Tương Lai
Chỉ mấy ngày nữa là Tết. Liệu chúng ta có thể vô cảm mà thảnh thơi “đón thời khắc thiêng liêng trong mối giao cảm giữa trời đất và con người từ năm cũ bước sang năm mới để an nhiên quây quần bên gia đình trong hương trầm lan tỏa từ ban thờ đến mâm cỗ Tết khi còn có những người bất đồng chính kiến đang bị tù oan uổng, nhìn cánh én báo Xuân về qua cánh cửa sắt lạnh lẽo” của “nhà tù chế độ” mà Thư Ngỏ của các tù chính trị trước 75 gửi các nhà lãnh đạo Nhà nước vào buổi Xuân về Tết đến vừa gợi lên?
Nhà tù chế độ ư? Chế độ nào vậy? Liệu có phải cái chế độ do chính những tác giả của Thư Ngỏ đã từng dấn thân để góp phần xây dựng nên không?
Thì chẳng phải Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu, Hạ Đình Nguyên, Bùi Tiến An … những người bạn quý mến và thân thiết của tôi từng kể cho tôi nghe cái lý do thôi thúc, giục giã các anh dấn thân buổi ấy đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi về hình ảnh tuyệt đẹp của những người bạn mới mà tôi sung sướng và tự hào được kết thân trong 20 năm qua kể từ 1997 tôi vào sống ở Sài Gòn đấy ư!
Tuổi trẻ của các anh là tuổi dấn thân cho một lý tưởng cao cả khởi phát từ lòng yêu nước, cháy bỏng khát vọng tự do, dù biết rằng dấn thân vô là phải chịu tù đày, là mạng sống phơi ra trước họng súng. Một tuổi trẻ dấn thân tuyệt đẹp vì dám tự nguyện đứng vào vị trí của bộ phận những người con ưu tú nhất của đất nước cần phải có mặt: dưới ngọn cờ yêu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Nhưng cũng chính vì thế, đến hôm nay, các anh lại có mặt trên tuyến đầu của những người đấu tranh bảo vệ cho một lý tưởng đang bị phản bội bởi một nhúm người quyết duy trì cái ghế quyền lực bằng mọi giá, kể cả cúi đầu nhục nhã trước kẻ thù đang ngang nhiên cướp phá từng mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Trước mắt tôi hiện lên hình ảnh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh hôm anh nằm dài xuống sàn nhà khách Trung tâm Hội nghị Quốc tế tại số 35 để ống kính máy ảnh của anh ghi được đủ nét chân thật và sinh động nhóm nhân sĩ trí thức tập hợp chuẩn bị đến 37 Hùng Vương, trụ sở Văn phòng Quốc Hội đưa Kiến nghị về Sửa đổi Hiến pháp. Luôn có mặt ở những sự kiện nóng bỏng và có ý nghĩa cập nhật nhất, Ba Sàm biểu tỏ phẩm chất của một nhà báo dũng cảm, quyết liệt và bén nhọn trong việc nắm bắt thông tin và đưa tin kịp thời.
Từ chối ly cà phê tôi đưa mời, anh vừa chạy vừa trả lời “Em phải xuống trước để kịp ghi hình các anh chị sao cho đẹp”. Và anh “đã chạy để ghi cho kịp” nhịp sống hối hả của đất nước nhằm kịp cảnh báo với lương tri của dân tộc cũng như của những ai đang muốn tìm biết về Việt Nam lời nhắn gửi mà nhà báo cách mạng Tiệp Khắc Julius Fučík: “Hỡi những con người mà ta hằng yêu thương, hãy cảnh giác”! Người anh hùng Tiệp Khắc của những năm đen tối nhất của đất nước mình cũng đã hối hả như Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh của 80 năm sau đang hối hả nói với những người anh yêu thương: Hãy cảnh giác!
