Cựu Tổng thống Ba Lan ‘không hợp tác với an ninh cộng sản’

Mạc Việt Hồng

Gửi cho BBC từ Warsaw

clip_image001

Cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa. ANDREAS RENTZ/GETTY IMAGES

Trở lại Ba Lan sau hơn một tuần vắng mặt, chiều ngày 07/02/2017, cựu tổng thống Lech Walesa đã có cuộc họp báo chính thức đầu tiên liên quan tới kết luận của Viện Hồi Ức Dân Tộc (IPN).

Trước đó đúng một tuần, viện này đã đưa ra kết luận mà theo họ ‘không còn nghi ngờ gì nữa’, Walesa chính là ‘chỉ điểm viên’ Bolek. Theo đó, trong giai đoạn từ 1970-1976, Bolek 17 lần ký nhận tiền của an ninh cho những tin tức mà mình cung cấp. Công bố của IPN dựa trên cơ sở phân tích chữ viết và chữ ký trên những trang tài liệu thu được từ nhà trùm mật vụ thời cộng sản sau cái chết của ông này.

Phủ nhận toàn bộ

Cuộc họp báo của Walesa diễn ra tại thành phố Gdansk quê hương ông, đồng thời cũng là cái nôi của Công đoàn Đoàn Kết, và tiếp đó là cuộc cách mạng nhung làm sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu.

Trong cuộc họp báo này, cựu tổng thống đã phủ nhận kết luận của IPN và cho rằng những chữ ký, bút tích của ông trong tập tài liệu mà cơ quan này đang lưu trữ là giả mạo.

Ông cũng cho hay, ông có thể đưa ra cả trăm chữ ký khác nhau, có thể viết bằng nhiều cách khác nhau.

Cũng ở cuộc họp báo này, Walesa đã đưa tay lên thề, ông chưa từng bị cơ quan mật vụ cộng sản bẻ gãy hay mua chuộc, chưa bao giờ đứng về phía bên kia.

Walesa cũng phủ nhận chuyện đã nhận tiền của an ninh cộng sản và khẳng định ‘không dính dáng gì tới chuyện này’. Để chứng minh cho sự ‘trong sạch’ của mình, Walesa cũng nhắc tới việc ông từng bị đuổi việc 3 lần trong những năm 1970.

Nhưng ông cũng nói thêm, ông có ‘phương pháp riêng’ trong việc tranh đấu với cộng sản. Vào thời điểm sau tháng 12 năm 1970, ông đã nhận ra rằng việc đối đầu trực diện với an ninh cộng sản là rất khó khăn, nên đã có những thay đổi trong chiến thuật.

clip_image002

Hồ sơ từ thời cộng sản Ba Lan được cho là có các chứng cứ cho thấy ông Lech Walesa đã cộng tác với mật vụ cộng sản. WOJTEK RADWANSKI/GETTY IMAGES

Giai đoạn tranh đấu này được đánh dấu bằng ngày ‘thứ Năm Đen’ 17/12/1970, đã có ít nhất 30 công nhân bị thiệt mạng trong cuộc đình công khi chính quyền ra tay đàn áp.

Nói với phóng viên của đài phát thanh Ba Lan, ông giải thích: “Chiến thuật đó là để giành chiến thắng mà không mất nhiều sinh mạng của đồng đội”.

Ông cũng nhắc tới cuộc khởi nghĩa Warsaw (1944) như một ví dụ, và nhấn mạnh là không muốn đối đầu để dẫn tới tổn thất giống như vậy. Đây là cuộc khỏi nghĩa đã khiến khoảng 200.000 thường dân thiệt mạng và Warsaw biến thành đống đổ nát. Sự kiện lịch sử này gây tranh cãi tới tận ngày nay.

“Sự thay đổi chiến thuật là đối thoại với an ninh nhưng không phản bội ai” – cựu tổng thống giải thích trong cuộc họp báo.

Ông cũng thừa nhận, trong những năm hoạt động, ông thường bị an ninh thẩm vấn và cũng như nhiều nhà hoạt động cùng thời, ông đều phải ký vào các biên bản thẩm vấn này. Những bút tích được cho là chỉ điểm, theo ông, có thể là những lời khai vụn vặt của nhiều người trong các cuộc thẩm vấn, rồi an ninh xào xáo, chắp nối lại.

