, ADCC thừa biết không cấp trên nào lại quyết một dự án phi lý tốn số tiền lớn như thế. Một sân bay bao giờ người ta cũng xây dựng từng giai đoạn (như nhà ga T1,T2, T3… đến đường băng1, 2, 3…) theo nhu cầu thị trường để tiết kiệm vốn đầu tư chứ không ai làm sân bay công suất cực đại ngay từ đầu.
– ADCC đưa ra thời gian thi công 10-15 năm trong khi sân bay đang quá tải, Phó Thủ tướng yêu cầu phải hoàn tất trong vài ba năm càng là “đánh đố”. Sân bay Long Thành “lớn nhất thế giới với công suất 100 triệu khách/năm” xây dựng trên nền đất trống qua nhiều giai đoạn xây dựng mà các chuyên gia cũng chỉ dự kiến số thời gian không đến như vậy. Vả lại, việc xây dựng công trình nhanh hay chậm chủ yếu còn do huy động lực lượng mọi mặt như thế nào chứ sao có thể đưa ra thời hạn vô căn cứ như vậy?
– Vấn đề chi phí: Việc “phải giải tỏa 140.000 hộ dân, chi phí 201.350 tỷ đồng” là không trung thực, vô căn cứ (theo cán bộ cảng vụ TSN thì số liệu giải tỏa những 140.000 hộ dân là con số “thổi phồng”). Phải khẳng định diện tích TSN là 1.150 ha (ai nghi ngờ điều này tác giả xin cung cấp thông tin chuẩn xác). Nếu sau đây nhu cầu thị trường quá 45 triệu khách phải làm đường băng thứ 3 (trên hình vẽ là “đường băng mới”) thì chỉ cần sử dụng hết diện tích đất sân golf 157,6 ha cắt chỗ thừa bù chỗ thiếu thì sẽ làm được đường băng mà không tốn bao nhiêu. Đó là đường băng A-B dài 3.500m. Đường băng này cắt sân golf tạo ra hình thang 5-6-7-8 là đất thừa ra dùng bồi thường cho dân; hình tam giác (11-12-B sọc dọc) và hình thang A-9-10-8-A (sọc dọc) là diện tích đất phải thu hồi của dân để có diện tích hình chữ nhật làm đường băng số 3.
Như vậy, việc chi phí cho phương án này chỉ chủ yếu là chi phí công trình nhà ở cho dân (phần lớn là nhà cấp 3, 4) không phải chi phí đất nên số tiền không thể như ADCC đưa ra (bình thường chi phí xây dựng nhà ít tầng đô thị chỉ bằng chỉ bằng 1/5 so với chi phí đất) sẽ làm cấp trên “choáng”.
– ADCC cho biết, việc làm theo phương án này (làm thêm đường băng số 3) nhưng công suất TSN chỉ là 60 triệu khách/năm là không đúng. Nếu làm thêm đường băng thứ 3 có hai đường băng cách nhau tối thiểu 1.036 m theo tiêu chuẩn ICAO khai thác độc lập thì TSN đáp ứng mọi sự tăng trưởng. Các sân bay có công suất trên 45 triệu khách/năm trên thế giới cũng chỉ cần tối thiểu hai đường băng khai thác độc lập.
Chính vì đưa ra các phương án, số liệu không có cơ sở để cấp trên thấy “bất khả kháng” nên dư luận nghi phương án này là phương án “né” sân golf là có cơ sở.
Phương án 2 cũng là đánh đố, vì, phương này phía ADCC đưa ra là, “Xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất, hạ cánh và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song,… nâng công suất lên 43 – 45 triệu khách/ năm chi phí 61.000 tỷ đồng, thời gian thi công 8-10 năm”.
Đọc trên văn bản rất khó hình dung ra phương án này mà nếu hiểu ra thì việc thời gian thi công 8-10 năm (cũng không có căn cứ vào đâu) cũng đủ làm cấp trên “toát mồ hôi”.
Phương án 3, đây là phương án được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng “chốt”: “Xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất, hạ cánh và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa hai đường cất, hạ cánh; cải tạo đường cất, hạ cánh phía bắc hiện nay (đường 25L/07R), xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3 công suất 10 triệu khách/năm, nhà ga T410 triệu khách/năm ở khu vực phía nam sân bay, phương án này sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên sẽ chỉ chi mất khoảng 19.700 tỷ đồng, thời gian xây dựng không quá 3 năm”.