Anh phải hối hả, vì cũng như Fučík, anh đang phải sống
Giữa mùa phản phúc
Tối đen tù ngục
Suối đã đục dòng
Chỉ lệ còn trong *
Mượn lời Louis Aragon, mặc dầu đây là lời thơ miêu tả thực trạng tồi tệ, nhục nhã của Paris, của nước Pháp dưới gót giày phát xít Đức, vì những câu ấy gợi trong tôi những day dứt suy ngẫm về những cây bút lớn của thế giới thời Fučík. Fučík thì viết lời kêu gọi cảnh giác “dưới giá treo cổ” của phát xít. Còn những người từng cùng chiến tuyến chống phát xít của Fučík cũng từng đến với lý tưởng cộng sản, từng có cảm tình với tư tưởng cộng sản, hoặc đã gia nhập Đảng Cộng sản để rôi đau đớn từ bỏ cái tổ chức mình đã tự nguyện khép vào.
Ở Pháp thì như Jean-Paul Sartre, André Gide, Roger Vailland, rồi như Roger Garaudy, lý thuyết gia hàng đầu của Đảng Cộng sản Pháp, từng là ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp, là ứng cử viên Cộng sản Pháp tham gia Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp nhưng rồi đã gay gắt phê phán “phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” trong sáng tác văn học nghệ thuật để viết “Chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến” và từ bỏ Đảng Cộng sản.
Ở Nga, Vladimir Vladimirovich Mayakovsky, Alexander Fadeyev những nhà văn cộng sản từng đứng trên đỉnh cao nghệ thuật Xô Viết, từng là Chủ tịch Hội Nhà văn Liên Xô, người thì bắn vào tim, người thì bắn vào đầu để kết thúc cuộc đời khi họ nhận thấy lý tưởng của mình bị phản bội. Nếu kể ra nữa thì còn nhiều. Ở Mỹ thì như John Steinbeck, Henry Miller, ở Hungari thì như Gyorgy Lukács, Arthur Koestler, v.v. cuối đời cũng không thể chấp nhận một thể chế toàn trị phản dân chủ chà đạp trên thân phận con người mà cái “thành trì của Chủ nghĩa xã hội” phủ bóng Stalin tự phơi bày, đã từ bỏ Đảng Cộng sản. Dữ dội hơn, cũng như Mayakovsky, như Fadeyev, nhà thơ cộng sản Ý Cesare Pavese ngày càng tuyệt vọng với những thực trạng khủng khiếp mà nhà nước toàn trị kiểu Staline càng đẩy tới tâm trạng cô đơn, đã tự kết liễu đời mình lúc 52 tuổi!
Liệu có phải những tấn bi kịch lớn vừa gợi lên đã tìm đến lời cảnh tỉnh của Albert Camus người đã từng là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp từ 1934 đến 1937: “Công việc của những người biết suy nghĩ là không đứng về phía những đao phủ”?
Tôi muốn hiểu khái niệm “đao phủ” trong ngôn từ của Camus nằm trong mạch ý tưởng của nhà văn Pháp, đại diện tiêu biểu nhất của của chủ nghĩa hiện sinh, giải Nobel văn chương, người “đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta”. Những người cùng thời với Camus đã không đủ chín chắn, bình tĩnh để chấp nhận lập luận của Camus về mối tương quan giữa “công lý” và “đạo đức”, giữa “cách mạng” và “tội ác”. Ở thời điểm 1951, phần đông trí thức còn đang tin vào lý tưởng Cộng Sản, vào Staline. Camus nhìn xa hơn Sartre về vấn đề này. Mãi tới năm 1956, khi chiến xa Xô Viết tiến vào Hungari, Sartre mới tỉnh ngộ. Một điểm này và chỉ một điểm này thôi, Camus xứng đáng là nhà văn nhân bản và sáng suốt nhất của Pháp trong thế kỷ XX (dẫn lại theo Thụy Khuê).
