Phạm Chí Dũng
Khác hẳn vài năm trước, ngân sách trung ương đang cực kỳ khốn quẫn. Ngân sách này chỉ có thể lo việc chi trả lương và một ít đề mục về an sinh xã hội, còn đa phần “đầu tư phát triển” phải tiết chế đến mức tối thiểu. Sau trào lưu xây trụ sở và tượng đài từ ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ vô tội vạ và vô liêm sỉ trong những năm trước, đến giờ ngân sách tìm ra một ngàn tỷ đồng để chi đã là khó khăn. Rất dễ hiểu là nếu chấp nhận dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hay dự án đường cao tốc Bắc – Nam, ngân sách sẽ phải cắm đầu vay vốn nước ngoài với lãi suất cao và do đó sẽ càng làm nặng gánh nợ công quốc gia – vốn đang phi mã đến hàng trăm phần trăm GDP.
……
Kể từ cơn khủng hoảng giá – lương – tiền 1985, có lẽ chưa bao giờ ngân sách Việt Nam lại rơi vào thảm trạng quay quắt như giờ đây. Mới đây, một nguồn giấu tên tiết lộ một sự thật chẳng mấy người muốn tin: Việt Nam vỡ nợ không còn là “nguy cơ” nữa, mà đã trở nên hiện hữu.
Sau đó, cận cảnh đang lờ mờ hiện ra là ngân sách Việt Nam sẽ bị vỡ nợ hệt như Argentina hai lần vào năm 2001 và 2014.
Khi đó, lấy đâu ra nguồn tài lực nào để cứu vãn “sự tồn vong của chế độ?”
Hiển nhiên, quốc hồn tham nhũng và tình thế thu không đủ chi đã làm dấy lên quốc túy thu phí bất kể và mặc tình dân sinh, cùng ý tưởng đang nhanh chóng hiện thực hóa về chuyện bán đường, cảng, sân bay và tất cả những gì có thể bán được để vừa trả nợ nước ngoài, vừa tiếp tục chi cho “đầu tư công” mà thực chất làm giàu hơn cho tầng lớp tham nhũng chính sách.
Chủ trương công quả đã biến thành lại quả ở mọi nơi, vào mọi thời khắc. Vực xoáy vơ vét giai đoạn cuối ngoác rộng để chực chờ lôi tuột nền kinh tế thoi thóp xuống cái đáy sâu hút của nó, ở nơi mà một cái chết đen tối là quá xán lạn.
Việt Nam 2016 đã ngật ngừ trôi qua. Chẳng khác mấy quốc nạn tham nhũng mà ông Huỳnh Phong Tranh thời còn là Tổng thanh tra Chính phủ đã bật ra một thành ngữ để đời “tham nhũng vẫn ổn định”, quốc nạn bội chi ngân sách cũng chỉ tiến không lùi, dù ngân sách có thể đã phải giảm đến 40% so với nhu cầu chi tiêu.
Bội chi vào “túi” nào?
Giữa tháng Mười Hai, 2016, Tổng cục Thống kê công bố: ngân sách nhà nước bội chi hơn 192,000 tỷ đồng.
Nhưng khi năm 2016 đã lao qua, vẫn chẳng có tổng kết nào về con số bội chi cho cả năm, ngoài một đánh giá không có địa chỉ cụ thể của bộ ngành nào về “bội chi năm 2016 vẫn nằm trong mức cho phép 254,000 tỷ đồng mà Quốc Hội đã phê duyệt đầu năm”.
Thế nhưng, tình hình bội chi ngân sách, cho dù có thấp hơn mức cho phép trong nghị quyết đầu năm 2016 của Quốc hội, cũng trở nên quá bất tương xứng trong bối cảnh một số khoản thu còn xa mới đạt chỉ tiêu như thu từ dầu thô đạt 37,700 tỷ đồng, chỉ bằng 69.2% kế hoạch.
Vậy bội chi vào “túi” nào?
Đáng chú ý là mục chi phát triển sự nghiệp kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính là 786,000 tỷ đồng, đạt đến 95.4% kế hoạch. Có thể hiểu là làm gì thì làm, nguồn thu ra sao không biết, nhưng phần chi lương cho đội ngũ bị phản ánh có đến 30% công chức không làm gì cả vẫn phải giữ nguyên.
Đất nước cũng bởi thế nghèo đi là phải!
