Sân bay Tân Sơn Nhất “vỡ trận”, ai đang làm chủ Việt Nam?

Nguyễn Đình Ấm

Hôm 24/12/2016, báo chí đồng loạt đưa thông tin “sét đánh” đối với các hãng hàng không Việt Nam (HKVN): “Phải nghiên cứu báo cáo với nhà chức trách HKVN (Cục HKVN) phương án chuyển các máy bay đỗ lại ban đêm ở Tân Sơn Nhất (TSN) về sân bay Cần Thơ vào ngày 30/1/2017”.

Ai có chút hiểu biết về ngành HKVN sẽ thấy, đây là một đòn trí mạng chưa từng có giáng vào các hãng hàng không (HK) vì phải đối mặt với nguy cơ không an toàn, thiệt hại kinh tế vô cùng lớn, ô nhiễm môi trường, giảm khả năng cạnh tranh với các đối tác nước ngoài.

Sân bay Cần Thơ tuy chỉ cách Tân Sơn Nhất hơn 100 km nhưng là quãng đường rất nguy hiểm do máy bay phải thực hiện thêm bốn lần hạ, cất cánh vô ích. Với máy bay cỡ A320 thì vừa cất cánh lại chuẩn bị hạ cánh. Hoạt động hàng không khó nhất là ở công đoạn hạ, cất cánh, hầu hết tai nạn, hư hỏng ngốn xăng dầu, tạo ra tiếng ồn lớn nhất, gây ô nhiễm là ở giai đọan này. Một máy bay thương mại phải khai thác liên tục để tăng hiệu quả và trơn tru trang thiết bị, tăng an toàn. Khi chuyến bay hạ cánh là lập tức công nhân phải dọn dẹp vệ sinh, thay bố lót ghế, hút bụi, tẩy trùng, nhân viên kỹ thuật kiểm tra, bảo dưỡng, nạp nhiên liệu… để thực hiện chuyến bay kế tiếp. Vậy máy bay đỗ ở Cần Thơ thì nhân viên, dịch vụ kỹ thuật, trang thiết bị chuyên dùng ở đâu? Khi máy bay trở lại TSN thì về nguyên tắc vẫn phải kiểm tra, chăm sóc kỹ thuật, kiểm tra an ninh sau chuyến bay… Nói chung là cực kỳ phức tạp, tốn kém mà không có nước nào làm như vậy.

Thiệt hại quá lớn về kinh tế, thời gian, các hãng HKVN sẽ càng yếu thế trong việc cạnh tranh khốc liệt với các hãng nước ngoài bay cùng đường bay với mình – Một rắc rối quá vô lý với các hãng HKVN mà họ không thể tránh khỏi vì TSN đã quá tải sân đỗ. Dù không có trách nhiệm bao nhiêu trong việc TSN bị tắc nghẽn khai thác một cách oan ức nhưng cứ nghĩ đến điều này là tôi cảm thấy bực bội và nhục nhã vì sự thiệt hại cho các hãng HKVN quá phi lý.

TSN là một cảng hàng không, cửa ngõ lớn nhất VN, hơn 60% khách đầu tư, du lịch, thương mại, giao lưu… trong nước và quốc tế thông qua cảng hàng không này.

Thế nhưng, với diện tích hiện tại 1.150 ha, ngang cảng HK Check Lap Kok của Hongkong (1.200 ha) trong khi Check Lap Kok đang khai thác 45 triệu khách/năm và có thể đáp ứng mọi nhu cầu thị trường (70-80 triệu khách/năm) thì từ 10 năm trở lại đây TSN luôn hoạt động trong cảnh khốn quẫn do thiếu các công trình hạ tầng như sân đỗ máy bay, chỗ đỗ xe ô tô… Không thể tính hết đã có bao nhiêu chuyến bay phải bay vòng vèo trên không chờ chỗ đỗ gây uy hiếp an toàn tốn nhiên liệu, ô nhiễm môi trường. Đã có bao nhiêu hãng HK nước ngoài muốn transit hoặc lập căn cứ trung chuyển ở đây nhưng phải từ bỏ?

Vì đâu?

Đó là do một số đại gia, lãnh đạo của quân đội coi sân bay Tân Sơn Nhất là của họ, không cho phép dùng đất dự trữ, nhàn rỗi để mở rộng sân bay vì sự phát triển của đất nước. Trắng trợn hơn, họ còn dùng 157,6 ha đất vàng ở đây (nếu tính giá thị trường ở khu vực hiện nay 50 triệu đ/m2 thì 157,6 ha đất đó có giá trị 78.800 tỷ VNĐ) để làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư… kinh doanh như thách thức tất cả những ai có trách nhiệm với nước, với dân. Cũng không loại trừ khả năng họ cố ý bóp nghẹt sự phát triển sân bay TSN để buộc nhà nước phải sớm chuyển HK dân dụng về Long Thành, dành lại khu đất vàng này cho họ với lèo tèo vài chuyến bay quân sự nhưng chiếm cả hơn ngàn ha…

clip_image001

clip_image002

clip_image004

clip_image005

clip_image007

Model

clip_image010

Ngay từ cuối năm 2007, khi TSN quá tải sân đỗ, ngành HKVN đã đề nghị và được ông nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý ngành HK dân dụng quy hoạch sang phía quân sự 30 ha đất dự trữ (với bất cứ sân bay nào cũng phải có diện tích dự trữ để đáp ứng nhu cầu trăng trưởng hạ tầng và tĩnh không) để làm 30 chỗ đỗ máy bay, nhưng phía quân đội “không thỏa thuận”. Ông Dũng nhượng bộ rồi âm thầm cho phép quân đội lấy đất làm các công trình thương mại. Khi sự việc “rò rỉ”, các đại biểu Quốc hội chất vấn, ông thủ tướng và đại gia chủ đầu tư đưa ra lời hứa: “Nếu khi nào nhà nước cần lấy đất (157,6 ha) thì không phải bồi thường cho doanh nghiệp”!

Thật là một sự vô pháp luật, xúc phạm thô bạo đối với nhân dân!

Sao có thể đánh đổi được những đồng tiền đền bù với việc dùng tài sản quốc gia vào mục đích riêng và cản trở sự phát triển của đất nước? Lấy đất nhà nước phục vụ cá nhân sai pháp luật, đã không trả lại, mà còn tính đến chuyện đòi hay không đòi bồi thường! Sau khi bị dư luận, đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân thành phố HCM, nhân sĩ, trí thức phản đối, năm 2009 xuất hiện quyết định 1946/2009/TTg quy định quy hoạch sân golf đến năm 2020 của chính phủ trong đó khoản d, mục 2 (quan điểm) nói rõ dứt khoát: “không được xây dựng sân golf trên đất lúa, màu,… khu đô thị”, nhưng lại “gài” vào khoản c điểm 4 (tiêu chí xây dựng): “…Quy hoạch sân golf CHỦ YẾU ở vùng trung du, miền núi…”. Tức là vẫn có ngoại lệ, và cái ngoại lệ ấy là TSN, Gia Lâm – hai khu đất vàng trong trung tâm thành phố – và phần lớn đất dự trữ các sân bay này đã được “hy sinh quên mình” phục vụ một số đại gia, tướng, tá.

Đây là vụ sử dụng đất đai nhà nước sai mục đích gây tai họa cho đất nước. Nhưng tại sao sự phi lý ấy vẫn tồn tại? Vậy ở VN ai đang làm chủ? Đảng CS hay mấy đại gia trong lực lượng vũ trang?

N.Đ.A.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.