Kính Hòa, phóng viên RFA
Một nông dân chở hoa đào bán Tết ở Hà Nội hôm 23/1/2017. AFP photo
Một tuần lễ bận rộn của các blogger Việt Nam. Họ vốn bận rộn với muôn vàn chủ đề của xã hội, của dân sinh, họ lại càng bận rộn hơn khi chính phủ dường như lại có sự bận rộn riêng của mình, mà lại là sự bận rộn không cần thiết.
Ông Kerry thăm Việt Nam
Chuyện là ông John Kerry, Bộ trưởng ngoại giao sắp mãn nhiệm của Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam. Có thể ông Kerry thực sự bận rộn những điều cần phải nói với đất nước ông vốn nặng nợ, trong thời buổi chính trị quốc tế có nhiều diễn biến khó lường, nhưng chính phủ Việt Nam lại bận rộn việc ngăn cản một số công dân của mình gặp ông Kerry, người được xem như một người bạn của Việt Nam.
Mà chuyện ngăn cản như thế vẫn thường xuyên xảy ra. Người ta cho rằng những công dân Việt Nam đi gặp những người bạn nước ngoài có thể sẽ gây xáo trộn xã hội, sẽ lật đổ chính phủ, sẽ diễn tiến hòa bình, và nhiều nguyên do tương tự như vậy. Blogger Tuấn Khanh cho rằng nếu có những thay đổi cách mạng ở Việt Nam thì những thay đổi ấy không phải bắt đầu từ những người nước ngoài, mà từ chính khát vọng của dân chúng Việt Nam:
Chắc chắn những cuộc gặp của ông John Kerry hay của phái đoàn Liên minh Châu Âu với dăm ba người cũng sẽ không thể lật đổ được chế độ Hà Nội, hay làm thay đổi được gì vĩ đại trên đất nước này. Một vài người Việt Nam được thăm hỏi hay tiếp cận không thể vụt lên trở thành lãnh tụ của một cuộc cách mạng bí mật. Ngay cả việc nhận định như vậy là một giả thuyết, thì đó cũng là một loại giả thuyết ngu ngốc nhằm dựng nên một khung cảnh quốc gia đầy bất an, nhằm âm mưu để tạo thêm quyền và lực cho cho riêng một bộ phận nào đó.
Nếu như có đổi thay, thì đó là khát vọng đổi thay của cả dân tộc Việt Nam để đi tới một ngày mai tốt đẹp hơn với một quốc gia vững vàng về công lý và pháp luật, để tìm kiếm những người lãnh đạo tương xứng với giá trị lịch sử và tương lai mà tổ tiên Lạc Hồng di huấn. Chính nội lực của người Việt Nam sẽ quyết định tất cả chứ không thể là một âm mưu nào đó từ Hoa Thịnh Đốn hay Bắc Kinh. Giống như Đức Tăng thống Thích Quảng Độ từng nói “đừng trông chờ vào ai, mà hãy là tự chính chúng ta”.
Bài hát “Ly rượu mừng”
Một diễn biến khác xảy ra trong những ngày đầu năm này có vẻ cũng là kết quả của một quá trình rất bận rộn của chính phủ Việt Nam, cụ thể là các cơ quan phụ trách tư tưởng và văn hóa. Bài hát Ly rượu mừng của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương được cho … “hát” tại Việt Nam. Bài hát này vốn có mói về những người lính, mà cơ quan tuyên giáo của Đảng sợ rằng đấy không phải là những người lính của họ.
Chuyện cấm các bài hát được hát vốn không lạ ở Việt Nam, và hiện nay vẫn có sự cấm đoán như thế, mặc dù nói như blogger Xích Tử trên trang Dân Luận, là làm sao có thể cấm một người nào đó hát một bài hát nào đó. Tác giả viết tiếp về sự “cai trị nghệ thuật” của những người cầm quyền tại Việt Nam lâu nay, cũng như tâm lý vui mừng của những người xưa nay thầm nhẩm trên môi bài hát Ly rượu mừng mỗi độ xuân về:
Tin được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhà nước hình như và hầu như phản ánh/biểu hiện sự phấn khởi hồ hởi, hả lòng hả dạ của dòng xúc cảm nghệ thuật (vị nghệ thuật) trong giới hoạt động nghệ thuật về sự sáng suốt, khoan dung của nhà nước đối với một tác phẩm âm nhạc bị cầm tù 42 năm. Những người ưu tư chính trị, trăn trở với những biến động bể dâu của lịch sử đất nước từ 1945 đến nay (cũng tức là toàn bộ thời gian mà nhạc sĩ Phạm Đình Chương, cùng với những trí thức khác, rời bỏ mái trường, tham gia kháng chiến, rồi dinh tê, rồi vào Nam, rồi vượt biên, định cư lưu vong và mất ở xứ người, cho đến thời điểm một tác phẩm của mình được phục hồi), cũng nhân đó bày tỏ sự u uất, có khi là phê phán phẫn nộ về cái chuyện cai trị nghệ thuật lạ đời đó.