Camus ghê tởm thứ bạo lực được “nhà nước hoá”. Lên án sự kiểm soát tư tưởng con người một cách quỷ quyệt, ông đối đầu với áp bức vì cho rằng cái ác trên thế gian hầu như thường đến từ sự ngu muội, và ý tốt cũng có thể gây hại nhiều như ý ác nếu nó thiếu đi sự thấu hiểu. Camus tuyên bố một cách dứt khoát: “Người phản kháng là gì? Là người dám nói không”. Trong “Người nổi loạn” (L’homme révolté), ông viết: “Ý thức hệ hôm nay chỉ phủ nhận người khác như những kẻ duy nhất lừa dối. Vì thế người ta giết người. Tảng sáng, những kẻ sát nhân huy chương đầy ngực mò về tiểu tổ: Tội ác là vấn đề”. Thế là, đi từ “khủng bố cá nhân” để tiến tới “khủng bố nhà nước” …, “Sự đòi hỏi công lý trở thành phi công lý nếu nó không dựa, trước tiên, trên một nền tảng biện minh có đạo đức về công lý. Thiếu điều đó, tội ác sẽ trở thành nhiệm vụ”.
Chưa lúc nào mà những day dứt nói trên lại giằng xé dữ dội tâm hồn tôi trước một thực trạng “nhìn tổng quát đất nước có bao giờ bi đát thế này không” như lời của vị lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh hơn 100 tuổi đời và trên 70 năm tuổi đảng đã thốt ra để phản bác lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “nhìn tổng quát đất nước có bao giờ được thế này không”. Sự sa đọa của một bộ máy quyền lực đã bất lực trong điều hành đất nước khiến cho uy tín của Đảng cầm quyền xuống tới đáy. Và một nhúm những người lo sợ trước sức phẫn nộ của lòng dân đã hướng mũi nhọn bạo lực vào dân thay vì dồn sức tìm ra quyết sách tăng cường nội lực, phát động sức dân nhằm đối phó với sức ép từ bên ngoài.
Quả đúng như Thư Ngỏ viết: “Nhà tù đông tù nhân không phải là chỉ dấu thế lực thù địch đã nhiều, mà ngược lại nó tự phản ảnh mặt trái của nền cai trị. Vả chăng, tính độ lượng và chính sách nhân bản vẫn tạo được hiệu ứng “sâu rễ bền gốc”, nền tảng của một nhà nước thật sự của dân, vì dân và do dân”. Nhưng liệu những lời tâm huyết nói trên của các cựu tù chính trị trước 75 có lay chuyển được sự “kiên định” của bộ máy chuyên chính quyết thực hiện bằng được hạ sách là bỏ tù, trấn áp, bịt miệng dân, một cách giải khát bằng thuốc độc quen thuộc, khi không có nổi một giải pháp mà chỉ những người có được một bản lĩnh cần thiết và có được đôi mắt nhìn xa hơn cái mũi của mình, mới có thể đưa ra.
Không hiểu 21 phát đại bác có làm ù tai ai đó khiến không còn nghe nổi những lời tâm huyết của những thiện chí muốn đất nước không lâm vào thế bế tắc, và rồi mùi thuốc súng bắn ra lại đang trở thành mùi hữu nghị bịp bợm có sức gây mê? Mà thật là quá khó cho những não trạng đã mụ mẫm đủ lâu vì những tín điều học thuộc lòng được dùng làm bệ đỡ mà leo dần lên bậc thang danh vọng thì khó mà nghe được lời cảnh tỉnh của Camus, thậm chí cả lời cảnh tỉnh của người cộng sản Fučík.
Sức tha hóa của quyền lực thật khủng khiếp.
