Đồng bằng sông Cửu Long: Thiên đường đã mất

Kính Hòa, phóng viên RFA

clip_image002

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhìn ra cửa sổ máy bay khi bay ngang vùng Đồng bằng sông Cửu Long hôm 14/1/2017 trong chuyến thăm Việt Nam. AFP photo

Ô nhiễm mới và cũ

Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long với diện tích khoảng 30 ngàn cây số vuông, được biết là một vùng nông nghiệp trù phú của Việt Nam, sản xuất nhiều lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên nền nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đã không phát triển mạnh trong những năm gần đây. Vùng đất này lại đang gặp những khó khăn mới từ ô nhiễm môi trường do công nghiệp hóa đang diễn ra nơi đây. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu tại Cần Thơ cho biết:

Chúng ta biết rằng sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đã đạt đến mức tối đa. Đất nông nghiệp đã được sử dụng gần hết, thậm chí tăng thêm số vụ, vì diện tích không tăng được nữa. Trong khi đó thì người nông dân vẫn còn nghèo, áp lực dân số gia tăng, mùa màng thất thường, thiên tai,… làm cho vùng nông thôn khó phát triển. Hướng phát triển cho một số tỉnh thành là người ta mở rộng các khu công nghiệp. Ở đồng bằng sông Cửu Long, phát triển công nghiệp đã hình thành, nguy cơ về ô nhiễm không khí, tiếng ồn, rác thải, đã được lưu ý. Chúng tôi đã cảnh báo một số nhà máy có thể gây ô nhiễm”.

Một nhà máy mà Tiến sĩ Tuấn cảnh báo là nhà máy giấy của Trung Quốc Lee & Man đang xây dựng tại tỉnh Hậu Giang. Tờ báo mạng chuyên về vùng châu Á Thái Bình Dương là Diplomat trích lời ông Tuấn nói rằng nhà máy này sẽ sử dụng các nguồn nguyên liệu là giấy thải, cho nên qui trình chế biến sẽ có thể gây ô nhiễm trên diện tích rộng hai dòng chính của sông Cửu Long là Tiền Giang và Hậu Giang.

Áp lực dân số mà ông Lê Anh Tuấn đề cập cũng tạo nên một nguồn ô nhiễm lớn tại các đô thị đang phình ra của vùng đồng bằng, đó là rác thải. Tiến sĩ Tuấn cho chúng tôi biết việc xử lý rác thải tại đồng bằng sông Cửu Long rất khó khăn vì đất thấp rất gần mạch nước ngầm nên chôn rác không được tiện lợi. Việc áp dụng các phương pháp phân loại rác, tái chế rác hữu cơ làm phân bón có được tiến hành nhưng trên bình diện nhỏ, và chậm chạp.

Một nhà nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ là ông Nguyễn Minh Quang trích lời một giáo viên sống ở vùng đồng bằng Cửu Long rằng hiện nay không thể sử dụng nước ngầm hoặc nước của các dòng sông để uống nữa vì ô nhiễm thải ra từ các nhà máy.

Ô nhiễm tăng mạnh vào mùa khô khi thiếu nước mưa và một lượng nước lớn của sông Cửu Long bị ngăn lại trên thượng nguồn, không thể chảy về xuôi để rửa đi ô nhiễm từ con người cũng như nhiễm mặn, nhiễm phèn do điều kiện tự nhiên.

Ngoài những nguồn ô nhiễm mới do công nghiệp hóa mang lại, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn còn cho biết là tại các vùng chuyên nuôi cá, thâm canh lúa cũng bị ô nhiễm do sử dụng nhiều hóa chất.

Hiện vẫn chưa có thống kê riêng biệt về thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế hiện sống ở Hà Nội thì ô nhiễm môi trường đang là một thách thức rất lớn cho Việt Nam.

“Thiệt hại về ô nhiễm môi trường của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá là một năm có thể gây ra thiệt hại âm 5,2% Tổng sản phẩm quốc dân của Việt Nam, và đấy là một mức thiệt hại rất lớn đối với Việt Nam”.