Walesa khẳng định, trong các cuộc thẩm vấn, an ninh chưa bao giờ đề nghị ông cộng tác, “họ có những nhân viên chuyên nghiệp, trình độ học vấn cao mà một người công nhân như tôi là không cần thiết (với họ)”.

Walesa cùng các luật sư của mình cũng cáo buộc IPN đã chịu ảnh hưởng của đảng cầm quyền hiện nay và muốn làm tổn hại tới uy tín của ông. Ông cũng gọi những người trong bộ máy chính quyền hiện tại là ‘nhỏ mọn’, ‘phản bội’ và ‘ngu xuẩn’.

Vẫn là anh hùng nhưng… nói dối

clip_image003

Một phụ nữ cầm biển đề ‘Lech Walesa vẫn là anh hùng của chúng tôi’ trong cuộc xuống đường kỷ niệm 35 năm ngày công bố ‘Tình trạng chiến tranh’ và thiết quân luật ở Ba Lan. JANEK SKARZYNSKI

Ngay sau cuộc họp báo kể trên, một số trang mạng Ba Lan đã đưa ra cuộc thăm dò dư luận về mức độ tin cậy trong lời thề thốt của ngài cựu tổng thống.

Kết quả cho thấy, chỉ có 8,5% tin vào lời khẳng định của Walesa. Trong khi đó, chiếm tỉ lệ nhiều nhất, gần 45%, cho rằng ông đã dối trá từ đầu đến cuối.

Ngược lại, xấp xỉ 42% cho rằng, dù có là chỉ điểm cho cộng sản đi nữa, ông vẫn là anh hùng.

Thăm dò này phù hợp với thực tế nhận thức xã hội Ba Lan lâu nay.

Câu chuyện Bolek không có gì là quá mới mẻ với những người quan tâm. Đã từ lâu, nhiều người vẫn tin, Walesa chính là Bolek và từng có giai đoạn cộng tác với cộng sản.

Sự khẳng định của những người thuộc nhóm này dựa trên một số cơ sở.

Có những nhân chứng trong vụ việc. Đó là một số nhà hoạt động cùng thời với Walesa trong công đoàn Đoàn Kết, điển hình phải kể tới tổng thống thứ 3 của nền cộng hòa đệ tam – Lech Kaczynski. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình nhiều năm trước, cố tổng thống Kaczynski đã đưa ra lời khẳng định không úp mở rằng, Walesa chính là Bolek.

clip_image004

Ông Walesa bị cho là có bí danh Bolek khi đưa tin cho công an CS ở Ba Lan. REUTERS

Liên quan tới vụ lùm xùm kéo dài nhiều thập niên này, tòa án cũng đã từng thẩm vấn 80 nhân chứng, trong đó có 25 người thuộc lực lượng an ninh thời cộng sản.

Mặt khác, bản thân Walesa có những tuyên bố bất nhất. Đỉnh điểm vào năm 1992, khi đang là tổng thống, văn phòng của ông đã đã gửi một thông báo tới hãng thông tấn Ba Lan (PAP), trong đó, ông thừa nhận, đã ký những giấy tờ hợp tác với mật vụ cộng sản.

Thông báo này được văn phòng tổng thống rút lại sau 2 giờ đồng hồ nhưng nó đã kịp để lại những ngờ vực khó có thể xóa bỏ.

Nhiều ý kiến trên các diễn đàn cũng cho rằng, về logic, tài liệu mà trùm mật vụ giữ nhiều năm trong nhà khó có thể là giả mạo.

Vụ Bolek chưa có hồi kết. Bởi, theo những luật sư của Walesa thì họ bây giờ mới bắt tay vào việc phân tích hồ sơ, thẩm định chữ ký bằng các chuyên gia độc lập và sẽ phản công lại những kết luận của IPN.

Và cũng như nhiều các nhân vật lịch sử tầm cỡ khác, việc tranh cãi về Walesa có thể sẽ không bao giờ chấm dứt. Đòi hỏi đen trắng rạch ròi cho một nhân vật lịch sử như ông sẽ là rất khó khăn.

M.V.H.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum-38918418

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.