Dạy chính tả cho quan chức
Những tấm bảng tuyên truyền cho Đảng, cho chủ nghĩa xã hội tại Tp Hồ Chí Minh. AFP photo
Chuyện bận rộn thứ ba là các quan chức nhà nước tuyên bố sẽ nhờ giáo viên rèn luyện về ngữ pháp và chính tả cho các viên chức ngành tư pháp. Đa số các blogger chế nhạo chuyện này, cho rằng thực là điều khôi hài vì lẽ ra đã học về luật pháp thì trước tiên phải biết đọc biết viết một cách thông thạo.
Luật sư Lê Luân nhìn rộng hơn về bản chất của ngành tư pháp Việt Nam hiện nay:
Vấn đề của nền tư pháp chúng ta ngoài trình độ non yếu của thẩm phán, thì còn một vấn đề đặc biệt quan trọng nữa là sự phụ thuộc vào Đảng, bởi các thẩm phán đều là đảng viên, mà Đảng lại lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội, nên mới có việc “không khởi tố được vì người phạm tội đang là đảng viên” là như vậy.
Chiếc áo chữ nghĩa của thẩm phán không làm nên sự lành lặn của luật pháp và lẽ phải.
Nên việc cần thiết của việc gìn giữ trật tự xã hội và làm cho đất nước văn minh chính là tạo ra một nền tư pháp độc lập, hoàn toàn độc lập với bất kỳ đảng phái chính trị hay tổ chức quyền lực nào khác trong cùng một bộ máy chính quyền. Lúc đó, luật pháp và mạng người mới được tôn trọng và đảm bảo trên thực tế.
Chuyện chính quyền
Liên quan đến câu chuyện tư pháp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang xuất hiện bằng một bài viết dài về chế độ nhà nước pháp quyền trên báo chí của nhà nước. Tác giả Anh Văn bình luận trên trang Việt Nam Thời Báo của các nhà báo Việt Nam độc lập:
Ngày 09/01/2017, ông Trần Đại Quang đăng đàn bài viết trên Vietnamnet với tít rất kêu: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã Hội Chủ Nghĩa của dân, do dân và vì dân”.
Đây là quan điểm bao năm nay mà người dân chờ, tất nhiên, họ cần hơn cả thế – đi ngay vào hành động, xác lập nhà nước pháp quyền. Bởi, khó ai có thể dám tự hào rằng “dân chủ xã hội chủ nghĩa” tiến bộ hay ưu việt hơn “dân chủ tư bản chủ nghĩa”, nếu như thứ dân chủ đó chỉ là một văn bản nói hoặc viết dài ngoằn, ghi lại các “thành tựu cách mạng”, sau đó chốt vào ngay “sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước” để Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh, quản lý, điều hành đất nước hiệu lực, hiệu quả.
Toàn văn bài viết của cựu Bộ trưởng Bộ Công an, nay là Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chẳng những không tổng kết được các thành tựu “pháp quyền Xã hội chủ nghĩa”, mà ngược lại chỉ cho thấy các yếu tố lạm dụng quyền lực Xã hội chủ nghĩa” với bình phong pháp quyền. Do đó, toàn bài đã không tìm thấy một cụm từ nào về “quyền tự do”, trong đó nêu bật quyền tự do báo chí, xuất bản, hay thậm chí hội họp; mà chỉ thấy quán triệt sâu sắc Đảng lãnh đạo cho đến kiên định con đường Xã hội chủ nghĩa và cuối cùng vẫn là kiểu cũ “làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng ‘dân chủ’.