Thì chẳng phải trái tim đã hóa đá của quyền lực đã từng hạ lệnh tàn sát thanh niên sinh viên, trong vụ Thiên An Môn 1989 đó sao? Vua Louis 14 của nền quân chủ chuyên chế từng trị vì một đế chế hùng mạnh nhất châu Âu, từng tuyên bố “Đất Nước là ta” (L’état, c’est moi) vẫn phải chùng tay từ bỏ ý định ra lệnh bắn vào dân chúng. Song với chuyên chính vô sản, để kiên quyết bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa toàn trị phản dân chủ ở Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã hạ lệnh cho Giang Trạch Dân và Lý Bằng, huy đông quân đội tiến vào Băc Kinh dùng xe tăng nghiền nát những người con ưu tú nhất của nhân dân Trung Quốc vĩ đại. Quảng trường Thiên An Môn ngập trong máu, hàng ngàn sinh viên đã bị giết hại. Triệu Tử Dương bị cách chức Tổng Bí thư vì phản đối cuộc thảm sát đó.
Cần biết rằng những chiếc xe tăng nghiến nát con người này thuộc quân đoàn 27, một binh chủng đặc biệt được tuyển chọn từ những nông dân vùng hẻo lánh, có đến 60% là mù chữ. Doanh trại Quân đoàn này đóng ở Thạch Gia Trang di chuyển đến Bắc Kinh chỉ mất 4 giờ! Liệu điều này có bổ sung thêm vào nội dung và sức nặng cho lời cảnh báo “Hãy cảnh giác” của nhà báo cộng sản Fučík những năm 40 của thế kỷ XX? Cũng đừng quên rằng, Giang Trạch Dân người trực tiếp điều hành cuộc thảm sát Thiên An Môn sau đó thay Triệu Tử Dương ngồi vào ghế Tổng Bí Thư, cũng chính là kẻ đã trao cho Nguyễn Văn Linh chiếc thòng lọng Thành Đô để siết vào cổ dân tộc ta suốt 27 năm qua!
Vậy khi “suối đã đục dòng, chỉ lệ còn trong” thì nước mắt mà Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh khóc Mẹ tôi chép dưới đây có lay động chút nào những ai đang quyết liệt bỏ tù Anh?
Mười năm trước đưa Cha
Nước mưa hòa nước mắt
Nay tiễn Mẹ đi xa
Trời nhòa người lệ ứa
Mưa ơi lất phất thôi
Đỡ ướt người tiễn biệt
Gió Đông xin nhẹ thổi
Mẹ giá buốt lắm rồi.
Người thân vơi bi lụy
Nhẹ lòng người ra đi
Cha mải chờ Chín Suối
Sắp vui đón Mẹ rồi.
B14, Ngày 11-1-2015
Con trai út
Nguyễn Hữu Vinh
Thân mẫu của Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh là một nhà cách mạng lão thành, phu nhân của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nguyễn Hữu Khiếu tại Liên Xô cũ, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng, một người cộng sản kiên cường, từng bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Đakmil (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắc Nông) từ 1940 – 1943.
Đường lên đỉnh núi Đắc Lay
Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim
Và liệu người tù Nguyễn Hữu Khiếu khi ấy có cùng chung tâm trạng với người tù Tố Hữu cùng thời với ông:
Có ai hiểu nỗi hờn ghê gớm
Trên mắt người trông với núi sương
Núi hỡi! Từ đây băng xuống đó
Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm trường?
(Tố Hữu, “Tiếng hát đi đày”)
Nhưng chắc chắn người tù Nguyễn Hữu Vinh hôm nay, con trai út của ông, người kế thừa một cách xứng đáng khí phách và bản lĩnh của cha mình nay lại phải nằm trong “nhà giam chế độ” kia thì hàng ngày đang nghe “tiếng kẻng”:
Và kẻng dọa: “Nằm yên
Phải cúi đầu khuất phục
Đây thành lao cửa ngục
Đây xiềng xích gông cùm
Đây mũi súng làn gươm
Chết nếu mi đòi sống”
(Tố Hữu, Ba tiếng)
Chỉ trớ trêu một điều, cái nhà tù hôm nay đang giam cầm người con trai của ông lại là sản phẩm tai ác của cái chế độ mà chính ông và những người ưu tú thuộc thế hệ ông đổ bao xương máu để dựng nên!
