Sân bay Tân Sơn Nhất “vỡ trận”: Có phải là sự bất ngờ hay đất nước vô chủ?

Nguyễn Đình Ấm

Tình cảnh khốn cùng hiện nay của sân bay Tân Sơn Nhất(TSN) đã được cảnh báo từ 10 năm trước

Xuất phát từ sự phân bổ diện tích đất đai ở TSN quá bất hợp lý sau năm 1975: ngành Hàng không dân dụng phát triển hai con số thì nhà nước khi đó chỉ cho quản lý, sử dụng 205 ha, trong khi hàng không quân sự (QS) ít hoạt động, đội máy bay ngày ít, chỉ lèo tèo vài chuyến/ tuần lại có sân bay quân sự Biên Hòa cách đó chỉ hơn 30 km thì lại được giao 545 ha (400 ha dùng chung).

clip_image001

Trong một sân bay hỗn hợp sự phân chia chỉ là tương đối, bất kỳ hoạt động bay nào cũng không thể giới hạn trong phạm vi riêng mà phải đồng nhất không gian, thời gian… Thế nhưng, bên phía quân sự lại coi phần đất được giao bất hợp lý kia như sở hữu của mình dẫn đến sử dụng không đúng mục đích, kìm hãm sự phát triển của hàng không dân dụng. Bởi vậy, từ năm 2007 TSN bắt đầu đã thiếu chỗ đỗ máy bay chở khách, hàng không TSN, các hãng hàng không đã phải thuê diện tích, sân đỗ nhàn rỗi bên quân sự để sử dụng. Trước tình hình này ngành HKVN đã đề nghị và cuối năm 2007 được thủ tướng chính phủ cho phép quy hoạch sang phía quân sự 30 ha để làm 30 sân đỗ nhưng không được phía quân sự “thỏa thuận”. Từ đó TSN ngày càng thiếu sân đỗ trầm trọng không thể tính hết những chuyến bay đến TSN phải bay vòng vèo trên không chờ chỗ đỗ gây uy hiếp an toàn, tốn nhiên liệu, hao mòn thiết bị vô ích và ô nhiễm môi trường. Cũng chưa biết có bao nhiêu hãng HK nước ngoài đã rời bỏ hoặc bỏ ý định đặt điểm quá cảnh ở TSN để chọn địa điểm khác thuận tiện hơn.

Trong khi không có đất làm sân đỗ thì chúng tôi được người ở sân bay TSN thông báo người ta âm thầm hối hả thi công sân golf, nhà cửa la liệt trong sân bay rồi có tin thủ tướng chính phủ cho phép đại gia quân đội dùng 157,6 ha đất sân bay làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư kinh doanh. Khi các thông tin này “rò rỉ” suốt từ những năm 2013, 2014 dư luận báo chí, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức nhất là dịp quốc hội, hội đồng nhân dân TP HCM họp nhiều đại biểu chất vấn gay gắt tại sao lại có sân golf trong sân bay, tại sao không có đất mở rộng sân bay phục vụ quốc kế, dân sinh lại có đất an ninh quốc phòng của nhà nước cho cá nhân sử dụng vào lợi ích riêng… thì chỉ nhận được câu trả lời của chủ đầu tư, thủ tướng chính phủ: “Khi nào nhà nước cần sử dụng đất (157,6 ha) thì chủ đầu tư trả lại mà nhà nước không phải bồi thường” (!), còn nguyên bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng khi bị đại biểu quốc hội chất vấn thì trả lời: “đại biểu chất vấn nhầm rồi, sân golf là bên quân sự…”. Thời gian làm bộ trưởng GTVT, ông chỉ quan tâm “rùm beng” những việc như giá tô mì tôm ở sân bay, xây nhà chứa xe ở TSN “mang lại lợi ích kếch xù cho chủ đầu tư”… còn những chuyện liên quan đến an ninh, an toàn hàng không, phá hoại kinh tế trong nước như hàng xách tay lậu kìn kìn qua các cửa khẩu sân bay, đặc biệt sự quá tải sân đỗ ở TSN kìm hãm sự phát triển của ngành HKVN thì không được quan tâm đúng mức.