Một quan chức cao cấp khác là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng góp phần vào sự bận rộn bằng lệnh cấm các quan chức đi lễ cấp trên trong những ngày Tết để đề phòng tham nhũng. Blogger Văn Công Hùng vui mừng với sắc lệnh của Thủ Tướng nhưng kèm theo sự nghi ngại:
Hôm qua thấy có bạn hỏi: Thủ tướng quyết thì quá tốt quá đẹp quá được lòng dân rồi, nhưng làm sao để việc quyết ấy nó thành hiện thực, nó không đánh trống bỏ dùi như đã từng, và bạn ấy đề xuất, giao cho các bác cựu chiến binh lập chốt ngay ở gần nhà sếp, nghe xong buồn cười nhưng lại xót. Bởi, té ra dân mình bây giờ luôn luôn cảnh giác cao độ, luôn luôn cho là nói phải đi đôi với làm. Họ tin thủ tướng nhưng cấp dưới nếu không có chế tài, liệu có nhất nhất tuân theo không?
Vậy nên, lệnh của thủ tướng sẽ làm nhiều người thanh thản. Và mong nó sẽ duy trì được mãi để sự thanh thản nó kéo dài nhiều năm…
Những người ra đi và những người ở lại
Một buổi tưởng niệm đánh dấu 43 năm ngày mất Hoàng Sa và tưởng nhớ các tử sĩ trước tượng đài vua Lý Thái Tổ, Hà Nội hôm 19/1/2017. AFP photo
Nhìn lại năm 2016, có vẻ như các nổ lực chống tham nhũng của chính phủ rơi vào vô vọng, khi người ta chứng kiến hàng loạt quan chức bị cho là tham nhũng trốn ra nước ngoài, điều mà blogger Người Buôn Gió gọi là tầng tầng lớp lớp:
Những lớp doanh nhân này đi, sẽ có những lớp doanh nhân khác trỗi lên bằng những mối quan hệ với các quan chức lớp mới trong chế độ. Rồi đến hẹn lại lên, sau mỗi nhiệm kỳ 5 năm của quan chức cộng sản đỡ đầu. Lớp doanh nhân mới sau khi tích trữ được một số của cải, lại tìm đường đi để cho lớp mới lên. Cuộc sống ở Việt Nam cứ tuần hoàn như vậy, đất nước như một miếng da lừa, cứ năm sau nợ nần lớn hơn, tài nguyện cạn kiệt hơn, môi trường và đạo đức xã hội băng hoại hơn.
Và lớp người đi cũng nhiều hơn.
Một miếng da lừa rất cụ thể là sân bay Tân Sơn Nhất, đã teo lại nhường chổ cho nhà cửa, sân golf mấy chục năm nay, đến nỗi không còn chổ để xây dựng những cơ sở phụ trợ cho một sân bay nữa, điều mà nhà văn Nguyễn Đình Ấm gọi là Một đất nước vô chủ.
Nếu blogger Người Buôn Gió nói đến những người mong muốn rời bỏ Việt Nam vì nhiều lý do, thì trong những ngày đầu năm này có một người Việt phải ra đi dù không muốn, gây nên những buồn vui lẫn lộn trong giới blogger, đó là tù nhân chính trị Đặng Xuân Diệu bị chính quyền Việt Nam trục xuất sang Pháp, nối tiếp con đường của nhiều người tù chính trị trong mấy năm qua, từ khi dường như nhà cầm quyền tìm được một giải pháp tốt nhất để duy trì điều mà họ gọi là ổn định chính trị, là trục xuất những người bất đồng chính kiến ra khỏi đất nước.
Blogger Nguyễn Tường Thụy viết rằng Với giới đấu tranh dân chủ, đây là một tin vui tuy rằng không trọn vẹn. Cuộc đấu tranh còn dài, còn nhiều gian nguy và còn nhiều người tiếp bước.
Vẫn còn nhiều người ở lại. Họ kỷ niệm ngày Hoàng Sa mất về tay Trung Quốc, một ngày kỷ niệm mà không báo chí chính thống nào của Việt Nam đưa tin. Một trong những người tham gia vào những buổi lễ diễn ra ngày 19 tháng Giêng là chị Nguyễn Thị Kim Tiến:
Lịch sử cần phải sòng phẳng với những đứa trẻ sinh ra dưới màu cờ đỏ như chúng tôi để chúng tôi có thể nhận thức một cách đúng đắn hơn về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Và rồi tôi tin, thế hệ trẻ chúng tôi sẽ không còn có thể sống một cách vô ơn như đã từng hơn 40 năm qua.
Nhà cầm quyền dù cũng có tìm cách cản trở một số người đến tham gia lễ tưởng niệm, nhưng nói chung lễ kỷ niệm đã diễn ra. Điều đó cũng có nghĩa là niềm tin của chị Nguyễn Thị Kim Tiến rằng lịch sử sẽ được soi rọi vẫn còn đó.
K.H.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/a-busy-country-kh-01232017093649.html