Phương án này không “đụng” đến sân golf và “thực tế” nhất vì chi phí chỉ 19.700 tỷ đồng với thời gian thi công 3 năm. Tuy nhiên, phương án này “đóng sập cửa” tương lai TSN ở công suất 45 triệu khách và theo tôi việc Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bổ sung thêm “phương án 3b” là hợp lý, đáp ứng cả trước mắt cũng như tương lai lâu dài của TSN (công suất vượt 45 triệu khách/năm) trong trường hợp Long Thành chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường (vì xây dựng nhiều giai đoạn) hoặc đóng băng dự án do nhà nước tiết kiệm vốn đầu tư.
Tại đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu bổ sung phương án 3b theo hướng xây dựng các đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa hai đường cất, hạ cánh tại đường đường băng 25L như phương án 3 nhưng xây dựng nhà ga hành khách với cùng công suất 43-45 triệu khách năm ở phía bắc khu sân golf hiện nay để từ đó có cơ sở so sánh, lựa chọn chính xác nhất”.
Đối với phương án 3b do Phó Thủ tướng chọn, theo quan điểm tác giả cũng như ý kiến của GS Nguyễn Thiện Tống, cựu cán bộ không lưu Nguyễn Trọng Sành, cựu phi công Mai Trọng Tuấn, TS Nguyễn Bách Phúc cùng nhiều chuyên gia, kỹ sư ngành HKVN thì theo phương án 3 và bổ sung của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm thêm nhà ga, sân đỗ phía sân golf… là tối ưu. Bởi xây dựng thêm nhà ga, sân đỗ sang phía bắc đường băng hiện nay (khu sân golf) sẽ hợp lý ở chỗ: Từ đó mở thêm đường ra, vào ở phía bắc thành phố ra đường Quang Trung, Phan Văn Trị đón khách từ Bình Dương, Đồng Nai, các quận huyện phía bắc thành phố đi, đến sân bay nên tránh được phụ thuộc con đường “độc đạo” Trường Sơn, đặc biệt quan trọng hơn nếu thị trường TSN tăng lên hơn 45 triệu khách/năm thì sẽ thuận lợi cho việc làm thêm đường băng thứ 3 với phương án như hình phác họa.
Ngược lại, nếu làm theo đúng phương án 3 của ADCC xây nhà ga, các công trình ở phía nam “trên đất quân đội không tốn kém” giáp đường Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám luôn ùn tắc là thất sách. Đặc biệt, khi TSN vượt 45 triệu khách/năm sẽ lại quá tải buộc phải làm thêm đường băng thứ 3 và chỉ còn quỹ đất khu sân golf ở phía bắc. Như vậy, sẽ rất bất khả kháng vì nhà ga và các công trình phụ trợ ở phía nam trong khi đường băng ở phía bắc, đoạn đường máy bay lăn vào trả, lấy khách quá xa, đặc biệt xung đột giao thông rất nguy hiểm.
Trong khi đó, làm nhà ga sân đỗ phía sân golf sẽ có lợi hơn nữa, bởi nếu sau này thị trường TSN vượt 45 triệu khách/năm theo chuyên gia HKVN nếu nâng cấp một đường băng sân bay Nội Bài và làm thêm đường băng số 3 ở TSN có khả năng tiếp thu máy bay A 380, đầu tư thêm số trang, thiết bị để dùng loại tàu khổng lồ này (800 ghế) bay con thoi tuyến Bắc – Nam (Hà Nội – TP. HCM) là đường bay có lưu lượng khách cỡ lớn trên thế giới sẽ rất hiệu quả kinh tế, giảm đáng kể mật độ bay tuyến Bắc – Nam và ở TSN thì chuyện quá tải ở sân bay này sẽ chỉ là quá khứ.
Vừa có tin, Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu tất cả phương án kể cả thu hồi 127 ha sân golf ở phía bắc điều chỉnh quy hoạch đồng bộ sân bay. Dư luận hy vọng đại gia, nhóm lợi ích quân đội chịu “nhả” diện tích sân golf vì họ vẫn còn 30,6 ha (tất cả họ đang chiếm dụng 157,6 ha) biệt thự, nhà hàng, khách sạn, chung cư đã xây kiên cố đang “hái ra tiền” (Theo giá thị trường tại đây 50 trtiệu đồng/m2 thì chỉ tính riêng giá trị đất đã là 10.300 tỷ đồng còn diện tích sân golf chỉ chủ yếu là kế sách giữ đất lâu dài) sẽ làm họ hài lòng.
Dư luận đang chờ xem cuối cùng TSN được giải cứu ra sao.
(Bài viết dựa trên kết luận của cuộc họp bàn “giải cứu sân bay TSN” ngày 20/1/2017 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì được nhiều báo đăng lại)
N.Đ.A.
Tác giả gửi BVN