Việt Nam: Các nhà máy phát điện bằng than sẽ hủy diệt biển

clip_image002

Một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở Việt Nam. (Hình minh họa: Báo Thanh Niên)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Giới khoa học tiếp tục lên tiếng cảnh báo về kế hoạch phát triển nguồn điện bằng cách xây dựng thêm hàng loạt nhà máy đốt than để phát điện. Chính quyền Việt Nam vẫn im lặng.

Tại một cuộc tọa đàm vừa diễn ra ở Sài Gòn do nhiều bên phối hợp tổ chức (Trung Tâm Hành Động và Liên Kết Vì Môi Trường và Phát Triển (CHANGE)-Việt Nam, Phong Trào Toàn Cầu Về Biến Đổi Khí Hậu, Tổng lãnh sự Canada tại Sài Gòn) về tác động của các nhà máy phát điện bằng than đến cuộc sống và biển, cả giới khoa học lẫn những chính khách ngoại quốc như ông Richard Bale, Tổng lãnh sự Canada tại Sài Gòn, cùng cho rằng, kế hoạch phát triển nguồn điện bằng cách xây dựng thêm hàng loạt nhà máy đốt than để phát điện của Chính phủ Việt Nam sẽ hủy diệt cả sức khỏe nhiều cộng đồng lẫn biển.

Những nhà máy đốt than để phát điện sẽ thải vào không khí, nước, đất vô số chất độc nguy hại cho môi trường sống như tro, bụi, chì, thạch tín, thủy ngân, cadmium, selenium,… khiến các loại bệnh về đường hô hấp, ung thư gia tăng, tạo ra mưa acid, hủy diệt nông nghiệp, ngư nghiệp, thúc đẩy khí hậu biến đổi nhanh hơn theo chiều hướng tệ hại hơn. Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế ước tính rằng mỗi kWh được phát từ các nhà máy nhiệt điện dùng than sẽ làm chi phí y tế tăng thêm.

Sau khi buộc phải buông bỏ kế hoạch xây dựng các nhà máy điện nguyên tử trong bối cảnh thủy điện phát sinh nhiều vấn đề, công khố thiếu trước, hụt sau, chính quyền Việt Nam đã quyết định tăng số lượng nhà máy phát điện bằng than.

Việt Nam hiện có 20 nhà máy phát điện bằng than nhưng chính quyền cương quyết nâng con số này lên 32 vào năm 2020 rồi lên 51 vào năm 2030. Ba năm nữa, mỗi năm Việt Nam sẽ đốt 63 triệu tấn than/năm. Đến 2030, khối lượng than được đốt sẽ là 129 triệu tấn/năm.

Có một điểm đáng chú ý là đa số nhà máy phát điện bằng than sắp được xây dựng đều nằm sát các khu bảo tồn biển (khu vực cấm tất cả các hình thức tác động để duy trì sự đa dạng sinh học, bào tồn các nguồn lợi từ biển).

Bởi vì các nhà máy phát điện bằng than cần một lượng nước rất lớn cho hệ thống làm mát, chưa kể việc đặt sát biển sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển than nhập cảng nên đa số nhà máy phát điện bằng than đều được đặt sát biển, CHANGE cảnh báo, mỗi 3.5 phút, một nhà máy phát điện bằng than có công suất 500 MW sẽ hút từ biển một lượng nước khoảng 2,500 mét khối để làm mát hệ thống. Sau đó nước sẽ được xả lại hồ, sông, biển với nhiệt độ cao hơn ban đầu từ 8 độ C đến 13 độ C. Đó là lý do tất cả các sinh vật biển như tảo, san hô, tôm, cá,… bị hủy diệt. Cũng theo nghiên cứu của CHANGE, việc hút nước vào hệ thống làm mát còn hút theo rất nhiều cá, chúng bị nghiền nát và luộc chín trong các màng lọc.

Cũng vì lý do đó, chính quyền Việt Nam đã phải tổ chức di dời 10.000 cụm và khối san hô ven bờ biển Bình Thuận đi nơi khác để chúng không bị hủy diệt do hoạt động của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Trong tương lai, tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, sẽ có đến bốn nhà máy phát điện bằng than như nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Chương trình Môi Trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) từng công bố một tính toán. Theo đó, chỉ riêng lợi tức từ du lịch, mỗi cây số vuông rạn san hô mang lại 600.000$/năm, trong khi chi phí bảo vệ chỉ 775$/km2/năm. Còn nếu không giữ được, chi phí sẽ khoảng 10 triệu$/km bờ biển để thay thế các rạn san hô bị phá hủy.

Tuy việc di dời san hô từ khu vực ven bờ biển huyện Tuy Phong ra khu bảo tồn biển Hòn Cau (hiện có 234 loại san hô tạo rạn, 324 loại cá rạn san hô, 119 loại thân mềm, 32 loại da gai), được viện hải dương học Nha Trang, nơi thực hiện di dời, cho biết là san hô đang sinh trưởng “tương đối tốt” nhưng một số chuyên gia bảo tồn sinh vật biển không tán thành. Theo họ, di dời san hô sẽ tạo ra nhiều hệ lụy về môi trường biển, chẳng hạn hạn chế khả năng sinh sản của nhiều loại cá, suy giảm nguồn lợi ngư nghiệp.

Một chuyên gia của ban quản lý khu bảo tồn biển Hòn Cau, nói với tờ Thời Báo Kinh tế Sài Gòn rằng, việc di dời san hô từ khu vực bị tác động bởi các nhà máy nhiệt điện ở Tuy Phong ra Hòn Cau sẽ làm nhiều loại hải sản mất môi trường sinh sản tự nhiên, do không còn nơi trú ẩn trên đường di cư, nhiều loài cá như cá cơm, cá trích sẽ không còn quay về vùng này.

Đa số các nhà máy phát điện bằng than đã và sắp được xây dựng tại Việt Nam đều sử dụng công nghệ, nhà thầu, và vốn của Trung Quốc.

(G.Đ.)

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/co-the-ban-quan-tam/viet-nam-cac-nha-may-phat-dien/

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.