Dân tình cũng bởi thế ngày càng nheo nhóc cùng đôi vai quằn trĩu do sưu cao thuế nặng cho một chế độ đã xa dân [chữ “xa dân” nhẹ quá, nhẹ hều, thưa anh Phạm Chí Dũng – BVN] đến mức khó còn đường quay lùi!
Tất cả đều rất “biện chứng lịch sử”.
Chỉ tiến không lùi
Dù bị giấu biệt trong nhiều năm qua, hiện tượng xã hội học và kèm chính trị học rất đáng lưu tâm là từ đầu năm 2014 đến nay, một số con số mà trước đó được bảo mật quyết liệt đã dần dần lộ hình. Thoạt đầu là việc lần đầu tiên “kiến trúc sư” Nguyễn Tấn Dũng phải ra trước Quốc hội xin nâng trần bội chi ngân sách từ 4.7% lên 5.3% tại kỳ họp đầu năm 2014 – một thái độ chấp nhận chẳng đặng đừng về trần bội chi Việt Nam vượt trên mức nguy hiểm 5% theo thông lệ quốc tế.
Tuy thế, trần bội chi lý thuyết trên vẫn chưa là gì khi xuất hiện con số bội chi ngân sách nhà nước chỉ riêng năm 2013 đã là 6.6%. Theo đó, hiện tượng đặc thù “định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam luôn là sự xa hoa tột đỉnh đối lập với giai tầng giá áo túi cơm [sao lại đối lập? Sự xa hoa này là nhằm thỏa mãn nhu cầu của giai tầng đó chứ – BVN]: làm thế nào có thể lý giải được những chiến dịch chi đậm của ngân sách cho những con đường có giá thành đắt nhất hành tinh và hàng chục công trình trụ sở công quyền có giá đến hàng ngàn tỷ đồng hoặc hơn, với hình ảnh thịt chuột biến thành bữa ăn của trẻ em vùng xa cùng những người dân nghèo chết thảm khi đu dây qua suối dữ?
Còn vào năm 2015, một “tin vui” đã xảy đến với bộ mặt chính trị quốc gia: Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm đó “chỉ có” 6.1% GDP, chỉ thấp hơn đôi chút mức bội chi ngân sách 6.6% GDP của năm 2013.
Ngay vào đầu năm 2016, con số xin ngân sách mà các địa phương trình lên trung ương vượt gấp 20 lần khả năng chi của ngân sách trung ương. Trong khi đó, rất nhiều dự án kinh tế và xã hội đang bị đình đốn vì không biết lấy đâu ra tiền. Nợ công tăng vọt với mức 20% một năm và trong thực tế đã bằng cả GDP nguyên năm.
Tất cả cũng rất “biện chứng lịch sử”.
Sự thật từ trong chăn vọt ra
Vào cuối năm 2015, dư luận xã hội Việt Nam đã nóng bừng với hiện tượng hàng loạt trụ sở hành chính có giá trị lên đến 3,000 – 10,000 tỷ đồng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Hải Phòng… Trong số đó, có cả những địa phương phải thường xuyên xin gạo cứu đói cho dân như Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, nhưng không nương tay khi rút rỉa tiền ngân sách xây trụ sở hành chính.
Nhưng khi Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh bật ra một câu nói thật hiếm muộn trong trạng thái bức xúc hiếm thấy tại kỳ họp Quốc hội hồi Tháng Mười, 2015 rằng tiền trong ngân khố nhà nước cho dự toán năm 2015 chỉ còn vẻn vẹn 45,000 tỷ đồng mà “không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả”, sự thật đã từ trong chăn vọt ra, vào lúc tình cảnh ngân sách trở nên nguy ngập từ dưới lên và cả từ trên xuống.
Đó cũng là nguồn cơn chính yếu dẫn đến lời biểu dương “Chính phủ dũng cảm và sáng suốt dừng dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận” – đúng theo lối tuyên giáo “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” – tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2016.
Cùng thời gian dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bị bác bỏ, một dự án khổng lồ khác là dự án đường cao tốc Bắc – Nam với ước toán lên đến 230,000 tỷ đồng do Bộ Giao thông Vận tải “vẽ,” bị Bộ Tài chính bác do không thể tìm được nguồn tiền.