Như vậy là việc quá tải ở TSN đã được báo trước liên tục từ 10 năm qua chứ không phải như ông phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói hôm 10/1/2017 tại hội nghị bàn về giải cứu TSN: “Có tình trạng trên là do quy hoạch cảng HK so với kinh tế còn lạc hậu, dự báo không chính xác tăng trưởng nên dẫn đến quá tải”.

Một đất nước vô chủ?

Trong hoạt đông kinh tế, khi đã có thị trường thì việc huy động vốn, tổ chức sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường kiếm lợi ích không thành vấn đề. Có thể khẳng định tất cả các sân bay trên thế giới và VN bao giờ cũng phải xây dựng hạ tầng trước để kích thích, nuôi dưỡng thị trường chịu lỗ nhiều năm. Thế nhưng ở TSN thì ngược lại, dịp tết Đinh Dậu tới đây các hãng HKVN trù liệu thị trường hành khách tăng khoảng hơn 2.000 chuyến bay và xin nhà chức trách cấp phép bay. Đây là cơ hội “vàng” kinh doanh không chỉ các hãng HK mà cả sân bay, doanh nghiệp không lưu, nhà nước, hành khách có lợi… Thế nhưng các hãng HK chỉ được đáp ứng một nửa yêu cầu với lý do duy nhất là sân bay TSN quá tải sân đỗ. Người lương thiện và có chút lòng với đất nước không thể chấp nhận sân bay TSN quá tải loại hạ tầng này.

Với một sân bay thì suất đầu tư tốn kém nhất là đường băng, nhà ga, các trang thiết bị vận hành nhà ga, không lưu… Những công trình, trang thiết bị này cần vốn đầu tư hàng tỷ USD, vật tư chủ yếu nhập ngoại bằng đô la, Euro do phần lớn VN chưa sản xuất được. Vì vậy những hạ tầng trang, thiết bị này chiếm khoảng hơn 70-90% tài sản của sân bay (không kể đất).

Riêng các sân đỗ máy bay, đường lăn chỉ là những bãi đất được rải lớp bê tông cường độ cao, thoát nước, có các móc néo để cố định máy bay khi đỗ. Như vậy chỉ cần vài chục ha, khoản tiền tương đương vài km làm đường bộ cao tốc và đội xây dựng đường sá thi công là có thể có ngay những bãi đỗ, đường lăn máy bay.Tất nhiên phải thiết kế các sân đỗ hợp lý về khoảng cách, hài hòa với đường lăn để bảo đảm máy bay ra, vào thuận lợi, an toàn.

Thế nhưng chuyện quá tải sân đỗ – công trình rất dễ xây dựng, tốn kém không đáng kể (so với sân bay) – ở sân bay lớn nhất VN xảy ra từ năm 2007, ngành HKVN đã đề nghị với chính phủ giải quyết nhưng phía quân sự không “thỏa thuận” mà những người có trách nhiệm cứ “giương mắt ếch” (lời nhiều CBNV ngành HKVN) để tình cảnh này cứ diễn ra trong mười năm qua đến nay cản trở nghiêm trọng hoạt động của TSN.

Điều đáng nói là hoạt động máy bay quân sự ở TSN rất ít và bất hợp lý. Máy bay quân sự không có tiêu chuẩn môi trường, tiếng ồn, chất thải độc hại gấp chục lần máy bay dân dụng, sân golf mỗi năm thải vào môi trường hàng trăm tấn chất độc lại để trong thành phố đông dân cư… Người HKDD có cảm giác, việc người ta duy trì lèo tèo một số chuyến bay quân sự ở đây mà không đưa về sân bay quân sự Biên Hòa gần đó (cũng rất ít hoạt động) là một “chiến lược giữ đất” TSN mà thôi.

Đất sân bay TSN là của nhà nước, việc 10 năm qua để sân bay quá tải vì không có những bãi trống rải bê tông trong khi có đất làm sân golf, nhà hàng, khách sạn… phục vụ cá nhân phải chăng vì VN là một đất nước vô chủ?

N.Đ.A.

Bài đã đăng trên Việt Nam Thời Báo ngày 14.1.2017

Tác gải gửi BVN

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.