Chính cái “chế độ” vốn là một biểu tượng được ngộ nhận là sự hiện thân của độc lập, tự do, hạnh phúc đã dần dà biến chất theo quy luật nghiệt ngã của sự tha hóa quyền lực, trở thành một chế độ toàn trị phản dân chủ tệ hại đang chà đạp lên lý tưởng và sự nghiệp cao cả của những Nguyễn Hữu Khiếu, của nhiều thế hệ Việt Nam ưu tú nhất. Để rồi đến hôm nay, những người từng dấn thân cho một lẽ sống cao đẹp đang phải đương đầu với bộ máy bạo lực mà một nhúm chóp bu nắm quyền đang bằng mọi cách giành giật và chiếm giữ cái ghế quyền lực. Và, họ đang bị giam trong nhà tù, những nhà tù cũng có những cánh cửa sắt lạnh lẽo, những chấn song vô hồn như hệt những nhà tù xưa kia đã từng giam giữ những chiến sĩ cách mạng đổ máu để phá bỏ nó đi!
Những Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh từng dấn thân cho một lẽ sống họ đã tự xác định, dấn thân theo cái nghĩa “chỉ có hành động và qua hành động con người mới thật sự tự do”. Họ đang là những người bất đồng chính kiến với chế độ toàn trị phản dân chủ đang giày xéo lên quyền tự do của con người, những quyền tự do đã được ghi vào Hiến pháp. Phải chăng họ đang hành động theo cung cách mà A. Camus viết trong “Người nổi loạn” vừa nhắc ở trên: “Người phản kháng là gì? Là người dám nói không”? Hiểu như vậy thì có thể luận ra rằng khó mà những tác giả của Thư Ngỏ đòi trả tự do cho những người bất đồng chính kiến có thể nhận được phản hồi.
Nếu đã tiên liệu như vậy thì viết Thư Ngỏ để làm gì nhỉ? Nhưng đâu phải chỉ lần này! Đã từng có bao nhiêu Kiến Nghị, Thư Ngỏ, Tuyên Bố tâm huyết và chân thành của những trí thức nhân sĩ gửi các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đưa trực tiếp có, qua bưu điện có, đều làm gì có hồi âm. Các nhà lãnh đạo, những người gánh vác trọng trách đất nước trong thói quen ứng xử quen thuộc của thể chế toàn trị phản dân chủ này chưa hề được biết, hoặc cũng có thể biết nhưng không được thực thi, về một ứng xử văn hóa tối thiểu này.
Vậy thì phải chăng điều mong muốn thiết thực và nhỏ nhoi nhất của tác giả Thư Ngỏ là gửi đến những người phải ngồi tù vì sự bất đồng chính kiến của họ sự đồng cảm chân thành nhằm chia sẻ với họ trong những ngày Tết phải đón Xuân trong nhà tù lạnh lẽo, đang hướng về gia đình và những người thân yêu qua chấn song nhà tù nghiệt ngã. Những người yêu nước kiên quyết chống Trung Quốc xâm lược, những người nung nấu khát vọng tự do và dân chủ đều khâm phục và luôn ở bên các anh chị, nhưng riêng những cựu tù chính trị trước 1975 thì càng thiết tha thông cảm và luôn sát cánh với các anh chị trong cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt này.
Và tất thảy chúng tôi, những người đang dấn thân cho khát vọng dân chủ và tự do của con người, cho độc lập và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta muốn thiết tha nói với các anh chị rằng: chúng tôi luôn nghĩ đến các anh chị đang phải quằn quại trong nhà tù, chúng tôi luôn ở bên các anh chị với tâm nguyện rằng “Khi không có hy vọng, bổn phận của chúng ta là sáng tạo ra nó” (Albert Camus).
Ngày 15.1.2017
T. L.
____________________
*Quand il arriva la saison
Des trahisons et des prisons
Quand les fontaines se troublèrent
Les larmes seules furent claires
Tác giả gửi BVN.