Khác hẳn vài năm trước, ngân sách trung ương đang cực kỳ khốn quẫn. Ngân sách này chỉ có thể lo việc chi trả lương và một ít đề mục về an sinh xã hội, còn đa phần “đầu tư phát triển” phải tiết chế đến mức tối thiểu. Sau trào lưu xây trụ sở và tượng đài từ ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ vô tội vạ và vô liêm sỉ trong những năm trước, đến giờ ngân sách tìm ra một ngàn tỷ đồng để chi đã là khó khăn. Rất dễ hiểu là nếu chấp nhận dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hay dự án đường cao tốc Bắc – Nam, ngân sách sẽ phải cắm đầu vay vốn nước ngoài với lãi suất cao và do đó sẽ càng làm nặng gánh nợ công quốc gia – vốn đang phi mã đến hàng trăm phần trăm GDP.
Sụp đổ tài khóa quốc gia?
Giờ đây đang rộ lên quá nhiều tán thán kêu gào trong Quốc hội về tình trạng ngân sách cực kỳ khó khăn. Tin tức ngoài hành lang Quốc hội đáng tin cậy cho biết rất nhiều khả năng là ngân sách không còn bất cứ khoản kết dư nào để “xử lý nợ xấu”. Càng không thể nói đến chuyện tung ra vài ba tỷ đô la ban đầu để làm dự án điện hạt nhân hay dự án đường bộ.
Trong cảnh sắc tín dụng và viện trợ quốc tế đang giảm sút đáng kể, thậm chí trở thành gánh nặng khi từ ngày 1 Tháng Bảy năm nay, Việt Nam sẽ phải vay nợ với thời gian “ân hạn” giảm một nửa và lãi suất cho vay tăng gấp ba, trong khi nguồn kiều hối của “kiều bào ta” gửi về Việt Nam đã giảm đến $3 tỷ trong năm 2016, ngân sách chính quyền chỉ còn trông mong vào việc thu thuế càng nhiều càng an ủi.
Theo đó, trong khi hơn 400 loại thuế và lệ phí vẫn không hề thuyên giảm căn bệnh lạm thu, tận thu thì hàng loạt thứ thuế khác đã được Quốc hội và Chính phủ cưỡng bức sinh sản. Chỉ tính riêng thuế bảo vệ môi trường, cứ mỗi lít xăng người dân phải chịu đến 8,000 đồng tiền thuế.
Nhưng một số chuyên gia đã tính toán rằng với cái đà thu thuế ngày càng ghê gớm nhưng chi vẫn không giảm, ngân sách chế độ chỉ chịu được tối đa hai năm nữa.
Tức đến năm 2018. Còn sau đó thì thế nào?
Kể từ cơn khủng hoảng giá – lương – tiền 1985, có lẽ chưa bao giờ ngân sách Việt Nam lại rơi vào thảm trạng quay quắt như giờ đây. Mới đây, một nguồn giấu tên tiết lộ một sự thật chẳng mấy người muốn tin: Việt Nam vỡ nợ không còn là “nguy cơ” nữa, mà đã trở nên hiện hữu.
Sau đó, cận cảnh đang lờ mờ hiện ra là ngân sách Việt Nam sẽ bị vỡ nợ hệt như Argentina hai lần vào năm 2001 và 2014.
Khi đó, lấy đâu ra nguồn tài lực nào để cứu vãn “sự tồn vong của chế độ?”
Hiển nhiên, quốc hồn tham nhũng và tình thế thu không đủ chi đã làm dấy lên quốc túy thu phí bất kể và mặc tình dân sinh, cùng ý tưởng đang nhanh chóng hiện thực hóa về chuyện bán đường, cảng, sân bay và tất cả những gì có thể bán được để vừa trả nợ nước ngoài, vừa tiếp tục chi cho “đầu tư công” mà thực chất làm giàu hơn cho tầng lớp tham nhũng chính sách.
Chủ trương công quả đã biến thành lại quả ở mọi nơi, vào mọi thời khắc. Vực xoáy vơ vét giai đoạn cuối ngoác rộng để chực chờ lôi tuột nền kinh tế thoi thóp xuống cái đáy sâu hút của nó, ở nơi mà một cái chết đen tối là quá xán lạn.
Đó cũng là nguồn cơn chính yếu để gần một năm sau cuộc chuyển giao quyền lực Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu có những phát ngôn “lạ” về kinh tế ngay vào khoảng thời gian chuyển thời giữa năm 2016 và 2017: “Nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần” và đặc biệt là ông cảnh báo tương lai “Sụp đổ tài khóa quốc gia”.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN. Nguồn bản gốc: http://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tiep-tuc-boi-chi-ngan-sach-viet-nam-cam-cu-duoc-bao-lau/