Trong năm 2016, thảm họa môi trường do nhà máy Formosa của người Đài Loan gây ra ở vùng biển miền Trung được xem là thảm họa lớn nhất trong lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bế tắc

clip_image004

Một con kênh khô hạn ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long hôm 8/3/2016. AFP photo

Ngày 9 tháng 1 năm nay, báo Tuổi Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh có một bài phóng sự về việc hàng chục ngàn người dân tại vùng Đồng bằng miền Tây sông Hậu bỏ xứ đi kiếm ăn. Có hai nguyên nhân, thứ nhất là nông nghiệp không mang lại đủ công ăn việc làm cho một dân số đang tăng lên.

Thứ hai là ô nhiễm môi trường. Ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải được báo Tuổi Trẻ trích lời thừa nhận rằng môi trường suy thoái ở tỉnh Cà Mau đã làm cho việc trồng lúa nuôi tôm của người nông dân trở nên rất khó khăn.

Đứng trước những khó khăn về môi trường và kinh tế hiện nay, đã có những đề nghị là vùng đồng bằng sông Cửu Long nên giảm đi lượng lúa sản xuất mà chuyển sang việc trồng các loại cây khác bán có giá hơn, hoặc là sản xuất gạo hữu cơ rất được giá ở thị trường các quốc gia phát triển. Nhưng dường như người nông dân Việt Nam đang bị các đồng nghiệp láng giềng ở Campuchia qua mặt khi gần đây gạo hữu cơ của nước này đang bắt đầu tiến vào thị trường phương Tây, chưa kể những nông dân Thái Lan đã tiến xa từ lâu.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết là do sản xuất thâm canh lúa trong một thời gian lâu, những cánh đồng ở đồng bằng Cửu Long bị kiệt sức so với ruộng đất bên Campuchia, khó thể áp dụng việc sản xuất các loại sản phẩm hữu cơ chất lượng cao.

Đó là về mặt kỹ thuật, nhưng một nguyên nhân quan trọng khác được tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn đưa ra trong thời gian gần đây giải thích việc cản trở sức sản xuất của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long chính là những chính sách. Hiện nay với chính sách hạn điền, người nông dân vùng sông Cửu Long không thể áp dụng khoa học kỹ thuật trên những mảnh ruộng quá nhỏ bé, ngoài ra do không có quyền làm chủ mảnh đất của mình vì về nguyên tắc đất đai là do nhà nước quản lý, người nông dân không muốn xúc tiến những dự án đầu tư dài lâu.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết ông đã từng viết báo đề nghị mở rộng hạn điền cũng như tăng quyền sở hữu cho nông dân. Ông nói tiếp:

Tuy nhiên để làm được điều đó thì nó đòi hỏi một sự thay đổi rất lớn trong chính sách đất đai của chính phủ Việt Nam. Và đặc biệt là luật đất đai phải được sử đổi, vì luật đất đai vẫn chưa đặt ra vấn đề mở rộng diện tích hạn điền hay thừa nhận những người chủ trang trại, điền chủ, hay địa chủ,… những từ ngữ đó vẫn chưa phổ biến trong luật pháp Việt Nam”.

Một chuyên gia kinh tế khác là ông Bùi Kiến Thành, trong một lần trao đổi với chúng tôi cho rằng nguyên tắc sở hữu toàn dân về ruộng đất đã lỗi thời cần phải thay đổi. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng sắp tới đây Việt Nam chắc phải có thay đổi nhưng ông không biết là mức độ thay đổi sâu rộng đến đâu. Nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Quang của Đại học Cần Thơ cảnh báo rằng việc phát triển công nghiệp sử dụng nhiều nhân công ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết nhưng nếu không có liên quan đến nền kinh tế nông nghiệp của nó có thể kéo theo những bất ổn về môi trường và xã hội trong tương lai.

K.H.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mekong-delta-kinhhoa-01182017100818.html

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.